Hoàn cảnh xuất thân và cá tính nhà văn

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Sơn Nam (Luận án tiến sĩ) (Trang 47 - 51)

Chương 2. PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CƠ SỞ HÌNH THÀNH

2.2. Cơ sở hình thành phong cách nghệ thuật Sơn Nam

2.2.2. Hoàn cảnh xuất thân và cá tính nhà văn

Nhiều nhà nghiên cứu về phong cách đã tập trung chú ý về phương pháp tiểu sử học, nghĩa là lấy việc tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân và cơ sở hình thành tư tưởng nhà văn để tìm hiểu tác phẩm. Phương pháp này do Saint – Beuve khởi xướng. Theo Saint – Beuve, tác phẩm là “cái tôi nói năng” của nhà văn, còn cá nhân nhà văn là thế giới tâm hồn người nghệ sĩ. Ông cho rằng sử dụng tác phẩm như nguồn tư liệu để mô tả thế giới tâm hồn nhà văn chứ không phải tác phẩm văn học xuất phát từ tâm lý nhà văn. Vì vậy, nghiên cứu tiểu sử là mở ra nhiều khả năng lý giải sự hình thành phong

42

cách. Đây là phương pháp hữu ích trong việc nghiên cứu sáng tác của các nhà văn có cốt cách hiện thực. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là nó đồng nhất con người sáng tạo với con người tiểu sử trong khi hai con người này không phải lúc nào cũng trùng khớp. Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp này theo nguyên lý “từ tiểu sử đến nhà văn, từ nhà văn đến tác phẩm” không hẳn đúng với nhà văn có tài năng bẩm sinh do di truyền hay đột biến chưa từng có trong phả hệ. Tuy nhiên, hướng nghiên cứu phong cách nhà văn bằng phương pháp tiểu sử đối với một số nhà văn là cần thiết vì nó lý giải được những đặc điểm của phong cách nghệ thuật.

Sơn Nam sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Gia đình của tổ tiên nhà văn ở Cù lao Ông Chưởng (An Giang). Vì điều kiện sống khó khăn, theo chủ trương khẩn đất tự do của thực dân Pháp nên ông nội nhà văn đem gia đình qua Rạch Giá đến Cù Là rồi xuống U Minh. Nhưng vùng đất nơi này là vùng đất úng, khó có thể canh tác nên khi nhà văn lên 6 tuổi, cha Sơn Nam lại tiếp tục di dân ven vịnh Thái Lan, cách Rạch Giá khoảng 15km về phía Hà Tiên, nay gọi là vùng Tứ Giác nay gọi là “Tứ giác Long Xuyên” (gồm Long Xuyên – Rạch Giá – Hà Tiên – Châu Đốc).

Đây là lần di dân khẩn đất lần thứ hai của gia đình Sơn Nam. Vùng đất mới thấp, quanh năm lũ lụt, tuy “đẹp thơ mộng” nhưng “không khí u buồn”. Sơn Nam trưởng thành trong môi trường mà những con người mạnh mẽ, gân guốc, kiên cường từng ngày, từng giờ ra sức khai khẩn đất hoang, bảo vệ từng mảnh đất, từng con sông, từng cánh rừng… của thế hệ cha ông. Nhờ đó, ngay từ khi còn bé, Sơn Nam đã có lòng yêu mến trân trọng và tự hào về một lịch sử khẩn hoang hào hùng của dân tộc.

Sau khi rời ghế nhà trường, được mời làm cán bộ tuyên huấn ở chiến khu 9, chính nơi đây, Sơn Nam có một bước ngoặt về tư tưởng, chàng thanh niên còn đang bối rối trước cảnh nước mất nhà tan, tương lai mờ mịt của bản thân thì lúc này ông đã có một định hướng rõ ràng cho bản thân. Sau này trên con đường sự nghiệp viết lách, ông đã chọn con đường quay về với cội nguồn và lấy đó làm cảm hứng sáng tác trong suốt cuộc đời của mình, một phần vì tấm lòng yêu mến quê hương, phần khác vì sống trên mảnh đất miền Nam bộn bề phức tạp mà ông lại là nhà văn kháng chiến cũ muốn đựợc yên bình để sinh sống và sáng tác buộc phải chọn cho mình một phương pháp sáng tác có thể tránh sự kiểm soát gắt gao của chính quyền đương thời. Sự lựa chọn

43

đúng đắn này đã tạo nên một phong cách độc đáo của nhà văn Sơn Nam.

2.2.2.1. Cá tính nhà văn

Cá tính là cái làm nên bản sắc của con người cá nhân, nó là cốt lõi của ý thức cá nhân. Cá tính là một mặt nào đó của tính cách được biểu lộ mạnh mẽ, thường xuyên, tạo nên nét đặc trưng của mỗi sự vật. Người ta dựa vào đó để đặt biệt danh, tên hiệu cho sự vật. Những sự vật có khả năng tạo được cảm xúc cao cho người thưởng thức. Nó được xem là “giầu cá tính”. Có người cho rằng khi mất đi cá tính thì thế giới của con người sẽ biến thành sa mạc của sự trừu tượng, bởi vì các sự vật trở nên giản đơn một cách đáng sợ vì bị cướp mất ý nghĩa huyền bí của sự sống. Quan niệm về cá tính chi phối rất sâu sắc đến nghệ thuật mô tả cũng như nghệ thuật diễn đạt của nhà văn. Cá tính được hình thành một phần do bản chất con người, phần khác là do hoàn cảnh sống như gia đình, xã hội... chi phối. M.B. Kravchenko cho rằng “Cá tính sáng tạo – đó là cá nhân của nhà văn với những đặc điểm vô cùng quan trọng về mặt xã hội – tâm lý của cá nhân đó, là cách nhìn nhận và cách thể hiện thế giới của cá nhân đó, đó là cá nhân của nhà văn trong mối quan hệ của nó đối với những nhu cầu thẩm mỹ của xã hội, trong việc cá nhân đó hướng tới công chúng độc giả, hướng tới những người mà vì họ văn học được tạo ra...” [97; 116]. Như vậy, để hiểu được tác phẩm của một nhà văn nào đó, người đọc hay người nghiên cứu cần biết rõ cá tính sáng tạo của nhà văn cũng như nhu cầu thẩm mỹ của xã hội và của thời đại mà nhà văn đang sống thì sự tiếp cận với tác phẩm sẽ dễ dàng hơn trong quá trình nghiên cứu.

Sơn Nam là một nhà văn – nhà văn hóa Nam Bộ có cá tính riêng biệt, khác với các nhà văn khác cùng thời, ông có cái nhìn, có cách suy nghĩ khác biệt. Chính điều này tạo cho tác phẩm của Sơn Nam được xem là “giàu cá tính”.

Đầu tiên, tính “giàu cá tính” này cũng bộc lộ qua cách sống, cách nghĩ, quan niệm sáng tác của Sơn Nam. Sau đó chi phối qua cách kể chuyện, qua mô tả nhân vật trong từng tác phẩm. Ông được nhiều người yêu mến vì tính cách đặc biệt của mình.

Theo một lời kể của một người bạn văn đã từng gặp và trao đổi với Sơn Nam “…Ông mặc bộ quần áo cũ kỹ, chân đi đôi dép cũ, cả khuôn mặt tác phong (…). Sơn Nam được độc giả yêu mến ở cái dung dị, cái chất “cổ” của ông.” [91; 15]. Trong mắt của mọi người, nhất là những người hiểu và yêu quý ông thì Sơn Nam là một con người

“có lắm tâm tư, nỗi niềm cá biệt… có những nỗi cô đơn khát khao trĩu nặng trên

44

khuôn mặt già nua khắc khoải (…) đang mộng du vào thế giới nội tâm tư hữu của đời ta, chỉ có ông mới hiểu” [170; 34]. Con người nhỏ bé, dung dị có bút danh Sơn Nam còn được gọi với nhiều tên thân thương “Ông già đi bộ không mệt mỏi”, “Nhà Nam Bộ học”, “Nhà văn miệt vườn”, “Nhà văn vùng đất mới”, “Cây đước của vùng châu thổ”… được mọi người trân trọng vì đã đưa đến cho bao thế hệ bạn đọc những món ăn tinh thần quí giá. Bước qua thời tuổi trẻ nhiều gian truân, gia đình không thể chu cấp cho nhà văn tiếp tục con đường học vấn mà ông cho là lý tưởng của cuộc đời mình. Trong Hồi ký tập Từ U Minh đến Cần Thơ, lời của người cha đau đớn đến xé lòng “Mầy tính chuyện nghỉ học là vừa. Muốn học thêm nữa, ba cũng không có tiền gởi hàng tháng. Ba thấy đi học không ích lợi gì hết” [13a; 123]. Trở về quê hương với nỗi buồn sâu thẳm: tuổi còn quá trẻ (15 tuổi), việc học hành không tới đâu, sự nghiệp dang dở, sức khỏe ốm yếu, luôn mang mối băn khoăn, lo lắng với cuộc đời: cảnh nước mất nhà tan, cảnh gia đình khó khăn, bản thân chưa biết phải làm gì để giúp nước, giúp gia đình và chính bản thân mình “Nước non, hai tiếng quen thuộc nhưng ý nghĩa cụ thể ra sao? Nghĩ tới đó, tôi thấy mình quá bé bỏng, gần như lạc đề. Chữ nghĩa học được ở Cần Thơ, với 15 tuổi đầu, chưa vào đời quả ít ỏi” [13a; 145]. Trên con đường tìm kế mưu sinh, ông đã đi khắp miền Nam lục tỉnh từ Rạch Giá đến Cần Thơ, qua An Giang, Châu Đốc rồi xuống đến Hà Tiên, Cà Mau… đi đến đâu, nhà văn đều ghi nhận, lưu giữ những điều mắt thấy tai nghe.

Thời gian này, Sơn Nam tham gia hội văn nghệ chiến khu, tiếp xúc với nhiều người. Càng đi nhiều, càng đọc nhiều càng thấy sự thiếu hụt về kiến thức của mình, nên bắt đầu tìm và xem kỹ sách báo hồi cuối thế kỷ XIX của Pháp ghi chép về miền Nam, sưu tầm những câu thành ngữ, ca dao, bài hát dân gian Nam Bộ… Sơn Nam phát hiện ra là văn chương có sức mạnh và có tầm quan trọng, ngòi bút có thể làm ra những điều kỳ diệu, nó vừa có thể làm thay đổi con người hoặc phục vụ cuộc đời một cách tốt nhất trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng của đất nước. Văn chương phù hợp với lý tưởng và thể trạng của chàng học trò vừa rời ghế nhà trường “Đúng ra, như sau này tôi biết là dùng chữ viết giấy để gợi lại ấn tượng hỉ nộ ái ố” [13a: 235]. Tuy nhiên theo văn chương không phải là dễ dàng, điều này càng giúp cho niềm đam mê văn chương sục sôi, thúc đẩy ông tìm tòi học hỏi “việc ham mê văn học vẫn ám ảnh tôi.

Với chút tiền dành dụm được, bèn đem mua sắm những bộ sách quý… gần như ít ai chịu đọc” [13a: 149]. Cũng giai đoạn này, Sơn Nam có nhiều thời gian nên tiếp tục nghiên cứu văn hóa Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Phương mà ông đã có dịp tiếp cận khi còn ngồi trên ghế nhà trường “Nhờ đọc sách Pháp văn, tôi (…) hiểu được những loại

45 sách “đỉnh cao” để noi gương” [13a: 149].

Thời kỳ sống ở chiến khu 9 với tư cách là một cán bộ văn hóa là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời nhà văn, đánh dấu một bước trưởng thành về tư tưởng, cũng là cơ sở hình thành cá tính nhà văn với những nét giản dị, thuần phác, gan dạ, chịu khó, chịu khổ, ưa tìm tòi, thích hoài niệm, độc đáo… Sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu với bút hiệu là Sơn Nam, cái tên ông lấy vì lòng biết ơn đối với người phụ nữ Khmer đã từng cho ông bú mớm. Lúc đầu ông viết một số bài thơ đăng trên tờ Lúa reo. Hai sáng tác văn xuôi đầu tay của ông là truyện vừa Bên rừng Cù lao Dung và ký sự Tây Đầu Đỏ (1952) cả hai đã nhận được giải nhất và giải nhì Văn nghệ Cửu Long do Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ trao tặng. Điều này là một khích lệ lớn đối với ông. Sau này khi làm việc ở Sài Gòn, có điều kiện tiếp thu nhiều luồng văn hóa thế giới, Sơn Nam càng kiên định trong tư tưởng và khẳng định cá tính của mình.

Khả năng tưởng tượng, cảm giác sâu sắc về hiện thực và văn hóa đối với quê hương, sự ham mê học hỏi, ham mê hiểu biết cùng với tính thuần phác, hào phóng, nghĩa hiệp, chu đáo… của bản thân là những phẩm chất cần thiết đối với người nghệ sĩ.

Điều này đã giúp Sơn Nam thăng hoa trong nghệ thuật. Bên cạnh đó, bản tính nghệ sĩ thích đi đây đi đó không thích bị ràng buộc, những điều “trông thấy” đều được ông ghi chép lại một cách cẩn trọng và tỉ mỉ. Có thể nói từ một số vốn ít ỏi thu nhận từ ghế nhà trường qua tự học, tự rèn luyện, nhà văn đã nhanh chóng bổ sung cho mình một kiến thức sâu rộng và uyên bác. Đây cũng là những yếu tố giúp nhà văn rèn giũa ý chí và bản lĩnh, dần dần hình thành một cá tính độc đáo, một phong cách văn chương riêng biệt, đặc sắc nổi bật của văn học miền Nam nói riêng, của dân tộc nói chung. Tất cả đã góp phần làm nên phong cách nghệ thuật Sơn Nam.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật Sơn Nam (Luận án tiến sĩ) (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(288 trang)