Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PHÚC LỢI, QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
3.2. Biện pháp quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
3.2.5. Biện pháp 5: Chỉ đạo thực hiện việc kết hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội trong việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh
a. Mục tiêu
Trong quá trình phát triển nhân cách toàn diện cho học sinh không thể thiếu sự kết hợp giáo dục giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Mục tiêu của biện pháp này là phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhà trường - gia đình - xã hội, cộng đồng trách nhiệm chăm lo giáo dục KNS cho HS và phát huy những tiềm năng phong phú của toàn xã hội (về vật chất cũng như tinh thần), tham gia vào công tác giáo dục thế hệ trẻ. Tạo ra sự thống nhất thực hiện mục tiêu giáo dục và xây dựng môi trường trong sạch, lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
b. Nội dung
Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội đối với việc chăm sóc giáo dục HS là một nguyên tắc cơ bản nếu muốn có sự thành công. Sự phối hợp chặt chẽ ba môi trường giáo dục trên, trước là để đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức cũng như hoạt động giáo dục cùng một hướng, một mục đích, một tác động tổ hợp, đồng tâm tạo sức mạnh kích thích, thúc đẩy quá trình phát triển nhân cách của HS, tránh sự tách rời mâu thuẫn, bài xích lẫn nhau gây cho các em tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, dao động trong việc lựa chọn, định hướng các giá trị tốt đẹp của nhân cách. Sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Vấn đề cơ bản hàng đầu là tất cả các lực lượng giáo dục phải phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động tạo ra những mối quan hệ phối hợp vì mục tiêu giáo dục đào tạo thế hệ trẻ thành những người công dân hữu ích cho đất nước.
c. Cách thức tiến hành
* Đối với Phụ huynh:
- Thiết lập và duy trì mối liên hệ với GVCN, GV bộ môn qua gặp gỡ trực tiếp, gọi điện thoại, thông qua sổ liên lạc điện tử hay các kỹ họp PHHS.
- Thường xuyên bắt tình hình học tập, rèn luyện của con ở trường, lớp đồng thời cung cấp thông tin của con cho GVCN.
- Tham gia đầy đủ các cuộc họp phụ huynh, các hoạt động khác theo yêu cầu của trường, lớp.
- Nắm bắt thông tin và luôn giữ liên lạc với các phụ huynh khác, cán sự lớp và bạn bè thân thiết của con.
Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách.
Chính Bác Hồ, vào năm 1963, đã nêu: “Gia đình, nhà trường và xã hội là phương châm, phương tiện và phương pháp giáo dục, nếu không kết hợp được thì không đạt được kết quả”. Vì thế, các bậc cha mẹ phải có phương pháp giáo dục phù hợp với con em mình, có thái độ nghiêm khắc nhưng cũng phải tôn trọng nhân cách của con và phải làm gương cho con về mọi mặt.
Trong năm học, giáo viên cần chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và địa phương để quản lý tốt quá trình học tập rèn luyện của học sinh.
* Đối với Nhà trường:
- Thông tin cho Phụ huynh biết về các hoạt động giáo dục của Nhà trường.
- Giám sát GV, HS trong việc dạy và học, cử GV hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
- Định hướng nội dung các kỳ họp phụ huynh, cần có nhiều nội dung trao đổi khác như: phương pháp giáo dục con, cách thức giao tiếp với con…
- Tổ chức các buổi truyền thông đến cha mẹ HS về nội dung giáo dục.
* Đối với chính quyền địa phương và các tổ chức ngoài nhà trường
- Nhà trường cần chủ động phối hợp và liên hệ chặt chẽ với các ban ngành chức năng như công an, y tế cùng với các cơ quan, đoàn thể khác đóng trên địa bàn để giáo dục các em. Cùng với nhà trường thực hiện các chuyên đề
giáo dục như: giáo dục pháp luật, an toàn giao thông, thông tin về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục môi trường, bảo vệ rừng, giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử địa phương…
- Xây dựng cam kết phối hợp với chính quyền địa phương ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường; cam kết phối hợp giải quyết các sự vụ gây mất an ninh nhà trường.
d. Điều kiện thực hiện
- Để thiết lập, duy trì và tăng cường mối liên hệ của Gia đình, Nhà trường, Xã hội được tốt thì vai trò của Gia đình là vô cùng quan trọng. Các bậc cha mẹ cần chủ động xây dựng mối liên hệ và thường xuyên duy trì các mối liên lạc thì việc hỗ trợ con học tập và rèn luyện mới đạt hiệu quả
- Cha mẹ thường xuyên nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện ở trường, lớp của con; trên cơ sở đó hỗ trợ con em phát huy các điểm tốt hoặc kịp thời ngăn chặn,điều chỉnh, sửa chữa các điểm hạn chế trong học tập và rèn luyện.
- Thầy cô giáo cần hiểu biết về học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp, toàn diện và có định hướng đúng để quan tâm giúp đỡ được nhiều hơn đối với từng em trong từng hoàn cảnh khác nhau.
- Cộng đồng xã hội tích cực hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi cho nhà trường, gia đình, giúp đỡ các em học tập và rèn luyện.
Việc phối hợp giữa nhà trường – gia đình và xã hội trong việc giáo dục KNS cho HS giai đoạn hiện nay là quá trình đòi hỏi nhiều công sức, tâm huyết và thời gian của nhà quản lý. Quá trình phối hợp này nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, phát huy tối đa những ảnh hưởng tích
cực, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.