Chương 3: ĐÁNH GIÁ CẢNH QUAN CHO PHÁT TRIỂN NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ KHÔNG GIAN BỐ TRÍ ĐIỂM DÂN CƯ HUYỆN KỲ ANH
3.1. ĐÁNH GIÁ CẢNH QUAN CHO CÁC MỤC ĐÍCH PHÁT TRIỂN
3.1.3. Đánh giá và phân hạng mức độ thích nghi sinh thái cảnh quan
a) Lựa chọn đơn vị đánh giá:
Đánh giá CQ có nghĩa là phân hạng mức độ phù hợp của các tổng thể tự nhiên hay các hợp phần của chúng cho một hoạt động sản xuất nào đó. Trên cơ sở xem xét các ĐKTN và KT - XH, luận án tiến hành phân tích các chỉ tiêu cụ thể để đánh giá phục vụ cho phát triển các loại cây trồng chính và định hướng không gian ưu tiên cho bố trí các điểm dân cư. Tính chất cơ bản của đơn vị CQ là có sự đồng nhất về nguồn gốc thành tạo, về cấu trúc bên trong và biểu hiện bên ngoài. Sự đồng nhất của một đơn vị CQ không phụ thuộc vào quy mô diện tích của từng đơn vị đó.
Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi xác định tiềm năng tự nhiên cũng như khả năng khai thác kinh tế của từng đơn vị CQ, đồng thời cho phép định hướng sử dụng cho từng đơn vị CQ được đánh giá.
Kết quả phân tích HTSDĐ của huyện Kỳ Anh cho thấy, tổng diện tích đất trồng lúa là 10.800 ha, được phân bố tập trung ở những khu vực có điều kiện canh tác thuận lợi và gần nguồn nước với năng suất 47,15 tạ/ha và sản lượng 51.248,60 ha phần nào đã đáp ứng được nhu cầu lương thực của huyện. Vì vậy, để đảm bảo an toàn lương thực, huyện Kỳ Anh cần ưu tiên và giữ lại diện tích đất lúa như hiện trạng canh tác, luận án không đánh giá phân hạng các dạng CQ (2 dạng CQ) hiện đang canh tác trồng lúa nước cho các mục đích khác.
Đồng thời, huyện đồi núi ven biển Kỳ Anh có diện tích đất ở độ dốc trên 25o là 9.425,84 ha. Đây là khu vực nhạy cảm với các quá trình thoái hóa đất như xói mòn rửa trôi, bóc mòn xâm thực hiện đã được ưu tiên cho mục đích phát triển và bảo vệ rừng nhằm bảo vệ MT sinh thái. Như vậy, luận án cũng không đánh giá phân hạng các dạng CQ (gồm 26 dạng CQ) có đặc tính trên.
- 104 -
- Đánh giá phục vụ cho phát triển các loại cây trồng chuyên canh và NTTS:
luận án tiến hành nghiên cứu và phân tích nhu cầu sinh thái của một số cây trồng chính chủ yếu và hoạt động NTTS của lãnh thổ nghiên cứu. Luận án tiến hành đánh giá mức độ thích nghi về ĐKTN và TNTN phục vụ cho việc phát triển một số loại cây trồng chuyên canh (chè, cao su, lạc, sắn) và NTTS.
- Đánh giá phục vụ định hướng không gian ưu tiên cho bố trí điểm dân cư:
Chính sách đền bù, bố trí các điểm dân cư của huyện Kỳ Anh mới chỉ dừng ở việc đền bù SDĐ và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác, về thu nhập, về kinh tế như lợi thế từ vị trí kinh doanh, đánh bắt cá, từ sản phẩm rừng… chưa được tính đến dẫn đến sinh kế của cộng đồng dân cư tại nơi ở mới chưa hoặc không đáp ứng được và thiếu bền vững trong khi nhu cầu về bố trí các điểm dân cư của huyện ngày càng cấp bách hơn do sự phát triển của khu kinh tế Vũng Áng và các đô thị vệ tinh.
Việc đánh giá tổng hợp các ĐKTN, để tiến hành đánh giá mức độ thuận lợi của các dạng CQ nhằm góp phần định hướng không gian ưu tiên cho bố trí các điểm dân cư là rất cần thiết.
Lựa chọn cấp đơn vị nào để đánh giá phụ thuộc vào mục tiêu và mức độ chi tiết của công việc đánh giá. Đối với lãnh thổ nghiên cứu, đơn vị cơ sở được lựa chọn để đánh giá tổng hợp là cấp dạng CQ với bản đồ CQ tương ứng ở tỷ lệ 1 : 50.000 dùng cho đánh giá tiềm năng lãnh thổ huyện Kỳ Anh.
b) Nguyên tắc lựa chọn chỉ tiêu
Để xác định đơn vị cơ sở đánh giá phải xem xét các yếu tố liên quan trực tiếp đến chất lượng và khả năng sử dụng tự nhiên, phân cấp chỉ tiêu theo mức độ ảnh hưởng đến quá trình sử dụng.
- Đối với ĐGTN phục vụ cho phát triển các loại cây trồng chính (chè, cao su, lạc, sắn và NTTS): Việc lựa chọn các tiêu chí và so sánh mức độ thích hợp giữa điều kiện của từng đơn vị lãnh thổ với nhu cầu sinh thái của từng đối tượng sản xuất là không thể thiếu được.
- Đối với đánh giá phục vụ định hướng không gian ưu tiên cho bố trí các điểm dân cư: Căn cứ vào các chính sách di dân, bố trí các điểm dân cư đã quy định, để đánh giá mức độ thuận lợi của các dạng CQ phục vụ cho định hướng không gian
- 105 -
ưu tiên bố trí các điểm dân cư bao gồm bố trí các điểm dân cư khu vực đô thị và bố trí các điểm dân cư khu vực nông thôn cần đạt các yêu cầu sau:
1. Không gian sống (điều kiện đất đai, địa hình) 2. Nguồn nước sinh hoạt và sản xuất
3. MT tự nhiên (tai biến thiên nhiên) 4. Điều kiện sản xuất (đất canh tác,…)
Kết quả đánh giá sẽ là cơ sở cho việc định hướng không gian ưu tiên bố trí các điểm dân cư ở lãnh thổ nghiên cứu.
Khi lựa chọn chỉ tiêu đánh giá phải tuân thủ 3 nguyên tắc cơ bản sau:
- Các chỉ tiêu được lựa chọn đánh giá phải có sự phân hoá rõ rệt theo đơn vị lãnh thổ ở tỷ lệ nghiên cứu. Nguyên tắc này rất cần thiết bởi lẽ có nhiều yếu tố rất quan trọng nhưng không phân hoá theo lãnh thổ, do vậy nếu chọn yếu tố đó làm chỉ tiêu đánh giá thì ở các đơn vị lãnh thổ đều có số như nhau về chỉ tiêu nên không giúp ích gì khi xác định mức độ thuận lợi của từng đơn vị đánh giá.
- Các chỉ tiêu lựa chọn phải ảnh hưởng rõ rệt đến đối tượng phát triển. Trong phạm vi nghiên cứu, các chỉ tiêu này phải có ảnh hưởng lớn đến phát triển một số cây trồng chính và định hướng tổ chức không gian ưu tiên cho bố trí các điểm dân cư.
- Việc lựa chọn và phân cấp các chỉ tiêu đánh giá phải dựa trên cơ sở những nguyên tắc chung nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp với tính đặc thù của lãnh thổ nghiên cứu.
Đối với lãnh thổ rộng thì thổ nhưỡng chỉ phân cấp đến nhóm đất, nhưng khi nghiên cứu ở quy mô nhỏ thì đất được phân cấp đến loại đất hay nhỏ hơn. Các chỉ tiêu như tầng dày, độ dốc, lượng mưa hàng năm, nhiệt độ trung bình năm, số tháng đủ ẩm, điều kiện tưới, khả năng thoát nước… tùy thuộc vào điều kiện sinh thái của lãnh thổ và nhu cầu của các loại hình sử dụng mà phân chia ra các cấp một cách hợp lí, thuận tiện cho việc đánh giá mức độ thích nghi sau này. Không những thế ta còn phải tùy thuộc vào phương tiện, khả năng xác định các yếu tố để lựa chọn chỉ tiêu.
Đối với lãnh thổ nghiên cứu, đơn vị CQ được lựa chọn là dạng địa lí. Qua phân tích các nguồn tài liệu và khảo sát thực địa, vận dụng vào việc đánh giá tổng hợp phục vụ cho phát triển một số loại cây trồng chính và định hướng không gian ưu tiên bố trí các điểm dân cư lãnh thổ Kỳ Anh, các chỉ tiêu được chọn lựa bao gồm: các chỉ
- 106 -
tiêu chính làm phân hoá lãnh thổ như: loại đất, độ dốc, tầng dày, độ phì, nhiệt độ trung bình năm, lượng mưa trung bình năm, vị trí địa lí, điều kiện tưới, khả năng thoát nước. Ngoài ra, đối với các chỉ tiêu xác định không gian ưu tiên cho bố trí các điểm dân cư ở lãnh thổ nghiên cứu có các chỉ tiêu sau: nguồn nước (sinh hoạt và sản xuất), tai biến thiên nhiên, không gian cư trú, không gian sản xuất,... tùy thuộc vào vị trí cụ thể của công tác bố trí các điểm dân cư ở đô thị hay nông thôn.
Ngoài ra, các chỉ tiêu khác như độ cao địa hình, HTSDĐ, các loại hình thời tiết đặc biệt… được xếp vào nhóm những chỉ tiêu tham khảo và sẽ được sử dụng khi kiến nghị sử dụng hợp lý lãnh thổ cho hai mục đích trên.
c) Phân cấp chỉ tiêu đánh giá cho mục đích nông lâm nghiệp
* Các chỉ tiêu được lựa chọn:
Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản khi lựa chọn chỉ tiêu để đánh giá trên, các chỉ tiêu đánh giá được lựa chọn để đánh giá cho phát triển nông lâm nghiệp ở huyện Kỳ Anh: (xem bảng 3.2).
1. Loại đất: Là yếu tố tổng hợp, khái quát được đặc tính chung nhất về đặc điểm địa chất, địa hình và khí hậu đặc trưng hình thành đất, khả năng sử dung. Tuy nhiên, để xác định khả năng cụ thể thì loại đất phải gắn với các yếu tố như độ dốc, tầng dày, với đặc điểm tự nhiên đặc trưng của huyện Kỳ Anh có 15 loại đất sau: đất cát biển (C), đất cồn cát trắng vàng (Cc), đất mặn ít và trung bình (M), đất phèn hoạt động nông mặn ít (Sj1Mi), đất phù sa được bồi hàng năm (Pb), đất phù sa ngòi suối (Py), đất phù sa không được bồi hàng năm (Pk), đất bạc màu trên đá macma axít (Ba), đất đỏ vàng phát triển trên đá phiến sét (Fs), đất vàng đỏ phát triển trên đá macma axit (Fa), đất vàng nhạt phát triển trên đá cát kết (Fq), đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa (Fl), đất mùn vàng đỏ trên đá macma axit (Ha), đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D), đất xói mòn trơ sỏi đá (E).
2. Độ dốc (Sl): Độ dốc liên quan đến vấn đề xói mòn rửa trôi, điều kiện, biện pháp canh tác, khả năng tưới tiêu và sự phân bố của cây trồng... Trong khu vực nghiên cứu, độ dốc được phân thành 4 cấp: cấp độ dốc dưới 3o (Sl1) tập trung chủ yếu ở các địa hình đồng bằng và thung lũng tương đối bằng phẳng hay các dạng bãi bồi sông có diện tích nhỏ hẹp có dạng hình dải kéo dài; cấp độ dốc từ 3 - 8o (Sl2)
- 107 -
tập trung chủ yếu ở các dạng địa hình đồi thấp, gò đồi; cấp độ dốc: 8 - 15o (Sl3) và trên 15o (Sl4) tập trung chủ yếu trên các dạng địa hình đồi cao và núi thấp.
3. Tầng dày (D): Tầng dày đất phản ánh mức độ tác động tương hỗ giữa các nhân tố trong quá trình hình thành đất, liên quan mật thiết với độ che phủ của thảm thực vật, độ dốc. Tầng dày đất là yếu tố sinh thái quan trọng, liên quan đến việc lựa chọn và bố trí cây trồng hợp lí. Nhằm bảo đảm sản xuất lâu bền ở lãnh thổ nghiên cứu và trên cơ sở nhu cầu sinh thái của cây trồng dài ngày, độ dày tầng đất được chia thành 3 cấp: tầng dày đất trên 100 cm (D1), tầng dày đất từ 50 - 100 cm (D2), tầng dày đất nhỏ dưới 50 cm (D3).
4. Thành phần cơ giới (C): Thành phần cơ giới (TPCG) là yếu tố sinh thái quan trọng trong đánh giá đất, liên quan đến khả năng giữ ẩm, giữ chất dinh dưỡng và tạo độ phì cho đất. Đây là chỉ tiêu biểu đạt tương đối tổng hợp các đặc điểm khác của đất như: dung tích hấp thụ của đất (CEC), dung trọng, tỷ trọng và độ xốp của đất. Độ xốp và độ ẩm quyết định độ thoáng khí và quá trình hoạt động của hệ vi sinh vật đất cũng như sự phát triển của bộ rễ cây trồng. Để đánh giá và phân hạng mức độ thích nghi sinh thái của cây trồng (cây lúa nước, chè, cao su, lạc và sắn), chỉ tiêu TPCG của đất trong khu vực nghiên cứu được phân thành 4 cấp: Cát (Cg1); Cát pha (Cg2); Thịt nhẹ (Cg3); Thịt trung bình (Cg4); Thịt nặng (Cg5).
5. Độ phì của đất (OC): Độ phì là yếu tố rất quan trọng trong đánh giá đất cũng như trong đánh giá CQ nhằm phục vụ QH, định hướng phát triển nông, lâm nghiệp. Độ phì của đất là thành phần quan trọng quyết định nền tảng dinh dưỡng của các đơn vị CQ. Độ phì được tổng hợp của nhiều chỉ tiêu như: pHKCl, tổng lượng hữu cơ của đất (OM -%), đạm tổng số (N - %), lân tổng số (P2O5 - %), kali tổng số (K2O - %), dung tích hấp thụ (CEC - me/100g đất)... Tuy nhiên, các chỉ tiêu này biến động khá lớn trong cùng một loại đất và ở các đơn vị CQ khác nhau. Để thuận tiện cho công tác phân cấp độ phì đất, ở khu vực nghiên cứu được xác định dựa trên hai chỉ tiêu chính mang tính chất tổng hợp và biểu đạt được khá nhiều tính chất của đất: hàm lượng hữu cơ trong đất (OM) và dung tích hấp phụ (CEC) của đất (xem bảng 3.1). Công tác phân cấp độ phì của đất dựa trên nguyên tắc phân cấp và đánh giá chung của Hội Khoa học Đất Việt Nam [49-50].
- 108 -
Bảng 3.1: Bảng phân cấp chỉ tiêu đánh giá chung về độ phì của đất
Chỉ tiêu
Phân cấp đánh giá Độ phì khá
(OC1) Độ phì TB (OC2) Độ phì thấp (OC3) Hàm lượng hữu cơ
(OM) % > 3 1 - 3 < 1
Dung tích hấp phụ
(CEC) me/100g đất > 20 10 - 20 < 10
6. Nhiệt độ trung bình (T): Nhiệt độ ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng và vật nuôi. Dựa vào sự phân hóa độ cao và kết quả thành lập bản đồ sinh khí hậu huyện Kỳ Anh, nhiệt độ trung bình năm trên lãnh thổ nghiên cứu được chia làm 4 cấp theo các khu vực:
- Khu vực đồng bằng và thung lũng có nhiệt độ trung bình năm trên 24oC (T1) - Khu vực đồi thấp nhiệt độ trung bình năm 20oC - 24oC (T2)
- Khu vực đồi cao nhiệt độ trung bình từ 18oC - 20oC (T3) - Khu vực núi thấp có nhiệt độ trung bình năm dưới 18oC (T4)
7. Số tháng lạnh trong năm (L): Vì tính đặc thù của vị trí địa lí đã hình thành nên các yếu tố khí hậu cực đoan đặc trưng của lãnh thổ nghiên cứu. Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng của cây trồng đó là những thời điểm có khí hậu lạnh kéo dài. Đối với lãnh thổ nghiên cứu, số tháng lạnh được chia làm 4 cấp: Có một tháng lạnh (L1), có từ 2 đến 3 tháng lạnh (L2), có 4 tháng lạnh (L3), trên 4 tháng lạnh (L4).
8. Số ngày khô nóng trong năm (K): liên quan đến khả năng đáp ứng nhu cầu ẩm đối với cây trồng (chè, cao su, sắn và lạc) trong mùa khô nóng. Thời gian khô nóng có tác dụng thúc đẩy hay ức chế quả trình trao đổi chất và năng lượng của cây trồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các quá trình đồng hoá và dị hoá, hiệu suất và nhịp sinh học của cây trồng. Độ ẩm quá cao hay quá khô có thể gây ức chế làm cây không phát triển được, nếu kéo dài có thể gây chết cây. Tuy nhiên, nhu cầu về ẩm lại không đồng đều giữa các thời kỳ sinh trưởng. Vì vậy, không phải hoàn toàn đúng khi nói rằng cây lúc nào cũng cần ẩm hay càng ẩm thì càng tốt. Đối với lãnh thổ nghiên cứu, số ngày khô nóng trong năm được chia thành 3 cấp: không có ngày khô nóng (K1), số ngày khô nóng ít hơn 30 ngày (K2), số ngày khô nóng lớn hơn 30 ngày (K3).
- 109 -
9. Khả năng thoát nước (Tn): Khả năng thoát nước là yếu tố rất quan trọng liên quan đến độ ẩm đất, vấn đề ngập úng..., phụ thuộc vào năng lượng và độ dốc của địa hình, nó phản ánh mức độ tiêu nước trên các dạng CQ. Khả năng thoát nước là yếu tố liên quan đến hướng sử dụng lãnh thổ trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là các QH phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Trên cơ sở nhu cầu sinh thái của cây trồng và phân hoá của lãnh thổ, mức độ thoát nước khu vực nghiên cứu chia thành 4 mức độ: thoát nước tốt (Tn1) đối với các dạng địa hình đồi núi có năng lượng địa hình và độ dốc lớn; thoát nước trung bình (Tn2) đối với các dạng địa hình gò đồi thoải, năng lượng địa hình và độ dốc nhỏ; thoát nước kém (Tn3) đặc trưng cho các dạng địa hình có độ dốc rất thoải, bằng phẳng; thoát nước rất kém (Tn4) tập trung tại các vùng trũng có thời gian ngập nước khá dài trong năm. CQ thường xuyên ngập nước như ao hồ, sông suối không được đề cập nhưng là yếu tố rất quan trọng (nguồn cung cấp nước cho các loại hình SDĐ nông nghiệp có tưới) trong định hướng TCLT.
10. Độ pH (A): Theo kết quả phân tích thí nghiệm và tài liệu [50], nghiên cứu cho thấy: Đất huyện Kỳ Anh có độ chua vừa và được chia làm 4 cấp: Trên 5.5 (A1), từ 5,5 - 4,5 (A2), từ 4,5 - 3,5 (A3), dưới 3,5 (A4).
11. Vị trí (P): Một diện tích lãnh thổ mặc dù có các yếu tố về thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp cho sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng ở vị trí không thuận lợi thì khó có thể sử dụng vào việc phát triển KT - XH. Đơn vị diện tích được coi là có vị trí thuận lợi khi nó nằm gần đường giao thông và các khu dân cư, nơi có điều kiện địa hình thuận tiện cho việc xây dựng các công trình thuỷ lợi... Đối với lãnh thổ huyện Kỳ Anh, địa hình đồng bằng và thung lũng nằm dọc đường quốc lộ và gần khu vực trung tâm được coi là thuận lợi (P1); nằm xa đường giao thông, xa khu dân cư hoặc khu vực đồi thấp được phân cấp là tương đối thuận lợi (P2). Địa hình đồi cao và thung lũng giữa núi được phân cấp là ít thuận lợi (P3), còn địa hình núi thấp là khu vực khó khăn cho sản xuất (P4). Tuy nhiên, khi xác định mức độ thuận lợi còn tùy thuộc vào vị trí của từng đơn vị diện tích mà xem xét một cách cụ thể.
Trên cơ sở hệ thống các chỉ tiêu phân cấp đã lựa chọn để đánh giá TN như ở bảng 3.2, kết hợp với việc khảo sát thực địa và tiến hành phân tích liên hợp các loại bản đồ đơn tính, trên toàn bộ lãnh thổ nghiên cứu đã xác định được 71 dạng CQ làm đơn vị cơ sở đánh giá.