Chương 3. CẢM QUAN VỀ THIÊN NHIÊN, CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA
3.1. Cảm quan thiên nhiên Nam Bộ trong sáng tác Sơn Nam
3.1.1. Bức tranh thiên nhiên dữ dội, bí ẩn và đầy khắc nghiệt
Là người con của vùng đất Nam Bộ, Sơn Nam thổi vào văn chương tất cả hình ảnh thiên nhiên thân thuộc, cũng là không gian sinh hoạt văn hoá của con người phương Nam. Thiên nhiên Nam Bộ đã được Sơn Nam chọn làm bối cảnh chính cho các tác phẩm của mình. Thiên nhiên trong tác phẩm văn chương Sơn Nam không là phông nền giống của các tác giả khác mà được mô tả như là trung tâm phản ánh của tác phẩm - một bức tranh thiên nhiên dữ dội, bí ẩn và vô cùng khắc nghiệt của miền đất phương Nam một thời dân ta đi mở rộng bờ cõi. Không ít nhà văn viết về thiên nhiên Nam Bộ,
55
Hồ Biểu Chánh nhà văn đầu thế kỷ XX có nhiều trang văn viết về thiên nhiên giai đoạn đầu thế kỷ nhưng thiên nhiên ấy là những cánh đồng, dòng sông… khi miền đất phương Nam đã được thuần hóa. Sau 1975, nhiều nhà văn đã viết về thiên nhiên Nam Bộ, đặc biệt là Nguyễn Ngọc Tư – nhà văn trẻ của đồng bằng sông Cửu Long có tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận “tác phẩm gây xôn xao trong đời sống văn học” một thời bởi người ta tìm thấy ‘sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái’. Mỗi truyện ngắn là mỗi tấn bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng của con người trong bối cảnh thiên nhiên như những cánh đồng chạy dài đến bất tận, những dòng sông vắng lặng cô đơn khiến người đọc “có lúc cảm thấy nhói tim...” (Nguyễn Ngọc Tư – Cánh đồng bất tận - 2006). Nhìn chung thiên nhiên của Nguyễn Ngọc Tư là thiên nhiên tâm trạng, cảnh thiên nhiên chỉ là cái nền cho tâm trạng nhân vật bộc lộ. Khác với họ, Sơn Nam đề cập đến thiên nhiên thời kỳ đầu của cuộc khẩn hoang kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. Miền Nam là vùng đất mới, cư dân bao gồm các dân tộc trên đất nước và các nước lân cận. Thiên nhiên nơi đây phong phú và đa dạng được nhà văn khắc họa bằng tấm chân tình của người con yêu quê hương sâu sắc.
Sơn Nam từng tâm sự trên báo Văn Nghệ “Tôi sinh ra ở vùng đất U Minh (…). Tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách (…) từ ký ức quê nhà mãi mãi không bao giờ phai nhạt” [247].
Những điều ông viết ra rất xa nhưng cũng rất gần trong tâm thức, cái thời người dân tứ chiếng rời bỏ quê hương đi khẩn hoang, mở cõi để biến một vùng đất dữ dội, hoang vu
“Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/ Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma” (Ca dao) trở thành một vùng đất trù phú như hiện nay. Có thể nói Sơn Nam là người đầu tiên và cho đến nay cũng là người duy nhất đề cập đến thiên nhiên thời khẩn hoang. Điều này đã tạo cho Sơn Nam trở thành gương mặt đặc biệt độc đáo của nền văn học nước nhà.
Sơn Nam là người am tường sâu sắc về địa lý, đất đai, thổ nhưỡng… Nam Bộ nên thiên nhiên trong tác phẩm của ông là thiên nhiên thời khẩn hoang được khắc họa chân thực với vẻ đẹp vừa khắc nghiệt, vừa nên thơ. Không phải hình ảnh của vùng đất của miền quê hiền hòa êm ả với những “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo... Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” (Nguyễn Khuyến) như ở đồng bằng Bắc Bộ mà là một thiên nhiên sông nước hoang dã, lắm rạch, nhiều vàm. Vùng đất mà ngược về bốn thế kỷ trước còn hoang vu, rừng rậm, sình lầy chưa ai bước đến “Mùa hạn đồng hoang vắng, cây cỏ héo cằn, sông rạch cạn khô” [16a; 157]. Sông nước, kênh rạch, vàm, xẻo, bãi, vồ… xuất hiện tràn ngập trong tác phẩm Sơn Nam. Những tên đất, tên sông, tên vùng, những địa danh đất rừng phương Nam dường như xa lạ nhưng lại gần gũi vừa sinh động vừa bí ẩn “Vùng Xẻo Bần (…) đầy cỏ năn kim, ô rô, cỏ ống” [14a; 73], căn chòi
56
của lão mù giăng câu ở Rộc Lá, Hòn Cổ Tron nghèo xơ xác của ông Tư Thông, ông Hai Muôn quá giang bạn “từ Xẻo Mát, thuộc tỉnh Cần Thơ đến chót mũi Cà Mau”, ở núi Cô Tô (Thất Sơn – tỉnh Châu Đốc) có một mỏm đá cao được gọi là khu vực Vồ Con Sấu…; bãi tràm, bãi sậy mênh mông, chằng chịt “rừng tràm dày bịt, cây chen vạn gốc…” [12a; 226], hay “lau sậy mọc um tùm”... Đất đai thổ nhưỡng ban đầu không thể canh tác “thứ đất khô, không ra khô, ướt không ra ướt” [14a; 750], phù sa nhiều nhưng lại là thứ đất chua, đất phèn chưa được thuần hóa. Thêm vào đó thời tiết khắc nghiệt
“nắng đổ mưa dầm”, “nắng đổ sao, mưa thúi đất”, “chướng khí mù sương”…; vùng ven biển “đất phèn, đất mặn”… là sự khắc nghiệt và nỗi đe dọa thường nhật đối với lưu dân mở cõi.
Bằng sự uyên bác của mình, Sơn Nam kể chuyện sông nước, rừng rậm, đầm lầy… nơi hội tụ những loài động vật nguy hiểm như cọp, beo, cá sấu, heo rừng… Sấu và cọp là hai loài thú dữ tượng trưng cho sức mạnh hoang dã luôn là kẻ thù cuộc sống con người. Những thành ngữ “Hùm tha sấu bắt” hay “Xuống sông hốt trứng sấu, lên rừng xỉa răng cọp”… thường xuyên lặp đi lặp lại ở cửa miệng của người dân khẩn hoang Nam Bộ. Ông Hai Râu có con gái bị cọp vồ, gia đình Tư Ngạn bị cọp cõng mất con heo nái, những người đi ăn ong bị cọp ăn, tha luôn cả xác…, tác giả từng mô tả những con cá sấu chuyên hại người trong Con sấu cuối cùng “những vật đen chi chít.
Con thì nằm dài như chiếc xuồng lường, con thì lấy hai chân trước mà vạch sậy, ngóng mỏ xéo lên” [15a; 86]... Quang cảnh bao giờ cũng buồn bã, thê lương “Sớm thì chim kêu, vượn hú (…). Giữa đêm khuya nghe tiếng cọp rống” [14a; 235], ở vùng Gò Quao, cọp lộng hành đến nỗi bỏ rừng sâu bén mảng vào các xóm nhà mé sông để bắt gà, bắt trâu, thậm chí giết người (Cọp Gò Quao), những con heo rừng hung dữ thường xuyên về quấy nhiễu dân lành (Con heo khịt) gây cho con người nhiều sợ hãi trong những ngày đầu bước đến vùng đất xa xôi lạ lẫm. Muỗi mòng, rắn, rết, vắt, đỉa… luôn quấy rầy, đêm ngủ cũng cảm thấy lo âu “ngủ trần, tay đập muỗi lia lịa, trí óc buồn bã nhớ đến ngày mai” [16a; 185-186].
Giữa thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đặt chân vào miền Nam thì dân cư còn thưa thớt, trong Hết thời oanh liệt “Hồi Tây đánh nước mình, miệt Rạch Giá – Cà Mau còn hoang vu. (…) kỳ dư có vài sóc Miên ở giữa đồng, thưa thớt lắm, có khi chèo ghe cả ngày mà không gặp người nào” [15a; 217]. Hệ thống sông rạch chằng chịt là môi trường thiên nhiên thuận lợi cho đời sống nhưng cũng là tác nhân gây trở ngại, khó khăn cho người đi khai hoang, nhất là lúc nước lên, ngập lụt cánh đồng, nước mênh mông, trong Một cuộc bể dâu, nhà văn mô tả vùng đất sạ Long Xuyên “nước tuy cạn
57
nhưng có thể giết người (…) vượt năm bảy ngàn thước cũng không tìm được một căn nhà, một ngọn tre mà nương tựa” [16a; 13]. Trong Âm dương cách trở, bức tranh thiên nhiên của vùng ngoại vi Hòn Chông còn hoang hóa, mùa hạn vô cùng tàn khốc “Ở ngoại vi Hòn Chông, nhiều đồi đá vôi. (…). Mùa nắng không một giọt nước (…) số phận chỉ mành treo chuông” [7a; 303]. Ngoài ra, sông nước còn có những nguy cơ đưa đến nhiều hiểm họa, đồng bằng sông Cửu Long là vùng thấp, vùng đất cuối cùng của miền Nam nhận nước từ sông MeKong trước khi chảy ra biển Đông nên thường xuyên gây ra ngập úng, lũ lụt khi mùa mưa đến hoặc mùa nước lên. Cũng có lúc nước lên quá cao, con người chết không có chỗ chôn, phải neo xác dưới đáy sông hay treo lên ngọn cây, đợi đến khi nước rút mới có thể đem đi chôn (Một cuộc bể dâu). Những mùa nước nổi, cây cỏ đều không thể mọc, những gia đình có trâu – đầu cơ nghiệp của họ - phải đưa trâu đến vùng khác tránh nước và tìm cỏ cho chúng ăn. Trong Mùa “len” trâu, một cảnh vừa hùng vĩ vừa độc đáo hiện lên dưới ngòi bút tài hoa của nhà văn. Sơn Nam vô cùng hào hứng và tự hào khi kể về cảnh “len” trâu từ núi Ba Thê cả bầy trâu “len” qua miệt Bảy Núi - một cảnh không nơi nào có, nó làm cho thiên nhiên hoang dã trở nên sôi động và có một vẻ đẹp lạ lùng và kỳ thú mà không dễ ai cũng có thể chứng kiến
“Oai vệ lắm kìa! Voi đi một lần đôi ba chục con là cùng, cọp đi hai ba con là nhiều...
Đằng này trâu lội nước năm ba trăm con đen đầu, đặc nước …” [16a: 42]. Ngòi bút Sơn Nam vùng vẫy vẽ lên một vẻ đẹp hoành tráng và hùng vĩ nhưng cũng thể hiện sự dữ dội và khó khăn mà người nông dân phải đối mặt trong quá trình khai hoang mở đất.
Sự dữ dội, bí ẩn và đầy khắc nghiệt của thiên nhiên miền Nam thời kỳ đầu mở nước trở đi trở lại thường xuyên trong mỗi câu chuyện kể của Sơn Nam với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí nhưng cũng rất nên thơ của miền sông nước, vùng đất phương Nam.
Điều này đã tạo nên nét đặc sắc trong văn chương của nhà văn vùng đất mới.