CHƯƠNG 3 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA MỚI
3.1. Ý thức xây dựng học thuật mới
3.1.3. Ý thức giới thiệu tư tưởng học thuật Đông Tây
Trong quá trình hoạt động, tạp chí Tri Tân đã dành một phần nội dung để giới thiệu những tư tưởng học thuật Đông Tây có ích cho việc xây dựng một nền văn hoá Việt Nam mới. Các học giả Tri Tân khẳng định họ đang làm dần công việc giới thiệu tư tưởng học thuật Đông Tây đến với người Việt Nam. Họ cũng bày tỏ mong muốn
“sau khi người mình đã hấp thụ rồi, sẽ “ngấu nhừ” trong một lò văn hóa chân chính
của nước Đại Nam, gây thành những chất tư dưỡng có ích cho người mình, chứ không đến nỗi ăn nhiều món ăn “ngoại lai” mà không tiêu hoá được” (Tri Tân, số 98, tr.2).
Trong bài viết Cần phải dịch nhiều sách hay của cổ, kim, đông, tây để cống hiến cho đồng bào, đăng trên số 43, Hoa Bằng cổ vũ, khuyến khích việc dịch sách vở ngoại quốc ra tiếng Việt nhằm nâng cao dân trí, giúp ích cho những người không có điều kiện học tập ở nhà trường hay đi du học nước ngoài. Theo ông, việc dịch sách còn để
“giới thiệu tư tưởng và để làm giàu thêm cho kho văn hoá nước nhà, không gì bằng phiên dịch sách vở ngoại quốc ra tiếng mẹ đẻ” (Hoa Bằng, 1942i, tr.2).
Không chỉ dừng lại ở việc kêu gọi, cổ vũ việc dịch sách mà Hoa Bằng còn lấy những ví dụ minh chứng cụ thể. Ông cho biết trong con mắt truyền thống của người Việt Nam ngày xưa, Trung Quốc được gọi là “thiên triều”, “thượng quốc” nhưng từ đời nhà Thanh (1644-1911) cho đến nay Trung Quốc đã phiên dịch sách nước ngoài.
Hoa Bằng có thống kê trong một tháng về số sách xuất bản của một nhà Thương vụ ấn thư quan vào năm Trung Hoa dân quốc thứ 26 (1937) là 83 loại sách gồm 164 cuốn, trong đó sách dịch chiếm một phần đáng kể. Tương tự như vậy, Nhật Bản từ khi Minh Trị duy tân cũng rất chú trọng đến việc dịch sách nước ngoài, nhất là từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Trong đó các sách dịch về văn học và khoa học của các nước Âu Mỹ rất được hoan nghênh.
Sau khi đưa dẫn chứng về tình hình dịch sách ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Bằng so sánh với tình hình dịch sách ở Việt Nam và cho rằng ở Việt Nam chỉ chú trọng dịch những loại sách như tiểu thuyết tình cảm, và sách nho học của Khổng Tử, Mạnh Tử chứ không chú trọng dịch sách khoa học, triết học. Đến khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây thì “phần nhiều mới chỉ là những thứ văn chơi và tiểu thuyết, chứ đối với những loại về khoa học, triết học, bấy lâu hãy còn dường như những cây mọc trong rừng cấm, chưa mấy ai đụng rìu búa đến bao giờ!... Mà thật thế, cứ soát lại cái tủ sách quốc văn của ta thì đủ biết. Ngoài mấy cuốn tiểu thuyết tàu và cao hơn, một đôi cuốn Kinh, Truyện như Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung đã được dịch ra
quốc văn, ta thấy biết bao những sách hay của chư tử bách gia vẫn chưa được dịch ra tiếng mẹ đẻ! (Hoa Bằng, 1942i, tr.2).
Hoa Bằng cũng nhấn mạnh cần thận trọng, chọn lọc trong khi dịch sách, kêu gọi ủng hộ tài lực để góp phần vào việc giới thiệu những tư tưởng học thuật Đông Tây, góp phần cung cấp những tri thức mới cho người dân. Việc phiên dịch sách nước ngoài là việc cần thiết đối với xã hội Việt Nam, nhưng dịch sách không phải là một việc dễ dàng mà ai cũng làm được. Việc dịch sách cần phải thận trọng, không được cẩu thả. Những người dịch sách cần phải cố gắng làm việc để giới thiệu đến với công chúng những tư tưởng học thuật cổ, kim, đông, tây, để góp thêm vào kho tàng tri thức nước nhà. Còn những ai không đủ tư cách, tài năng dịch sách thì không nên tham cái hư danh, hám lợi để cho ra mắt những dịch phẩm kém, gây tác hại.
Đi vào công việc cụ thể, các học giả Tri Tân dịch thơ Đường/thơ Tây, đặc biệt mở chuyên mục Hán văn trích diễm do Hoa Bằng phụ trách. Có nhiều cây bút tham gia dịch thơ trên Tri Tân, hầu hết là thơ Đường như Hoa Bằng, Tùng Vân, Tâm Hương, Cách Chi, Lãng Ngâm Tử, J.Leiba…
Về dịch thơ cổ trên các tạp chí trước năm 1945 thì không phải đến Tri Tân mới có, Nguyễn Văn Hiệu nhận định “nói đến dịch thơ cổ Trung Quốc trước 1945 người ta thường nhắc đến Tản Đà và J. Leiba, dù J. Leiba dịch không nhiều, chỉ một số bài trên Tiểu thuyết thứ Bảy, Tri tân và một vài tạp chí, tờ báo khác” (Nguyễn Văn Hiệu, 2020, tr.159), tới Tri Tân thì tiêu biểu có Hoa Bằng và Trúc Khê, đặc biệt là Hoa Bằng
“ông rất quan tâm đến việc dịch kết hợp với bình thơ và việc giới thiệu tác giả theo dạng chân dung văn học. Một số tác giả thơ Đường tiêu biểu như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Duy, Vương Bột, Bạch Cư Dị… được Hoa Bằng giới thiệu theo hướng này, giúp cho người đọc vừa hiểu thơ, vừa hiểu được nét đặc sắc của phong cách từng tác giả tiêu biểu” (Nguyễn Văn Hiệu, 2020, tr.162).
Các học giả Tri Tân không chỉ giới thiệu và dịch thơ mà còn giới thiệu về văn học Âu Tây thể hiện qua mục văn học Âu Tây, giới thiệu về giải Nobel văn chương,
một số tác giả đạt giải Nobel, cũng như những bài giới thiệu chung các tác gia văn học nước ngoài… (xem bảng 10, Phụ lục 2).
Ngoài các bài giới thiệu về văn học, Tri Tân còn giới thiệu một số khảo cứu về triết học phương Đông, phương Tây qua các bài Hoàn cảnh xã hội của Mặc Tử (số 72); Muốn khảo cứu tư tưởng học thuyết của Mặc Địch phải căn cứ vào đâu (số 77);
Chủ nghĩa kiêm ái (số 87); Một quyển sách nói về Khổng học (số 144); Luận tư duy (số 106, 107)... Khi giới thiệu những bài khảo cứu về triết học, chúng ta thấy rõ quan điểm dung hoà tư tưởng Đông Tây trong quá trình xây dựng văn hóa mới của tạp chí Tri Tân.
Ra đời vào một giai đoạn đặc biệt của lịch sử khi mà văn hoá truyền thống mà chủ đạo là tinh thần Hán học vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều, tiếp nhận rộng rãi văn hoá phương Tây, các học giả Tri Tân đã xác định nội dung quan trọng của tạp chí là góp phần xây dựng một nền học thuật mới trên các phương diện sử học, văn học, triết học, khoa học,… Nền học thuật tiến bộ ấy không chỉ nâng cao trình độ dân trí mà còn là cơ hội để khuyến khích tầng lớp trí thức, những người có tâm huyết với văn hoá nước nhà cống hiến tài năng, sức lực của mình.