Các yếu tố tác động đến bảo tồn và phát triển của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

Một phần của tài liệu Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa vạn phúc, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 28 - 32)

Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ DỆT LỤA VẠN PHÚC

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.3. Các yếu tố tác động đến bảo tồn và phát triển của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc

1.1.3.1. Yếu tố nhu cầu thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, để tồn tại và phát triển, làng nghề phải sản xuất và bán cái mà người ta cần, chứ không phải là cái mà mình có. Sản phẩm của làng nghề phải được thị trường chấp nhận về chủng loại, mẫu mã, chất lượng (theo nghĩa rộng), giá cả,... Nhu cầu của thị trường tác động trực tiếp đến làng nghề trên một số khía cạnh chủ yếu sau:

- Trong từng thời kỳ, nhu cầu của thị trường thay đổi sẽ làm thay đổi sản phẩm làng nghề.

- Buộc các nhà sản xuất phải tự chủ, năng động trong sản xuất kinh doanh, tự xác định mặt hàng thị trường cần để có kế hoạch đáp ứng.

- Buộc làng nghề phải nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế.

- Làng nghề gần nơi tiêu thụ sẽ có thuận lợi nhất định trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế làng nghề dệt lụa Vạn Phúc phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc, Thái Lan,...

ngay ở thị trường trong nước. Như vậy, thị trường là nhân tố chủ yếu tác động đến sự tồn tại và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc.

1.1.3.2. Yếu tố cơ chế chính sách về phát triển làng nghề

Cơ chế chính sách của Nhà nước có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hay suy vong của các làng nghề. Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, khi các hộ gia đình được công nhận là chủ thể kinh tế độc lập tự chủ trong nông thôn, các doanh nghiệp tư nhân được phép phát triển chính thức, thì các làng nghề đã có điều kiện phục hồi và phát triển mạnh. Chính sách mở cửa hội nhập nền kinh tế nước ta với khu vực và thế giới cũng làm cho một số sản phẩm làng nghề có điều kiện phát triển vì mở rộng được thị trường, nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện cho hàng nước ngoài tràn vào thị trường trong nước khá nhiều, làm cho sản phẩm của các làng nghề khó có thể cạnh tranh nổi với sản phẩm ngoại nhập, làm hạn chế sự phát triển của một số làng nghề.

Trong quá trình CNH, HĐH đất nước, nếu không có chính sách phát triển hợp lý đối với sự kết hợp giữa đại công nghiệp với tiểu thủ công nghiệp thì các làng nghề cũng khó có điều kiện phát triển.

1.1.3.3. Yếu tố kết cấu hạ tầng

Kết cấu hạ tầng, trước hết là giao thông, điện, cấp và thoát nước, bưu chính - viễn thông... có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành, tồn tại và phát triển của các làng nghề, trong đó giao thông vận tải là yếu tố quan trọng nhất.

Từ xa xưa, các làng nghề truyền thống thường nằm trên các đầu mối giao thông thủy, bộ khá thuận lợi. Ngày nay, khi giao lưu kinh tế phát triển rộng khắp, khi mà thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề không chỉ ở tại địa phương mà vươn tới các thị trường xa khác, khi mà nguồn nguyên liệu phải vận chuyển từ nơi xa về thì nhu cầu về hệ thống giao thông vận tải phát triển thuận lợi đối với các làng nghề là rất quan trọng.

Trong công cuộc CNH, HĐH, sự phát triển của các làng nghề chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hệ thống cung cấp điện, nước và thoát nước, trong việc đưa thiết bị, công nghệ, máy móc hiện đại để đổi mới công nghệ cổ truyền, làm tăng năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề và làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở các làng nghề.

Sự hoạt động của các làng nghề trong điều kiện nền kinh tế thị trường chịu tác động mạnh bởi yếu tố thông tin nói chung, bưu chính viễn thông nói riêng. Nó sẽ giúp cho các chủ doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, nhanh chóng, chính xác những thông tin về thị hiếu, giá cả, mẫu mã, chất lượng, quy cách sản phẩm trên thị trường, để có những ứng xử thích hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường.

1.1.3.4. Yếu tố trình độ kỹ thuật và công nghệ

Trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất có ảnh hưởng rất quan trọng đối với bất kỳ ngành nghề nào, sản phẩm nào. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, chất lượng và giá thành sản phẩm, đến năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa trên thị trường và cuối cùng là quyết định đến sự tồn tại hay suy vong của một cơ sở sản xuất, một ngành nghề nào đó.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất ở các làng nghề vẫn sử dụng thiết bị thủ công, công nghệ cổ truyền chủ yếu dựa vào kinh nghiệm có tính chất cha truyền con nối trong từng hộ gia đình là chính. Bởi vậy, sản phẩm sản xuất ra với năng suất, số lượng và chất lượng sản phẩm thấp kém, không đồng bộ, giá

thành cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của các sản phẩm làng nghề. Để đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các làng nghề không thể không đổi mới trang thiết bị, cải tiến áp dụng một số tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất.

1.1.3.5. Yếu tố vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh

Vốn là yếu tố, là nguồn lực quan trọng đối với bất kỳ quá trình sản xuất, kinh doanh nào. Sự phát triển của các làng nghề cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng của nhân tố vốn sản xuất. Trước đây, vốn của các hộ sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề rất nhỏ bé, thường là vốn tự có của từng gia đình hoặc vay mượn của bà con họ hàng, láng giềng, nên quy mô sản xuất không mở rộng được. Ngày nay, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu về vốn đã khác trước, đòi hỏi các hộ sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề phải có lượng vốn khá lớn để đầu tư, cải tiến công nghệ, đưa thiết bị, máy móc tiên tiến vào một số khâu, công đoạn, công việc có thể thay thế kỹ thuật lao động thủ công được, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

1.1.3.6. Yếu tố nguyên vật liệu

Yếu tố nguyên vật liệu cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của các làng nghề. Khối lượng, chủng loại và khoảng cách từ cơ sở sản xuất tới nơi có nguồn nguyên vật liệu có ảnh hưởng tới chất lượng và giá thành sản phẩm của các đơn vị sản xuất. Cho nên, các làng nghề thường chú ý nhiều đến yếu tố nguyên vật liệu. Trước đây, phần lớn các làng nghề được hình thành do có nguồn nguyên vật liệu tại chỗ và nghề nghiệp chủ yếu được gắn bó với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Hiện nay, nguồn nguyên liệu tại chỗ của nhiều làng nghề truyền thống đã cạn kiệt, phải vận chuyển từ những nơi khác về, điều kiện khai thác, vận chuyển có ảnh hưởng tới việc đảm bảo

nguồn nguyên liệu cho các làng nghề. Trong điều kiện khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay, nguyên vật liệu cho các làng nghề đã có sự phong phú, đa dạng. Một loại nguyên vật liệu có thể dùng cho nhiều loại sản phẩm, ngược lại một loại sản phẩm có thể dùng nhiều loại nguyên vật liệu thay thế.

Vì vậy, vấn đề chọn lựa và sử dụng các loại nguyên vật liệu thay thế hợp lý, theo hướng đa dạng hóa, giá rẻ, bảo đảm cho quy trình sản xuất nhanh, đảm bảo sảm phẩm của các làng nghề có được chất lượng cao, giá thành hạ là điều cần được quan tâm.

1.1.3.7. Yếu tố truyền thống

Đây là yếu tố có ảnh hưởng nhất định đối với sự phát triển của các làng nghề, là nhân tố quan trọng không chỉ chi phối các hoạt động sản xuất mà chi phối cả tiêu dùng và đời sống của cư dân nông thôn. Sự bình ổn của các làng nghề là điều kiện tạo ra truyền thống và truyền thống lại góp phần giúp cho làng nghề ổn định hơn, phát triển truyền thống cao hơn.

Trong các làng nghề truyền thống, bao giờ cũng có các thợ cả, nghệ nhân có trình độ tay nghề cao, có kinh nghiệm sản xuất, có tâm huyết với nghề, là những hạt nhân để duy trì và phát triển của làng nghề. Yếu tố truyền thống có tác dụng bảo tồn những nét đặc trưng văn hóa của từng làng nghề, của dân tộc, làm cho sản phẩm làng nghề có tính độc đáo và có giá trị cao.

Yếu tố truyền thống trong điều kiện hiện nay có tác dụng hai mặt, vừa tích cực vừa tiêu cực, đối với sự phát triển của các làng nghề. Việc khó là làm sao đưa được những tiến bộ của khoa học và công nghệ hiện đại vào nhưng vẫn giữ được những yếu tố truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và những sản phẩm của các làng nghề phải được tiếp nhận trong thị trường của xã hội hiện đại.

Một phần của tài liệu Giải pháp bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa vạn phúc, quận hà đông, thành phố hà nội (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)