Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.2. Thực trạng về quản lý Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - quận Hà Đông - thành phố Hà Nội
3.2.3. Quản lý Nhà nước về vấn đề môi trường làng nghề
Bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào ngoài hoạch định các chính sách phát triển cũng cần phải có chính sách bảo vệ môi trường, vì trong quá
trình hoạt động sẽ gây ra những tác động ảnh hưởng tới môi trường. Căn cứ vào đó, Nhà nước có thể ban hành các nghị quyết, thông tư… quy định làng nghề cần phải có chính sách bảo vệ môi trường. Do đặc thù sản xuất dệt lụa với tiếng ồn do khung cửi phát ra, hay nước thải do nhuộm vải… có thể gây ô nhiễm môi trường nếu như không có chính sách bảo vệ môi trường hợp lý.
Hiện nay, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn làng nghề chủ yếu tồn tại dưới hình thức hộ kinh tế gia đình, sản xuất kinh doanh diễn ra tại nơi ở của hộ gia đình. Đó vừa là nơi ở, vừa là nơi sản xuất nên nhà xưởng quá hẹp, môi trường bị ô nhiễm, không có khả năng mở rộng sản xuất, kết cấu hạ tầng cho sản xuất - kinh doanh không đảm bảo.
Qua khảo sát thực tế, tôi thấy các xưởng sản xuất ở ngay trong khuôn viên gia đình, xen kẽ khu dân cư. Diện tích các xưởng sản xuất rất chật hẹp (trên dưới 100m2/hộ) và các máy dệt được cơ giới chạy bằng thoi điện thay cho dệt chân như ngày xưa. Khâu nhuộm vải vẫn còn thủ công hoàn toàn khi phải dùng bếp lò than công suất rất nhỏ.
Ông Đỗ Văn Minh - chủ một xưởng nhuộm khá khang trang ở đây cho biết: Để nhuộm 40m2 lụa cần dùng 3kg thuốc nhuộm và sẽ thải ra 20 lít nước thải có chứa nhiều loại hoá chất. Trong khi ở làng lụa Vạn Phúc, hầu hết các xưởng nhuộm chưa có hệ thống xử lý nước thải và khí thải mà nước thải này đổ trực tiếp ra kênh và chảy ra sông Nhuệ khiến nước sông khu vực này ngả màu đen đặc. Các loại sinh vật như cây cỏ hay tôm cá trong sông đều khó có cơ hội tồn tại lâu dài bởi cả tầng nước mặt và nước ngầm đều nằm trong tình trạng ô nhiễm báo động. Ngày trời nắng, không khí bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ngày trời mưa, trên mặt sông lềnh bềnh những rác thải. Phía cuối làng, rác tập trung lại thành đống lớn. Trả lời về tình trạng làng nghề đã hoạt động
lâu năm mà đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải, ông Nguyễn Hữu Chỉnh - nghệ nhân làng nghề - nguyên Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho biết: “đầu tư một công trình xử lý nước và rác thải cần khoảng 300 - 400 triệu đồng nên các hộ dân không thể tự lo được mà phải cần sự hỗ trợ của Nhà nước”. Theo số liệu Hợp tác xã Dệt lụa Vạn Phúc đưa ra thì mỗi năm các cơ sở của địa phương này sản xuất khoảng 2 đến 2,5 triệu mét lụa. Để tẩy và làm màu cho toàn bộ số lụa này phải dùng tới hàng trăm kg các loại hóa chất.
Tất cả những điều trên không chỉ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên mà nó còn đe dọa đến tính mạng người dân nơi đây.
Hình 3.1. Mương dẫn nước thải của làng liên tục đổi màu trong ngày vì hóa chất
Như vậy diện tích sản xuất chật hẹp, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang là vấn đề nổi cộm ở Vạn Phúc hiện nay. Vậy chính quyền địa phương đã có những biện pháp gì để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi này ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết “chính quyền địa phương đã có các biện pháp hạn chế sự ô nhiễm môi trường, tổ chức đội thu gom rác, phát động phong trào
sạch làng đẹp ngõ, cải tạo một bước hệ thống cống rãnh trong làng...”. Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, dòng sông Nhuệ vẫn ngày ngày gồng mình chịu đựng một lượng lớn chất thải, chất độc hại. Và nguy hiểm hơn con người ở đây vẫn ngày ngày sống trong tình trạng bị đe dọa đến tính mạng.
Để giải quyết tình trạng môi trường nêu trên, năm 2005 chính quyền địa phương triển khai chính sách quy hoạch đất đai thực hiện dự án điểm thủ công nghiệp làng nghề - đưa các hộ gia đình tập trung vào một nơi để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, mở rộng quy mô sản xuất. Với tổng diện tích 13,5 ha khu sản xuất tập trung nằm biệt lập ở rìa làng, sẽ giao cho hộ sản xuất, mỗi nhân khẩu sẽ được chia khoảng 10m. Theo quy hoạch, khu sản xuất này sẽ được chia lô cho các hộ tự xây nhà xưởng và lắp đặt máy móc thiết bị. Sẽ có hai khu vực biệt lập giành cho sản xuất và bán hàng. Ngôi làng cũ sẽ được cải tạo thành khu du lịch. Đây là chương trình rất lớn của làng nghề với tổng số vốn đầu tư 60 - 70 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Đến nay hạ tầng cơ sở đã hoàn thành chuẩn bị giao cho các hộ trong năm 2013 - 2014. Nếu khu sản xuất này đi vào hoạt động thì việc áp dụng khoa học kĩ thuật cho việc xử lý chất thải sẽ thuận tiện hơn, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.