Chương 2: CƠ SỞ LÍ LUẬN
2.1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ THUẬT NGỮ VÀ THUẬT NGỮ PHỤ SẢN
2.1.6. Vấn đề chuẩn hoá thuật ngữ
2.1.6.1. Khái niệm chuẩn và chuẩn hoá thuật ngữ
Một trong những mục đích nghiên cứu của luận án là đề xuất định hướng chuẩn hoá thuật ngữ phụ sản tiếng Việt. Do đó, việc hiểu rõ khái niệm chuẩn hoá thuật ngữ là cần thiết. Trước hết, để hiểu thế nào là chuẩn hoá thuật ngữ, cần hiểu khái niệm chuẩn và chuẩn hoá trong ngôn ngữ.
Bàn về khái niệm chuẩn trong ngôn ngữ, các tác giả đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Tác giả Nguyễn Văn Khang tổng hợp các quan niệm về chuẩn như sau [49, tr.46]: 1) là kết quả của sự đánh giá, lựa chọn của cộng đồng
xã hội, được xã hội thừa nhận. Nói một cách khác, là tính qui ước xã hội; 2) phù hợp với qui luật nội tại của ngôn ngữ.
Tác giả Nguyễn Đức Tồn quan niệm “... một đơn vị ngôn ngữ thông thường (như: từ, ngữ, câu,v.v...) nói chung được coi là chuẩn khi nó được sử dụng (và được tạo ra) phù hợp với những gì đã được công nhận theo qui định hoặc theo thói quen xã hội. Rõ ràng, chuẩn của từ ngữ nói chung, chuẩn thuật ngữ nói riêng là sự đánh giá của con người, nó tồn tại trong nhận thức của cộng đồng, người sử dụng ngôn ngữ chứ không phải là một thực thể như đơn vị ngôn ngữ”[101, tr.369].
Gần đây, trong lĩnh vực ngôn ngữ, khái niệm chuẩn hoá ngôn ngữ thường xuyên được sử dụng. Vậy chuẩn hoá ngôn ngữ là gì?. Nếu theo cách giải thích của Hoàng Phê trong cuốn Từ điển tiếng Việt thì chuẩn hoá là “làm cho trở thành có chuẩn rõ ràng” và trong ngôn ngữ thì chuẩn hoá ngôn ngữ là “làm cho một đơn vị ngôn ngữ có phẩm chất của chuẩn” ([Dẫn theo [98, tr.1-10]). Tuy nhiên, Nguyễn Đức Tồn không đồng tình với cách giải thích của Hoàng Phê và tác giả đã đưa ra lập luận rằng “...người ta không thể gán ghép thuộc tính chuẩn vốn thuộc bình diện nhận thức của con người cho một đơn vị ngôn ngữ tồn tại khách quan với tư cách là bản thể. Người ta có thể qui định một đơn vị ngôn ngữ được sử dụng trong hoàn cảnh giao tiếp như thế nào đó là đúng chuẩn mà thôi” [98, tr.8]. Từ cách lập luận này, tác giả đưa ra quan điểm riêng của mình về chuẩn hoá ngôn ngữ như sau “...chuẩn của một đơn vị ngôn ngữ thông thường chính là một bộ tiêu chí qui định rõ ràng nó được sử dụng như thế nào và khi nào trong các hoàn cảnh giao tiếp”.
Từ quan niệm về chuẩn ngôn ngữ và chuẩn hoá ngôn ngữ đi vào vấn đề hẹp hơn có khái niệm chuẩn hoá thuật ngữ. Về vấn đề này, M.Cabre’
cho rằng “chuẩn hoá thuật ngữ là một quá trình đòi hỏi thực hiện các thao
tác như: thống nhất khái niệm và hệ thống khái niệm, định nghĩa thuật ngữ, giảm bớt hiện tượng đồng âm, loại bỏ hiện tượng đồng nghĩa, cố định việc gắn tên trong đó có cả vấn đề viết tắt, biểu tượng và việc tạo lập ra thuật ngữ mới” [121, tr.200]. Quan niệm về chuẩn hoá thuật ngữ của M.Carbe’
hướng tới những hành động cụ thể (việc cần phải làm) để làm cho thuật ngữ đạt chuẩn.
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, chuẩn hoá thuật ngữ là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhà chuyên môn, nhà thuật ngữ học và nhà ngôn ngữ học. Trong đó, các nhà chuyên môn có vai trò hết sức quan trọng như M.Teresa Cabre’ đã viết “công tác chuẩn hoá thuật ngữ không thể được tiến hành nếu như không có sự tham gia của các nhà chuyên môn vì họ là những người thực sự dùng sản phẩm cuối cùng” [121, tr.200]. Dựa trên những quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu về công tác chuẩn hoá ngôn ngữ nói chung, chuẩn hoá thuật ngữ nói riêng, trong phạm vi nghiên cứu của luận án này, chúng tôi xác định chuẩn hoá thuật ngữ phụ sản tiếng Việt là quá trình nghiên cứu chỉ ra những vấn đề còn tồn tại cần khắc phục của thuật ngữ, những nguyên nhân khiến thuật ngữ chưa đạt chuẩn và đưa ra biện pháp làm cho những thuật ngữ chưa đạt chuẩn có thể đạt chuẩn. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, những đề xuất chuẩn hoá thuật ngữ phụ sản của chúng tôi chỉ từ góc nhìn ngôn ngữ học với hi vọng rằng những vấn đề cũng như những đề xuất chuẩn hoá thuật ngữ phụ sản tiếng Việt mà chúng tôi đưa ra trong khuôn khổ của luận án này sẽ là tư liệu tham khảo hữu ích cho công tác chuẩn hoá hệ thuật ngữ nói chung ở cấp độ qui mô hơn với sự tham gia của ít nhất hai bên liên quan như đã đề cập ở trên, cụ thể đó là (1) nhà chuyên môn; (2) nhà thuật ngữ học.
2.1.6.2. Lí do chuẩn hoá thuật ngữ nói chung và thuật ngữ phụ sản nói riêng
Sự tiến bộ về khoa học, công nghệ và kinh tế của thế giới nói chung, của một quốc gia nói riêng phụ thuộc nhiều vào sự trao đổi thông tin. Quá trình trao đổi thông tin về các lĩnh vực khác nhau lại một phần phục thuộc và việc sử dụng hệ thống thuật ngữ thuộc các ngành khoa học khác nhau.
Nếu việc sử dụng thuật ngữ chuyên môn thiếu chính xác sẽ dẫn đến việc tiếp nhận thông tin một cách mơ hồ. Chúng ta đều biết, xã hội đang phát triển nhanh chóng về mọi mặt dẫn đến sự ra tăng về số lượng các thuật ngữ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Kết quả là ở một số chuyên ngành nhất định có thể gặp khó khăn trong việc đặt thuật ngữ mới và sẽ dẫn đến tình trạng các thuật ngữ chưa đạt chuẩn vẫn được sử dụng phổ biên. Do đó, chuẩn hoá thuật ngữ là việc làm thiết thực, cần theo lộ trình nhằm khắc phục tình trạng này.
Ngành y học nói chung và ngành phụ sản nói riêng đã trải qua quá trình phát triển lâu dài và đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, giao lưu, hội thảo quốc tế ngày càng mở rộng. Những hoạt động trao đổi thông tin phụ sản trên phạm vi quốc tế đã không những làm ra tăng số lượng thuật ngữ mà còn dẫn đến việc sử dụng các thuật ngữ không thống nhất trong chuyên ngành này. Trên thực tế, trong những năm gần đây để đáp ứng được nhu cầu trao đổi nghiên cứu trong lĩnh vực phụ sản đã có một số cuốn từ điển giải thích thuật ngữ phụ sản tiếng Việt đối chiếu với các ngôn ngữ khác ra đời. Tuy nhiên, một vấn đề vô cùng quan trọng là thực trạng thuật ngữ phụ sản được sử dụng hiện nay như thế nào vẫn chưa được bàn tới và vấn đề chuẩn hoá hệ thống thuật ngữ thuộc chuyên ngành này hiện cũng chưa được quan tâm nghiên cứu. Do vậy, cùng với việc xây dựng các thuật ngữ phụ sản mới góp phần phục vụ công tác nghiên cứu,
trao đổi các hoạt động phụ sản trong nước cũng như quốc tế, công tác chuẩn hoá thuật ngữ phụ sản tiếng Việt cần thực sự được quan tâm nghiên cứu.
Từ những quan niệm về chuẩn, chuẩn hoá, chuẩn hoá ngôn ngữ và chuẩn hoá thuật ngữ có thể thấy, công tác chuẩn hoá thuật ngữ được thực hiện nhằm mục đích hướng tới việc sử dụng đúng thuật ngữ trong giao tiếp chuyên môn dưới hình thức nói hay viết. Ngoài ra, chuẩn hoá thuật ngữ còn nhằm mục đích tiết kiệm ngôn ngữ, đảm bảo tính ngắn gọn, chính xác và phù hợp trong hệ thống.
2.1.6.3. Lí thuyết điển mẫu với vấn đề chuẩn hoá thuật ngữ
Như chúng ta đều biết, tồn tại trong thế giới khách quan là vô số các sự vật, hiện tượng nên cần phải có sự phân loại giữa chúng để phân biệt sự vật, hiện tượng này với sự vật, hiện tượng khác. Sự phân loại sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan (các nhà khoa học gọi đó là sự phạm trù hoá) đã có từ thời Hy Lạp cổ đại mà người đại diện là Aristotle. Aristotle cho rằng, mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan đều có những đặc điểm riêng và những đặc điểm chung. Căn cứ vào đặc điểm riêng và chung ấy, con người có những thao tác để qui chúng vào những phạm trù nhất định. Theo lí thuyết phân loại cổ điển, việc xác định một thành viên có phạm trù nào đó hay không phụ thuộc vào việc thành viên đó có đáp ứng được các điều kiện cần và đủ hay không, các thành viên trong nhóm có vị trí ngang nhau, không có thành viên nào nổi trội hơn thành viên nào và ranh giới giữa các thành viên là rõ ràng.
Trên thực tế, khó có thể xác định hết được các điều kiện cần và đủ để xác định một phạm trù do có nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng xác định được ranh giới rõ ràng giữa các thành
viên. Ví dụ, với phạm trù chim thì loài chim Robin hay chim sẻ thuộc phạm trù này là hoàn toàn rõ ràng nhưng đối với các loài động vật như chim cánh cụt hay đà điểu thì không bay có thuộc phạm trù chim hay không lại không rõ ràng. Những tranh luận đối với quan niệm phân loại truyền thống như vậy là cơ sở cho sự ra đời của một lí thuyết phân loại (phạm trù hoá) mới mà hiện nay trong giới nghiên cứu gọi là lí thuyết điển mẫu (prototype theory).
Cốt lõi của lí thuyết điển mẫu là vấn đề phạm trù hoá. Wittgenstein với những công trình nghiên cứu vào những năm 1950 là khởi nguồn cho sự ra đời của lí thuyết điển mẫu và sau này lí thuyết này được Rosch phát triển bằng một loạt các công trình nghiên cứu vào thập niên 70 của thế kỉ XX. Theo lí thuyết điển mẫu, trong một nhóm có một số thành viên được coi là điển hình hơn các thành viên khác và được gọi là điển mẫu của nhóm hay điển dạng. Mỗi điển mẫu của nhóm được xem là một ví dụ tốt của nhóm (a good examples). Điển mẫu của nhóm có nhiều đặc tính chung của nhóm và có ít hơn các đặc tính chung của nhóm được xem làm không điển hình hay các ví dụ tồi của nhóm (bad examples). Như vậy, giữa các thành viên điển hình và không điển hình còn tồn tại các thành viên ở vị trí “biên”
khi khó xác định được chúng thuộc nhóm nào. Khác với quan niệm phân loại truyền thống như đã trình bày ở trên, theo lí thuyết điển mẫu, việc xác định xem một thành viên có thuộc nhóm này hay không phụ thuộc vào mức độ truyền thống vị trí của các thành viên trong nhóm là ngang nhau thì trong phân loại theo lí thuyết điển mẫu có hiện tượng thứ bậc giữa các thành viên, đó là mức độ gần hay xa điển mẫu của các thành viên. Trong hệ thống thứ bậc của nhóm có thể dễ dàng nhận thấy trật tự: các thành viên điển hình (điển mẫu/ điển dạng), thành viên gần điển mẫu và thành viên xa điển mẫu.
Từ những nghiên cứu của Rosch, đến nay, lí thuyết điển mẫu được nhiều nhà nghiên cứu vận dụng trong các công trình nghiên cứu về thuật ngữ thuộc các chuyên ngành khác nhau trong tiếng Việt, các tác giả đã vận dụng lí thuyết điển mẫu vào việc chuẩn hoá thuật ngữ chuyên ngành, trong đó người khởi xướng cho vấn đề này là tác giả Nguyễn Đức Tồn. Theo tác giả Nguyễn Đức Tồn “Áp dụng vào nghiên cứu chuẩn hoá thuật ngữ thì, theo lí thuyết điển mẫu, trong một hệ thống thuật ngữ sẽ có những thuật ngữ là điển mẫu, nghĩa là nó mang/ đáp ứng đủ tất cả các tiêu chuẩn, các đặc điểm, phẩm chất cần và đủ cả về nội dung lẫn hình thức của một thuật ngữ và có những thuật ngữ chỉ đáp ứng được một số tiêu chuẩn nhất định, và nằm ở biên của hệ thống thuật ngữ. Do vậy, việc chuẩn hoá thuật ngữ chỉ đặt ra với các thuật ngữ thuộc biên, nằm xa điển mẫu mà thôi” [98, tr.7].
Trong luận án này, chúng tôi vận dụng lí thuyết điển mẫu vào việc lựa chọn các thuật ngữ đáp ứng các tiêu chuẩn phải có và cần có của thuật ngữ mà chúng tôi đã xác định trong chương một để tạo cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích đặc điểm cấu tạo và định danh của hệ thuật ngữ này.
Cũng trong quá trình tuyển chọn thuật ngữ như vậy, chúng tôi nhận diện được các thuật ngữ nằm ở vị trí biên tức là các thuật ngữ chưa đạt chuẩn theo yêu cầu (nằm xa điển mẫu) cần phải chuẩn hoá.