CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.1. Cơ sở lý luận
1.1.2. Cơ sở lý thuyết
1.1.2.1. Quan hệ giữa văn hoá và phát triển
Văn hóa là một chỉnh thể phức hợp (E.B. Tylor), là hệ thống hữu cơ các giá trị (Trần Ngọc Thêm), văn hoá được chú trọng là kiểu lựa chọn riêng (Phan Ngọc) vì vậy, văn hóa ngày càng được xác định tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển chung của mỗi quốc gia, dân tộc. Văn hóa không những được xác định có mối liên hệ mật thiết với sự phát triển mà văn hóa còn được xem là trụ cột, động lực và là nhân tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững “không có một mô hình duy nhất nào cho sự phát triển, mà công cuộc phát triển đất nước phải dựa vào điều kiện hoàn cảnh riêng của từng nước, mà trong đó văn hoá dân tộc có một vai trò chủ đạo, tất nhiên không thể coi nhẹ sự phụ thuộc lẫn nhau (Interdependence) quốc tế” (Vũ Khiêu (cb), 1993, tr.217).
Tuy tạp chí Tri Tân không nói nhiều về quan hệ giữa văn hóa và phát triển về mặt lý thuyết, nhưng qua chủ trương và bài viết, nhóm Tri Tân cho thấy có nhận thức rõ nét về mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa và phát triển. Vì vậy, những quan điểm lý thuyết về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển sẽ là cơ sở giúp chúng tôi xác định được sự phù hợp trong tư tưởng xây dựng văn hóa mới của tạp chí Tri Tân trong bối cảnh đương thời cũng như giá trị của tư tưởng đó xét trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
1.1.2.2. Quan hệ giữa bảo tồn và phát huy
Theo nghĩa chung nhất, “bảo tồn văn hóa là gìn giữ lưu lại những giá trị văn hóa” (Dương Phú Hiệp, 2021). Phát huy là “làm cho cái hay, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở thêm”. Như vậy, “bảo tồn” thiên về giữ lại, còn phát huy lại cần sự vận động, cải biến. Tuy nhiên, trên quan điểm phát triển, bảo tồn các giá trị văn hóa phải đưa được các giá trị văn hóa truyền thống vào thực tiễn, nhằm mang lại những lợi ích vật chất và tinh thần cho con người, thể hiện mục tiêu của văn hóa đối với sự phát triển xã hội một cách tích cực. Muốn cho những giá trị văn hóa được phổ biến,
được hiện thực hóa trong xã hội thì cần phải phát huy có chọn lọc. Bởi vì, chính phát huy văn hóa sẽ tạo điều kiện để giữ lại được những giá trị tốt đẹp. Ngược lại bảo tồn không những không cản trở mà là cơ sở làm nền tảng cho sự phát triển văn hóa.
Theo Ngô Đức Thịnh, trên bình diện nhận thức cũng như thực tiễn vấn đề bảo tồn và phát triển thường xảy ra một số “xung đột”, như bảo tồn thì dẫn đến hạn chế phát triển và ngược lại, phát triển thì khó bảo tồn. Tuy nhiên theo ông, vấn đề là cần xác định bảo tồn, phát triển như thế nào. Bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống phải dựa trên nguyên tắc phát triển. Các giá trị đóng vai trò thúc đẩy phát triển thì bảo tồn, phát huy và cần loại bỏ những gì gây cản trở sự phát triển. Do đó, theo tác giả nguyên tắc phát triển mang ý nghĩa chỉ đạo cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống (Ngô Đức Thịnh, 2011).
Chúng tôi vận dụng mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy và phát triển để phân tích chủ trương xây dựng văn hóa dân tộc của Tri Tân. Các tác giả của tạp chí Tri Tân thể hiện rất rõ quan điểm vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, để bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam không bị mai một. Nhưng đồng thời Tri Tân cũng nhấn mạnh quan điểm cần phải hiện đại hoá nền văn hoá dân tộc trên cơ sở vừa xây dựng, vừa phát triển các giá trị văn hóa mới.
1.1.2.3. Tiếp xúc và tiếp biến văn hoá
Tiếp biến văn hóa là hiện tượng tất yếu khi có sự gặp gỡ, giao lưu giữa các nền văn hóa. “Văn hóa phát triển theo quy luật riêng của nó. Phát triển văn hóa trước hết dựa vào giao lưu… Chính giao lưu khiến mỗi nền văn hóa phải điều chỉnh mình để mở rộng ảnh hưởng cả về nội dung lẫn hình thức, phải tự đổi mới để có sức lôi cuốn mạnh mẽ” (Phan Ngọc, 2004, tr.136).
Tiếp biến văn hóa không phải là hiện tượng có thể xảy ra một sớm một chiều.
Nó cần cả một quá trình dài để sàng lọc và hấp thụ. Phan Ngọc gọi quá trình này là
“vượt gộp” - nghĩa là tiếp thu được cái mới nhưng đã thay đổi cho thích hợp với hiện
tại. Có nghĩa là bảo vệ được cả cái cũ lẫn cái mới sao cho thích hợp với việc vừa bảo tồn vừa phát triển cần tiến hành. Như vậy, “vượt gộp” không phải là nhắm mắt chạy theo cái mới, vứt bỏ cái cũ, cũng không phải là giữ khư khư cái cũ phản đối cái mới (Phan Ngọc, 2004, tr.29).
Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc cũng dẫn ra một số khái niệm trong bài viết: “Đối thoại giữa các nền văn minh dưới góc độ tiếp biến văn hóa ở Việt Nam”. Theo đó, có hai định nghĩa về tiếp biến văn hóa: “Đó là sự tiếp xúc giữa những nhóm người khác nhau về văn hóa, do đó sinh ra những sự thay đổi về văn hóa (ứng xử, giao tiếp, tư duy) ở trong mỗi nhóm”. Đây là định nghĩa được tác giả ghi nhận tại cuộc họp UNESCO châu Á tại Téhéran 1978 mà tác giả tham dự.
Một định nghĩa khác hiểu tiếp biến văn hóa là: “Quá trình một nhóm người hay một cá nhân qua tiếp xúc trực tiếp và liên tục với một nhóm khác, tiếp thu (tự nguyện hay bị bắt buộc, toàn bộ hay từng bộ phận) nền văn hóa của nhóm này”
(Hữu Ngọc, 2010).
Như vậy, tiếp xúc dẫn đến sự biến đổi văn hóa là một điều tất yếu đối với sự tồn tại và phát triển của các nền văn hóa. Bởi vì “không một nền văn hóa nào dù lớn, dù nhỏ mà không có sự vay mượn một nhân tố của các nền văn hóa khác” (Trần Quốc Vượng, 2010).
Như vậy, giao lưu tiếp biến văn hoá là hiện tượng phổ biến giữa các nền văn hoá, qua quá trình giao lưu tiếp biến bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc và bản lĩnh tiếp nhận, sàng lọc của chủ thể văn hoá được thể hiện. Với trường hợp văn hoá Việt Nam những cuộc “đụng độ” với các nền văn hoá lớn lại là trường trải nghiệm để chủ thể văn hoá nảy nở ý thức cao hơn trong công cuộc bảo tồn, phát huy và xây dựng giá trị văn hoá mới. Trong phạm vi luận văn, chúng tôi vận dụng lý thuyết này cho đối tượng nghiên cứu cụ thể là việc bảo tồn, phát huy và xây dựng các giá trị văn hoá mới của Tri Tân.
1.1.2.4. Biến động, biến đổi, chuyển đổi văn hóa
Văn hóa là những giá trị do con người sáng tạo trong quá trình tương tác với tự nhiên và xã hội để phục vụ cho nhu cầu tồn tại, phát triển của chính bản thân mình.
Do đó, theo quy luật mọi sự vật hiện tượng luôn luôn vận động biến đổi, thì văn hóa cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Sự biến động dẫn đến biến đổi văn hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự thay đổi điều kiện tự nhiên, thay đổi hoàn cảnh lịch sử xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ, sự tác động của các nền văn hóa khác.
Khi nói về sự chuyển đổi hệ giá trị văn hóa, Ngô Đức Thịnh cho rằng, quá trình chuyển đổi đã và đang diễn ra dưới các hình thức, sắc thái, mức độ:
- Sự chuyển đổi từ hệ giá trị truyền thống sang hệ giá trị hiện đại thông qua nhiều hình thức và mức độ khác nhau như thay đổi cấu trúc, thay đổi nội dung, thay đổi hình thức.
- Sự mất dần các giá trị truyền thống lỗi thời và hình thành các giá trị văn hóa mới.
- Xuất hiện các giá trị mới của thời đại, tuy chỉ mới manh nha nhưng sẽ trở thành các giá trị chủ đạo, như các giá trị nhân chủ, nhân quyền, công dân, cá nhân, bình đẳng giới, hội nhập, khoan dung, thị trường, cạnh tranh… (Ngô Đức Thịnh (cb) 2010, tr.32).
Đối với văn hóa Việt Nam, sự biến đổi và chuyển đổi văn hóa đã diễn ra nhiều giai đoạn trong tiến trình lịch sử. Trần Ngọc Thêm cho rằng hệ giá trị Việt Nam truyền thống đến nay đã trải qua bốn lần biến động:
(1) Sự chuyển biến từ hệ giá trị văn hóa bản địa Đông Nam Á sang hệ giá trị chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa: Tam giáo Nho - Phật - Đạo ảnh hưởng mạnh mẽ tới Việt Nam trong đó ảnh hưởng của Nho giáo là lớn nhất.
(2) Sự chuyển biến từ hệ giá trị văn hóa truyền thống theo phong cách phương Đông sang hệ giá trị chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây: bắt đầu diễn ra từ
khoảng thế kỉ XVI khi các giáo sĩ Kito đi truyền đạo nhưng chỉ thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ đầu thế kỉ XX sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam.
(3) Sự chuyển biến từ hệ giá trị văn hóa truyền thống dưới ách thực dân sang hệ giá trị chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa xã hội chủ nghĩa: diễn ra khi Việt Nam tiếp xúc với văn hóa xã hội chủ nghĩa thông qua đại diện là Liên Xô thời I. V. Stalin, Trung Quốc thời Mao Trạch Đông.
(4) Sự chuyển biến từ hệ giá trị văn hóa truyền thống đang trong quá trình xã hội chủ nghĩa sang hệ giá trị thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: bắt đầu diễn ra vào nửa cuối những năm 1980 khi công cuộc đổi mới ở Việt Nam bắt đầu (Trần Ngọc Thêm, 2016, tr.140).
Chu Xuân Diên quan niệm giai đoạn chuyển đổi từ văn hóa truyền thống sang hiện đại đã và đang diễn ra theo ba hướng:
(1) Kế thừa và phát huy các giá trị của văn hoá truyền thống. Trong nửa thế kỉ qua, chúng ta đã có nhiều thành tựu trong hướng này, thông qua các biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị đó, nghiên cứu và phổ biến các giá trị đó khiến cho những giá trị đó xưa kia thường chỉ được một bộ phận dân cư biết đến, nay trở thành tài sản chung của toàn dân.
(2) Tiếp nhận những giá trị văn hoá thế giới bằng con đường nghiên cứu, giới thiệu, phổ biến những giá trị văn hoá đó một cách rộng rãi, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân đông đảo làm giàu thêm hành trang văn hoá của mình bằng những tài sản văn hoá toàn nhân loại và hội nhập được vào thế giới hiện đại.
(3) Phát triển các hoạt động văn hoá mới, kết hợp những giá trị văn hoá truyền thống với những giá trị văn hoá mới. Hoạt động sáng tạo này triển khai trên cả lĩnh vực văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, sẽ hình thành dần bộ phận cơ bản và quan trọng hơn cả trong cấu trúc của nền văn hoá Việt Nam hiện tại và tương lai (Chu Xuân Diên (1999), tr.283 – 284).
Như vậy, hiện tượng biến động do sự thay đổi điều kiện tự nhiên cũng như điều kiện chính trị - xã hội dẫn đến những biến đổi và chuyển đổi văn hóa là một quy luật.
Thời gian mà tạp chí Tri Tân ra đời và tồn tại trong giai đoạn văn hóa Việt Nam đang có những biến đổi, chuyển đổi từ hệ giá trị văn hóa truyền thống sang hiện đại do những thay đổi lớn về chính trị - xã hội và sự tác động mạnh mẽ của nền văn hóa phương Tây. Chính vì vậy những nội dung của tạp chí Tri Tân có một phần tập trung vào vấn đề làm thế nào để đưa những giá trị của văn hoá truyền thống hoà nhập vào môi trường văn hoá mới.
Người viết dẫn liệu những khái niệm trong phần cơ sở lý thuyết nhằm mục đích soi chiếu, làm nền tảng để khai triển những luận đề, luận điểm nghiên cứu trong hai chương hai và ba. Dựa trên cơ sở lý thuyết này người viết triển khai hai hệ vấn đề chính, đó là bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống và xây dựng giá trị văn hoá mới, nhằm mục đích nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của những việc mà tạp chí Tri Tân đã làm được.