Chương 4: ĐỐI CHIẾU PHƯƠNG THỨC TẠO LẬP VÀ ĐẶC ĐIỂM ĐỊNH DANH TNPS TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
4.4. MỘT SỐ Ý KIẾN CHUẨN HOÁ THUẬT NGỮ PHỤ SẢN TIẾNG VIỆT VỀ MẶT PHƯƠNG THỨC TẠO LẬP VÀ ĐỊNH DANH
Dựa vào kết quả khảo sát, nghiên cứu phương thức tạo lập và định danh của hệ thuật ngữ phụ sản trong tiếng Anh và tiếng Việt, trên cơ sở lí thuyết chuẩn hoá, lí thuyết điển mẫu đã đề cập ở chương 2, chúng tôi xin đề xuất một số phương hướng cụ thể để xây dựng và chuẩn hoá hệ thuật ngữ phụ sản tiếng Việt về mặt phương thức tạo lập và định danh như sau:
Áp dụng lí thuyết điển mẫu để chuẩn hoá những thuật ngữ phụ sản xa điển mẫu, tức là những thuật ngữ không thoả mãn đầy đủ tiêu chuẩn cần và đủ của thuật ngữ phụ sản là tính chính xác, hệ thống, ngắn gọn và tính quốc tế. Cụ thể là trên phương diện định danh, những đặc trưng không cơ bản, không quan trọng với nội hàm khái niệm của thuật ngữ thì không nên đưa vào hình thái bên trong của thuật ngữ để tránh cho những thuật ngữ mang tính chất miêu tả, dài dòng.
Khi lựa chọn đặc điểm định danh để cấu tạo thuật ngữ phụ sản, cần phải lựa chọn những đặc trưng có giá trị khu biệt cao. Chẳng hạn đặc trưng về chuyên môn: bác sĩ điều trị sản khoa rút gọn thành bác sĩ sản; đặc trưng về tính chất thời gian: ca đẻ non tháng rút gọn thành đẻ non; đặc trưng về tính chất – mức độ:
tăng tiết sữa rút gọn thành cường sữa; đặc trưng về tính chất – chu kì: kinh nguyệt bình thường nên rút thành kinh nguyệt đều, v.v...
Về phương thức tạo lập, ngành phụ sản là ngành chuyên môn có tính khoa học và quốc tế cao, hiện nay việc hội nhập, các chương trình hội thảo, nghiên cứu khoa học quốc tế ngày càng nhiều, do vậy lượng thuật ngữ phụ sản được tạo lập bằng phương thức vay mượn, nhất là vay mượn từ ngôn ngữ Ấn Âu, ngày càng nhiều. Đối với những thuật ngữ phụ sản vay mượn từ ngôn ngữ Ấn Âu, trong đó có tiếng Anh, nên giữ nguyên dạng. Ví du: triple test, Down, forceps, kovac, v.v...
Cần rà soát lại tất cả các thuật ngữ có trong các từ điển, các giáo trình tài liệu về phụ sản đã và đang được sử dụng, lập danh sách các thuật ngữ cần được chuẩn hoá để tiến hành chuẩn hoá chúng theo phương hướng đã được kiến nghị trên đây.
4.5. TIỂU KẾT CHƯƠNG 4
Trong chương 4, luận án đã phân tích đặc điểm định danh của hệ thuật ngữ phụ sản trong tiếng Anh trong sự đối chiếu với các thuật ngữ tương đương của chúng trong tiếng Việt. Có thể rút ra một vài nhận xét sau đây:
1. Định danh là cách đặt tên cho một sự vật, hiện tượng. Khi định danh người ta chỉ chọn những đặc trưng tiêu biểu trong số rất nhiều đặc trưng của một sự vật. Tuy nhiên, khi định danh những đối tượng có chung những thuộc tính cơ bản nào đó trong bản chất của chúng, chỉ khác nhau ở những thuộc tính không căn bản, thì để làm cơ sở cho tên gọi, người ta sẽ không chọn những đặc trưng cơ bản mà phải chọn đến loại đặc trưng không cơ bản. Lý do là ở chỗ, tuy không phải là thuộc tính cơ bản nhưng chúng lại có giá trị khu biệt cao.
2. Đặc điểm định danh của các thuật ngữ trong lĩnh vực phụ sản cũn tuân theo nguyên tắc như vậy. Hệ thuật ngữ phụ sản có thể được chia làm hai loại, đó là những thuật ngữ có tên gọi trực tiếp và những thuật ngữ có tên gọi gián tiếp (kết quả thuật ngữ hoá từ ngữ thông thường) của khái niệm, đối tượng trong lĩnh vực phụ sản.
Xét về mặt nội dung biểu đạt, thuật ngữ phụ sản tiếng Anh và tiếng Việt có hai loại. Các thuật ngữ loại một chỉ bao gồm một thuật tố cấu tạo nên, mang ý nghĩa khái quát và chỉ loại. Các thuật ngữ này dùng để định danh các khái niệm cơ bản thuộc về các nhóm ngành trong lĩnh vực phụ sản. Theo
thống kê của chúng tôi, trong tiếng Anh có 524 thuật ngữ loại này, chiếm 47,63%, trong tiếng Việt có 47 thuật ngữ, chiếm 4,28%.
Loại thứ hai được tạo ra trên cơ sở thuật ngữ loại một kết hợp với các từ ngữ mô tả đặc điểm, tính chất, thuộc tính, của những sự vật, hiện tượng...
thuộc các nhóm ngành trong lĩnh vực phụ sản, Theo thống kê của chúng tôi, trong tiếng Anh có 467 thuật ngữ, chiếm 42,45%, trong tiếng Việt có 1053 thuật ngữ, chiếm 95,72%. Đây là thuật ngữ bao gồm từ hai thuật tố trở lên, ý nghĩa của chúng có mức độ khái quát thấp hơn, mức độ cụ thể hoá lại cao hơn loại thuật ngữ thứ nhất và có vai trò phân loại, phân nghĩa loại thuật ngữ thứ nhất.
3. Kết quả nghiên cứu thuật ngữ phụ sản trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt về phương thức định danh cũng phù hợp với qui luật chung định danh một phạm vi thế giới khách quan là định danh trực tiếp. Hiện tượng định danh gián tiếp bao giờ cũng chiếm một số lượng nhỏ hơn tên gọi vay mượn trong mỗi ngôn ngữ. Do đặc điểm loại hình, thuật ngữ phụ sản tiếng Anh có tính chất từ vị hơn, còn thuật ngữ phụ sản tiếng Việt có tính chất ngữ pháp hơn.
Trên cơ sở phân tích đặc điểm định danh và phương thức tạo lập thuật ngữ phụ sản trong hai ngôn ngữ, trong chương này, chúng tôi cũng đã đưa ra một số kiến nghị về chuẩn hóa thuật ngữ phụ sản trong tiếng Việt từ phương diện tạo lập và định danh.