Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.3. Xây dựng thương hiệu trường THCS
1.3.4. Quy trình xây dựng thương hiệu trường THCS
- Hình thành được mục tiêu và kế hoạch, cũng như xác định được cơ chế kiểm soát chiến lược xây dựng thương hiệu.
- Xác định rõ được sứ mạng của mình thì sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn so với những trường khác, nơi mà các thành viên không hiểu rõ lý do về sự hiện hữu của mình.
- Thiết kế và tạo dựng hệ thống nhận dạng thương hiệu như logo, biểu tượng, khẩu hiệu, phù hiệu và các yếu tố khác của thương hiệu đều phải được triển khai khoa học, có chiều sâu, có chiến lược và có sự mới lạ thì mới nhanh khắc sâu được hình ảnh thương hiệu nhà trường trong lòng mọi người
- Phân tích SWOT gồm điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), hiểu rõ những cơ hội (Opportunities) và nguy cơ, thách thức (Threats) thì việc xây dựng thương hiệu mới đúng hướng, có sự riêng biệt, đặc sắc, nổi trội để hấp dẫn mọi người.
- Các yếu tố khác như: kinh tế, chính trị, pháp luật, cơ chế chính sách, khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý, tài năng quản lý, lịch sử, địa lý, tâm lý,
trình độ dân trí,... đều có sự chi phối, tác động tới việc xây dựng và phát triển thương hiệu nhà trường.
Cụ thể như sau:
Bước 1: Xác định đối tượng phục vụ và chất lượng phục vụ ở mức độ nào Đối tượng phục vụ ở đây là học sinh THCS nhưng là học sinh ở vùng nào thành phố hay nông thôn, ở vùng dân trí cao hay thấp… từ chỗ xác định được đối tượng phục vụ sẽ đưa ra mũi nhọn thích hợp, trọng tâm công tác giáo dục là gì.
- Nhà trường cần phải biết định hướng những giá trị khoa học được xã hội chấp nhận, đòi hỏi tới các đối tượng cần quảng bá. Ví dụ, trường tiểu học A đưa đến phụ huynh thông tin: nhà trường không chỉ dạy văn hóa mà còn tích cực tổ chức cho học sinh vui chơi, vì vui chơi tập thể giúp học sinh tiểu học vận động cơ thể, phát triển ngôn ngữ, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, biết cách ứng xử và giải quyết các xung đột... Điều đó đã thuyết phục được nhiều bậc cha mẹ học sinh tin tưởng vào nhà trường.
Bước 2: Đánh giá thực tế của nhà trường: đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, đối tượng học sinh. Từ đó:
- Căn cứ vào thực tế nguồn nhân lực về chất lượng đội ngũ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng.
- Đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hoá.
- Từng bước khẳng định tên tuổi nhà trường qua kết học tập và rèn luyện cũng như tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường cấp 3 có uy tín.
Bước 3: Xây dụng chiến lược thương hiệu phát triển trong tương lai.
Sau khi xác định được thực tế các nguồn lực, cần xây dựng chiến lược thương hiệu trong dài hạn (3 năm trở lên) bao gồm:
- Mục tiêu của nhà trường trong từng năm
- Mức chi tiêu cho việc quảng cáo thương hiệu trong từng năm.
- Kế hoạch về chất lượng giáo dục theo từng năm...
Bước 4: Xây dựng chiến dịch quảng bá hình ảnh
- Sau khi đồng ý chiến lược về thương hiệu, người quản lý thương hiệu dựa trên ngân sách của năm thứ nhất để lên kế hoạch quảng bá cho cả năm.
- Kế hoạch bao gồm kinh phí và hình thức cũng như nội dung quảng cáo.
- Xác định vị trí của thương hiệu trong suy nghĩ của người tiêu dùng (người tiêu dùng sẽ nhớ gì về thương hiệu đó).
Công tác quảng bá thương hiệu phải giới thiệu được nhà trường ra công chúng một cách có chủ ý, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả và thuyết phục.
Bước 5: Phân tích kinh nghiệm thành công và thất bại của mô hình
“thương hiệu” mà mình lựa chọn. Sau mỗi giai đoạn, cần có sự phân tích thành công hay thất bại để có sự hiệu chỉnh kịp thời.
Các thông tin thường phải được thu thập bao gồm:
- Có bao nhiêu % người biết đến thương hiệu của trường?
- Khi nói đến ngôi trường đó họ đánh giá cao ở điểm nào?
- Họ có nhận xét chung về ngôi trường đó như thế nào?
- Có bao nhiêu % người muốn tiếp tục cho con, cháu khác của họ học ở ngôi trường đó ?
- Có bao nhiêu % người giới thiệu cho người khác về thương hiệu của nhà trường đó?
Một thương hiệu lâu bền và thành công đòi hỏi ở thành phần sáng lập những điều kiện, tư duy đặc biệt: có tài chính ban đầu dồi dào, vững chắc, có tinh thần phục vụ cộng đồng bất vụ lợi cao, sự gắn bó tâm huyết của người sáng lập và ban quản trị, ý chí sắt đá đảm bảo chất lượng trong mọi tình huống và nhất là tinh thần trách nhiệm của nhà nước đối với giáo dục, ngay cả ở cơ sở tư nhân.