CHƯƠNG 3 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA MỚI
3.3. Ý thức xây dựng con người mới
Thể hiện ý thức xây dựng con người mới, tạp chí Tri Tân chú trọng đến các đối tượng thiếu niên nhi đồng, thanh niên, phụ nữ, trí thức. Có thể thấy chủ trương của Tri Tân rất thiết thực. Họ đặt hy vọng vào thế hệ trẻ và mong muốn góp phần vào việc đào tạo thế hệ trẻ trở thành trụ cột của nước nhà trong tương lai. Họ đề cao vai trò của
phụ nữ trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn phổ biến quan niệm trọng nam khinh nữ.
Họ cho rằng tầng lớp tri thức đóng vai trò lớn trong việc nâng cao dân trí. Vì vậy, nhiều bài viết của Tri Tân tập trung vào các đối tượng trên.
Hoa Bằng là tác giả chủ yếu của những bài viết về thiếu niên nhi đồng (xem bảng 11, Phụ lục 2). Ông quan niệm: “Nhi đồng là mầm tương lai của xã hội. Nhi đồng là chủ nhân công của thế giới ngày mai sau. Chính họ là toán thợ sẽ dự vào công cuộc sáng tạo hoặc kiến thiết ở xã hội tương lai. Chính họ là hạng người tâm tính vui vẻ hoạt bát sẽ đủ điều kiện để thực hiện những cái mới mẻ thích ứng với đời sống sau này” (Hoa Bằng, 1944b, tr.2). Hoa Bằng giới thiệu một số định nghĩa về nhi đồng học của các nhà khoa học phương Đông và phương Tây cùng với những quan điểm về giáo dục nhi đồng của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại như Platon, Aristote. Quan điểm của Platon cho rằng từ 3 đến 6 tuổi thì trẻ em tự nghĩ ra những cách vui chơi riêng của chúng và người lớn không nên can thiệp, thay đổi. Trẻ em ở lứa tuổi này cũng đã được pháp luật bảo hộ. Nhà triết học Aristote thì khẳng định vui chơi đối với nhi đồng là rất quan trọng. Thông qua việc chơi đùa trẻ em sẽ không lười biếng, đồng thời làm quen với các bước làm việc để dần dần trở thành người lớn sau này (Hoa Bằng, 1944b).
Hoa Bằng cũng điểm qua lịch sử nhi đồng học ở các nước Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Nhật, những hội nghiên cứu, các sách báo nổi tiếng, những khuynh hướng nghiên cứu về nhi đồng,… Ông kêu gọi bạn đọc gần xa nếu có tài liệu gì về nhi đồng học ở Việt Nam thì xin báo cho ông biết để ông có thể tìm hiểu, bổ sung thêm kiến thức.
Sau khi giới thiệu những vấn đề có tính chất lý thuyết, Hoa Bằng giới thiệu những tấm gương tiêu biểu của nhi đồng ở Việt Nam thời trước, đồng thời nói lên thực trạng của xã hội Việt Nam là ít quan tâm đến đối tượng nhi đồng. Hoa Bằng nhận định trước khi tiếp xúc với văn minh phương Tây người Việt Nam không chú trọng đến những vấn đề của nhi đồng. Điều này tương tự như trong xã hội Trung Quốc.
Cho đến thời của Hoa Bằng, xã hội đã quan tâm hơn đến nhi đồng nhưng những vấn đề về nhi đồng học vẫn chưa được chú ý. Thậm chí những khảo cứu của chính mình về nhi đồng cũng vấp phải nhiều trở ngại. Theo ông, từ khi xã hội Việt Nam có tiếp xúc với văn minh phương Tây thì người Việt tuy có chú tâm hơn đến vấn đề nhi đồng nhưng việc nghiên cứu thì vẫn chưa có hệ thống. Cụ thể mới chỉ có những bài viết nhỏ lẻ, tản mác thiếu tính bao quát nên rất khó tập trung lại trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, Hoa Bằng cũng ghi nhận hiện đã có một số tác giả viết sách về nhi đồng như Sản dục chỉ nam của bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, Nói truyện nuôi con của bác sĩ Cao Xuân Cầm hay bác sĩ Lê Hữu Mỹ với Tuổi xanh và bác sĩ Lê Văn Ngôn với cuốn Bịnh ho lao.
Hoa Bằng còn đề cập đến phong trào Hướng đạo rất phổ biến thời đó, ông cho rằng phong trào hướng đạo mang lại nhiều ích lợi cho thiếu niên, nhi đồng, vừa rèn luyện tinh thần, kỷ luật, đoàn kết, vừa rèn luyện những kỹ năng sống, đạo đức, nhân cách. Bài viết thể hiện quan điểm, mgày xưa chơi là “vô ích”; nhưng đối với Hướng đạo ngày nay, chơi đùa lại là một cần thiết để họ dìu dắt nhi đồng miễn là bao giờ họ cũng phải nhớ rằng: “Chơi là một dịp rất tốt để thi hành các điều luật, vì chơi mà không thẳng thắng thì không sao chơi hay được (…) Hết sức tránh tất cả cái cớ làm cho người ta lụi tàn, tàn nhẫn, vô lễ, cốt nhất trọng hiệp nghĩa…” (Hoa Bằng, 1944, số 170, tr.2). Ngoài việc rèn luyện bằng hoạt động vui chơi, đoàn hướng đạo còn tổ chức các hoạt động từ thiện dành cho nhi đồng. Hoa bằng dẫn giải: “Hằng năm, cứ đến ngày rằng tháng tám là tết Trung thu, mỗi đoàn Hướng đạo thường đi tìm những trẻ ở các xóm nghèo, hay ở các hội như Tế Sinh, Bảo Anh, mà tổ chức một cuộc vui có các trẻ em chung hưởng” (Hoa Bằng, 1944c, tr.2).
Cùng với phong trào hướng đạo, nhiều hội từ thiện dành cho nhi đồng cũng được thành lập và hoạt động sôi nổi. Trong bài viết Mấy hội từ thiện với nhi đồng, Hoa Bằng đã kể tên những hội như hội Bảo Anh, hội Tế Sinh. Ông kể về việc thành lập hội từ thiện “năm 1922, một ít người có lòng từ thiện nhận thấy có một đám trẻ
con bị ruồng bỏ cả về vật chất lẫn tinh thần sống cầu bơ cầu bất ngoài đường và sa ngã vào những việc bất lương như trộm cắp trong thành phố, nên động lòng trắc ẩn, chiếu gặp nhau để cứu lấy đám trẻ đáng thương ấy, và đưa chúng ra con đường sáng sủa hội Bảo Anh thành lập…” (Hoa Bằng, 1944d, tr.2).
Trên đây Hoa Bằng đã điểm lại những hoạt động của người lớn dành cho thiếu niên nhi đồng. Còn khi trực tiếp đề cập đến thiếu niên nhi đồng Hoa Bằng chú trọng vào những nội dung: giáo dục đạo đức, nhân cách, giúp các em bộc lộ năng lực, năng khiếu, hướng dẫn các em rèn luyện sức khoẻ thể chất.
Trong bài viết Từ sách vỡ lòng đến sách giáo dục trẻ (số 173), Hoa Bằng nêu rõ các câu thơ trong sách của Tản Đà:
“Sách quốc ngữ Chữ nước ta Con cái nhà Đều phải học”
“Sách thơ quốc ngữ, Câu năm chữ;
Giai gái tám tuổi, Học nên giữ”.
“Luân thường ta phải hiểu, Làm người ấy là đạo.
Ta học đạo làm người, Mở đầu nên biết hiếu”
Thông qua những câu thơ với cách dùng văn vần, câu thơ ngắn dễ hiểu của Tản Đà, Hoa Bằng có dụng ý giới thiệu những nguyên tắc cơ bản của việc giáo dục đạo đức
cho trẻ em. Đó là dạy cho các em biết sự cần thiết của học tập, dạy cho các em những đạo lý làm người, mà ở lứa tuổi của các em thì chữ “hiếu”, biết nghe lời cha mẹ được đặt lên hàng đầu. Nói theo ngôn ngữ của thời đó thì đấy là việc dạy “luân lý”.
Hoa Bằng cũng lưu ý đến việc phát triển năng lực, năng khiếu của trẻ em. Ông có bài viết Hội hoạ với nhi đồng, trong đó ông cho rằng ngày xưa sách học của trẻ em không có tranh vẽ hoặc có rất ít, việc in ấn sách vở cũng rất khó khăn, “vì thế, trẻ con không có cái may mắn như ngày nay có nhiều sách in hoạt bản và tranh ảnh để học, để chơi. Từ khi xoay theo tân học, nhi đồng mới được làm quen với những sách in có tranh vẽ những sự vật hữu hình để cho dễ hiểu những tiếng cụ thể ở ngay trong bài học. Nói đến hội hoạ trong nhi đồng học Việt Nam hiện đại, ta phải kể tới sách của nhà Mai Lĩnh và Sách dạy về hội hoạ của Nguyễn Văn Thuần” (Hoa Bằng, 1944e, tr.2).
Hoa Bằng cho rằng việc dạy cho trẻ em học vẽ từ sớm mang đến nhiều ích lợi:
việc nhân biết chữ quốc ngữ sẽ nhanh hơn, nếu em nào có năng khiếu về hội hoạ thì sẽ có cơ hội phát triển.
Bên cạnh việc rèn luyện đạo đức, dạy làm người, rèn luyện năng lực Hoa Bằng còn chú trọng dạy cho trẻ em biết tầm quan trọng cuả sức khoẻ. Ông giới thiệu cuốn sách Muốn khoẻ của Đào Văn Khang xuất bản, phỏng theo phương pháp của Paul Serviet, sách chia làm hai phần:
1) Phần thể dục luyện tập thân thể trẻ em từ 1 đến 15 tuổi, cho trẻ trở nên khang cường
2) Phần giải trí có những trò chơi bổ ích cho giác quan, óc quan sát sự suy nghĩ và sự lanh lợi (Hoa Bằng, 1944g, tr.3).
Hoa Bằng cũng nhắc lại mục đích viết sách của ông Đào Văn Khang là mong muốn trẻ em có thể có sức khoẻ và sự tráng kiện để chống lại các bệnh tật. Luyện tập để giúp cho cơ thể cường tráng, máu huyết dồi dào. Khi bản thân cơ thể khoẻ mạnh thì trạng thái
tinh thần cũng tốt đẹp, vui vẻ. Từ đó làm việc gì cũng dễ dàng, thuận lợi, tư tưởng trong sáng, không chìm đắm trong bệnh tật, khổ sở (Hoa Bằng, 1944g, tr.23).
Cùng quan điểm với Hoa Bằng, Hoa Nam Phan Kỳ Nông có bài viết Nhi đồng với vấn đề thể dục (số 25), kêu gọi chính phủ phải áp dụng chương trình thể thao bắt buộc cho trẻ em, đồng thời sửa lại chương trình học vấn về thích hợp với trình độ của các em theo hướng giảm khối lượng kiến thức “dư thừa”, “vô ích”. Cần thiết phải làm như vậy bởi vì “trong một nước, đàn trẻ em là nền tảng tương lai của xã hội”, “hiện nay vấn đề nhi đồng thể dục không còn là câu chuyện mới lạ nữa, vì ai cũng nhận thấy rằng cách giáo dục nghiêng về “văn nhược” ngày xưa chung quy chỉ làm yếu hèn và tiêu ma nòi giống!” (Hoa Nam Phan Kỳ Nông, 1941, tr.18).
Nặng lòng với việc giáo dục thiếu niên nhi đồng Hoa Bằng cũng đã tiến hành khảo sát so sánh những mục viết cho nhi đồng ở các tờ báo khác cùng thời. Mục đích của việc so sánh này vừa là để khái quát tình hình chung của các tờ báo có mục viết về nhi đồng, nhưng qua đó cũng thấy mối quan tâm sâu sắc của Hoa Bằng đối với việc giáo dục thiếu niên nhi đồng sao cho toàn diện và hợp lý. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông nhận định rằng lịch sử nhi đồng học Việt Nam chưa được chú tâm và ông mong muốn những nhà y học và những nhà sư phạm có tấm lòng nhiệt tình đối với tương lai của đất nước nên để ý nghiên cứu những vấn đề của nhi đồng, từ sinh lý đến tâm lý nhằm tìm ra những phương pháp giáo dục nhi đồng phù hợp với tình hình xã hội (Hoa Bằng, 1944).
Cùng với việc chú trọng giáo dục thiếu niên nhi đồng, thanh niên cũng được các học giả Tri Tân rất quan tâm. Những bài về thanh niên trên tạp chí Tri Tân đề cập đến các chủ đề: thanh niên với vấn đề giáo dục (học tập, rèn luyện phẩm chất tính cách);
về vai trò của thanh niên trong lịch sử và trong văn chương; về những điều thiết thực mà thanh niên cần làm.
Với chủ đề giáo dục thanh niên trở thành người có ích cho xã hội Tri Tân có loạt bài Muốn chữa nạn truỵ thanh niên truỵ lạc hãy đốt hết những sách khiêu dâm
(số 9) Phạm Mạnh Phan, Bảo vệ gia đình Việt Nam, đả đảo những nô lệ của chủ nghĩa khoái lạc trong đám thanh niên trí thức (số 103) Phạm Mạnh Phan, Thanh niên với nghị lực (số 119) Ái Châu và Bích Câu, Hai đường: làm việc bằng tay hay bằng óc?
(số 119) Mộng Sơn, Để thanh niên làm việc (số 120) Hoa Bằng, Tính ỷ lại của thanh niên ngày nay (số 124) Bà Lưu Văn Lợi,…
Phạm Mạnh Phan khẳng định nhiều thanh niên thời đó rơi vào tình trạng: “Sống trong xứ sở mà ông cha chúng ta đã giữ gìn bằng biết bao xương máu, họ tưởng chừng như bị đầy đọa nơi xa lạ không đủ sức để hiểu họ. Họ sống bo bo ích kỷ, ngoài khuôn vòng bổn phận. Họ chỉ biết tôi tớ cho xác thịt họ, miễn sao được sung sướng về đường vật chất, miễn sao đủ tiền tài mà cung cấp cho những cuộc hành lạc trác táng đầy tội lỗi” (Phạm Mạnh Phan, 1943, số 103, tr.6). Để khắc phục hiện trạng này, nội dung bài viết Thanh niên với nghị lực (số 119) của Ái Châu và Bích Câu đã đặt ra câu hỏi “nghị lực của thanh niên ta là gì?”. Câu hỏi như một sự trăn trở về việc rèn luyện ý trí, nghị lực cho thanh niên. Tác giả khẳng định nghị lực là “lợi khí” của thanh niên. Nghị lực chính là sự kết hợp giữa những giá trị truyền thống và những giá trị hiện đại tạo nên những phẩm chất, tính cách tốt đẹp tạo thành chân dung người thanh niên Việt Nam trong thời đại mới.
Đặc biệt, cụ thể hơn so với tạp chí Thanh Nghị, Tri Tân đề cập khá nhiều đến nữ thanh niên. Đây cũng nằm trong mạch chung của loạt bài viết về phụ nữ tuy nhiên những bài viết về nữ thanh niên đề cập trực tiếp đến vấn đề làm việc của phụ nữ trẻ.
Thời bấy giờ phụ nữ trẻ vẫn phụ thuộc nhiều và gia đình và chủ yếu đóng vai trò nội trợ. Vì vậy bài viết của Bà Lưu Văn Lợi Tính ỷ lại của thanh niên ngày nay (số 124) đã kêu gọi: “nếu muốn đời mình hữu ích, đáng kể, hợp với sự đổi mới của xã hội, và nói rộng ra, ăn nhịp với sự tiến hoá chung của nhân loại, một số nữ thanh niên nước nhà cần phải bỏ lối sống nhờ của giây leo, nghĩa là rứt bỏ hẳn cái tính xấu ỷ lại” (Bà Lưu Văn Lợi, 1943, tr.21). Một điều thú vị là từ trước đến giờ độc giả thường mặc định rằng ở tạp chí Tri Tân nhiều tri thức cựu học hơn Thanh Nghị, do vậy thường
mạnh ở nội dung học thuật, khảo cứu đặc biệt là về lịch sử, trong khi tạp chí Thanh Nghị thì đề cập đến nhiều vấn đề thực tế trong đời sống. Thế nhưng khi khảo sát kỹ lưỡng nội dung các bài viết trên tạp chí Tri Tân, người viết nhận thấy rằng số lượng bài viết mang âm hưởng của thời đại mới với những vấn đề nổi bật thời bấy giờ như nam nữ bình quyền hay phụ nữ đi làm việc… cũng rất phong phú.
Tri Tân còn ra hai số đặc san riêng nói về thanh niên Việt Nam trong lịch sử và trong văn học. Hoa Bằng đề cập đến vấn đề thanh niên Việt Nam nhìn từ khía cạnh lịch sử. Trong bài viết Ngó sơ thanh niên Việt Nam qua mấy trang lịch sử (đăng trên Tri Tân số 119, trang 2), Hoa Bằng đã nêu những tấm gương trẻ tuổi:
Thanh niên Việt Nam vốn giàu khí phách - Trần Quốc Toản Thanh niên Việt Nam biết mổ bụng - Trần Phương Bính Thanh niên Việt Nam rất thông minh - Nguyễn Thượng Hiền
Từ những tấm gương đó, ông nhận xét thanh niên Việt Nam có nhiều khả năng tốt. Dù ở thời đại nào những khả năng tốt ấy cũng biểu lộ một cách rõ ràng. Từ khi có tân học, từ văn học, triết học, đến khoa học, thanh niên Việt Nam đều đuổi kịp hoặc vượt hơn nhiều thanh niên ngoại quốc. Nhưng về mặt đạo đức lại không được như vậy, mà lại còn kém ngày xưa. Nhất là khoảng từ năm 1932 trở đi, tình trạng sút kém về mặt đạo đức của thanh niên ngày càng rõ rệt.
Hoa Bằng đã nêu ra những lý do khiến cho thanh niên Việt Nam tuy tiến bộ về mặt học vấn tri thức nhưng lại suy sút về mặt đạo đức so với thời trước: Đó là ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, thanh niên phải xa lìa gia đình, quê hương phải vất vả mưu sinh. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của xã hội và văn học bất chính, tiệm nhảy tiệm thuốc phiện đua nhau ra đời, sách nhảm nhí, truyện bậy bạ đầu độc tầng lớp thanh niên.
Nhưng cũng theo Hoa Bằng, may mắn là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ hồi tháng 9 năm 1939 đã một phần thúc tỉnh cho tầng lớp thanh niên Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tích cực: văn học không còn sa đà vào những gì phù
phiếm trống rỗng mà đi theo hướng hùng tráng, ca tụng những chiến công hiển hách của tổ tiên, truyền bá những tư tưởng tiến bộ, thích ứng với hoàn cảnh và trình độ của xã hội; nhiều sách báo có nội dung tuyên truyền khoa học ra đời; nhiều thanh niên làm việc ở nhiều lĩnh vực trở nên sốt sắng với việc xây dựng nền quốc văn mới, hình thành một đội ngũ tác giả đông đảo.
Tương tự với bài viết của Hoa Bằng, cũng trên chuyên san này, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố có bài Thanh niên đời xưa tiếp tục nêu tên những tấm gương thanh niên hiếu học, đỗ đạt xưa. Bên cạnh đó Lê Thanh có bài viết Thanh niên Việt Nam với một cuộc cải cách văn học ngày nay (đăng trên Tri Tân số 119, tr3,4), nhận định rằng văn chương Việt Nam ngày nay về một vài phương diện không khác gì so với văn chương Trung Quốc trước thời Cách mạng Tân Hợi (1911). Đó là tình trang một số nhà văn có tư tưởng “không ốm mà rên” chi phối đến cả tác phẩm của họ. Trước tình trạng ấy, thanh niên Việt Nam cần phải có sự cải cách cả về mặt tư tưởng và văn chương. Mỗi một nhà văn khi viết phải thể hiện đươc sở trường của mình, dùng chữ của mình, ý của mình, tình cảm của mình, nghệ thuật của mình,… Nhà văn phải tôn trọng sự thật, phải loại dần những tình cảm hư cấu viển vông… Đặc biệt, nhà văn thanh niên Việt Nam còn phải có trọng trách là xây dựng một tinh thần mạnh mẽ, cứng cỏi không chỉ cho bản thân mình mà còn cho tất cả những người xung quanh.
Tinh thần ấy rất cần thiết để xây dựng một nền văn chương nói riêng và một quốc gia có thể tồn tại được trong thời buổi cạnh tranh này (Lê Thanh, 1943).
Tầng lớp thanh niên cũng là tầng lớp có cơ hội được tiếp cận với tri thức nhiều hơn cả. Thực tế trong giai đoạn lịch sử thời bấy giờ ngoại trừ những nhà nho cựu học, thì những trí thức tân học chủ yếu là thanh niên vì vậy chúng ta không ngạc nhiên khi thấy tạp chí Tri Tân đề cao vai trò của trí thức. Điều này có phần xuất phát từ việc tầng lớp nông dân chiếm đại đa số trong xã hội Việt Nam. Có thể tầng lớp nông dân đã có nhiều người khá giả hơn ngày xưa nhưng ở phương diện tinh thần tư tưởng họ vẫn còn lạc hậu. Theo Hoa Bằng, ở nông thôn thời đó tuy nhiều nhà đã làm theo kiểu