Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Thực trạng bảo tồn và phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - Quận Hà Đông - Thành phố Hà Nội
3.1.2. Những hạn chế, khó khăn của làng nghề
3.1.2.1. Sự tác động của nền kinh tế thế giới và trong nước
Tình hình kinh tế thế giới trong những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp và chịu tác động sâu sắc của các biến động chính trị. Lạm phát đang trở
thành mối lo hàng đầu của tất cả các quốc gia, giá cả các mặt hàng chiến lược tăng mạnh đang đe doạ đến an ninh lương thực và an ninh năng lượng của các quốc gia. Khủng hoảng nợ công và thị trường tài chính tiền tệ quốc gia vẫn còn có những diễn biến phức tạp, nhiều nước đã phải thay đổi lại chính sách kinh tế theo hướng chuyển mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng sang tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Những biến động của kinh tế thế giới đã tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, theo báo cáo của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam thì số doanh nghiệp Việt Nam bị phá sản trong năm 2012 đạt kỷ lục 58.128 doanh nghiệp. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã ảnh hưởng lớn đến làng nghề Việt Nam nói chung và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nói riêng.
Những lúc nền kinh tế bị suy thoái, người dân nơi đây gặp khó khăn mưu sinh bằng nghề truyền thống, một số gia đình có thêm một nghề phụ khác. Thực trạng hiện nay có một số hộ người dân nơi đây vẫn rất yêu nghề nhưng đã chuyển nghề hoặc có giữ được nghề dệt thì cũng làm thêm những nghề khác để thu nhập được cao hơn.
Bên cạnh đó, số nghệ nhân ở Vạn Phúc còn ít và khi được phong tặng đều đã ở độ tuổi quá cao nên sau chỉ một thời gian không lâu các nghệ nhân qua đời sẽ mang đi theo bao bí quyết kinh nghiệm nghề nghiệp. Lớp thanh niên phần lớn không mặn mà với nghề ‘‘cha truyền con nối’’, hầu hết họ đều muốn thoát ly và tìm một nghề khác thức thời hơn nên các gia đình cha con, mẹ con cùng là nghệ nhân là không nhiều, thợ có tay nghề giỏi chỉ còn 50 người. Ngoài ra vấn đề thiếu vốn, khả năng cải tiến mẫu mã kém, mức độ nhạy cảm với thị hiếu tiêu dùng không cao, các sản phẩm của làng nghề yếu thế trước sự cạnh tranh của các sản phẩm nước ngoài và các sản phẩm thay thế, các sản phẩm thường bị sao chép, bị ăn cắp mẫu mã, một số thợ trẻ chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm chỉ hướng tới thương mại hóa và mục tiêu
lợi nhuận để có thu nhập cao làm cho thương hiệu của làng nghề bị phai mờ, giá trị văn hóa trong sản phẩm bị suy giảm.
Do đó, đối với làng nghề Vạn Phúc cần xác định bảo tồn để giữ gìn cho thế hệ sau, coi đó là tài sản văn hóa nên cần phải thực hiện công tác khôi phục và bảo tồn làng nghề truyền thống, hình thành quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống, đồng thời tiến hành điều tra, khảo sát, xác định và xây dựng đề án để duy trì nghề, các nghệ nhân hoạt động trình diễn nghề phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa; tăng cường công tác sưu tầm thu thập, bảo tồn và lưu trữ tư liệu về làng nghề truyền thống; gắn kết các làng nghề truyền thống với du lịch để tạo thị trường cho sản phẩm, hỗ trợ để mở rộng hệ thống bán lẻ, trưng bày và bán hàng trong các lễ hội truyền thống, đặc biệt trong dịp hội chợ, hội chợ du lịch nên đưa hoạt động của các làng nghề này vào chương trình; Hỗ trợ kinh phí để xây dựng bộ tài liệu giảng dạy và tổ chức đào tạo, dạy nghề cho làng nghề mà trước mắt là đào tạo nghề cho thợ cả từ các nghệ nhân, thợ giỏi; Hình thành sự gắn kết giữa làng nghề Vạn Phúc với các làng nghề thủ công truyền thống và các phố nghề trong khu vực phố cổ của Hà Nội để tạo ra những tuyến ‘‘phố nghề - làng nghề”; hỗ trợ xây dựng các phòng trưng bày các hình ảnh, các mẫu sản phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, khu trình diễn nghề và xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm mở rộng thị trường và mở rộng sản xuất.
3.1.2.2. Hình thức tổ chức sản xuất
Hình thức tổ chức sản xuất trong làng nghề dệt lụa Vạn Phúc chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, một số đã có sự phát triển thành doanh nghiệp tư nhân.
Với hình thức này hầu như tất cả các thành viên trong hộ đều được huy động vào làm những công việc khác nhau của quá trình sản xuất kinh doanh. Người
chủ gia đình thường là thợ cả, người quản lý mà trong số họ có không ít nghệ nhân. Tổ chức sản xuất - kinh doanh theo hộ gia đình đảm bảo được sự gắn bó quyền lợi và trách nhiệm, huy động được mọi lực lượng có khả năng lao động tham gia sản xuất - kinh doanh, tận dụng được thời gian và nhu cầu đầu tư thấp. Đây là hình thức tổ chức thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ, tuy nhiên lại không mang lại năng suất hiệu quả cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao.
3.1.2.3. Quy mô nguồn lao động, đội ngũ nghệ nhân, công tác đào tạo, xây dựng thế hệ thợ giỏi lành nghề
Lao động trong làng nghề là lao động thủ công, nhờ vào kỹ thuật khéo léo, tinh xảo của đôi bàn tay đầy sáng tạo của người thợ, của các nghệ nhân.
Phương pháp dạy nghề chủ yếu được thực hiện theo phương thức truyền nghề trong các gia đình từ đời này sang đời khác nên mất nhiều thời gian, mang tính đơn lẻ, cá biệt và thiếu tính khoa học. Các kinh nghiệm sản xuất thường được bảo tồn trong từng gia đình, ít được phổ biến ra bên ngoài. Ngày nay với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào nhiều công đoạn trong sản xuất làng nghề, đã giảm bớt lực lượng lao động thủ công giản đơn. Tuy nhiên, một số công đoạn trong quá trình sản xuất vẫn phải duy trì kỹ thuật lao động.
Làng nghề được hình thành trên cơ sở có những thợ dệt giỏi. Những thợ dệt này sau nhiều năm đóng góp cho làng nghề đã được phong nghệ nhân. Từ sự sáng tạo của họ, quy trình sản xuất và sản phẩm không ngừng được bổ sung hoàn thiện. Do những kết quả thành công của các nghệ nhân trong sản xuất và kinh doanh, nghề dệt lụa ngày càng phát triển. Tuy nhiên đến nay do kinh tế khó khăn, hầu hết các cơ sở phải cắt giảm sản lượng dệt, một số thợ dệt chuyển sang làm các công việc khác, do đó việc truyền nghề, nối nghề, đào tạo thợ giỏi hiện nay gặp khó khăn.
Ngoài việc được vinh danh nghệ nhân làng nghề thì những nghệ nhân nơi đây vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi gì. Họ chưa được tạo điều kiện để mở các lớp đào tạo truyền nghề cho các thế hệ trẻ. Việc thiếu chế độ đãi ngộ xứng đáng cho các nghệ nhân là một trong những nguyên nhân khiến nghề dệt lụa chưa phát triển ở mức cao nhất có thể.
3.1.2.4. Chất lượng nguồn lao động
Chất lượng nguồn lao động tại làng nghề Vạn Phúc chưa cao. Nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn yếu về trình độ quản lý, kiến thức kinh tế thị trường, khả năng tiếp thị, liên kết liên doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường còn rất lúng túng. Hơn nữa, những người lao động tại làng nghề vì muốn cải thiện cuộc sống của mình nên không còn mặn mà với nghề đang làm và sẵn sàng thoát ly khỏi nghề truyền thống để làm công việc mới khi có cơ hội. Do đó dẫn đến tình trạng thiếu lao động giỏi, lao động lành nghề. Đây là một lực cản lớn trong việc phát triển sản xuất.
3.1.2.5. Vai trò của Hiệp hội làng nghề đối với các hộ sản xuất kinh doanh Hiệp hội các làng nghề là cầu nối giữa các cơ quan quản lý với người dân. Thông qua hoạt động của Hiệp hội các làng nghề, các cơ quan quản lý Nhà nước có được thông tin về tình hình hoạt động, nhu cầu và những mặt còn tồn tại trong các làng nghề, từ đó có thể đưa ra phương hướng giải quyết nhằm hỗ trợ sự phát triển của các làng nghề này. Ngược lại, người dân lao động tại các làng nghề được tiếp cận với các chủ trương, chính sách quản lý của Nhà nước thông qua hoạt động của Hiệp hội. Như vậy hoạt động của Hiệp hội các làng nghề có ảnh hưởng tới việc hoạch định và thực thi các chính sách cũng như định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề.
3.1.2.6. Chiến lược cụ thể, toàn diện về bảo tồn và phát triển làng nghề
Các làng nghề truyền thống nói chung và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc nói riêng, được hình thành, xây dựng và phát triển từ rất lâu, là nét đẹp văn
hoá tạo ra đặc trưng bản sắc dân tộc, do đó rất cần được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Nhà nước và chính quyền địa phương. Trong thời gian qua tuy đã có những chính sách khuyến khích phát triển của Chính phủ nhưng nhìn chung vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa thực sự mang lại hiệu quả cao trong việc thúc đẩy phát triển bền vững các làng nghề.
3.1.2.7. Tư duy, nhận thức của các hộ sản xuất kinh doanh
Trình độ hiểu biết và nhận thức của người dân có ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực thi các chính sách cũng như việc phát triển làng nghề. Trình độ hiểu biết và nhận thức của người dân mà cao thì công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân làng nghề được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả, từ đó việc thực thi các chính sách đó cũng được tốt hơn. Đồng thời giúp người dân nhận thức được rõ lợi ích kinh tế, văn hoá của việc khôi phục và phát triển làng nghề, nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như vai trò trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống.
3.1.2.8. Vốn, công nghệ, thông tin thị trường
+ Về vốn: Dù đã có những bước chuyển biến tích cực nhưng vấn đề vay vốn của các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề nói chung và làng nghề Vạn Phúc nói riêng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều phàn nàn rằng họ rất khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Tại sao lại như thế?
Thứ nhất, nguồn vốn cho vay ưu đãi của Nhà nước còn hạn hẹp hơn nữa thời gian cho vay còn ngắn. Nếu được vay thì mỗi hộ cũng chỉ được vay tối đa 5 triệu đồng. Như vậy thử hỏi với 5 triệu ấy người ta có thể làm gì trong khi sản xuất và kinh doanh lụa đòi hỏi nguồn vốn lớn thời gian quay vòng vốn chậm.
Thứ hai, thủ tục vay vốn còn rườm rà khiến các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất kinh doanh rất khó để có thể tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
+ Về công nghệ: Trình độ kỹ thuật và công nghệ có ảnh hưởng lớn tới khả năng phát triển sản xuất của mọi đơn vị sản xuất kinh doanh. Đối với văn hóa làng nghề, trình độ kỹ thuật công nghệ có ảnh hưởng nhiều tới đời sống văn hóa làng nghề, những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng và kể cả những kinh nghiệm bí truyền nghề nghiệp. Trong điều kiện hiện nay, khi mà giao lưu thương mại mang tính toàn cầu thì việc ứng dụng khoa học công nghệ càng có ý nghĩa quyết định, có tác động trực tiếp tới việc đảm bảo và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Những năm qua, Vạn Phúc đã có những chủ trương khuyến khích các hộ gia đình đầu tư, nhập các loại máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, việc đầu tư còn quá khiêm tốn vì lý do các hộ thiếu mặt bằng sản xuất.