Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ DỆT LỤA VẠN PHÚC
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2. Vai trò của bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X khẳng định: “Tạo điều kiện thuận lợi hơn để nông dân chuyển sang làm nghề ngoài nông nghiệp và dịch vụ… phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển bền vững các làng nghề. Tạo mọi thuận lợi cho kinh tế hộ phát triển”
[23, tr.194].
Để cụ thể hoá đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách, pháp luật nhằm tạo điều kiện, môi trường cho sự phát triển làng nghề như: Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Thuế sử dụng đất nông nghiệp,… Đặc biệt là quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích ngành nghề, làng nghề ở nông thôn. Sở dĩ sự khôi phục và phát triển làng nghề được Đảng và Nhà nước quan tâm và khẳng định trong các kỳ Đại hội của Đảng là vì sự phát triển làng nghề có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội nông thôn, có vai trò hình thành các khu đô thị ở nông thôn và làm chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. Vai trò đó thể hiện trên các mặt sau:
1.1.2.1. Bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc
Mỗi một làng nghề là một địa chỉ văn hoá, nó phản ánh nét văn hoá độc đáo của từng địa phương, từng vùng. Nét văn hoá của làng nghề thể hiện qua các nét độc đáo của từng sản phẩm, các lễ hội, các phong tục tập quán của làng nghề. Đặc biệt là ở làng nghề truyền thống, các sản phẩm được làm bằng bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, thợ giỏi, được lưu giữ và phát triển qua các thế
hệ, trở thành các sản phẩm truyền thống, không chỉ thể hiện nét văn hoá riêng của từng địa phương mà còn là nét văn hoá của Việt Nam. Ngoài ra, tại làng nghề truyền thống thường tổ chức lễ cúng tổ nghề để tưởng nhớ các vị tổ nghề đã có công mang nghề và truyền nghề về cho làng. Đây là lễ hội có nhiều ý nghĩa, mang nhiều nét văn hoá dân gian, rất được các làng nghề coi trọng.
Phát triển làng nghề truyền thống luôn gắn liền với sự phát triển của văn hoá dân tộc, sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần, nó được tạo nên bằng bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công. Nhiều sản phẩm truyền thống có tính nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật trong đó chứa đựng những nét đặc sắc của văn hoá dân tộc mang sắc thái riêng, đặc trưng của làng nghề truyền thống, đó là những di sản quý giá mà các thế hệ cha ông đã sáng tạo ra và truyền lại cho các thế hệ sau.
Tuy nhiên, việc phát triển làng nghề giữ gìn bản sắc dân tộc cần gắn việc hiện đại hoá để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi quá trình hiện đại hoá sản xuất làng nghề đi liền với bảo tồn văn hoá dân tộc, phong tục tập quán tốt đẹp của làng nghề. Qua làng nghề, có thể hiểu thêm văn hoá của nghề, hiểu thêm về sắc thái văn hoá con người và quê hương đất nước. Làng nghề phát triển còn thu hút khách du lịch, gắn sự phát triển làng nghề với phát triển văn hoá cộng đồng, du lịch sinh thái, từ đó hình thành tuyến du lịch làng nghề có tính nhân văn cao.
1.1.2.2. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các làng nghề góp phần làm tăng giá trị tổng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế
Phát triển làng nghề có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Với quy mô nhỏ bé, được phân bổ rộng khắp ở các vùng nông thôn, hàng năm các làng nghề luôn sản xuất ra một khối lượng sản phẩm hàng hoá khá lớn phục vụ cho tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu, đóng
góp đáng kể cho nền kinh tế quốc dân nói chung và cho từng địa phương nói riêng. Năng lực sản xuất, kinh doanh của các làng nghề là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá ở nông thôn. Thực tế cho thấy ở địa phương nào có nhiều làng nghề thì ở đó kinh tế hàng hoá phát triển.
1.1.2.3. Bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch
Phát triển các làng nghề đồng nghĩa với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhờ vậy sẽ nâng tỷ trọng của công nghiệp trong cơ cấu kinh tế và tăng tốc độ phát triển kinh tế. Đồng thời với thúc đẩy phát triển công nghiệp, phát triển các làng nghề sẽ kéo theo sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ. Sản phẩm từ các làng nghề không chỉ đáp ứng các thị trường trong nước với các mức độ nhu cầu khác nhau mà còn xuất khẩu sang các thị trường nước bạn với nhiều mặt hàng phong phú, có giá trị cao. Giá trị hàng hóa từ các làng nghề hàng năm đóng góp cho nền kinh tế quốc dân từ 40 - 50 ngàn tỷ đồng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ, thương mại, du lịch.
Hơn nữa, nhiều làng nghề hiện nay có xu hướng phát triển theo hướng phục vụ các dịch vụ du lịch. Đây là hướng đi mới, phù hợp với thời đại hiện nay và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời có thể giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Làng nghề phát triển sẽ thu hút khách du lịch, tuyên truyền để nhiều ng-ời biết về làng nghề và sản phẩm của làng nghề, góp phần mở rộng thị tr-ờng sản phẩm và tăng thu nhập cho làng nghề từ dịch vụ du lịch. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng tr-ởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa ph-ơng, mà hơn thế còn
là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc. Đó là những lợi ích lâu dài không thể tính, đếm trong ngày một ngày hai.
1.1.2.4. Bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương và vùng lân cận
Phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân là vấn đề quan trọng hiện nay ở nước ta. Với diện tích đất canh tác ngày càng thu hẹp, tốc độ đô thị hóa cao như ở quận Hà Đông, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động trở nên hết sức khó khăn, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt và đồng bộ của các ngành nghề và khu vực. Việc mở mang, đầu tư phát triển ngành nghề ở các làng nghề là biện pháp tốt nhất để huy động nguồn lao động này. Bởi vì, sản xuất ở làng nghề chủ yếu thực hiện bằng tay, không đòi hỏi cao về chuyên môn, kỹ thuật như đối với các lĩnh vực sản xuất khác. Các cơ sở sản xuất thủ công trong làng nghề tuy có quy mô nhỏ, thậm chí chỉ là sản xuất của các hộ gia đình nhưng đã thu hút một số lượng khá lớn lao động. Nhiều làng nghề ở nước ta hiện thu hút trên 60% lao động tham gia vào các hoạt động ngành nghề. Sự phát triển của làng nghề không những chỉ thu hút lao động ở gia đình, làng, xã mình mà còn thu hút được nhiều lao động từ các địa phương khác.
Bên cạnh đó, tạo thêm công ăn việc làm sẽ làm tăng thu nhập của người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Đây cũng là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề quốc kế dân sinh. Thực tế là trong những năm qua, sự phục hồi và phát triển của các làng nghề đã có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở nông thôn. Ở các làng có nghề, tỷ lệ hộ khá và giàu thường rất cao, tỷ lệ hộ nghèo thường rất thấp và hầu như không có hộ đói. Thu nhập từ nghề thủ công chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập đã đem lại cho người dân ở các làng nghề một cuộc sống đầy đủ, phong lưu hơn cả về vật chất lẫn tinh thần.
1.1.2.5. Bảo tồn và phát triển làng nghề góp phần thu hút vốn nhàn rỗi, tận dụng thời gian và lực lượng lao động
Thực tế cho thấy đa số các làng nghề không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, bởi vì rất nhiều nghề chỉ cần công cụ thủ công, thô sơ mà những người thợ trong các làng nghề có thể tự chế tạo được. Bên cạnh đó, do sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là quy mô nhỏ, yêu cầu về vốn và lao động không lớn nên rất phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn nhàn rỗi của các hộ gia đình vào sản xuất kinh doanh. Các làng nghề còn có khả năng tiết kiệm chi phí xây dựng cơ bản vì không phải đầu tư nhiều vào xây dựng nhà xưởng, kho tàng… Việc sử dụng ngay diện tích nhà ở, sân vườn, bếp làm nơi sản xuất, quản lý, nhà kho đã tiết kiệm được khá lớn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là một lợi thế của các làng nghề. Bên cạnh đó, do đặc điểm sản xuất ở các làng nghề là sử dụng lao động thủ công là chính nên có khả năng tận dụng nhiều loại lao động, kể cả lao động là trẻ em.
1.1.2.6. Phát triển làng nghề thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của phát triển làng nghề. Đầu tiên làng nghề được hình thành ở những vùng có giao thông thuận lợi, đồng thời làng nghề phát triển sẽ làm nảy sinh nhu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, phát triển làng nghề cùng với việc tăng thu nhập của người dân đã tạo một nguồn tích luỹ khá lớn và ổn định ngân sách địa phương cũng như các hộ gia đình. Vì vậy, có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trạm biến thế điện, hệ thống thông tin liên lạc và các yếu tố thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ sinh hoạt, nâng cao dân trí và sức khoẻ của người dân như trường học, trạm y tế, vệ sinh môi trường… Kết cấu hạ tầng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, là một trong những điều kiện để khai thác các nguồn lực
và lợi thế của từng vùng, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hoá, mở rộng giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các vùng, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của dân cư, góp phần giảm sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình đô thị hoá.
Như vậy, khi phát triển đến một mức độ nhất định, làng nghề vừa có nhu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho chính làng nghề, vừa có điều kiện để đáp ứng việc phát triển kết cấu hạ tầng đó.
Tóm lại, việc phát triển làng nghề có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, hạn chế di dân tự do, tăng thu nhập cho người dân, giảm các tệ nạn xã hội một cách đáng kể (nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp...). Ngoài ra, phát triển làng nghề còn tạo thêm điều kiện để xây dựng kết cấu hạ tầng, văn hoá, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống cư dân nông thôn. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay phát triển các làng nghề còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hoá của dân tộc.