Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Những tiềm năng và xu hướng phát triển của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông
3.3.2. Xu hướng phát triển của làng nghề
3.3.2.1. Gắn phát triển sản xuất kinh doanh với phát triển du lịch, dịch vụ, quan tâm phát triển cả chiều rộng và chiều sâu
Du lịch làng nghề là loại hình du lịch văn hoá tổng hợp đưa du khách tới tham quan, thẩm nhận các giá trị văn hoá và mua sắm những hàng hoá đặc trưng của làng nghề trên khắp mọi miền đất nước... Mô hình phát triển du lịch gắn với làng nghề là một hình thức mang lại hiệu quả rất cao ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Thông qua việc hình thành sản phẩm du lịch - làng nghề, chẳng những ngành du lịch sẽ giữ chân được du khách mà làng nghề cũng có điều kiện để quảng bá và tiêu thụ sản phầm của mình. Song trên thực tế, các tour du lịch gắn với làng nghề đều còn mang tính tự phát, chưa đươ ̣c chú tro ̣ng thực sự... Như vậy để giải quyết vấn đề này cơ quan quản lý cần kết hợp với các hãng du lịch tổ chức đưa khách du lịch tham quan quê lụa, phối hợp thực hiện các chương trình truyền hình quảng bá nét độc đáo, đặc sắc của
làng nghề tới công chúng... Ðầu tư phát triển du lịch và thực hiện những phương thức tiếp thị hiệu quả sẽ đóng vai trò không nhỏ trong quá trình phát triển và giới thiệu sản phẩm lụa Vạn Phúc tới bạn bè quốc tế.
Phát triển làng nghề thành nơi du lịch là cách để phát triển và quảng bá sản phẩm tốt nhất. Để tổ chức thành công các tour du lịch, chính quyền địa phương cùng người dân cần quy hoạch tổ chức lại làng nghề, đa dạng hóa ngành nghề, tạo ra được sản phẩm đặc trưng. Trong mỗi chương trình tham quan của du khách cần mời những nghệ nhân, những người cao tuổi có hiểu biết sâu sắc về làng nghề để giới thiệu cho khách tham quan về nguồn gốc, lịch sử phát triển của làng nghề, quy trình sản xuất, đặc trưng sản phẩm.
Ngoài ra cần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường. Làng nghề lụa Vạn Phúc đang dần trở thành sản phẩm du lịch văn hoá tại Việt Nam. Tuy nhiên kỹ năng của người dân làng nghề đối với loại du lịch này còn hạn chế. Do đó cần phải xây dựng đội ngũ chuyên môn về du lịch là người bản địa, hỗ trợ các hộ dân xây dựng các điểm giới thiệu về làng nghề, về quy trình sản xuất, và sản phẩm làng nghề.
3.3.2.2. Mở rộng sản xuất kinh doanh; quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại
Từ năm 2006, Hiệp hội làng nghề dệt lụa tơ tằm Van Phúc phối hợp cùng hợp tác xã dệt lụa Vạn Phúc đăng ký bảo vệ thương hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ cho sản phẩm lụa Vạn Phúc mang tên “Lụa Hà Đông”, làm cơ sở chống cạnh tranh trên thị trường với những sản phẩm sản xuất cùng loại. Ngoài ra Hiệp hội làng nghề tham gia cùng với hợp tác xã xây dựng trang web mang tên http://www.luavanphuc.com.vn để đưa thông tin lên mạng, giới thiệu với khách hàng về sản phẩm và địa chỉ, tạo thuận lợi trong quan hệ kinh doanh.
Thêm vào đó, Vạn Phúc đã tổ chức và tham gia nhiều sự kiện, nhằm quảng bá hình ảnh của lụa Hà Ðông. Có thể kể tới là chương trình Lễ hội du lịch làng nghề năm 2004 do Sở Du lịch Hà Tây (nay là Sở Du lịch Hà Nội) thực hiện. Ðó chính là một ngày hội lớn, là cơ hội để người dân xứ lụa giới thiệu với bạn bè và du khách về nét đặc sắc, độc đáo và tinh tế của sản phẩm lụa Hà Ðông. Gần đây nhất, Vạn Phúc đã tổ chức với hơn 300 người đã tham gia tích cực vào chương trình lễ hội tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lụa Vạn Phúc nổi tiếng trong nước và ngoài nước, nhưng hiện nay đang bị mai một đi rất nhiều, đang mất dần uy tín do sự pha trộn của nhiều loại lụa chất lượng không tốt, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cần phải có cơ chế tăng cường quảng bá các sản phẩm làng nghề có chất lượng tốt đến người tiêu dùng. Ngoài cách quảng bá truyền thống, thì quảng bá trên internet là cách nhanh nhất để đưa lụa Vạn Phúc đến với khách nước ngoài. Cần ứng dụng rộng rãi thương hiệu lụa Hà Đông trên tất cả các sản phẩm của làng nghề. Một thương hiệu tốt, một logo dễ phân biệt sẽ giúp lụa Vạn Phúc đững vững trên thị trường.
3.3.2.3. Đa dạng hoá các sản phẩm từ nghề dệt lụa
Các sản phẩm lụa Vạn Phúc rất gần gũi và thân thiện với cuộc sống của mọi người. Nhưng ngày nay khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người cũng từ đó mà trở lên ngày càng cao hơn, khắt khe hơn. Vì vậy việc đa dạng hoá các sản phẩm với mẫu mã phong phú, chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng là một xu hướng tất yếu của sản phẩm làng nghề, bảo đảm cho sản phẩm làng nghề trở thành sản phẩm được yêu thích, quan tâm, góp phần duy trì, bảo tồn và phát triển làng nghề.
3.3.2.4. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất truyền thống
Với xu thế hiện nay, khoa học và công nghệ tiếp tục biến đổi mạnh mẽ và ngày càng ảnh hưởng sâu rộng hơn đến toàn bộ đời sống xã hội nên sẽ tiếp tục góp phần tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá. Những đổi mới công nghệ trong các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... làm cho sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao liên tục trong những năm tới.
Các sản phẩm thủ công truyền thống trong nước cũng như ở làng nghề Vạn Phúc tiếp tục phải cạnh tranh ngày một nhiều hơn với sản phẩm dệt may hiện đại của nước ngoài đang dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Vì vậy, không còn cách nào khác, làng nghề Vạn Phúc cần phải phát triển theo xu hướng đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường.