Chương 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ
1.4. Quản lý xây dựng thương hiệu trường THCS
Khái niệm kế hoạch chiến lược
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm kế hoạch chiến lược Kế hoạch chiến lược: Là bản kế hoạch trong đó có những định hướng lớn, thể hiện hình ảnh hiện thực trong tương lai mà nhà trường mong muốn đạt tới và các giải pháp chiến lược để đạt đuợc trên cơ sở khả năng hiện tại, đảm bảo cho nhà trường có được sự phát triển vượt bậc.
Kế hoạch chiến lược thường xây dựng cho khoảng thời gian 5 năm,10 năm hoặc 20 năm.
Lập kế hoạch chiến lược:
Lập kế hoạch chiến lược là đưa ra những định hướng lớn, thể hiện hình ảnh hiện thực trong tương lai mà nhà trường mong muốn đạt tới và các giải pháp chiến lược để đạt đuợc trên cơ sở khả năng hiện tại.
Trong quá trình lập kế hoạch chiến lược, các câu hỏi cơ bản sau sẽ được trả lời: - Chúng ta đang ở đâu?
- Chúng ta sẽ đi tới đâu?
- Chúng ta sẽ làm gì, như thế nào và bằng gì để tới đó - Làm thế nào để biết chúng ta đi đúng hướng và tới đích?
Rà soát định kì hàng năm, điều chỉnh để có chất lượng ổn định và nâng cao bền vững.
Bán sát chiến lược phát triển để rà soát và điều chỉnh kịp thời.
Trong quá trình lập kế hoạch xây dựng thương hiệu nhà trường cần xác định rõ:
- Sứ mệnh: Khẳng định mục đích, lý do sự tồn tại của nhà trường; các lĩnh vực phục vụ ưu tiên và cách thức phục vụ nhà trường sẽ thực hiện để thỏa mãn nhu cầu giáo dục học sinh.
Tạo dựng được môi trường học tập lành mạnh- nề nếp- kỷ cương có chất lượng giáo dục ổn định để mỗi học sinh có cơ hội phát triển toàn diện.
- Các giá trị cơ bản của nhà trường:
Giá trị là điều mà nhà trường cam kết thực hiện cho các bên có liên quan, các nguyên tắc chỉ đạo hành vi của các thành viên trong nhà trường. Đó có thể là: sự tôn trọng, tính trung thực, lòng khoan dung, tinh thần trách nhiệm, sự hợp tác..
- Tầm nhìn: là ý tưởng về tương lai của nhà trường có thể đạt được, thể hiện mong muốn của nhà trường và cộng đồng. Tầm nhìn chỉ rõ quang cảnh hiện thực, tin cậy và hấp dẫn của tương lai. Tầm nhìn là mục tiêu vẫy gọi, nó chỉ ra cầu nối từ hiện tại đến tương lai.
Ví dụ: Học sinh toàn trường sẽ trở thành những cá nhân có tư duy độc lập, tham gia tích cực vào học tập suốt đời, hướng tới năng lực sử dụng công nghệ nhằm nâng cao lợi ích bản thân và cộng đồng.
- Mục tiêu: là kết quả cần đạt của kế hoạch, là những thay đổi trong đời sống người hưởng lợi hoặc hoạt động của nhà trường.
Ví dụ mục tiêu của trường A là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HS
Giảm tỷ lệ học sinh yếu kém xuống còn 10%vào năm 2016
- Các giải pháp chiến lược: là những động thái/hành động chính phải được tiến hành để đạt được mục tiêu.
1.4.2. Tổ chức thực hiện xây dựng thương hiệu nhà trường
Với vai trò là một nhà tổ chức, nhà quản lý phải đảm bảo rằng các nguồn lực về tài chính, vật chất và con người cần có để thực hiện thành công kế hoạch phải được đặt đúng chỗ, đúng lúc, đúng số lượng và được sử dụng một cách hiệu quả. Họ phải giao nhiệm vụ cho những cá nhân, hay tổ nghiệp vụ sao cho những người đựơc giao việc có đủ các kỹ năng cần thiết để thực
hiện công việc đó. Họ cũng phải điều phối việc thực hiện các nhiệm vụ đó sao cho những hoạt động có liên quan được tiến triển với cùng tốc độ và đồng bộ với nhau.
Nhà lãnh đạo cũng cần phải đảm bảo rằng những người dưới quyền mình hiểu được vai trò và tầm quan trọng của mỗi người đối với thành công chung của việc xây dựng thương hiệu trường. Khi giao việc họ phải hướng dẫn rõ ràng và phù hợp. Trong chức năng tổ chức, một trong những trách nhiệm quan trọng nhất của người quản lý là việc thiết lập và duy trì các kênh giao tiếp rõ ràng và phù hợp, không chỉ trong nội bộ đơn vị đang quản lý mà còn với những đơn vị khác và với các cấp quản lý cao hơn. Liên lạc tốt là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc tạo ra những mối liên kết hiệu quả giữa các mục tiêu, nhiệm vụ và con người. Trên thực tế, việc phối hợp những mối quan hệ lành mạnh giữa các cá nhân và giữa các nhóm là trách nhiệm quan trọng nhất của người quản lý.
Sau đây là tóm tắt những vấn đề mà nhà quản lý nên xem xét khi tìm cách tăng cường chức năng tổ chức của mình.
- Các cá nhân, tổ chuyên môn và các bộ phận khác đã sẵn sàng thực hiện phần việc của mình trong kế hoạch xây dựng thương hiệu trường hay chưa?
- Các cá nhân, bộ phận đã thống nhất về thời gian tốt nhất để hoàn thành công việc chưa và có thể hoàn thành đúng thời hạn hay không?
- Đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường được đào tạo tập huấn nghiệp vụ chưa?
- Họ có động lực thực hiện những nhiệm vụ được giao không?
- Mỗi giáo viên, nhân viên đã có bản miêu tả/phân công công việc rõ ràng chưa?
- Bạn đã xác định rõ về quyền hạn và cách thức trao đổi thông tin rõ ràng hay chưa? Mọi người có biết họ chịu trách nhiệm trước ai và thông tin cần được trao đổi như thế nào không?
1.4.3. Chỉ đạo xây dựng thương hiệu nhà trường
Khi thực hiện chức năng lãnh đạo, nhà quản lý phải đảm bảo rằng mọi người đều làm đúng việc. Xét cho cùng thì các nhà quản lý sẽ không còn là những nhà quản lý nữa nếu họ cố gắng tự mình làm tất cả mọi thứ. Những nhà quản lý giỏi sẽ cung cấp những định hướng thích hợp và tạo động lực cho những người khác trong cơ sở giáo dục để mỗi người đều đóng góp vào việc hoàn thành những kết quả mong đợi. Nhà quản lý làm được điều này bằng cách:
- Đưa ra một tầm nhìn/viễn cảnh có tác dụng tạo động lực cho CBVC trong trường.
- Nêu gương; đặt ra các ưu tiên cần giải quyết ở từng nơi, từng lúc.
- Khuyến khích, động viên, khen thưởng cán bộ, giáo viên khi thực hiện nhiệm vụ của họ.
- Soạn thảo văn bản hướng dẫn công việc cụ thể, rõ ràng.
- Tạo một môi trường trong đó mọi người có thể thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
- Giúp mọi người thích nghi với những cái mới và những sự thay đổi.
- Thể hiện cách giải quyết vấn đề và suy nghĩ sáng tạo.
- Khuyến khích tinh thần làm việc đồng đội, làm việc theo tổ nhóm.
Mọi nhà quản lý đều thực hiện chức năng lãnh đạo. Xét cho cùng, cho dù các cán bộ giáo viên, nhân viên có tài năng và có động lực đến đâu đi nữa thì họ vẫn cần sự hướng dẫn giúp họ đóng góp một cách tốt nhất cho việc hoàn thành các mục tiêu của trường. Chắc chắn họ sẽ đánh giá cao nếu người quản lý thường xuyên tiếp thêm năng lượng cho họ để giúp họ duy trì được động năng và thậm chí đẩy họ lên những tầm cao mới.
1.4.4. Kiểm tra, đánh giá hoạt động xây dựng thương hiệu nhà trường Đánh giá là một quá trình nhằm đưa ra những nhận định phán đoán về kết quả của công việc dựa trên sự phân tích những thông tin thu được, đối
chiếu với mục tiêu đề ra, từ đó đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công việc.
Đánh giá có chức năng định hướng (chỉ ra phương hướng về mục tiêu, đốc thúc, kích thích, tạo động lực), sàng lọc, lựa chọn, cải tiến, dự báo.
Mục đích của việc đánh giá:
- Làm rõ sự tương quan giữa kết quả đạt được trên thực tế với mục tiêu - Xác định các vấn đề và những vướng mắc
- Tuân thủ các quy trình, thủ tục quản lý
- Cung cấp thông tin và kết quả cho các bên liên quan - Thực hiện trách nhiệm giải trình
- Rút ra bài học kinh nghiệm
Trách nhiệm của nhà quản lý khi thực hiện chức năng kiểm soát hay chức năng giám sát là:
- Luôn để mắt tới mọi việc, quán xuyến được công việc.
- Đảm bảo mọi việc tiến triển theo đúng kế hoạch.
- Nhận xét, đánh giá, đo lường, kết quả đạt được.
- So sánh kết quả thực tế và kết quả mong đợi.
- Thực hiện những điều chỉnh cần thiết để kết quả thực tế sát hơn với kết quả mong đợi.
- Thực hiện chế độ báo cáo thống kê theo quy định.
Việc sử dụng từ “kiểm soát” có thể gây hiểu nhầm như một từ miêu tả cho chức năng này. Nhiều nhà quản lý hiểu nhầm công việc của họ là kiểm soát nhân giáo viên, công nhân viên: phải đi làm đúng giờ không đi muộn về sớm, công việc của mọi người phải được hoàn thành một cách thích hợp, phải tuân thủ nội quy quy chế làm việc…
Có 2 rắc rối sẽ nảy sinh khi quan niệm như vậy: (1) Nhà quản lý có thói quen kiểm soát như thế sẽ làm mất động lực của giáo viên, công nhân viên; và (2) họ có thể chỉ kiểm soát được một số ít giáo viên, công nhân viên mà thôi.
Các trường học cần nhà quản lý có khả năng làm người hướng dẫn, theo dõi những nhóm giáo viên, công nhân viên có mức độ tự quản cao, để hệ số tự quản lý tăng lên, tối đa hoá năng suất của họ. Nếu quản lý giáo viên, công nhân viên như kiểu người nghệ sỹ múa rối điều khiển những con rối của mình thì chỉ có thể giúp hoàn thành những mục tiêu ngắn hạn mà không bao giờ có thể tạo ra một môi trường giúp mọi người muốn đóng góp những ý tưởng, công sức của mình và làm việc một cách lâu dài, hiệu quả nhất.
Do đó, chức năng kiểm soát có mục đích là đảm bảo nhiệm vụ của người quản lý được hoàn thành - tức là đạt được những kết quả mong muốn - mà không phải là chế ngự và thao túng những người dưới quyền. Kiểm soát ở đây là giám sát về kết quả làm việc của giáo viên, công nhân viên.