Chương 3. BIỆN PHÁP QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ PHÚC LỢI, QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
3.2. Biện pháp quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội
3.2.3. Biện pháp 3: Chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục kỹ năng sống thông qua các hoạt động dạy học và giáo dục
a. Mục tiêu
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật và lễ phép trong cư xử giao tiếp giữa học sinh với giáo viên, học sinh với học sinh. Củng cố xây dựng nề nếp học sinh trong nhà trường, xây dựng lối sống đẹp và phong trào thi đua
“Dạy tốt, học tốt”. Giáo dục kĩ năng sống, giá trị sống cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, tập thể.
Chỉ đạo GV tích hợp giáo dục KNS vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa để nâng cao chất lượng giáo dục KNS cho HS.
b. Nội dung
Theo chương trình đổi mới giáo dục, thì dạy học tích hợp là một trong những phương pháp dạy học tích cực và hiệu quả. Giáo viên giảng dạy theo hướng tích cực cần xác định nội dung, địa chỉ tích hợp và các kỹ năng cần tích hợp. Tùy đặc thù của từng bộ môn mà tích hợp nhiều nội dung như: giáo dục môi trường, giáo dục sức khỏe sinh sản, phòng chống tham nhũng, giáo dục pháp luật…
Trọng tâm của giáo dục đạo đức ở nhà trường là hướng đến mục tiêu làm cho học sinh biết tự giáo dục, tự điều chỉnh hành vi, cách ứng xử sao cho phù hợp.
Làm chủ được cuộc sống, nhận biết để tự giác tham gia phòng, chống các tệ nạn xã hội, không có hành vi gây mất trật tự an toàn xã hội, …
Học sinh ý thức được là cần phải học tập, từ đó chủ động tìm phương pháp học tập sao cho đạt hiệu quả tốt
Học sinh có được những hiểu biết cơ bản về kỹ năng chung sống trong cộng đồng, có được thông tin đúng và đầy đủ, tự mình nhận biết mình, hiểu biết về giới tính, hiểu biết tài chính, có được đức tính thực tế, có tinh thần trách nhiệm và tạo được những sức bật trong học tập và vốn sống.
Học sinh được giáo dục kiến thức sức khỏe sinh sản vị thành niên thông qua ngoại khóa, sinh hoạt tập thể do Đoàn TN tổ chức thực hiện.
Quy tắc ứng xử văn hoá trong học đường: giữa trò với trò, giữa trò với thày, cô giáo,…
Tự giác thực hiện nội quy của học sinh
Biết trân trọng lẽ phải, đấu tranh bảo vệ cái đúng, phê phán những suy nghĩ, việc làm sai trái một cách hợp lý.
c. Cách thức tiến hành
Chỉ đạo các tổ chuyên môn rà soát chương trình, lồng ghép các nội dung giáo dục KNS vào các bài giảng phù hợp; lập thành kế hoạch giáo dục KNS cụ thể theo chương, phần, bài có khả năng tích hợp.
Kế hoạch này cần được thống nhất trong tổ, nhóm chuyên môn và được sự kiểm tra của Ban chỉ đạo giáo dục KNS từ đầu năm học. Trong đó, các KNS được đưa vào như là một nội dung cơ bản của các môn học cần truyền đạt đến HS, cần dành một lượng thời gian nhất định trong các tiết dạy để trao đổi với HS những KNS có liên quan đến nội dung bài học.
Tổ chức giờ dạy mẫu có nội dung tích hợp giáo dục KNS để các GV có thể học hỏi, trao đổi lẫn nhau; tạo động lực thúc đẩy GV dạy các môn học phải tích cực tìm hiểu những KNS có liên quan đến chuyên môn dạy của mình.
Có thể tổ chức các chương trình ngoại khóa các môn học như tổ chức các buổi hội vui học tập, tổ chức các câu lạc bộ… trong phạm vi lớp học, cả khối hoặc toàn trường.
Tăng cường mở các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho GV về phương pháp giảng dạy và giáo dục KNS cho HS.
Tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo về các chuyên đề giáo dục KNS cho HS trong trường để GV tham gia học tập kinh nghiệm và có cơ hội đề xuất các nội dung, phương pháp về giáo dục KNS phù hợp theo tình hình thực tế ở của nhà trường.
Ban giám hiệu nhà trường tăng cường chỉ đạo và giám sát GV thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục KNS cho HS trong tất cả các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp. Đề ra kế hoạch kiểm tra, đánh giá về phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong đó trọng tâm về đánh giá công tác giáo dục KNS cho HS.
Để tổ chức có hiệu quả quá trình giáo dục đạo đức cho HS trong nhà trường phổ thông thì phương pháp giảng dạy vô cùng quan trọng nhằm hình thành nhân cách cho học sinh. Trong giai đoạn hiện nay giáo dục đạo đức được quy định là lồng ghép vào các môn học như Văn học, Lịch sử, Địa lý…
Tuy nhiên trong tình hình thực tế hiện nay cần có thời gian giáo dục đạo đức nhiều hơn, có tiết dành riêng cho học sinh để giáo dục đạo đức.
d. Điều kiện thực hiện
Có sự phối hợp đồng bộ giữa GVCN, tổng phụ trách Đội, GV dạy môn bộ môn thể hiện bằng việc tham gia đầy đủ, nhiệt tình thực hành thông qua các tiết dạy, các buổi sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ…
Nhấn mạnh vai trò của GVCN trong việc đoàn kết, thống nhất và chỉ đạo thực hiện mọi hoạt động của lớp, chịu trách nhiệm trước nhà trường về công tác quản lý lớp học, trong đó có việc rèn luyện ý thức đạo đức, nề nếp, nội dung kỷ luật và thực hiện nghiêm túc các hoạt động của nhà trường.
Để hoạt động tích hợp đạt hiệu quả, giáo viên dạy các bộ môn cần mềm dẻo, linh hoạt trong việc lựa chọn nội dung bài học và kỹ năng sống cần thiết để tích hợp. Trong giáo án, giáo viên cần thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể và chi tiết định hướng giảng dạy của mình từ mục tiêu giáo dục, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đến hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh. Nhờ đó giáo viên có thể làm chủ được quá trình truyền thụ tri thức và hạn chế thiếu sót trong quá trình giảng dạy. Trong khi thiết kế nội dung dạy học tích hợp kỹ năng sống, giáo viên cần thiết kế cụ thể các hoạt động mà bản thân dự kiến sẽ tổ chức và ước lượng thời gian tổ chức để tránh ảnh hưởng đến việc truyền thụ và lĩnh hội nội dung kiến thức của HS.
Sau mỗi bài học, giáo viên bộ môn tiến hành kiểm tra đánh giá người học theo mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng các kỹ năng đã được trang bị vào để giải quyết những tình huống cụ thể.
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa giáo viên bộ môn, và sự kiểm tra đánh giá của Ban giám hiệu nhà trường.