Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở

Một phần của tài liệu Quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội (Luận văn thạc sĩ) (Trang 37 - 40)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

1.3. Nội dung giáo dục kỹ năng sống trong trường THCS

1.3.4. Phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học cơ sở

* Phương pháp hợp tác theo nhóm

Trong dạy học hợp tác, GV tổ chức cho HS hoạt động cùng trao đổi, thảo luận để đưa ra suy nghĩ, quan điểm, quyết định và giải quyết một vấn đề nào đó trong những nhóm nhỏ để HS cùng thực hiện một nhiệm vụ nhất định trong một thời gian nhất định. Trong nhóm, dưới sự chỉ đạo của nhóm

trưởng, HS chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác cùng nhau để giải quyết nhiệm vụ được giao.

Phương pháp này giúp hình thành nhóm kỹ năng giao tiếp học tập trong nhóm; hình thành nhóm kỹ năng xây dựng và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau và giải quyết bất đồng.

* Phương pháp giải quyết vấn đề

Sự lĩnh hội tri thức của HS diễn ra thông qua việc tổ chức cho HS hoạt động nêu và giải quyết các vấn đề. Sau khi giải quyết vấn đề, HS sẽ thu nhận được kiến thức, kỹ năng mới hoặc thái độ tích cực. Dạy học nêu và giải quyết vấn đề tạo điều kiện cho HS phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, phát triển năng lực nhận thức, năng lực giải quyết vấn đề.

Phương pháp này giúp HS rèn luyện và phát triển các kỹ năng: Kỹ năng nhận biết và xác định vấn đề; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin; kỹ năng tư duy phê phán và tư duy sáng tạo; kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề.

* Phương pháp đóng vai

Là phương pháp tổ chức cho HS thực hành, “làm thử” một số cách ứng xử nào đó trong tình huống giả định. GV đặt ra một tình huống thật hoặc tưởng tượng trong đó có nhiều nhân vật hoặc nhiều vai khác nhau. HS được khuyến khích nghiên cứu những tình huống đó với các nhân vật khác nhau rồi ứng biến các phản ứng của nhân vật cho các bạn trong lớp cùng theo dõi.

Phương pháp này rèn luyện và phát triển tư duy sáng tạo; sự tự tin; khả năng lắng nghe tích cực, khích lệ sự thay đổi, thái độ, cảm xúc và hành vi của HS theo hướng tích cực; tạo điều kiện cho HS đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu được quan điểm của người khác; sự cảm thông; kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề; kỹ năng thương lượng hoặc kiên định tùy thuộc vào tình huống; kỹ năng quản lý thời gian.

* Phương pháp trò chơi

Là phương pháp tổ chức cho HS tìm hiểu một vấn đề hoặc thể hiện hành động. Trò chơi gồm nhiều loại, ví dụ: Đố ô chữ, lắp ghép nội dung, tìm hiểu điều bí ẩn, thi giữa các đội… trò chơi có thể điều chỉnh theo nội dung bài học và được sử dụng khi ôn tập, làm bài tập hay làm bài kiểm tra. Trò chơi có thể được sử dụng bởi cá nhân, trong nhóm nhỏ hay với cả lớp.

Phương pháp trò chơi giúp rèn luyện và phát triển kỹ năng đảm nhận trách nhiệm; sự bình tĩnh tự tin; kỹ năng tư duy sáng tạo.

* Phương pháp động não (công não)

Là phương pháp nhằm huy động những tư tưởng mới mẻ, độc đáo về một chủ đề của các thành viên trong thảo luận. Các thành viên được cổ vũ tham gia một cách tích cực, không hạn chế các ý tưởng nhằm tạo ra “cơn lốc”

các ý tưởng.

Phương pháp này giúp HS rèn luyện và phát triển kỹ năng tư duy phê phán và tư duy sáng tạo; kỹ năng tự tin và trình bày suy nghĩ ý tưởng; kỹ năng lắng nghe tích cực.

* Phương pháp nghiên cứu tình huống (nghiên cứu các trường hợp điển hình)

Nghiên cứu tình huống thường là một câu chuyện được viết nhằm tạo ra một tình huống “thật” để minh chứng một vấn đề hay loạt vấn đề. Đôi khi nghiên cứu tình huống có thể được thực hiện thông qua các đoạn phim mà không phải trên dạng chữ viết. Vì tình huống này được nêu lên nhằm phản ánh tính đa dạng của cuộc sống thực, nó phải tương đối phức tạp, với các dạng nhân vật và những tình huống khác nhau chứ không phải là một câu chuyện đơn giản.

* Phương pháp dự án

Phương pháp dự án được hiểu như là một phương pháp trong đó người học thực hiện một nhiệm vụ học tập phức hợp, có sự kết hợp giữa lý thuyết

với thực tiễn, thực hành. Nhiệm vụ này được người học thực hiện với tính tự lực cao trong toàn bộ quá trình học tập, từ việc xác định mục đích, lập kế hoạch, đến việc thực hiện dự án, kiểm tra, điều chỉnh, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện.

Một phần của tài liệu Quản lý giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trường THCS Phúc Lợi, quận Long Biên, thành phố Hà Nội (Luận văn thạc sĩ) (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)