Ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 47 - 53)

CHƯƠNG 2 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

2.1. Ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn học dân tộc

2.1.1. Ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian

Văn học dân gian truyền miệng có từ thời Việt cổ, phát triển mạnh mẽ qua suốt các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Văn học dân gian thể hiện những nội dung phong phú, hầu như trong toàn bộ các lĩnh vực đời sống cộng đồng, từ tri thức tự nhiên đến các tri thức xã hội, con người…

Tri Tân bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian vì văn học dân gian thể hiện văn hoá nhận thức của người Việt từ xa xưa, biểu đạt tâm hồn dân tộc. Ngoài ra, văn học dân gian song hành với văn học viết, góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học viết.

Nhận thức về giá trị của văn học dân gian, nhiều học giả trên Tri Tân khẳng định:

“Phong dao: một lối văn vần tổ truyền! Nó là những tiếng “thiên lãi” mộc mạc, tự nhiên trải bao nhiêu đời nay, vang ra từ những nơi non cao, rừng thẳm, mặt nước bát ngát, cánh đồng lúa mông mênh, đã rung động, đương rung động và còn rung động mãi tâm hồn Đại Việt !”, “nó,… đã làm giàu cho cái kho văn học Nam Việt” (Hoa Bằng, 1941a, tr.7). “Tục ngữ, ca dao, hai món di sản rất quí của tiền nhân để lại. Tục ngữ, ca dao, hai đặc điểm của dân Việt, độc lập cả về hình thức đến tinh thần” (Hoa Bằng, 1944a, tr.2).

“Ca dao tục ngữ thật là một pho sách phổ thông đầy kinh nghiệm của các bậc tiền bối và giúp được đôi phần cho cuộc sinh hoạt của đời người” (Trịnh Như Luân, 1944, tr.17).

“Muốn biết tinh thần Việt Nam chân chính, muốn hiểu rõ cái nguồn sóng chảy trong mạch máu dân tộc chúng ta, phải tìm đến văn chương của dân chúng, tuy bình

dị, nhưng thực biểu lộ được ý nghĩ, tình cảm và hành động của mọi người. Nền văn chương đại chúng đó, khi đã thành hình là ca dao, khi chưa thành hình là cổ tích vậy”

(Nguyễn Đình Thi, 1944b, tr.8).

Qua một vài ý kiến tiêu biểu của các học giả Tri Tân về giá trị của văn học dân gian chúng ta nhận thấy họ đánh giá cao văn học dân gian trên những phương diện: là một bộ phận quan trọng của nền văn học dân tộc Việt Nam nói chung; văn học dân gian thể hiện tâm hồn, tình cảm, nhận thức của quần chúng; là tư liệu quý giá để hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt của người dân; lưu giữ và phát huy những yếu tố của tinh thần dân tộc.

Xuất phát từ ý thức phải bảo tồn những giá trị của văn học dân gian, các học giả Tri Tân đã thực hiện những công việc như: sưu tầm tài liệu, trao đổi học thuật, đăng tải các bài diễn thuyết… Ngoài ra các học giả Tri Tân đã viết nhiều bài khảo cứu về văn học dân gian. Theo thống kê của chúng tôi tạp chí đã đăng khoảng 33 bài viết về văn học dân gian (xem Bảng 3, Phụ lục 2), chưa kể đến những bài khảo cứu chung trong đó có một phần nội dung nhắc đến văn học dân gian.

Qua các bài khảo cứu, các học giả Tri Tân giới thiệu lại nhiều câu ca dao, tục ngữ, các truyện cổ tích… Họ đề cập đến văn học dân gian Việt Nam trên các khía cạnh:

khởi nguồn, hình thức, nội dung, vai trò trong đời sống văn hoá dân tộc… Không chỉ giới thiệu và khảo cứu họ còn đặt loại hình văn học dân gian Việt Nam trong so sánh với loại hình văn học dân gian Trung Quốc, và các nước phương Tây. Những bài khảo cứu cho thấy tấm lòng trân quý, ý thức bảo tồn của của các học giả Tri Tân đối với những giá trị của văn học dân gian. Từ đó họ đặt vấn đề cần phải lưu giữ và phát huy vì văn học dân gian chứa đựng những giá trị văn hoá có từ bao đời nay của dân tộc.

Trong bài Phong dao chia loại và giải nghĩa, Hoa Bằng nói: “Được hưởng cái di sản vô cùng quí báu ấy của ông cha để lại, bổn phận nay ta phải cùng nhau đính chính những tiếng sai lầm và giải thích những nghĩa khó hiểu, rồi thử chia loại mà gìn giữ lấy” (Hoa Bằng, 1941a, tr.7). Ý định của Hoa Bằng là muốn sưu tầm ca dao, tục

ngữ một cách hệ thống, giống như Kinh Thi của Trung Quốc. Lấy tiêu chí “nông dân làm gốc”, ông kê biểu rồi theo đó mà chia loại các câu phong dao, chú thích những nghĩa khó hiểu, đính chính những tiếng sai lầm xuyên suốt loạt về chủ đề này với 7 bài trên các số báo (3, 13, 15, 23, 24, 28, 33). Hơn nữa, Hoa Bằng còn đề nghị ccác độc giả nên chỉ ra những khuyết điểm trong công việc sưu tầm của ông và nếu có tài liệu thì xin cung cấp cho ông.

Những bài khảo cứu khác của Hoa Bằng cung cấp nguồn tài liệu phong phú về phong dao, tục ngữ. Ông tiến hành nhiều hoạt động trao đổi học thuật trong quá trình sưu tầm, phân loại, đính chính văn học dân gian. Hoa Bằng cho biết Tri Tân mở mục Văn hành công khí là nhằm để bình xét, đánh giá văn chương và đối với văn chương thì ai cũng có quyền nói lên ý kiến của mình (Hoa Bằng, 1942b, tr.10).

Trong bài viết Nhà văn bình dân ấy đã lên tiếng bênh vực văn hoá cố hữu của ta thế nào? Hoa Bằng gọi những tác giả khuyết danh của văn học dân gian là những

“nhà văn bình dân”, “một “người” có tính cách thuần tuý Việt Nam, giữ vững được cái tinh thần đặc biệt của dân tộc Đại Việt. Người ấy cạo đầu, chứ không theo mệnh lệnh của nhà Minh cấm cắt tóc” (Hoa Bằng, 1943a, tr.2). Người bình dân xưa có ý thức giữ gìn những đức tính tốt đẹp của mình như: chăm chỉ, cần lao, yêu lao động…

Họ nhận thức “có khó mới có miếng ăn/ Ngồi dưng ai dễ mang phần đến cho?” (Hoa Bằng, 1943a, tr.2). Hoa Bằng có nhận xét rằng những tác giả văn học dân gian đã lên án những tệ nạn mê tín dị đoan theo văn hoá Trung Hoa du nhập vào Việt Nam. Ông đã dẫn ra nhiều câu ca dao, tục ngữ để minh chứng cho quan điểm của mình.

Bên cạnh những giá trị tư tưởng mà ca dao, tục ngữ mang lại, Hoa Bằng còn chỉ ra những giá trị về mặt học thuật của văn học dân gian: Tục ngữ và ca dao là nguồn văn liệu, là nguồn cảm hứng cho văn học viết, giúp văn học viết dễ dàng gần gũi với công chúng. Ông dẫn chứng những nhà thơ đã vận dụng lối “lấy chữ” hoặc “dùng điển” trong ca dao, tục ngữ như: Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, Nguyễn Khuyến,… Mặt khác, Hoa Bằng cũng nêu ra thực trạng “thế hệ

ngày nay hình như chỉ say sưa mải miết đi tìm hương sắc lạ, đến nỗi có lắm nhà văn

“đứt gốc” quên lửng cái di sản của ông cha, không biết lợi dụng cái hay, cái tốt trong kho ca dao tục ngữ để tô điểm cho trang quốc văn, gây dựng nền quốc học: há chẳng đáng tiếc?” (Hoa Bằng, 1944a, tr.3).

Từ những bài khảo cứu, trao đổi học thuật học giả Hoa Bằng ngoài việc cung cấp nguồn tư liệu phong phú về văn học dân gian, ông còn nhiều lần khẳng định tục ngữ, ca dao là những giá trị văn hoá cốt lõi của dân tộc Việt: Văn học dân gian ra đời cùng với sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt trong tiến trình lịch sử; lục bát là thể loại văn học đặc trưng riêng có của Việt Nam. Những giá trị văn hoá tinh thần của văn học dân gian đã trở thành điểm tựa, “giữ cho Quốc gia vượt bao sóng gió hiểm nghèo và đưa đến một ngày mai tươi sáng” (Hoa Bằng, 1944a, tr.20).

Khác với Hoa Bằng, Nguyễn Văn Tố không khảo cứu ca dao, ông sưu tầm tục ngữ Việt Nam và tiến hành so sánh với tục ngữ phương Tây và tục ngữ Trung Quốc. Bài Tục ngữ ta đối với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây của ông được đăng tải trên hai số báo (147, 148). Nguyễn Văn Tố cho biết việc làm của ông xưa nay chưa ai làm và đó là công việc so sánh, đối chiếu tục ngữ nước nọ với nước kia chứ không phải làm công việc dịch thuật.

Cũng trong quá trình so sánh ông nhận ra tục ngữ Việt Nam và Trung Quốc có nhiều câu giống nhau và ông đi đến kết luận đó là sự Việt hoá tục ngữ Trung Quốc.

Qua bài khảo cứu, Nguyễn Văn Tố sưu tầm, giới thiệu nhiều câu tục ngữ một cách khoa học, đặc biệt bài khảo cứu trên số báo 147, sau phần dẫn giải lí do, ông chia bài viết làm ba mục:

Mục I. Tục ngữ - ngạn ngữ - tục ngạn Mục II. Phương ngôn

Mục III. Cách ngôn – châm ngôn

Trong mỗi mục, ông giải thích ngắn gọn tiêu đề rồi đưa ra các câu tục ngữ, ngạn ngữ, phương ngôn… Điều đáng nói ở đây là ông tìm các câu tục ngữ, tục ngạn, phương

ngôn,… của Việt Nam, Trung Quốc, Phương Tây để giới thiệu, so sánh. Kết thúc bài viết, Nguyễn Văn Tố mong rằng: “giá nước ta có nhiều người chịu khó sưu tập thì may ra nhặt được hết lý ngữ, ngạn ngữ, đồng dao, phong dao, của người đời trước, và bảo tồn được cái kho quốc tuý vô giá này” (Nguyễn Văn Tố, 1944, tr.9).

Qua những nội dung trên những trang viết của Nguyễn Văn Tố, chúng tôi nhận thấy tinh thần làm việc khoa học nghiêm túc cũng như sự trân trọng, tự hào của ông đối với những giá trị văn hoá nước nhà.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian, Tri Tân không chỉ đăng tải những bài khảo cứu, mà còn đăng tải những bài diễn thuyết, chẳng hạn như bài Sức sống dân Việt Nam trong ca dao và cổ tích trình bày tại nhà hát lớn Hà Nội ngày 5/5/1944 của Nguyễn Đình Thi. Ông quan niệm: “Kẻ học nước ta thấy rằng chỉ có thể tiến nhanh khi có một khởi điểm chắc chắn, chỉ có thể phát triển rộng rãi trên cái gốc rễ của mình. Nên khắp nơi luôn luôn vang dội những tiếng kêu gọi quay về với tinh thần Việt Nam, tìm kiếm tinh thần Việt Nam, và nói tiếng Việt Nam cho thuần tuý (Nguyễn Đình Thi, 1944a, tr.6). Tuy nhiên, để “định rõ tinh thần Việt Nam” là không dễ bởi Nguyễn Đình Thi cho rằng bất cứ đất nước nào trong lịch sử cũng có sự giao lưu và chịu ảnh hưởng ít nhiều từ những nền văn hoá của những dân tộc khác và chúng ta phải phân biệt đâu là giá trị văn hoá riêng có của dân tộc và đâu là những ảnh hưởng Ông nhấn mạnh: “Nền văn hoá nước ta xưa là công trình của lớp người nông tang”

(Nguyễn Đình Thi, 1944a, tr.6), nên nếu muốn thấu hiểu thế nào là tinh thần Việt Nam chân chính, đâu là văn hoá của dân tộc Việt thì phải tìm đến với văn chương, mà cụ thể là tìm đến với văn học dân gian.

Chúng tôi tìm thấy điểm chung của Hoa Bằng và Nguyễn Đình Thi khi khẳng định ca dao là những giá trị văn hoá Việt thuần tuý, tiêu biểu cho tinh thần dân tộc Việt Nam, “ca dao dân chúng riêng về hình thức, cũng xứng đáng mang tên Việt Nam, vì thể văn ca dao là một thể văn thuần Việt Nam, không mượn niêm luật ngoại quốc”

(Nguyễn Đình Thi, 1944a, tr.6). Hơn thế, ông nhấn mạnh “ngày nay, đối với ta, nó sở

dĩ đáng trọng, đáng bảo tồn, thứ nhất là vì nội dung của nó” (Nguyễn Đình Thi, 1944a, tr.7). Đứng về phương diện nội dung mà xét, Nguyễn Đình Thi nêu những đặc điểm của ca dao Việt Nam như tinh thần lạc quan, tin tưởng vào giống nòi, ca ngợi thiên nhiên, thể hiện sức sống của con người Việt Nam vượt lên trên những gian truân, vất vả, đặc biết sức sống ấy được thể hiện mãnh liệt trong mọi hoàn cảnh. Ông đã dẫn nhiều câu ca dao để chứng minh sức sống của người Việt, văn hoá Việt qua nhiều thời kì lịch sử trong việc ứng xử với môi trường xã hội, hoà hợp với môi trường tự nhiên, hoà hợp với người cùng giống nòi… như “Hòn đất mà biết nói năng/ Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”, “Lạy trời mưa xuống,/ Lấy nước tôi uống/Lấy ruộng tôi cầy,/

Lấy bát cơm dầy,/Lấy khúc cá to”, “Nhiễu điều phủ lấy giá gương,/ Người trong một nước phải thương nhau cùng”… (Nguyễn Đình Thi, 1944a, tr.7).

Khi đi tìm tinh thần Việt Nam trong truyện cổ tích, Nguyễn Đình Thi đã phân loại, xem xét ý nghĩa câu chuyện, đặt trong so sánh với những truyện cổ tích nước ngoài. Nguyễn Đình Thi nhấn mạnh tinh thần Việt Nam không ưa những câu chuyện bi luỵ, không chìm đắm trong những tình cảm bi thảm, không miêu tả những con người đầu hàng, bất lực trước số phận giống như trong thần thoại Hy Lạp. Người dân Việt Nam luôn coi trọng sự sống hơn cái chết, luôn tìm cách chữa lành mọi vết thương tinh thần, luôn giữ tinh thần lạc quan vui vẻ, thể hiện một ý chí ham sống và muốn sống. Như vậy, Nguyễn Đình Thi đánh giá cao tinh thần lạc quan, vượt lên trên những bất công xã hội được thể hiện trong văn học dân gian Việt Nam.

Liên hệ đến thực tại thời bấy giờ, Nguyễn Đình Thi quan niệm việc phát huy tinh thần Việt Nam là cần thiết: “Trong tình trạng xã hội ta, tình trạng thanh niên ta hiện thời, làm cho tinh thần đó sống dậy là một điều cần thiết vô cùng. Người tuổi trẻ xứ ta phải nhớ rằng xưa nay bao giờ người dân Việt cũng ở gần cuộc sống, và ham sống xứng đáng” (Nguyễn Đình Thi, 1944b, tr.16). Chúng ta có thể thấy Nguyễn Đình Thi đặc biệt lưu ý việc sử dụng văn học dân gian để phát huy tinh thần dân tộc ở thế hệ trẻ nhằm nối tiếp những nguồn mạch văn hoá từ đời này sang đời khác.

Những học giả trên tạp chí Tri Tân đề cao việc bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian vì họ nhận thấy đây là những giá trị văn hoá gốc, có vai trò to lớn trong việc hình thành bản sắc, vun đắp truyền thống văn hoá dân tộc. Văn học dân gian Việt Nam không chỉ lưu giữ kiến thức từ ngàn đời nay mà còn bộc lộ tâm hồn, tình cảm, chân dung của những người dân đất Việt.

Cho đến hôm nay, về cách gọi tên, phân loại văn học dân gian có khác so với thời điểm Tri Tân khảo cứu, giới thiệu. Nhưng những giá trị của văn học dân gian thì luôn không thay đổi. Các tác phẩm văn học dân gian đã được đưa vào giảng dạy ở nhiều bậc học. Việc sưu tầm, phục hồi tài liệu văn học dân gian của các tộc người vẫn được chú ý, triển khai. Như vậy chủ trương bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị của văn học dân gian do các học giả Tri Tân khởi xướng vẫn được các thế hệ sau tiếp tục thực hiện ở một tầm cao mới.

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 47 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)