Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.2. Thực trạng về quản lý Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa Vạn Phúc - quận Hà Đông - thành phố Hà Nội
3.2.2. Quản lý Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh của làng nghề dệt lụa Vạn Phúc
Thông qua quan điểm định hướng của Nhà nước mà Đại hội Đảng Toàn quốc chỉ ra, các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định các chính sách quản lý cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Do vậy, chính sách quản lý Nhà nước nhằm phát triển làng nghề tất yếu chịu ảnh hưởng của những định hướng từ các cơ quan Nhà nước. Các định hướng, quan điểm chỉ đạo của Nhà
nước cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với phát triển làng nghề được thể hiện ở các nội dung sau:
+ Chính sách vốn:
Đây là một trong những chính sách QLNN nhằm mục đích tạo điều kiện hỗ trợ các hộ sản xuất - kinh doanh có thêm nguồn vốn để phát triển sản phẩm làng nghề. Với lãi suất vay ưu đãi, chính sách vốn đang là công cụ quản lý khá hiệu quả hoạt động làng nghề của Nhà nước.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ làng nghề dệt lụa Vạn Phúc muốn phát triển cần phải có nhiều nguồn vốn hơn nữa để mở rộng quy mô, cơ cấu cũng như trình độ lao động. Hơn nữa do thực trạng phát triển của làng nghề, đầu vào tăng giá, cơ sở vật chất sản xuất chưa đảm bảo, khoa học kĩ thuật chưa tiên tiến… vì thế các hộ sản xuất, kinh doanh rất cần nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước phục vụ cho phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống lụa Vạn Phúc.
Tình trạng chung của các làng nghề hiện nay là thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Vốn ở các làng nghề vừa nhỏ, vừa thiếu. Theo điều tra của Hiệp hội làng nghề Việt Nam thì 80% làng nghề ở nước ta thiếu vốn. Làng lụa Hà Đông cũng không ngoại lệ. Cuối năm 2008, đầu năm 2009 là thời điểm các làng nghề và doanh nghiệp làng nghề lâm vào tình trạng khó khăn nhất. Đúng thời điểm đó, Chính phủ đã ban hành nhiều gói kích cầu để trợ giúp doanh nghiệp làng nghề.
Nhờ gói kích cầu của Chính phủ mà một số doanh nghiệp làng nghề có vốn để mua nguyên vật liệu, đáp ứng nhu cầu khách hàng. Ngoài ra nguồn vốn này còn được doanh nghiệp dùng để đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề cán bộ, công nhân. Cho đến nay, nhờ nguồn vốn từ gói kích cầu, nhiều doanh nghiệp làng nghề có sự hồi phục và bắt đầu tổ chức sản xuất lại bình thường.
Tuy nhiên số doanh nghiệp làng nghề được hưởng lợi từ gói bổ trợ lãi suất của Chính phủ còn rất hạn chế.
Một trong những cái khó hiện nay của các Hợp tác xã, làng nghề là việc tiếp cận với vốn vay ngân hàng để vực dậy làng nghề. Nguyên nhân chủ yếu là muốn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng, HTX phải đáp ứng được các yêu cầu như hệ thống tài chính kế toán của HTX phải minh bạch, HTX phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh hoặc phải có tài sản thế chấp, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả… Do nhiều hộ nghề không nắm được thông tin về nguồn vốn hỗ trợ, khả năng lập dự án kinh doanh còn yếu, lại không có tài sản thế chấp hoặc không đủ tiền đáo hạn nên khả năng tiếp cận nguồn vốn là vô cùng khó khăn. Hầu hết các hộ nghề cùng các doanh nghiệp nhỏ có nhu cầu thực sự về vốn đều không tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ mà tập trung vào các DN lớn, có uy tín và quan hệ chặt chẽ với các ngân hàng. Theo số liệu công bố của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chỉ có khoảng 5 - 10% số hộ sản xuất khu vực làng nghề là tiếp cận được với chính sách này, một tỷ lệ quá khiêm tốn. Còn ở làng nghề lụa Vạn Phúc thì các hộ sản xuất kinh doanh chưa được hưởng chính sách ưu tiên nào về vốn. Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ nhiệm HTX Vạn Phúc cho rằng vốn hỗ trợ cho các HTX muốn vay rất khó. Ông chia sẻ “10 năm nay từ khi làm chủ nhiệm HTX tôi chưa vay một đồng vốn nào của ngân hàng” do thủ tục vay vốn rắc rối. Đồng thời “nếu vay vốn ngân hàng nay họ kiểm tra, mai họ kiểm soát nên chúng tôi chủ yếu tự thân là chính.”. Nói chuyện với nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh, ông cho biết là một nghệ nhân, một hộ sản xuất với quy mô tương đối lớn ở làng nhưng gia đình ông cũng không vay vốn ưu đãi. Thứ nhất, ông cho rằng muốn vay được vốn thì phải có luận chứng kinh tế kỹ thuật, phải có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, trong đó quan trọng nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Thứ hai, nếu vay được vốn thì
khả năng hoàn trả đúng hạn cũng rất khó khăn. Vì theo ông đây là nguồn vốn ngắn hạn (từ 6 tháng đến 1 năm) mà thời gian để làm ra sản phẩm cũng không phải là ngắn trong khi đó tốc độ quay vòng vốn chậm không thể thu hồi vốn ngay, đấy là còn chưa kể tình trạng không bán được sản phẩm. Như vậy mặc dù Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, làng nghề phát triển nhưng tác động chưa được nhiều, chưa có gì rõ rệt.
+ Chính sách đào tạo nguồn nhân lực.
Hiện nay, nguồn nhân lực ở các làng nghề nói chung và làng nghề Vạn Phúc nói riêng là đầy tiềm năng, là một thế mạnh. Vì thế Nhà nước cần có chính sách đào tạo nhân lực để khai thác tối đa nguồn nhân lực dồi dào đó, phục vụ cho quá trình phát triển nghề, nâng cao đời sống người dân làng nghề.
Với đội ngũ nguồn nhân lực trẻ, có ý thức học hỏi cao, dễ nắm bắt, tiếp thu, năng động sáng tạo… là những điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực.
+ Chính sách đãi ngộ nghệ nhân.
Nhằm phát triển hơn nữa làng nghề truyền thống, Nhà nước ban hành chính sách đãi ngộ nghệ nhân. Với chính sách này, những người làm nghề lâu năm, nhiều kinh nghiệm trong nghề sẽ được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Qua đó động viên khích lệ họ trong sản xuất cũng như truyền đạt nghề cho thế hệ trẻ để sản phẩm làng nghề ngày càng phát triển hơn nữa.
Trải qua hơn 1.200 năm làng lụa Vạn Phúc ra đời và phát triển đến tận ngày nay không thể không kể đến công lao to lớn của những người thợ đã nhiều năm gắn bó với làng nghề. Ghi nhận những công lao và đóng góp đó, năm 2006 và năm 2012 UBND Thành phố đã vinh danh và công nhận 6 người làm nghề của làng lụa Vạn Phúc với danh hiệu nghệ nhân và Cục sở hữu trí tuệ đã chính thức công nhận thương hiệu lụa Hà Đông. Hiện nay, HTX cũng như chính quyền địa phương đang đề nghị suy tôn một số thợ giỏi lên thành
nghệ nhân. Chính sách này đã góp phần nâng cao vị thế của những người có tay nghề cao, hơn nữa nó cũng góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho sản phẩm lụa, từ đó khuyến khích họ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng cũng như gia tăng sản xuất. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là bên cạnh danh hiệu cao quý ấy, các nghệ nhân sẽ có những chính sách đãi ngộ cụ thể như thế nào?
Hiện nay, các nghệ nhân khi được phong vẫn chưa được hưởng bất kỳ chế dộ đãi ngộ nào. Được hỏi về điều này ông Nguyễn Hữu Chỉnh - nghệ nhân nổi tiếng của làng lụa Vạn Phúc cho biết Nhà nước chưa có chính sách gì đặc biệt để khuyến khích các nghệ nhân trong làng. Trong những lần triển lãm thì gian hàng của ông chỉ được giảm giá, ưu đãi về thuế hay hỗ trợ tiền vận chuyển để đi xa triển lãm. Hiện nay thì chẳng có gì ngoài mấy điều đó.
Không có lương, bảo hiểm không, không có bất cứ một hình thức trợ cấp nào khác. Việc thiếu chế độ đãi ngộ xứng đáng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều loại hình văn hóa truyền thống, nghề truyền thống bị mai một.
Như vậy chính sách đãi ngộ nghệ nhân của Nhà nước cũng chưa có gì đặc biệt, chưa phát huy được hiệu quả trong việc khuyến khích phát triển sản phẩm lụa làng nghề Vạn Phúc - Hà Đông.
Ngoài các chính sách trên, trong phát triển thương mại sản phẩm làng nghề, còn có các chính sách khác như chính sách thuế, chính sách khoa học - công nghệ… Tuy các chính sách này chưa được tập trung, chú trọng nhưng nếu có hoạch định cụ thể, chính xác thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình phát triển sản phẩm làng nghề.