Chương 4. NGHỆ THUẬT TRẦN THUẬT, GIỌNG ĐIỆU, NGÔN NGỮ
4.3. Ngôn ngữ nghệ thuật trong sáng tác Sơn Nam
4.3.3. Nghệ thuật sử dụng lớp từ khẩu ngữ
Khẩu ngữ bao giờ cũng mang sắc thái biểu cảm cao. Sử dụng khẩu ngữ trong sáng tác văn chương vừa thân thuộc, vừa bộc lộ tình cảm của người nói. Cách nói năng, xưng hô của người Nam Bộ như: ổng, bả, tui, tụi bây, thằng chả, mầy, bay, chế, các chả… thể hiện tính thoải mái trong giao tiếp hàng ngày giữa con người với con người ở một vùng miền. Nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn chương đã cho rằng đặc điểm văn phong Nam Bộ là “Người miền Nam nói chung cả nhà văn nữa, viết như nói”, với hàm ý là chê văn miền Nam nghĩ sao viết vậy, thiếu trau chuốt, gọt giũa, ý tứ không chặt chẽ, câu cú không thành, dùng nhiều từ ngữ đời thường… Nhưng đến với những tác phẩm giai đoạn sau này của các nhà văn như Trang Thế Hy, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam… văn chương Nam Bộ có sự phát triển vượt bực và đã trở thành đặc sản tinh thần của vùng sông nước, đồng thời cũng làm phong phú nền văn học Việt Nam hiện đại.
Sơn Nam luôn có ý thức sử dụng khẩu ngữ trong văn chương, văn “Viết như nói” đời thường Nam Bộ được ông đưa vào lời kể chuyện hay lời nói nhân vật một cách nhuần nhuyễn trong sáng tác như một biện pháp nghệ thuật của riêng ông: cực chẳng đã, dị hợm, hàng hà sa số, rủi bề gì, cái giống gì, thiệt là dị hợm, coi mà phát ớn, bỏ lại coi chơi… nhưng chúng không làm văn Sơn Nam thô thiển hay thiếu mượt mà. Có thể nói văn Sơn Nam là lời ăn tiếng nói nôm na “ngôn ngữ thường nhật của người Nam Bộ”
gần gũi, làm tăng sắc thái biểu cảm vừa “dân dã” vừa “góc cạnh” như tính cách người miền Nam. Một đoạn văn mô tả người dân xứ Tà Lốc nô nức ra sông xem đoàn tàu của quan Toàn quyền Pháp “Một ông lão khôi hài:/ Thiệt là dị hợm, kinh xáng đào rồi
140
thì…. Còn bày đặt ăn khánh thành giống như nhà vua làm lễ hạ điền./ (…). Có người hô to:/ - Phía chợ vui quá hé! (…). Đừng hí hởn mà buông tay, té gãy giò nghe các cha” [15a; 108]. Một đoạn văn khác trong Truyện ngắn của truyện ngắn “- Phải thầy làm soạn giả cải lương thì sướng thân hơn, đằng kia ông đó cũng làm ký giả, ổng đâu cực như thầy, thầy ráng lên thử coi” [7a; 90].
+ Nhóm từ tình thái: Trong tác phẩm Sơn Nam, người ta tìm thấy rất nhiều từ tình thái, đặc trưng khẩu ngữ vùng sông nước: hè, hé, hén, hí, nghen, úy, úy da, à há, chà, cha chả, chết cha, dữ ác hông, trời đất, trời thần, quá xá, hết nói, riết, lận… Mỗi từ đều mang một ý nghĩa khác nhau, thí dụ như: Diễn đạt hình thức dặn dò, nhắc nhở “- Đủ rồi nghen ! Đừng nói dai” [12a; 41]; Biểu thị sự ngạc nhiên, sửng sốt “- Trời đất ơi! Nó giết anh Lê Hữu Vĩnh rồi” [14a; 184]; Trạng thái nghi vấn “Thằng đó… ăn không hè!” [12a; 154]; Trạng thái lo lắng “- Ai lẻn vào đây ăn trộm vậy kìa! Chết cha!
Phen này… tội nặng lắm” [14a; 105]; Biểu thị sự đồng tình “À há! Anh này hiền quá!”
[14a; 46]; Sự giật mình hoảng hốt “Để con đem cây đèn chong lại coi cho kỹ… Úy trời đất ơi!” [14a; 287]; Từ diễn tả sự ngạc nhiên “Ủa! sao mày chưa về ngủ cho khỏe?”
[14a; 62].
+ Nhóm phụ từ: Ngoài nhóm từ tình thái, còn có một nhóm phụ từ. Đây là những từ đệm để biểu thị tình cảm của người nói, có các dạng sau: Biểu thị trạng thái:
lần lần, lần mòn, hoài, riết, xá, đa…“Họ rủ nhau đi rình (…) Riết rồi sanh chán” [15a;
94]; Biểu thị sự đột ngột “Thinh không, ổng hét lên” [15a; 219]; Sự đánh giá “Tây đầm ngán cậu ta quá xá” [12a; 60]; Sự đánh giá lại về một nhận định ở mức độ cao hơn “xe hơi đụng nó rồi, nó chạy qua hai con đường lận” [12a; 155]; Nhấn mạnh điều vừa khẳng định, có ý thân mật, thường được dùng ở cuối câu “Đó đa! Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá!” [16a; 263].
Việc sử dụng từ ngữ tình thái và phụ từ trong sáng tác của Sơn Nam rất đa dạng thể hiện đặc trưng cách phát âm của người Nam Bộ, tạo nên sự uyển chuyển trong câu văn, truyền cảm, tự nhiên ở giọng điệu… Nhà văn sử dụng có định hướng các từ ngữ tình thái và phụ từ trong sáng tác ngoài việc góp phần tạo nên tính hấp dẫn của văn chương còn tạo cho nên một dòng văn học “rặc Nam Bộ” độc đáo.
Ngôn ngữ kể chuyện của Sơn Nam như nhiều nhà nghiên cứu cho là “Văn nói Nam Bộ”. Nhà văn sử dụng nhiều câu văn ngắn, những từ ngữ địa phương Nam Bộ để kể chuyện. Những câu ngắn thường được sử dụng trong các cuộc đối thoại giữa các nhân vật bộc lộ tính cách thoải mái, thẳng thắn, bộc trực của người lao động miền Nam. Trong Ruộng lò bom, có những mẩu đối thoại rất thú vị, rành mạch, dứt khoát,
141
nhưng có lúc thì ngang tàng, thách thức, lúc thì trêu đùa thân mật, lúc thì hóm hỉnh, nghịch ngợm của đôi vợ chồng Lệ và Tư Cồ “Lệ nói gắt:/ (…). Giỏi thì anh ở xứ này một mình…/(…)/. Ruộng “Lò Bom”/ - Lò Bom là ruộng gì?/ Là ruộng Lò Bom, ông bà nói vậy tôi hay vậy…. Tiếng Việt Nam./ - Lò Bom là gì?/ - Ủa! Em nói cù cưa cù nhằng hoài vậy. Tôi cắt nghĩa rồi” [16a; 176]. Phát huy tính tích cực của yếu tố khẩu ngữ, nhà văn đã không ngại đưa vào tác phẩm những từ ngữ thiếu thanh nhã, những lời thô tục, tiếng chửi thề “rôm rốp”. Trong một số đoạn văn, người đọc thấy dụng ý rất rõ ràng của nhà văn, một là, để nhấn mạnh đặc điểm, tính cách của nhân vật mà tác giả sáng tạo nên; hai là tạo cái duyên riêng, sự chân thực, sống động trong mỗi câu chuyện.
Sơn Nam có một quan niệm rất thú vị về tiếng chửi thề “Đó là một tiếng kém văn nghệ, biểu lộ nỗi vui mừng, lo sợ, niềm hi vọng cũng như thất vọng (…) đó là hình thức đối kháng, phá bỏ những cấm kỵ, công thức luận lý” [14a; 25]. Theo ông, đây là một
“bước ngoặt” cho cách “khai khẩu” của con người trong “thời đại nguyên tử”. Giáo Trích và và cô Tư Hạnh trao đổi với nhau trong Ăn to xài lớn “Đừng chạy Đ.m/ (…)./- Đ.m. Thằng Tám Theo (…) bị bắt ở chợ Rạch Giá hết rồi. (…)./- Đ.m. Thiệt chơi!/
(…) /. Kẻ nào làm giả bị phạt tù khổ sai chung thân. Đ.m. nó!” [14a; 37]. Tác giả để cho những lời lẽ không đẹp được thốt ra từ đôi môi của một cô gái khiến người đọc có cảm giác ngỡ ngàng, tuy nhiên nó làm giọng văn Sơn Nam tự nhiên, sống động hơn.
Tác giả muốn nhấn mạnh tính cách ngang tàng, mạnh mẽ như đàn ông con trai của người phụ nữ thời khẩn hoang nhưng bắt đầu bị nhuốm những thói hư tật xấu của lối sống thực dụng. Thằng Nhi con chú thím Tư Đinh trong Mùa “len” trâu là một trường hợp khác, nó chửi thề không phải vì nó xấu, không đàng hoàng mà là quá trình để nó trưởng thành. Một đứa trẻ ngoan, chỉ sau một chuyến đi “len” trâu đã thay hình đổi dạng, trong những câu nói có pha lẫn tiếng chửi thề rất “sành điệu”, ảnh hưởng chất giang hồ của các tay anh hùng tứ chiếng “- Ba ơi ba! Má ơi má! Trâu mình nè (…) - Đ.m chết hết một con. (…). Nặng gần chết, Đ.m không lẽ bỏ luôn.” [16a; 44].
Sơn Nam viết văn như nói nhưng không vì thế mà văn ông không hay. Tuy vận dụng nhiều phương ngữ trong sáng tác, nhưng nhà văn không quá lạm dụng từ ngữ địa phương hoặc những từ cổ khó hiểu. Trong trường hợp buộc phải sử dụng trong một tình huống nào đấy, nhà văn bao giờ cũng có những giải thích đi kèm theo nó. Trong Con bà Tám, khi đề cập đến từ “bổ tróc”, ông đã có lời lý giải kèm theo “Chú em hiểu bổ tróc là gì không? Bổ tức là bộ, là bủa, bủa lưới. Tróc là bắt, nã tróc…” [12a; 30];
hoặc trong Tình nghĩa Giáo khoa thư có một địa danh lạ, tác giả cũng kèm theo lời giải thích bởi một từ địa phương khó hiểu “Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khmer nghĩa là trâu
142 chết” [16a; 261].
Sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ dung dị, tự nhiên như hơi thở cuộc sống nhưng mà vẫn khéo léo, điêu luyện, mượt mà, gợi cảm, đảm bảo tính thẩm mỹ của văn học chính là điểm thành công của nhà văn vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, một điểm còn hạn chế mà Sơn Nam cũng như các nhà văn Nam Bộ còn mắc phải là đôi khi quá chú trọng vận dụng phương ngữ, dễ rơi vào tình trạng đơn điệu, thiếu độ sâu, nhất là thiếu độ tinh tế khi phân tích nội tâm của nhân vật. Tất cả những điều này góp phần tạo nên phong cách nghệ thuật đặc sắc của Sơn Nam.