CHƯƠNG 3 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA MỚI
3.1. Ý thức xây dựng học thuật mới
3.1.2. Ý thức xây dựng nền quốc sử
Sử học là bộ phận quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá: “Mỗi thời kỳ lịch sử đều mang đậm dấu tích văn hoá”, “văn hoá là mặt có thể hiểu được bằng trí tuệ của lịch sử” (Nguyễn Văn Hiệu và Đinh Thị Dung, 2017, tr.29). Nhận thức vai trò quan trọng của sử học đối với văn hoá dân tộc, Tri Tân khẳng định cần phải biết sử nước nhà, “thông hiểu sử nước nhà, ngoài sự khỏi hổ ta với kẻ khác, còn đặng thêm mạnh mẽ cho tinh thần quốc gia, thêm chắc chắn cho lòng sùng bái anh hùng của đất nước. Muốn thiệt dạ yêu nước, cần phải hiểu lịch sử nước nhà” (Khuông Việt, 1941, tr.2). Sử học có vai trò quan trọng như thế nhưng với sự đánh giá của Tri Tân thì thực trạng sử học nước nhà còn thiếu phương pháp, còn nhiều hạn chế, thiếu khách quan.
Các bộ lịch sử của Việt Nam từ trước tới nay “hầu hết hãy còn non nớt, khuyết điểm”
(Tri Tân, 1941b, tr.2). Từ khi tiếp xúc với văn hoá phương Tây thì phương pháp viết sử có phần khả quan hơn nhưng cơ bản vẫn không thoát khỏi những khuyết điểm. Từ thực trạng đó các nhà trí thức nhóm Tri Tân cho rằng để khắc phục thì cần phải thu
nhặt sử liệu, chọn lọc, tập hợp vào kho sử học chung cho thế hệ mai sau xây dựng quốc sử.
Ngoài sử liệu, Tri Tân còn bàn đến quan niệm, phương pháp chép sử và đặc biệt là những phẩm chất cần có của người viết sử. Khi viết sử cần phải khảo cứu, so sánh cách thức của người xưa, của các nước để tìm ra phương pháp phù hợp “đã biết rõ cái hay, cái dở của mình và cái cũ cái mới của người rồi, bấy giờ mới có thể bàn đến chuyện viết sử được” (Hoa Bằng 1942o, tr.2). Người viết sử phải trung thực, tôn thờ sự thật, trọng danh dự. Tri Tân đã dẫn chứng những tấm gương sử gia Trung Hoa như sử gia nước Tấn là Đông Hồ, hai anh em sử gia nước Tề đã dũng cảm viết ra sự thật dù bị xử tội chết. Đặc biệt là nhà viết sử Tư Mã Thiên với một sự nghiệp sử học được đánh giá “ngang hàng với Edouars Gibbon, Thomas Macaulay và Augustin Thierry mà không thẹn” (Tri Tân, 1941d, tr.2).
Trong bài Quan niệm về sử học và phép chép sử cuả ta xưa (số 68, trang 2), Hoa Bằng nhận xét: Ngày xưa người Việt Nam quan niệm viết sử phải là viết luân lý, làm gương sáng đạo đức cho mọi người soi chung, giúp người làm điều thiện, tránh điều ác. Sách sử còn là gia phả của hoàng gia và các sử gia phải có bổn phận nói những điều tốt đẹp, che đậy những việc xấu xa của triều đình. Sách sử phải chứa đựng những câu chuyện, sự kiện ly kỳ kiến độc giả tò mò. Sách sử còn là cuốn sách văn chương chứa đầy điển cố và văn liệu để người ta đọc cho vui và để học trò đi thi cử.
Về phương pháp viết sử ở Việt Nam thời trước, Hoa Bằng dẫn lời bài phát biểu của nhà sử học Charles B. Maybon được trình bày trong lễ khai giảng Khoa Nam sử ở trường Đại học Đông Dương vào năm 1907 sử Việt Nam hay Trung Quốc “còn có nhiều khuyết điểm. Các nhà làm sử nước Nam và nước Tàu hay có tính thiên tư, không được công bằng” (Hoa Bằng 1942o, tr.2). Charles B. Maybon cho rằng hiện tượng đó là do các nhà viết sử chịu sự chi phối của triều đình mà viết sai sự thật, khi nói đến các nước lân bang thì thường thiên kiến, cực đoan. Không những thế, đối với những chứng cứ lịch sử thì thiếu sự kiểm chứng. Hoa Bằng thấy rằng lời phê bình trên tuy
có một đôi chỗ quá đáng nhưng không phải sai sự thật. Ông khẳng định sử của ta xưa ngoài những cái khả thủ, còn có vài cái khuyết điểm này:
1. Quá tôn kính kinh Xuân thu và quá mô phỏng lối chép của bộ sử Thông giám cương mục của Tàu.
2. Sử ta quá sơ lược ở chỗ quan trọng của toàn thể quốc dân, nhưng lại quá kỹ ở chỗ cá thể vua chúa.
3. Ứng dụng cái thói trại tên tức là kiêng huý, trong các sách vở thuộc loại sử ký.
Hoa Bằng mượn lời của giáo sư James Harvey Robinson để kết thúc bài viết:
“Ý nghĩa lịch sử rất rộng, tài liệu lịch sử rất tạp, nhiều sử gia cũ đối với việc lựa chọn sử liệu thật không được ổn thoả và đích đáng mấy!... Lịch sử không phải là một thứ học vấn đứng im không tiến bộ đâu. Chỉ cần cải lương cái phương pháp nghiên cứu, sưu tập, phê bình và dung hoá những tư liệu mới, thì khoa lịch sử chắc chắn có thể tiến bộ được. Quan niệm và mục đích của lịch sử là phải nên theo mà biến đổi cùng một lúc với xã hội và khoa học xã hội. Vả, lịch sử là một món sau này quyết có thể chiếm trong cuộc sinh hoạt trí thức của chúng ta một địa vị trọng yếu hơn trước” (Hoa Bằng 1942o, tr.2).
Cách nhìn của Hoa Bằng về sử học và đánh giá của ông về cách viết sử của người xưa là một sự nhìn nhận thẳng thắn, cụ thể. Ông vạch ra những khuyết điểm trong lối viết sử của sử gia “cung đình” viết theo ý vua chúa, đầy rẫy điển cố văn liệu, có nhiều chi tiết hoang đường, nhiều câu chuyện lịch sử không được kiểm chứng, tập trung vào hành trạng, công tích của vua chúa chứ ít quan tâm đến quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, từ khi tiếp xúc với văn minh phương Tây cụ thể là văn hóa Pháp, dưới ảnh hưởng của lối viết sử phương Tây, thì cách viết sử của những học giả Việt Nam đã có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, khoa học hơn, mặc dù ít nhiều vẫn còn có khuyết điểm. Đúng như nhận định của Tri Tân: “Từ khi Đông Tây gặp nhau, phương pháp viết sử tuy có vẻ khả quan, nhưng tựu trung vẫn không khỏi khuyết điểm
hoặc vì người ta ôm cái thành kiến dưới cặp mắt kỳ thị quốc gia, hoặc vì sa vào cái hố sai lạc do tầm mắt khảo sát nông nổi” (Tri Tân, 1941b, tr.2).
Để khắc phục những khuyết điểm của nền quốc sử, Tri Tân đề xướng: “Chúng ta nay phải nhặt lượm sử liệu, phê phán sử liệu, đính chính sử liệu rồi góp vào cái kho sử học chung để, mai sau, gạch ấy, gỗ ấy, mong rằng có thể cung cấp cho bọn thợ xây tương lai xây cất cái lâu đài “Quốc sử” (Tri Tân, 1941b,tr.2).
Để việc thu thập tư liệu lịch sử được thực hiện một cách có tổ chức, Tri Tân lập Đoàn sử học “chuyên tâm khảo cứu về lịch sử”, trong đó vạch rõ các bước thực hiện như:
1. Tìm tòi trong đống sách Đông Tây, nhặt lượm lấy các sử liệu có dính líu đến Nam Việt;
2. Phê phán các sử liệu trong sử sách cũ; vạch rõ những cái giả hiệu, những cái sai lầm trong các sách mới xuất bản thuộc loại sử ký;
3. Đến hỏi tận nơi mấy bậc cố lão những chuyện mắt thấy tai nghe ở lớp các cụ rồi ghi chép lấy để làm sử liệu sống;
4. Đến thăm tận nơi những vết cũ, dấu tàn có dính líu đến lịch sử như lăng vua Bố Cái Phùng Hưng, thành Cổ Lộng…
“Nhằm theo cái đích sử học, chúng tôi cứ do bốn đường lối ấy, thủng thẳng từng bước đi dần… Để làm cơ quan, chúng tôi cho mở ra tờ Tri Tân tạp chí” (Tri Tân, 1941b, tr.2).
Với việc khẳng định tạp chí Tri Tân là một cơ quan hướng đến việc khảo cứu sử học, Tri Tân đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền quốc sử nước nhà.
Cụ thể, Tri Tân đã mở ra các chuyên mục mảnh sử liệu, Sử liệu sống, Sử học luận đàn. Tri Tân, một lần nữa khẳng định “bản chí mở ra mục này để hoan nghinh những bài viết của các bạn đọc hoặc tỏ kiến giảng đối với một vấn đề nào về sử học, hoặc tranh luận hay giải thích về những điểm đáng ngờ trên trang sử Việt Nam. Làm công
việc này bản chí chỉ có mấy ý là: muốn tìm sự thật, rộng nhặt tài liệu, chất chính cùng các bậc thức giả” (Tri Tân, 1941l, tr.4).
Ngoài chuyên mục mảnh sử liệu, Sử liệu sống, Sử học luận đàn và các bài khảo cứ về sử học khác, Sử học tùng thư do Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Tố cũng được mở ra và tổ chức thực hiện ở Huế. Tùng thư bao quát cả lịch sử thế giới nhưng chú trọng về lịch sử Việt Nam, nhất là lịch sử văn hoá. Sử học tùng thư ra đời vì “Sử học nước ta hiện còn non nớt chưa có tài liệu để biên thành một bộ sử Việt Nam hoàn toàn. Việc cần kíp bây giờ là phải tìm tòi các sử liệu, đem ra trình bày chất chính với công chúng và lợi dụng những sử ấy để giải rõ những vấn đề sử học còn tăm tối” (Tri Tân, 1941d, tr.23).
Quan điểm nghiên cứu lịch sử của các học giả Tri Tân rất cụ thể. Họ cho rằng nên hướng đến việc nghiên cứu những cá nhân kiệt xuất trong lịch sử và hạn chế việc kê cứu. Họ nhận định rằng có thể viết những chuyên khảo về những nhân vật lịch sử như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng… hoặc viết những chuyên khảo về những sự kiện như cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, cuộc chính biến cuối thời vua Tự Đức… hoặc cũng có thể viết chuyên khảo về lịch sử một địa phương, một thời đại, một chế độ, một tôn giáo, một khoa học hay một nền nghệ thuật,… Đặc biệt, Tri Tân không chỉ chú trọng đến việc nghiên cứu lịch sử chiến tranh, lịch sử ngoại giao mà còn nghiên cứu về lịch sử xã hội, đời sống sinh hoạt của người dân. Những sự kiện lịch sử như chiến tranh, sự kiện ngoại giao cần phải nghiên cứu đã đành, nhưng những phong tục tập quán truyền thống cuả dân tộc như tục ăn trầu, tục nhuộm răng, cách tát nước, đội nón… cũng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Phạm Thế Ngũ đánh giá cao tên tuổi của nhiều học giả Tri Tân với những bài khảo cứu có giá trị. Ông viết “có cây bút bác học và chi ly của Ứng Hoè (Nguyễn Văn Tố) trong những loạt bài như Tài liệu đính chính cổ văn, Bia văn miếu, Những ông Nghè triều Lê, kéo dài trên mấy năm báo Tri Tân,… có cây bút thận trọng của Tiên Đàm (Nguyễn Tường Phượng) tìm về Thượng Cốc để hỏi Sự thật về ông Nghè Tân,
về Cẩm Giàng để viết về Gia thế họ Đinh nhân vụ phát kiến ngôi mả của tướng quan Đinh Tả. Và các cây bút bạn đọc bốn phương thỉnh thoảng gởi đến một bài tham khảo, một thiên điều ra phóng sự” (Phạm Thế Ngũ, 1998, tr.653).
Tri Tân quan niệm dịch thuật sẽ góp phần rất quan trọng trong quá trình thu thập tài liệu sử học, đặc biệt là những tài liệu chữ Hán. Mong muốn của các học giả Tri Tân là muốn việc nghiên cứu lịch sử dân tộc được mở rộng phạm vi, thu hút được sự góp sức của nhiều người, từ đấy phát hiện, ươm mầm những tài năng về sử học. Muốn vậy cần phải dịch những sách chữ Hán ra chữ quốc ngữ, chú thích, giả nghĩa cho rõ những chỗ khó hiểu. Cũng cần phải làm quen với các phương pháp phân tích, tổng hợp của phương Tây, áp dụng vào trong nghiên cứu sử học. Từ đó mới có thể mở ra một kỷ nguyên mới của sử học (Tri Tân, 1941k, tr.2).
Các học giả Tri Tân không chỉ kêu gọi dịch sách, dịch tài liệu sử học mà còn đưa ra những chủ trương, biện pháp cụ thể. Nói cách khác, đó là một chương trình dịch thuật chặt chẽ lấy Tri Tân làm cơ quan quản lý, tổ chức. Tri Tân bày tỏ: “Công cuộc này trông cậy ở các bậc nho uyên thâm, và có thể lấy tờ Tri Tân chẳng hạn làm môi giới. Tôi xin thử phác sau đây một chương trình làm việc:
1. Kê hết các sách của ta viết bằng hán văn; quyển nào cần dịch nay để lên trên, quyển nào chưa cần xuống dưới;
2. Vị nào muốn dịch quyển nào thì cho Tri Tân biết để đăng báo, như vậy khỏi hai người dịch trùng, phí mất thì giờ;
3. Công việc gồm có: dịch âm rồi dịch nghĩa; chỗ khó hay chỗ có điển, thì chú thích; không cần in lại nguyên tác bằng chữ hán;
4. Dịch đến đâu đăng dần lên Tri Tân. Khi hết một quyển, có thể xuất bản thành sách được. Hoặc lập hẳn một tùng thư riêng, hoặc đưa cho một tùng thư nào đó có rồi mà chuyên về sử học phát thành. Tôi chắc có người sẵn sàng đứng xuất bản nếu công cuộc có tính cách lâu dài).
5. Điều đình xuất bản những bản dịch đã có sẵn.
Đây đứng riêng về phương diện quan điểm sử học mà nói. Thực ra, sự dịch sách sang tiếng mẹ đẻ là một nguyên tắc chung của mọi phương diện của văn hoá nước nhà. Vì ở nước ta bây giờ hay về sau, sự khảo cứu, dù về sử hay về khoa học, không nên để là độc quyền của một thiểu số may mắn biết pháp văn hay hán văn” (Tri Tân, 1941k, tr.2).
Không chỉ lập ra một chương trình dịch thuật khoa học, Tri Tân còn có một hoạt động thiết thực dành cho độc giả là tổ chức cuộc thi về lịch sử. Trong bài viết Một cuộc thi lớn về lịch sử, đăng trên Tri Tân số 5, thông báo về ý nghĩa, mục đích việc tổ chức cuộc thi về lịch sử, trong đó nhấn mạnh mục đích giữ liên lạc mật thiết với các bạn đọc. Đề tài Tri Tân đưa ra là: Viết một thiên lịch sử ký sự () thuộc phạm vi Nam sử bất cứ đời nào, miễn phải là những sử liệu chưa ai nói đến và chưa đăng báo bao giờ. Ngoài ra, bài viết phổ biến những thể lệ của cuộc thi như hình thức trình bày, cách thức gửi bài...
Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của nhiều độc giả, với 35 bài dự thi. Đây là một thành công của Tri Tân trong việc khơi gợi, khuyến khích bạn đọc niềm yêu thích, tìm tòi, nghiên cứu lịch sử. Giải nhất thuộc về bài viết Lãnh sự Việt Nam ở Sài Gòn của tác giả Phong Vũ Trần Văn Hai. Kết quả của toàn bộ cuộc thi được đăng trên số 44. Tri Tân tổng kết: “Để gợi các bạn thanh niên ham chuộng sử ký nước nhà, chúng tôi đã mở cuộc thi lịch sử ký sự và được kết quả rất mỹ mãn” (Tri Tân, 1941c, tr.3).
Trong ý thức xây dựng nền Quốc sử, Tri Tân tập trung nhiều về phương pháp nghiên cứu, cách viết sử, nguồn sử liệu cũng như việc dịch thuật… Có thể thấy cùng thời với Tri Tân, nhóm Thanh Nghị cũng quan tâm nhiều đến những vấn đề tương tự.
Sở dĩ cả hai tờ tạp chí đều rất quan tâm đến vấn đề này bởi vì đây là cách thức hữu hiệu để khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc trong hoàn cảnh đất nước ta thời bấy giờ. Hơn nữa, sử học và văn hóa luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không
thể hiểu văn hóa của một dân tộc khi tách khỏi dòng chảy của lịch sử. Trong khi đó, theo các tác giả thực trạng sử học Việt Nam bấy giờ còn nhiều hạn chế về tài liệu, đặc biệt là về phương pháp viết sử. Cả hai tạp chí đã dành nhiều dung lượng để khảo cứu, dịch thuật, tìm phương pháp nhằm xây dựng sử học nước nhà. Tuy nhiên, trên Tri Tân các hoạt động liên quan đến việc xây dựng quốc sử có tính hệ thống hơn. Tri Tân đã đưa ra những chủ trương, vạch ra các bước thực hiện và thể hiện quan điểm rõ ràng về việc xem Tri Tân như một nơi để các học giả, bạn đọc quan tâm đến sử có thể bàn bạc, trao đổi và cùng xây dựng quốc sử. Ngoài ra, Tri Tân đã tổ chức cuộc thi, thăm viếng các di tích, hỏi chuyện những nhân chứng lịch sử... mở nhiều chuyên mục, khảo cứu sâu về các vấn đề liên quan. Trong khi đó, Thanh Nghị thiên về dịch thuật các tài liệu sử nổi bật là loạt bài Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII của Nguyễn Trọng Phấn và điểm một số bài về phương pháp làm sử của tác giả Thanh Tuyền như Vấn đề sử liệu trong sử học nước ta ngày nay đăng trên Thanh Nghị số 59; Vấn đề phương pháp sử học đăng trên Thanh Nghị số 63, tuy cũng bàn về các vấn đế sưu tầm sử liệu, về yêu cầu phẩm của người viết sửa và phương pháp làm sử nhưng không đưa các bước thực hiện cụ thể, chi tiết như trên Tri Tân. Có thể thấy cách làm của tạp chí Thanh Nghị thiên về lý thuyết, tập trung vào dịch thuật giới thiệu các tư liệu về lịch sử xã hội.
Trong khi đó, cách làm của tạp chí Tri Tân kết hợp hài hoà giữa việc công bố những bài viết mang tính chất học thuật về quốc sử với những hoạt động mang tính thiết thực, bổ ích đi vào đời sống thực tế như: phỏng vấn các nhân chứng lịch sử, tổ chức các cuộc thăm viếng, điền dã di tích, mở của thi về lịch sử…