Bản chất phong cách nghệ thuật nhà văn

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Sơn Nam (Luận án tiến sĩ) (Trang 38 - 41)

Chương 2. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH

2.1. Khái niệm về phong cách nghệ thuật

2.1.2. Bản chất phong cách nghệ thuật nhà văn

Chúng tôi đồng quan niệm với Phan Ngọc trong công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, khi đề cập đến khái niệm “cấu trúc phong cách”

của mỗi tác giả và mỗi ngôn ngữ, chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong các bài viết, chuyên luận nghiên cứu về phong cách là chỉ tập trung về hình thức của “cấu trúc phong cách” mà quên không nêu bật được tính thống nhất hữu cơ giữa hình thức với nội dung. Như vậy, phong cách chính là tổng thể các yếu tố về cả nội dung và hình thức. Nó là cái nhìn, là quan niệm riêng của người nghệ sĩ về thế giới được thể hiện qua các yếu tố nghệ thuật của tác phẩm như kết cấu, hình tượng, ngôn ngữ… và từ sự nghiên cứu các yếu tố cụ thể của tác phẩm đến nhận diện cái tổng thể chung làm nên nét đặc sắc nghệ thuật của hiện tượng văn học. Chúng tôi chú ý đến các phương diện của phong cách (quan niệm nghệ thuật về cuộc sống và con người, phương thức nghệ thuật đặc trưng…) để tiến hành làm rõ những nguyên tắc nghệ thuật, những kiểu lựa chọn riêng trong các yếu tố cấu trúc phong cách (kết cấu, cốt truyện, nhân vật, giọng điệu, ngôn từ…) với mục đích làm nổi bật các phương diện phong cách trong một chỉnh thể thống nhất đồng thời làm rõ sự gắn bó của các thành tố trong cấu trúc phong cách.

Phong cách tác giả hay còn gọi là phong cách cá nhân. Hiện nay phong cách tác giả còn tồn tại nhiều những quan niệm khác nhau nhưng rõ ràng dù nghiên cứu các lĩnh vực khác của phong cách như phong cách dân tộc, phong cách thời đại, phong cách trào lưu, phong cách thể loại, phong cách tác phẩm… thì người nghiên cứu ít nhiều dựa vào sự khái quát từ các phong cách tác giả. Không thể phủ nhận phong cách tác giả chính là nhân tố cơ bản để nhận diện tài năng người nghệ sĩ đồng thời cũng để đánh giá những thành tựu của một trào lưu, một trường phái hay một nền văn học cụ thể nào đó. Hiện nay hướng nghiên cứu phong cách tác giả trong sáng tác là hướng đi hợp lý và hữu ích trong vấn đề nghiên cứu phong cách tác giả. Nó giúp cho các nhà nghiên cứu nhận diện phong cách một nhà văn, nhà thơ qua những sáng tạo, những cách tân… tạo nên dấu ấn riêng biệt biểu hiện qua quan niệm nghệ thuật về con người, phương thức nghệ thuật đặc trưng, cảm quan thẩm mỹ đặc thù để tìm ra phong cách cá nhân độc đáo của nhà văn.

Phong cách cá nhân được Buffon đề xuất từ đầu thế kỷ XVIII, theo Buffon, phong cách không chỉ áp dụng cho văn học mà còn được áp dụng trong các lĩnh vực khoa học khác như triết học, khoa học, lịch sử… Ngay từ thời cổ đại, với những đại biểu xuất sắc như Platon “Tính cách thế nào thì phong cách thế ấy” [dẫn theo 75: 18],

33

Sénèque “Lời nói là diện mạo của tâm hồn” [75: 18]. Với sự tiến bộ vượt bậc về tư tưởng và khoa học kỹ thuật của thời kỳ Thế kỷ Ánh Sáng, nhà lý luận Buffon cho rằng “Phong cách chính là bản thân con người”. Cùng với quan điểm đó, D. Alember (1768 – 1848) và Chateaubriand (1768 – 1848) cũng cho rằng phong cách chính là tài năng thiên bẩm, là cái không thể bắt chước, không thể học tập. Tuy nhiên, những quan niệm trên, xét cho cùng vẫn còn phiến diện, chưa đảm bảo phản ánh đầy đủ đặc trưng của phong cách.

Như vậy, nói đến phong cách cá nhân là nói đến dấu ấn, tài năng sáng tạo nghệ thuật của cá nhân người nghệ sĩ thể hiện qua sáng tác. Từ cách tổ chức tác phẩm, cách xử lý đề tài, cách xây dựng nhân vật, tạo tình huống đến giọng điệu, ngôn ngữ… mà tư tưởng nghệ thuật như một tiêu chí quan trọng vừa mở đầu, vừa có tính chất chỉ đạo, nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng nói “Mỗi người có một cái vision (nhỡn quan) riêng, nó đẻ ra phong cách” [115: 174]. Cái riêng độc đáo mang tính thẩm mỹ - cốt lõi của phong cách, dù ở hoàn cảnh, điều kiện nào cũng thống nhất và mang tính ổn định “phong cách là nói đến những biểu hiện độc đáo của tài năng sáng tạo nghệ thuật, có tính thống nhất và tương đối ổn định, được “lặp đi lặp lại” trong nhiều tác phẩm của nhà văn” [38: 16]. Để xác định một nhà văn có phong cách hay không, các nhà lý luận, nghiên cứu phải nhìn thấy cái được “lặp đi lặp lại” một cách có hệ thống và luôn bị chi phối bởi “cái nhìn độc đáo” của nhà văn. Chúng thường xuyên ở thế vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng của thế giới quan, của môi trường xã hội và xu thế chung của thời đại, nhưng dù ở dạng nào thì yếu tố “lặp đi lặp lại”

vẫn xuất hiện, lộ rõ hay dưới dạng mạch ngầm. Qua nhiều công trình nghiên cứu từ trước đến nay ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu đều chú ý đến những nét khu biệt được lặp đi lặp lại. Sự lặp lại này có tần số xuất hiện cao hơn so với các yếu tố cùng loại trong tác phẩm của chính nhà văn hay so với tần số xuất hiện của yếu tố đó trong tác phẩm của các nhà văn khác. Sự lặp đi lặp lại này tạo nên phong cách nghệ thuật hay còn gọi là bản sắc thế giới nghệ thuật của nhà văn. Năm 1970, Hans Robert Jauss công bố công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học.

Cùng khoảng thời gian đó, ở Việt Nam, Phan Ngọc đã công bố một công trình gây tiếng vang lớn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Phan Ngọc đồng quan niệm với H.R. Jauss là khi nghiên cứu phong cách tác giả cần nghiên cứu trên hai trục lịch đại và đồng đại.

Phong cách được hình thành ngay từ lúc nhà văn bắt đầu cầm bút và vận động, phát triển, theo sự tác động của bối cảnh thời đại, môi trường sống, các nhà văn họ bị

34

ảnh hưởng… Phong cách nghệ thuật cá nhân được tạo nên trên nền móng tài năng nhưng nếu nhà văn không ý thức rèn giũa, khổ luyện công phu thì họ chỉ dừng lại ở mức độ “tiềm năng bẩm sinh”, không thể trở thành nét độc đáo riêng trong sáng tạo nghệ thuật của cá nhân mình được. Phấn đấu để có một phong cách nghệ thuật cá nhân là sự đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của cả nền văn học. Một nền nghệ

thuật càng có nhiều phong cách cá nhân thì càng có nhiều khả năng trở thành một nền văn học lớn.

Đúc kết từ các tư liệu về phong cách, chúng tôi có quan niệm về nội hàm phong cách nghệ thuật tác giả:

Phong cách nghệ thuật nhà văn là cái nhìn nghệ thuật của người nghệ sĩ qua những tác phẩm, khái quát lên thành quan niệm nghệ thuật về cuộc sống, con người. Quan niệm này chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như yếu tố chủ quan (cá tính, thói quen, kinh nghiệm, vốn sống…), yếu tố khách quan (dân tộc, thời đại, văn hóa, hoàn cảnh gia đình…).

Phong cách nghệ thuật nhà văn bao gồm cảm quan chủ đạo như cái nhìn nghệ thuật chính yếu, sở trường chọn lựa, cách hành văn, bút pháp của nhà văn cùng với một số nguyên tắc nghệ thuật, phương pháp sáng tác, biểu hiện qua cả nội dung và hình thức nghệ thuật trong tác phẩm. Phong cách thể hiện qua những yếu tố phong cách, những phẩm chất nghệ thuật cơ bản của nhà văn.

Như vậy, câu nói nổi tiếng “Văn tức là người” của Buffon cũng là nói đến “cái nhìn” (Nguyễn Thành Thi), “cái tạng” (Tôn Phương Lan) chính là phong cách của nhà văn. Phong cách là nói đến dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ để lại sâu sắc trong sáng tác: từ cách tổ chức tác phẩm, cách xử lý đề tài, cách xây dựng nhân vật, phương thức trần thuật đến giọng điệu, ngôn ngữ… trong đó tư tưởng nghệ thuật như một tiêu chí quan trọng có ý nghĩa mở đầu, vừa có tính chỉ đạo.

Phong cách nhà văn là một quá trình vận động, phát triển không ngừng qua mỗi giai đoạn sáng tác. Do vậy, nghiên cứu phong cách cần theo chiều lịch đại, các nhà nghiên cứu xem xét sự kế thừa, phát triển và sáng tạo tác phẩm, đánh giá những điều tác giả làm được có ảnh hưởng và tác động đến nền văn học đương thời và ảnh hưởng đến thế hệ sau đến mức độ nào hay có tạo được bước ngoặt đáng ghi nhớ đối với dòng văn học hay không. Đồng thời, cần dựa theo phương pháp tiểu sử học và xã hội học… để nhận định, lý giải, chứng minh, xem xét sự đóng góp của nhà văn theo chiều đồng đại, họ có tạo nên một phong cách riêng, độc đáo hay không vì không

35

phải nhà văn nào cũng có phong cách. Nhà văn có phong cách phải là nhà văn để lại dấu ấn không phai mờ trên hai trục lịch đại và đồng đại. Bên cạnh đó, cố gắng làm rõ mối quan hệ bên trong tạo nên tính chỉnh thể của các phương diện phong cách và thành tố cấu trúc.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Sơn Nam (Luận án tiến sĩ) (Trang 38 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(288 trang)