Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.4. Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc
3.4.2. Mục tiêu và định hướng bảo tồn và phát triển
- Bảo tồn nền văn hoá truyền thống, thông qua các hoạt động sản xuất của làng nghề và hoạt động du lịch làng nghề để giáo dục cho người dân nhận thức được giá trị văn hoá truyền thống mà người làm nghề đang lưu giữ và làm chủ. Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống nhằm gìn giữ giá trị văn hoá trên các sản phẩm của làng nghề, là một giải pháp rất cần thiết để giải quyết việc làm và đem lại thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.
- Theo quy hoạch phát triển du lịch của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu tổng quát là: Đến năm 2020,
du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước. Do vậy mục tiêu cụ thể của Vạn Phúc trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 tập trung vào các mục tiêu cơ bản sau:
+ Bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa nhằm tăng trưởng kinh tế hàng hoá, đưa nghề dệt lụa thành thế mạnh chính của Vạn Phúc.
+ Tạo công ăn việc làm để thu hút lao động trong phường chuyển dịch lao động từ khu vực kinh tế nông nghiệp sang khu vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch.
+ Mở rộng quy mô sản xuất của làng nghề theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghiệp hiện đại bảo đảm vệ sinh môi trường và phát triển bền vững.
+ Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của làng nghề thông qua các sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc.
3.4.2.2. Định hướng bảo tồn và phát triển
Làng nghề dệt lụa ở Vạn Phúc vốn có bề dày truyền thống từ hàng nghìn năm. Sản phẩm dệt lụa ở làng nghề là mặt hàng có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới. Để thúc đẩy bảo tồn và phát triển mạnh làng nghề dệt lụa ở Vạn Phúc cần có những định hướng rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn, từng thời kỳ cụ thể. Hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới cần tập trung vào:
- Phát triển các làng nghề dệt lụa ở Vạn Phúc phải đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quận và Thành phố. Đồng thời, cần
có chính sách đầu tư liên kết hợp tác giữa các làng nghề với nhau để hợp tác gia công và tiêu thụ sản phẩm.
- Phát triển làng nghề dệt lụa trong những năm tới cần phải tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, TTCN, dịch vụ.
- Phát triển làng nghề dệt lụa là góp phần thực hiện nhiệm vụ tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương, đảm bảo việc làm cho lực lượng lao động hiện có và lực lượng lao động được bổ sung thường xuyên.
- Phát triển các làng nghề cần hình thành các khu sản xuất tập trung, tạo thuận lợi về kết cấu hạ tầng, mặt bằng... để các cơ sở sản xuất, các hộ làng nghề đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất kinh doanh.
- Phát triển các làng nghề ưu tiên đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại kết hợp với công nghệ cổ truyền trong làng nghề.
- Phát triển làng nghề cần chú ý đến vấn đề môi trường và phải đặt nó trong sự phát triển tổng thể, coi đó là một yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
- Phải xuất phát từ nhu cầu thị trường để lựa chọn các mặt hàng, chủng loại, nhằm thỏa mãn tốt nhất nhu cầu thị trường; sản phẩm dệt lụa của làng nghề phải có sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được sản xuất ở các địa phương khác trong cả nước.
- Phải gắn với chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và đẩy mạnh xuất khẩu. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội cho làng nghề, tạo việc làm để tăng trưởng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho sự phát triển; vì vậy, việc phát triển làng nghề cần chủ động chuẩn bị đầy đủ về nội lực để từng bước phát triển theo hướng bền vững.