Hệ thống quản lý Nhà nước về làng nghề từ Trung ương đến địa phương

Một phần của tài liệu Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa vạn phúc, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 87 - 91)

Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.2. Thực trạng về quản lý Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - quận Hà Đông - thành phố Hà Nội

3.2.1. Hệ thống quản lý Nhà nước về làng nghề từ Trung ương đến địa phương

Quản lý Nhà nước được hiểu là quá trình tổ chức, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với các quá trình xã hội và hoạt động của con người theo pháp luật nhằm đạt được những yêu cầu nhiệm vụ quản lý nhà nước. Ngoài ra, quản lý Nhà nước còn được tiếp cận theo các lĩnh vực các mặt cụ thể của quản lý. Đó là một hệ thống tổng thể bao gồm các yếu tố: mục tiêu, nội dung, phương pháp, nguyên tắc tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ phục vụ cho công tác quản lý, môi trường hoạt động của các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội. Hệ thống các cơ quản quản lý Nhà nước đối với làng nghề bao gồm:

+ Cấp Trung ương: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương.

+ Cấp tỉnh, thành phố: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

+ Cấp huyện: UBND cấp huyện, phòng Kinh tế huyện.

+ Cấp xã: UBND cấp xã.

Các cơ quản quản lý Nhà nước đối với làng nghề thực hiện chức năng quản lý thông qua việc xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách phát triển làng nghề. Xét theo góc độ quản lý nhà nước, chính sách là toàn bộ các hoạt động của Nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân. Theo đó, chính sách quản lý nhà nước với phát triển sản phẩm làng nghề là tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm các nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và giải pháp về phát triển sản phẩm làng nghề.

Sau năm 2000, nghề và làng nghề đã được Đảng và Nhà nước, các ngành quan tâm, chỉ đạo và đề ra những chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề. Có thể nói đây là bước ngoặt mới, nó như một luồng sinh khí được thổi vào tiếp thêm sinh lực cho các làng nghề truyền thống. Chủ trương của Đảng và Nhà nước được thể hiện như:

Trong quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, làng nghề luôn giữ một vị trí quan trọng, luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đề cập nhiều qua các kỳ Đại hội. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định: "Phát triển các ngành nghề, làng nghề và các ngành nghề mới bao gồm tiểu thủ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu...”. Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh: "Phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn, hình thành các khu vực tập trung công nghiệp, các điểm công nghiệp ở nông thôn, các làng nghề gắn với thị trường xuất khẩu...". Nhà nước đã ban hành nhiều luật pháp và chính sách

liên quan đến phát triển làng nghề như Luật Đất đai, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư... các chính sách tín dụng, chính sách đầu tư... Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 18/3/2002 về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. Nghị quyết chỉ rõ “Thủ đô Hà Nội phải đi đầu trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phát triển nghề và làng nghề truyền thống…” .

Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 132/2000/QĐ-TTg ngày 24/11/2000 về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn đề ra chủ trương “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện và có chính sách bảo vệ quyền lợi hợp pháp các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn nhất là các ngành nghề truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, thu hút nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc…”.

Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 về việc khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn với những nội dung chủ yếu là hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân khởi sự doanh nghiệp, tìm kiếm mặt bằng sản xuất, huy động vốn, xin ưu đãi đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, quản lý chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, truyền nghề, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường, tham gia triển lãm, hội chợ, giới thiệu sản phẩm, tham gia các hiệp hội ngành nghề và xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật.

Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 về phát triển ngành nghề nông thôn tập trung vào một số nội dung cụ thể như bảo tồn và phát triển làng nghề, tạo mặt bằng sản xuất, ưu đãi về đầu tư tín dụng, xúc tiến thương mại, hỗ trợ về khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài ra còn một số văn bản khác khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành nghề thủ công truyền thống.

Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, Thành phố Hà Nội (và tỉnh Hà Tây cũ) đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch cụ thể để phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, các làng nghề truyền thống, thúc đẩy thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước như:

Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 34-ĐA/TU ngày 25/01/2005 về khôi phục, phát triển nghề, làng nghề Hà Nội đến năm 2010 với nội dung là bổ sung các cơ chế chính sách của Thành phố khuyến khích phát triển nghề truyền thống, phát triển nghề mới và hình thành các phố nghề, làng nghề gắn với du lịch văn hóa sinh thái, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động ở các làng nghề, tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật trong làng nghề theo hướng vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt, xây dựng mô hình cụm sản xuất làng nghề tập trung. Đồng thời, ngày 5/3/2007, Thành ủy Hà Nội có Đề án số 19-ĐA/TU phát triển du lịch Hà Nội giai đoạn 2007 - 2015 trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng điểm, tuyến du lịch làng nghề truyền thống.

Thành ủy Hà Nội xây dựng Chương trình 02-CT/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” đề ra hướng phát triển kinh tế ngoại thành và từng bước hiện đại hóa nông thôn, trong đó nội dung chủ yếu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu

lao động ở nông thôn và xây dựng hạ tầng nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại mà cụ thể với công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

Sau khi các cơ chế chính sách được ban hành đồng bộ từ Trung ương đến Thành phố, việc phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn đã thu được những kết quả nổi bật được thể hiện trên các mặt như: cơ cấu kinh tế có bước phát triển rõ rệt, đúng hướng và vững chắc; cơ cấu lao động có xu hướng chuyển dịch mạnh từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, số hộ, số lao động tham gia sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng lên nhanh chóng; đã hình thành và phát triển nhanh các điểm công nghiệp làng nghề; giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất tăng liên tục; chất lượng của sản phẩm làng nghề từng bước được nâng cao và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận; cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của nông thôn nói chung, của các làng nghề nói riêng tiếp tục được đầu tư và phát triển theo hướng hiện đại hóa; đã thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước vào các tuyến, các điểm du lịch làng nghề truyền thống; các Hội, Hiệp hội, câu lạc bộ nghề được thành lập; thu nhập, đời sống của người lao động ở nông thôn ngày càng được nâng cao đã đưa Hà Nội trở thành nơi hội tụ nhiều làng nghề nhất cả nước, đặc biệt là nghề, làng nghề truyền thống với bề dày phát triển hàng trăm năm.

Một phần của tài liệu Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa vạn phúc, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 87 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)