CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI
2.2. Nội dung của quản lý nhà nước về BHXH
2.2.1. Về hoạch định chính sách và định hướng phát triển BHXH
Nghiên cứu về hình thức bảo hiểm xã hội, về việc hình thành quỹ, các chế độ bảo hiểm xã hội của các nước để xác định chiến lược, định hướng kế hoạch phát triển hoạt động bảo hiểm xã hội nói chung và cho từng khu vực kinh tế nói riêng. Chương trình, kế hoạch về phát triển lĩnh vực bảo hiểm xã hội là một bộ phận của chiến lược ổn định và phát triển KT-XH, do đó hệ thống chính sách, chương trình, định hướng phát triển bảo hiểm xã hội phù hợp với chính sách đầu tư, chính sách ưu đãi về thuế, chính sách tiền lương.... Bộ LĐ-TBXH thường là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và định hướng phát triển BHXH phù hợp với tiến trình hội nhập KTQT, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước cũng như phù hợp với đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam và các chính sách an sinh xã hội.
2.2.2. Xây dựng hệ thống pháp luật về BHXH
Nghiên cứu và ban hành hệ thống văn bản qui phạm pháp luật để quản lý, điều hành thống nhất hoạt động bảo hiểm xã hội, thực hiện QLNN bằng pháp luật, như : Bộ Luật LĐ, Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định, thông tư, quyết định..., tổ chức chỉ đạo, điều hành hệ thống pháp luật đó.
Nội dung của công việc này là việc thể chế hóa đường lối kinh tế thành pháp luật và thể chế của nhà nước, có tác dụng:
- Thiết lập khuôn khổ pháp lý thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo hiểm xã hội, tạo ra môi trường pháp lý cho chính sách bảo hiểm xã hội.
- Tạo ra một trụ cột quan trọng trong chính sách an sinh xã hội.
Đến nay hệ thống văn bản pháp luật về bảo hiểm xã hội cơ bản đã được hoàn thiện và cụ thể hoá, đảm bảo tốt hơn quyền cho người lao động, cụ thể hóa vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, vai trò của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội như theo Điều 34 của Hiến pháp về bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài ra còn một số văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn các qui định của Luật và Nghị định nêu trên đang được Bộ LĐ-TBXH hoàn thiện.
2.2.3. Xây dựng cơ chế tài chính BHXH
Đảm bảo để việc tạo lập và sử dụng nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội ngày một có hiệu quả, duy trì và phát triển quỹ BHXH, đảm bảo an sinh xã hội như:
+ Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm xã hội.
+ Hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
+ Bảo hộ quỹ bảo hiểm xã hội và có biện pháp bảo toàn, tăng trưởng quỹ.
+ Khuyến khích người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung.
+ Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ thông tin trong quản lý bảo hiểm xã hội.
2.2.4. Hỗ trợ, bảo trợ của Nhà nước
Chính sách hỗ trợ, bảo trợ của nhà nước trong quản lý nhà nước về BHXH được thể hiện trong các chủ trương, đường lối, nghị quyết Đảng. Các chủ trương này luôn lấy mục tiêu đảm bảo ASXH làm chiến lược, trong đó BHXH là trụ cột chính và quan trọng nhất của chiến lược này. Nhà nước quản lý toàn diện về BHXH để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia BHXH. Trong công tác quản lý của mình nhà nước luôn có chính sách hỗ trợ, bảo trợ để trong mọi điều kiện, hoàn cảnh người tham gia luôn được đảm bảo quyền lợi của mình, đây cũng là mục đích lớn nhất của nhà nước khi quản lý BHXH.
Ở tầm vĩ mô trong công tác quản lý chung, nhà nước ta đã đưa nội dung hợp tác BHXH vào chương trình làm việc tại các nước, gặp gỡ, đàm phán cấp cao giữa Chính phủ ta với Chính phủ các nước, lồng ghép nội dung hợp tác sử dụng nguồn nhân lực Việt Nam vào các hiệp định, văn kiện hợp tác kinh tế song phương cấp Chính phủ, những chương trình hoạt động của các Ủy ban hỗn hợp, các tổ chức phi Chính phủ. Chính phủ thường xuyên cử các đoàn công tác liên ngành cùng các nước, tìm hiểu khả năng hợp tác, trao đổi nội dung, giải pháp phát triển lĩnh vực BHXH ở Việt Nam. Để khẳng định rằng nhà nước hỗ trợ, bảo trợ cho BHXH là chủ trương đúng đắn cần phải làm trong công tác quản lý của mình, nhằm đảm bảo sự ổn định và phát triển xã hội.
Ngoài ra, nhà nước hỗ trợ về thông tin, tài chính, kết cấu hạ tầng của thị trường và công tác quản lý nhà nước về BHXH đúng pháp luật nhằm chống thất thoát, đảm bảo sinh lợi cho quỹ BHXH .Nhà nước quan tâm, hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHXH ở các cấp từ trung ương, cấp tỉnh, huyện và xã đảm bảo để hoạt động trong lĩnh vực BHXH ngành một phát triển. Nhà nước bảo hộ cho việc an toàn và bảo toàn quỹ BHXH, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động khi tham gia BHXH.
2.2.5. Thanh tra, kiểm tra hoạt động BHXH
Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện trong phạm vi các cơ quan bảo hiểm xã hội, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan theo hình thức định kỳ, theo chuyên đề, theo vụ việc hoặc thanh kiểm tra trọng điểm.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện DN có vi phạm thì DN sẽ bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo và phạt tiền, trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể áp dụng biện pháp phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép.
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí thường xuyên thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để hạn chế tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH nhằm trục lợi và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Trong quá trình tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra, Bộ LĐ-TBXH đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương, trong đó nâng cao trách nhiệm, vai trò của cơ quan lao động và bảo hiểm xã hội ở địa phương đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động BHXH không chỉ với mục đích xử lý vi phạm, mà thông qua đó nắm bắt tình hình chung trong lĩnh vực BHXH, từ đó tham mưu cho công tác quản lý nhà nước về BHXH để bổ sung, chỉnh sửa, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình chung của XH.
Điều 7. Nội dung quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội
1. Ban hành, tổ chức thực hiện văn bản pháp luật, chiến lược, chính sách bảo hiểm xã hội.
2. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Thực hiện công tác thống kê, thông tin về bảo hiểm xã hội.
4. Tổ chức bộ máy thực hiện bảo hiểm xã hội; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực làm công tác bảo hiểm xã hội.
5. Quản lý về thu, chi, bảo toàn, phát triển và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
6. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.
7. Hợp tác quốc tế về bảo hiểm xã hội.
(Nguồn: Trích Điều 7 của Luật BHXH năm 2014 về quản lý nhà nước về BHXH)