Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.3. Nội dung giáo dục kỹ năng sống trong trường THCS
1.3.2. Một số đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh THCS
HS THCS là HS từ lớp 6 đến lớp 9, tuổi từ 11 đến 15. Lứa tuổi này chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển tâm lý trẻ em. Sự phát triển của các em được phản ảnh bằng các tên gọi khác nhau: thời kỳ quá độ, tuổi khó khăn, tuổi khủng hoảng, tuổi bất trị, khủng hoảng tuổi dậy thì…[28]. Đây là thời kỳ quá độ từ trẻ con sang người lớn và giai đoạn này tạo nên sự phát triển đặc thù về mọi mặt: phát triển thể chất, trí lực, đạo đức, xã hội…
Yếu tố đầu tiên của sự phát triển nhân cách ở lứa tuổi này là tính tích cực xã hội nhằm lĩnh hội những chuẩn mực, giá trị nhất định để xây dựng những mối quan hệ thỏa đáng với mọi người xung quanh, với bạn bè và cuối cùng là hướng vào bản thân mình.
Quá trình hình thành cái mới thường được kéo dài và phụ thuộc vào nhiều điều kiện do đó, nó diễn ra không đồng đều về mọi mặt. Chính điều này quyết định sự tồn tại song song vừa tính trẻ con, vừa tính người lớn ở lứa tuổi này.
* Đặc điểm về giải phẫu sinh lý
Sự phát triển cơ thể diễn ra mạnh mẽ: sự hoạt động tổng hợp của các tuyến nội tiết quan trọng như tuyến yên, tuyến giáp trạng, tuyến sinh dục và tuyến thượng thận đã tạo ra nhiều thay đổi trong cơ thể trẻ, trong đó rõ ràng nhất là sự nhảy vọt về chiều cao và sự phát dục. Tuy vậy, sự phát triển cơ thể
của thiếu niên diễn ra không cân đối. Vì vậy, thiếu niên thường có những cử động lúng túng, vụng về.
Đặc biệt, hiện tượng dậy thì khiến thiếu niên cảm thấy mình đã trở thành người lớn một cách khách quan và sự thay đổi về mặt sinh lý này cũng góp phần tạo nên nguồn gốc làm nảy sinh ở thiếu niên cảm giác về “tính người lớn” của mình. Sự phát dục đem lại một điều gì đó mới mẻ, bỡ ngỡ trong đời sống của các em, khiến các em có những cảm xúc và ý nghĩ mới…
mà thường chính các em cũng chưa ý thức được. Sự phát dục kích thích các em quan tâm tới người khác giới, làm xuất hiện những cảm giác, những rung cảm mới, nhất là những rung cảm giới tính.
* Đặc điểm giao tiếp.
Ở lứa tuổi này, hoạt động giao tiếp có một ý nghĩa lớn đối với sự phát triển nhân cách của thiếu niên. Bằng hoạt động giao tiếp, các em lĩnh hội được các chuẩn mực đạo đức, lối sống, đồng thời các em nhận thức được người khác và bản thân mình. Nhờ vậy mà đời sống tình cảm của HS THCS ngày càng phong phú và tinh tế hơn.
Đặc biệt, ở lứa tuổi HS THCS, hoạt động giao tiếp giữa bạn bè cùng lứa tuổi phát triển mạnh. Bởi qua giao tiếp với bạn bè, thiếu niên tìm thấy sự bình đẳng, tôn trọng nhau. Đó cũng là cơ sở để hình thành tình bạn. Ở lứa tuổi này tình bạn là sự trung thực, hồn nhiên, trong sáng. Từ quan hệ rộng rãi, thiếu bền vững, càng lên lớp trên HS THCS càng có ý thức về tình bạn, có sự lựa chọn bạn bè theo nhận thức và tình cảm riêng của mình, đó cũng chính là cơ sở của tình bạn lâu dài, bền vững.
Một nét tâm lý đáng chú ý ở lứa tuổi này là quan hệ giao tiếp giữa nam và nữ đã thể hiện màu sắc của giới tính, giữa bạn nam và bạn nữ không còn hồn nhiên như ở tiểu học mà đã xuất hiện rào cản tâm lý nhất định.
* Đặc điểm nhận thức và hoạt động học tập.
Nếu ở tiểu học, nhận thức của HS là nhận thức cảm tình, bước đầu có tư duy khoa học (tư duy lý luận) thì ở THCS, các em hình thành nhận thức lý tính (dựa trên tư duy khoa học hay còn gọi là tư duy lý luận) theo logic của đối tượng từng môn học.
Bên cạnh hoạt động giao lưu bè bạn, hoạt động học tập vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tuy vậy, nội dung học tập ở tuổi này khác xa với độ tuổi trước.
Trong lứa tuổi này việc tiếp thu kiến thức có thể vượt ra khỏi phạm vi nhà trường. Trẻ mở rộng phạm vi hoạt động, tham gia vào nhiều lĩnh vực cũng như nhóm bạn khác nhau, tiếp xúc với CNTT...chính vì vậy hiểu biết của các em gia tăng nhanh chóng.
Cách thức dạy học ở THCS cũng khác so với dạy học ở tiểu học. Thay vì một GV dạy hầu hết các môn học ở tiểu học, ở THCS mỗi GV chỉ dạy từ một đến hai môn. Mỗi GV với chuyên môn riêng, trình độ riêng, phong cách dạy học riêng, cách giao tiếp riêng…đã ảnh hưởng đến môi trường nhận thức ổn định của HS.
* Đặc điểm nhân cách.
Nhân cách của HS THCS là nhân cách đang hình thành trên cơ sở những nét tâm lý của nhân cách đã hình thành ở giai đoạn trước.
Do sự phát triển mạnh mẽ của cơ thể, của trí tuệ và đặc biệt do sự phát triển của các mối quan hệ xã hội và sự giao tiếp trong tập thể mà ở HS THCS đã xuất hiện nhu cầu quan tâm đến nội tâm của mình, đến những phẩm chất nhân cách riêng, xuất hiện nhu cầu tự đánh giá, so sánh mình với người khác.
Sự phát triển tự ý thức của HS THCS có ý nghĩa lớn lao ở chỗ, nó thúc đẩy các em bước vào một giai đoạn mới. Kể từ tuổi thiếu niên trở đi, khả năng tự giáo dục của các em được phát triển, các em không chỉ là khách thể của sự giáo dục mà còn đồng thời là chủ thể của sự giáo dục.
Đời sống tình cảm của HS THCS phong phú và phức tạp hơn các em HS tiểu học. Đặc điểm nổi bật ở lứa tuổi này là dễ xúc động, tình cảm dễ chuyển hóa (vui, buồn) dễ thay đổi, đôi khi còn mâu thuẫn. Nhìn chung, tình cảm của các em còn mang tính chất bồng bột, sôi nổi, hăng say, dễ bị kích động.
Dấu ấn đặc biệt trong đời sống tình cảm của HS THCS là ở các em đã xuất hiện tình bạn khác giới, những rung cảm đầu đời của tình yêu. Điều đáng chú ý là tình cảm của HS THCS đã bắt đầu được hình thành trên cơ sở lý trí, có lý trí chi phối. Trong đời sống tình cảm của các em thì tình cảm đạo đức, tình cảm bạn bè phát triển mạnh. KNS của các em tăng lên, tính bột phát trong tình cảm giảm dần và nhường chỗ cho tình cảm có ý thức phát triển.