CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐẾN CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
1.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu trong nước
Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước trong BHXH trong những năm gần đây, khối trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp đã đưa vấn đề quản lý nhà nước về BHXH vào giảng dạy, vấn đề này đã được đưa thành một môn học căn bản và hiện nay đã có rất nhiều giáo trình, tài liệu viết về vấn đề quản lí nhà nước về BHXH, có thể kể đến như: Từ điển Bách khoa năm 2003, NXB chính trị Quốc gia, Hà nội. Giáo trình “An sinh xã hội” NXB Đại học kinh tế quốc dân năm 2008 do PGS.TS Nguyễn Văn Định chủ biên, giáo trình “Bảo hiểm” NXB Đại học kinh tế quốc dân năm 2008 do PGS.TS Nguyễn Văn Định làm chủ biên, giáo trình
“Bảo hiểm xã hội” (2010) của PGS.TS Nguyễn Tiệp, do Nhà xuất bản Lao động - Xã hội xuất bản. Giáo trình “Bảo hiểm xã hội” (2012) do TS Hoàng Mạnh Cừ và ThS Đoàn Thị Thu Hương đồng chủ biên, được xuất bản bởi NXB học viện tài chính. Giáo trình Luật ASXH - Trường Đại học luật Hà nội (2013) của TS. Nguyễn Thị Kim Phụng chủ biên, do NXB Công an nhân dân xuất bản… Bên cạnh các giáo trình và tài liệu nghiên cứu, giảng dạy cơ sở lý luận về công tác quản lý nhà nước về BHXH ở Việt Nam, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về BHXH trên nhiều khía cạnh khác nhau như:
Trong đề tài khoa học cấp bộ về ‘Thực trạng và định hướng hoàn thiện tác nghiệp chi trả các chế độ BHXH hiện nay’, Dương Xuân Triệu (1996) đã khái quát những vấn đề lý luận về BHXH và quỹ BHXH; phân tích thực trạng hoạt động chi trả các chế độ BHXH ở Việt Nam giai đoạn 1995 - 1996 thông qua việc phân tích các mặt như: cơ sở vật chất phục vụ công tác chi trả, hệ thống sổ sách biểu mẫu chi trả BHXH, quản lý đối tượng chi trả, quy trình chi trả và lệ phí chi trả; đồng thời qua việc phân
tích các phương thức chi trả BHXH, đề tài đã nêu lên phương hướng hoàn thiện các phương thức chi trả BHXH ở nước ta. Kết quả của đề tài này là:
+ Đề tài đã nêu lên được những ưu điểm và nhược điểm của phương thức chi trả trực tiếp và gián tiếp.
+ Đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện tác nghiệp chi trả các chế độ BHXH cho người lao động như: cần hoàn thiện các văn bản quy định có liên quan đến quản lý đối tượng, quản lý tài chính tạo hành lang pháp lý để cho BHXH các cấp có cơ sở thực hiện; xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy chi trả hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở;
tính toán mức phí chi trả giữa các vùng, các khu vực cho hợp lý hơn; tăng cường cơ sở vật chất cho BHXH huyện, thị phục vụ cho công tác chi trả trực tiếp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tài chính trong khâu nghiệp vụ, chuyên môn; đẩy mạnh công tác học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất đạo đức của cán bộ làm công tác BHXH; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách, chế độ BHXH.
Tuy nhiên trong nghiên cứu của mình tác giả cũng chưa chỉ ra trong quản lý nhà nước về BHXH phải chịu ảnh hưởng của nhân tố nào và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố lên công tác quản lý nhà nước về BHXH như thế nào?
Bùi Văn Hồng (1997), với đề tài về ‘Vai trò của nhà nước trong việc thực hiện các chính sách BHXH’, đã phân tích thực trạng và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện các chính sách BHXH ở Việt Nam qua các thời kỳ (thời kỳ trước năm 1995 và thời kỳ từ năm 1995 đến 1997). Tuy nhiên, do thời kỳ này vẫn chưa có Luật BHXH và tổ chức BHXH Việt Nam mới thành lập, cho nên đề tài chỉ làm rõ các chính sách BHXH của Nhà nước và vấn đề chi trả cho các đối tượng hưởng chế độ BHXH thông qua tổ chức công đoàn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Còn những nội dung khác liên quan đến công tác quản lý nhà nước về BHXH trên phạm vi quốc gia thì tác giả chưa nghiên cứu đến.
Trong đề tài nghiên cứu ‘Hoàn thiện phương thức tổ chức, quản lý chi trả chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người tham gia BHXH’, Dương Xuân Triệu (1998) đã hệ thống hoá các vấn đề lý luận cơ bản về chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, TNLĐ & BNN cả trước và sau khi BHXH Việt Nam đi vào hoạt động. Đề tài đã phản ánh được quá trình tổ chức quản lý chi ba chế độ theo cơ chế cũ, cũng như từ khi BHXH Việt Nam ra đời, đã phân tích được những mặt mạnh, mặt yếu cùng với những tồn tại do các văn bản pháp luật về BHXH gây ra. Qua đó, đề tài cũng đã đưa ra những kiến nghị làm cơ sở cho việc sửa đổi các văn bản pháp
luật hiện hành để đáp ứng các yêu cầu đổi mới cơ chế chính sách về BHXH. Tuy nhiên, đề tài mới đánh giá được mức ảnh hưởng của pháp luật và đội ngũ cán bộ lên công tác quản lý nhà nước về BHXH mà chưa đề cập đến những nhân tố khác có tác động lên quản lý nhà nước về BHXH.
Với đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ về ‘Chiến lược phát triển BHXH phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020’, Nguyễn Huy Ban (1999) đã nghiên cứu và phân tích các vấn đề:
+ Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển hoạt động BHXH. Tác giả đề cập đến những mục tiêu cơ bản trong phát triển nền kinh tế và xã hội ở Việt Nam;
hoạt động BHXH là nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế; những yêu cầu phát triển BHXH nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế và xã hội.
+ Vấn đề thực hiện BHXH ở một số nước trên thế giới và trực trạng chính sách ở BHXH ở Việt Nam. Sau khi nêu lên tình hình thực hiện BHXH nói chung trên thế giới, tác giả đề tài đã lựa chọn Philippin, Malaysia và Nhật Bản để nghiên cứu và đưa ra một số kinh nghiệm có thể vận dụng vào điều kiện Việt Nam .
+ Lịch sử phát triển chính sách BHXH ở Việt Nam qua các giai đoạn từ năm 1945 đến 1999; đánh giá những thành tựu, cũng như những mặt đạt được của hệ thống chính sách BHXH và tổ chức thực hiện chính sách BHXH ở Việt Nam.
+ Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2020. Nội dung này đề tài đã nêu lên những quan điểm và định hướng để phát triển BHXH ở Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp cho việc hoạch định chính sách BHXH ở Việt Nam như: dự báo dân số và lao động đến năm 2020; vấn đề BHXH cho các loại hình lao động thuộc các khu vực kinh tế khác nhau; các nguồn đóng góp, mức đóng góp và cơ chế quản lý sử dụng quỹ BHXH, mô hình tổ chức quản lý hoạt động BHXH.
Có thể khẳng định đây là đề tài nghiên cứu tương đối đầy đủ mức độ ảnh hưởng của BHXH và KT-XH đến nhau. Tuy nhiên trong nghiên cứu của mình tác giả cũng chưa đưa ra được mức dự báo tham gia BHXH của NLĐ và chưa kiểm chứng mức ảnh hưởng của các nhân tố khác lên công tác quản lý nhà nước về BHXH ở Việt Nam.
Đỗ Văn Sinh (2001), với đề tài khoa học “Quỹ BHXH và những giải pháp đảm bảo sự cân đối ổn định giai đoạn 2000 - 2020” đã hệ thống hóa những vấn đề lý luận cơ bản về BHXH và quỹ BHXH; phân tích thực trạng về quản lý và cân đối quỹ BHXH ở Việt Nam qua hai giai đoạn (giai đoạn trước năm 1995 và giai đoạn từ năm 1995 đến 2001); có những đánh giá về chính sách BHXH và tổ chức thực hiện chính sách BHXH nói chung. Thông qua sự phân tích và đánh giá, đề tài đã đưa ra các quan
điểm, giải pháp quản lý và cân đối quỹ BHXH ở Việt Nam giai đoạn 2000 - 2020. Như vậy, toàn bộ các vấn đề về công tác quản lý Nhà nước về BHXH ở Việt Nam đề tài này cũng không đề cập nghiên cứu.
Mai Thị Cẩm Tú (2004) với đề tài khoa học “Cơ sở khoa học xây dựng hệ tiêu thức quản lý BHXH” tác giả đi sâu vảo nghiên cứu về khoa học quản lý, về thông tin và vai trò của thông tin trong quản lý, cách thức quản lý trong thực hiện chính sách BHXH. Tác giả cũng đưa ra bộ tiêu chí đánh giá công tác quản lý BHXH như: tiêu thức về các chủ thể quản lý theo cơ cấu tổ chức quản lý; tiêu thức định danh BHXH;
tiêu thức định danh loại hình đối tượng tham gia. Từ đó xây dựng tiêu thức tổng thể trong công tác quản lý BHXH để phục vụ mục tiêu quản lý đồng bộ và thống nhất trong hệ thống BHXH Việt Nam. Tác giả cũng đưa ra cách thức quản lý khi có sự thay đổi về chính sách vĩ mô của nhà nước về BHXH giữa cái cũ và mới, tuy nhiên tác giả mới chỉ ra tiêu thức quản lý trong chính sách BHXH mà chưa chỉ ra được nội dung quản lý nhà nước về BHXH, chưa chỉ ra được nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý BHXH.
Trần Đức Nghiêu (2005) trong tiểu đề án về hoàn thiện quy chế chi BHXH, đã tiến hành tổng hợp khá đầy đủ các văn bản pháp luật về BHXH liên quan đến quy chế chi BHXH, trình bày những nội dung cụ thể về chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chi trả trợ cấp BHXH một lần, chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản và nghỉ dưỡng sức; quy trình chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; quy trình chi trả trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản và nghỉ dưỡng sức. Ngoài ra tác giả cũng đã nêu lên những ưu, nhược điểm của quy trình hiện hành về quản lý chi BHXH. Thông qua đó đã đưa ra các biện pháp để khắc phục. Cụ thể tiểu đề án đã đưa ra được dự thảo văn bản sửa đổi bổ sung một số điều quy định về quản lý chi trả các chế độ BHXH bắt buộc ban hành kèm theo Quyết định số 1184/QĐ-BHXH ngày 26/9/2003 của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, tiểu đề án mới chỉ tập trung nghiên cứu về quy trình quản lý chi mà chưa đề cập đến vấn đề quản lý Nhà nước về BHXH nói chung tại Việt Nam.
Nguyễn Kim Thái (2006) với tiểu đề án “hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hệ thống BHXH Việt Nam” tác giả đã chỉ ra mô hình quản lý BHXH ở Việt Nam là phù hợp, bộ máy được tổ chức gọn nhẹ. Về chức năng, nhiệm vụ được quy định rõ ràng, khắc phục được tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các cấp quản lý. Tác giả cũng đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện mô hình quản lý BHXH hiện nay như: tập trung hoàn thiện bộ máy BHXH ở cấp xã, phường để phục vụ chiến lược BHXH cho người dân và BHYT toàn dân; thành lập trung tâm thống kê và dự báo ở các địa phương về tình hình thực hiện và tham gia BHXH; đưa ra biểu nắm bắt thông tin về đội ngũ cán bộ, viên chức ngành BHXH…
Tuy nhiên tác giả cũng mới chỉ dừng lại ở việc làm thế nào để hoàn thiện mô hình, cơ cấu tổ chức bộ máy, chức năng ngành BHXH mà chưa đi sâu nghiên cứu về công tác quản lý nhà nước về BHXH, mới chỉ ra được nhân tố đội ngũ cán bộ, viên chức có ảnh hưởng đến công tác quản lý và thực hiện BHXH, tác giả chưa chỉ ra các nhân tố khác ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về BHXH ở Việt Nam.
Vũ Đức Thuật (2006) với đề tài nghiên cứu khoa học “thực trạng và giải pháp hoàn thiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của hệ thống BHXH Việt Nam” tác giả chỉ ra rằng để đáp sự phát triển của ngành BHXH trong thời gian tới, đặc biệt khi đối tượng tham gia BHXH, BHYT mở rộng, thực hiện mục tiêu BHXH cho mọi NLĐ và BHYT toàn dân thì khối lượng công việc của cán bộ, viên chức trong ngành BHXH cũng tăng lên tương ứng, đòi hỏi công tác đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cũng phải được quy hoạch cho phù hợp đảm bảo tiện nghi làm việc cho đội ngũ cán bộ.
Tác giả thống kê trong cả nước có 76 dự án cấp trung ương và tỉnh; 554 dự án cấp huyện; mức chi cho các dự án sau 10 năm thành lập ngành là 600 tỉ đồng. Đây là mức chi khiêm tốn so với nhu cầu của hệ thống ngành BHXH. Tác giả phân tích rằng với mức đâu tư cơ sở vật chất như vậy sẽ không đáp ứng nhu cầu về trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý BHXH, việc không đảm bảo cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công việc, không giải quyết kịp thời nhu cầu của người tham gia và chiến lược phát triển của ngành.
Bài nghiên cứu của tác giả cũng chỉ ra được nhân tố về cơ sở vật chất có ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về BHXH, tuy nhiên để chỉ ra các nhân tố khác ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về BHXH thì tác giả chưa chỉ ra được.
Nguyễn Danh Long (2008) với chuyên đề tốt nghiệp “tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động BHXH ở Việt Nam” trong bài viết của mình tác giả chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động của BHXH xuất phát từ các nguyên nhân : xuất phát từ đòi hỏi của sự phát triển KT-XH; xuất phát từ yêu cầu của nhà nước pháp quyền và định hướng của Đảng; xuất phát từ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Trong bài viết của mình tác giả cũng đưa ra kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và rút ra bài học cho Việt Nam trong công tác quản lý nhà nước với hoạt động của BHXH. Những nội dung quản lý nhà nước về BHXH cũng được tác giả đưa ra .phân tích, đánh giá là: ban hành văn bản quy phạm pháp luật về BHXH; tổ chức và hoàn thiện bộ máy thực hiện BHXH; tổ chức hoạt động BHXH và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
Tuy nhiên tác giả mới đưa ra các nội dung quản lý nhà nước về BHXH mà chưa chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về BHXH, chưa đưa ra chiến lược và cách thức dự báo xu hướng BHXH trong thời gian tiếp theo.
Phạm Trường Giang (2008) với luận án tiến sĩ “hoàn thiện cơ chế thu bảo hiểm xã hội ở Việt Nam” tác giả đã làm rõ việc phối hợp của các bộ phận trong hệ thống thu BHXH phát hiện những tồn tại, bất cập. Để từ đó đưa ra những giái pháp hoàn thiện cơ chế thu BHXH. Tuy nhiên tác giả chỉ dừng lại ở một số giải pháp giúp cân đối quỹ trong dài hạn mà chưa đề cập đến những vấn đề quản lý tổng thể về mặt Nhà nước trong BHXH.
Trong luận án tiến sĩ ‘Hoàn thiện hệ thống tổ chức và hoạt động chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam’ Nguyễn Thị Chính (2010) đã định hướng tới mục tiêu hoàn thiện công tác tổ chức và hoạt động chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cần có quan điểm toàn diện về hệ thống tổ chức chi trả bảo hiểm xã hội, đồng thời phải vận dụng kinh nghiệm của nước ngoài. Tác giả cũng đã chỉ ra vấn đề trong vận hành bộ máy chi trả là chưa thực sự chặt chẽ trong phối hợp của ngành dọc từ Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên luận án cũng mới dừng lại trong việc làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn những vấn đề liên quan đến hoạt động chi trả, đánh giá thực trạng hệ thống tổ chức và hoạt động chi trả các chế độ cho người lao động. Đồng thời tác giả cũng chỉ mới đưa ra một số giải pháp trong vấn đề chi trả chế độ cho người lao động trong thời gian tới mà chưa có những đánh giá trong quản lý nhà nước về BHXH một cách tổng quát.
Trong bài nghiên cứu của Nguyễn Nguyệt Nga (2012) dựa trên nghiên cứu của Paulette Castel (2011) với chủ để “Việt Nam: Phát triển một hệ thống BHXH hiện đại - Những thách thức hiện tại và các phương án lựa chọn cải cách cho tương lai ” tác giả đã đề cập đến nhiều vấn đề trong thực hiện quản lý nhà nước về BHXH như: vấn đề tham gia BHXH ở khu vực phi chính thức của NLĐ; bất bình đẳng giữa các nhóm tham gia đóng bảo hiểm; thiếu sự bền vững về tài chính; năng lực quản lý đầu tư quỹ BHXH…Đồng thời đưa ra các giải pháp cần thiết đổi mới để mở rộng độ bao phủ, khuyến khích bình đẳng, tăng cường tính bền vững về tài chính, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý bảo hiểm xã hội để đảm bảo an sinh và thu nhập cho lượng dân số già của Việt Nam trong những thập kỷ tới đây.
Tuy nhiên tác giả cũng mới chỉ ra một số nhân tố như: trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, đầu tư quỹ BHXH; hệ thống ASXH và cải cách hành chính trong BHXH có ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về BHXH mà chưa nghiên cứu đến các nhân tố khác, cũng như chưa chỉ ra mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến công tác quản lý nhà nước về BHXH.