Ý thức bảo tồn và phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 65 - 75)

CHƯƠNG 2 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

2.3. Ý thức bảo tồn và phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc

Với hàng loạt các bài khảo cứu, giới thiệu, sưu tầm, sáng tác… của các học giả, Tri Tân đã phác hoạ lại tinh thần dân tộc từ cội nguồn đến quá trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng quốc gia tự chủ. Họ khẳng định “tinh thần quốc gia Việt Nam, trải qua mấy ngàn năm, không bao giờ chết!” (Khuông Việt, 1941, tr.2).

Trải qua những thăng trầm, biến động, đặc biệt những cuộc chiến chống ngoại xâm bảo vệ bờ cõi, tông miếu, tinh thần quốc gia dân tộc Việt Nam hình thành, ngày càng được vun bồi. Điều đó được lịch sử ghi lại. Các học giả Tri Tân là những người có ý thức rất rõ về tinh thần quốc gia đặc biệt, là ở trong hoàn cảnh Việt Nam đang là nước thuộc địa. Một chủ trương lớn của tạp chí Tri Tân là phải đề cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc trong bối cảnh đang có những biểu hiện sự sùng bái văn hoá văn minh phương Tây, lãng quên cội nguồn dân tộc. “Dù chúng ta có tự ái đến đâu cũng phải công nhận rằng cái tinh thần quốc gia của mình bạc nhược quá rồi… Làm thế nào cho cái tinh thần quốc gia của người mình tốt tươi lại được! Đây không phải chỉ riêng công việc của chính phủ, mà là công việc chung của tất cả mọi người. Tri Tân

chúng tôi, trong phạm vi chật hẹp của tờ báo, chúng tôi nhắc lại sự nghiệp của những vị anh hùng. Chúng tôi muốn đem cái gương vĩ nhân ra lau làn bụi thời gian đã phủ lên, ai nấy đều có thể đến trước tự soi để biết rằng nguyên mình là người không đến nỗi hèn kém lắm, hoạ may có làm sống lại được cái tinh thần quốc gia quang minh (…) gồm cái ý thức về bổn phận, cái lòng tin tưởng, cái tinh thần phấn đấu. Chúng tôi tin tưởng chúng tôi cũng không ra ngoài con đường đã vạch sẵn là nhặt nhạnh tất cả những cái gì ngày nay còn lại từ một mảnh sử đến một đoạn sử, tạo thành một phần cái đời sống của dân tộc ta, cái đời sống với ba phần: quá khứ, hiện tại và tương lai”

(Tri Tân, 1942b, tr.2).

Thực hiện chủ trương trên, tạp chí Tri Tân đã đăng một loạt các bài khảo cứu.

Trong bài Quốc hiệu nước ta không nên gọi là An Nam của Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố đăng ở số đầu tiên của tạp chí Tri Tân, ông nhận định rằng tên An Nam là của Trung Quốc đặt từ thời Bắc thuộc, nên nếu sử dụng trong ngôn ngữ nói chuyện hằng ngày hoặc viết sách báo thì không hay vì mang nặng tư tưởng nô lệ. Ông đề xuất sử dụng quốc hiệu Đại Nam sẵn có. Cũng bàn về quốc hiệu, Hoa Bằng khẳng định “Quốc hiệu là cái danh hiệu đại biểu cho một nước”, “theo quốc sử, nước ta có quốc hiệu từ đời Hồng Bàng, Văn Lang là một tên quốc hiệu cổ nhất của ta” (Hoa Bằng, 1942g, tr.12).

Ngoài việc bàn về quốc hiệu các học giả Tri Tân còn chú ý vấn đề cội nguồn dân tộc. Trong bài Góp ý kiến vào câu chuyện Lạc Vương, Hùng Vương (số 105), Nguyễn Văn Tố nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm về cội nguồn dân tộc, theo ông cội rễ nước Việt Nam tính từ thời Hồng Bàng.

Không chỉ đăng các bài khảo cứu, tạp chí Tri Tân còn đăng nhiều sáng tác gợi về cội nguồn, về Quốc tổ Hùng Vương của dân tộc Việt. Chẳng hạn như các bài thơ:

Qua Loa thành cảm đề, Kỷ niệm thăm đền Hùng Vương

“Gạn hỏi, này đây dấu Cổ Loa:

Đìu hiu cỏ úa, trúc la đà!

Ngày xưa vương nghiệp nào đâu đó;

Nửa khối di tình có thế a?

Nước chảy vẩn vơ hồn Thục đế;

Thành xiêu nghiêng ngả bóng Thường nga.

Ngọc châu, giếng nước đầy vơi hận!

Ngọn gió heo may quyện bóng tà…”

(Đái Đức Tuấn, 1941, tr.11)

“Tế nhận dư đề cảnh lạ thay!

Một làn non trọc đột lên đây:

Đế vương tự thuỷ cùng non nước.

Miêu duệ sâm la sánh cỏ cây.

Sử chép rồng tiên nghiêm vế quý, Sấm truyền cuộc trễ vẫn màu mây Non xa mờ mịt mưa cùng gió

Thấy nước mơ nguồn khách hỡi hay!”

(Khải Minh, 1945, tr.5)

Tri Tân tập trung khảo cứu nhiều nhân vật lịch sử, văn hoá. Nhưng các học giả Tri Tân chỉ ra chuyên san về các nhân vật mà họ gọi là “vĩ nhân”. Quan điểm về các nhân vật lịch sử, văn hoá của Tri Tân không khác mấy so với thời hiện đại: “Các danh nhân văn hoá luôn xuất hiện vào những thời điểm bản lề khi mà dân tộc và thời đại cần đến họ. Họ không chỉ là họ mà họ còn tích hợp được những giá trị dân tộc và thời đại;

họ trở thành những đại biểu xuất sắc cho nền văn hoá của dân tộc mình trong thời đại của mình. Nhờ thế, họ cũng là những người góp phần quan trọng vào việc phát triển, nâng nền văn hoá của mình lên một tầm cao mới” (Trần Ngọc Thêm, 2014, tr.35-36).

Trong các bài tổng kết Một năm qua, Hai năm qua, Tri Tân đều nói đến mục đích việc làm các chuyên san về các bậc vĩ nhân, một là để “kỷ niệm những bậc tiền nhân đã đánh dấu những nét quan trọng trên trang sử quốc gia hoặc trang sử văn học, sau là tỏ cho người mình biết rằng nòi giống ta không đến nỗi đớn hèn, tổ tiên ta đã từng có những ngày oanh liệt” (Tri Tân, 1942a, tr.2). “Phải chăng cái tinh thần đặc biệt ấy đã dìu được “con thuyền” quốc gia vào “bến” tồn tại trong cơn bão táp ba đào?

Phải chăng tấm gương lịch sử ấy, bổn phận buộc ta nay phải chăm phủi quét, lau chùi, khiến cho nó như phát hiện một chân thân toả ra muôn nghìn tia sáng trang nghiêm chói lọi” (Tri Tân, 1943, tr.2).

Trong số báo 185-187, Tri Tân liệt kê những đặc san đã ra, trong hai năm 1941, 1942 có tổng cộng 7 chuyên san thì trong đó có 4 số nói về các anh hùng có công trong cuộc chống ngoại xâm. Đó là Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, Lê Thái Tổ. Từ nội dung các bài viết và các nhân vật lịch sử được đề cập, có thể thấy Tri Tân quan tâm đến những “vĩ nhân” gắn liền với ý thức kiến đoàn kết dân tộc, chống ngoại xâm, xây dựng đất nước thịnh vượng.

Chuyên san về Hai Bà Trưng (số 38) có 24 trang, gồm 13 bài (xem Bảng 5, Phụ lục 2). Trong bài mở đầu số chuyên san, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng nêu cao tấm gương hai vị nữ anh hùng dân tộc “Ai đến cúng đền Hai Bà ở làng Đồng Nhân trong thành phố Hà Nội còn thấy một bài thơ nôm, ngũ ngôn bát cú, nhắc lại công nghiệp lừng lẫy của hai vị nữ anh hùng mà trong khoảng nội thuộc Đông Hán (…) đã quật khởi chống với quân Tàu, đem lại cái nền chính thống mà buổi ấy nam nhi đành chỉ bó tay:

Ngựa Gióng đã lên không, Rừng Thanh voi chửa lồng;

Nẩy chòi hoa nụ Lạc, Mở mặt nước non Hồng”

(Tiên Đàm, 1942b, tr.2).

Kết thúc bài viết, Nguyễn Tường Phượng khẳng định sự nghiệp oanh liệt và khí tiết của Hai Bà Trưng vẫn được người dân Việt Nam ghi nhớ, tôn sùng cho dù đã trải qua mấy ngàn năm, qua các triều đại trong lịch sử dân tộc.

Trong bài khảo cứu Sử, sách ta xưa chép về hai bà Trưng thế nào?… Hoa Bằng dịch một vài đoạn “phê bình về hai trang kiệt nữ” của Dực tông Anh hoàng đế cho rằng Hai Bà Trưng là bậc anh kiệt trong nữ lưu, làm rung động triều đình nhà Hán, làm rạng rỡ sử sách Việt Nam.

Trong bài khảo cứu Gia đình Trưng vương, học giả Hoa Bằng nhấn mạnh vai trò của các thành viên trong gia đình hai bà Trưng. Hoa Bằng nhận xét gia đình Trưng Vương là kết tinh của tinh thần, nghị lực can đảm, nhiệt thành của dân tộc Việt Nam thời đó. Các thành viên trong gia đình (cha, mẹ, chồng, em gái) đều tham dự một phần vào những trang sử hiển hách của dân tộc.

Dương Bá Trạc trong bài Bình luận và vịnh nhị Trưng, đã so sánh tinh thần, chiến công của hai bà với Jeanne d’Arc, nhân vật nữ anh hùng trong lịch sử nước Pháp, “người Pháp đến nay vẫn còn ai tư sùng bái, mỗi năm mỗi làm lễ kỷ niệm bà, thật là xứng đáng” (Dương Bá Trạc, 1942a, tr.15). Ông cho rằng những nữ anh hùng như Jeanne d’Arc và hai bà Trưng “cùng một can đảm, cùng một tiết tháo” giống nhau ở lòng “nhiệt thành ái quốc, cái nghị lực hi sinh, đến chết không đổi” (Dương Bá Trạc, 1942a, tr.15). Ông tự hào rằng “ta có thể đem chuyện hai bà góp vào lịch sử anh thư trong thế giới mà không thẹn chút nào; sánh với bà nữ kiệt Pháp kia còn bội phần vinh diệu vậy” (Dương Bá Trạc, 1942a, tr.15).

Trên phương diện sưu tầm, sáng tác, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố sao lục Một bài thơ cổ về hai bà Trưng đểkỷ niệm hai đấng liệt nữ đã dựng cờ độc lập, trước nhất ở đất Lĩnh Nam, là đất nước ta ngày xưa” (Nguyễn Văn Tố, 1942, tr.10). Minh Tuyền có tác phẩm Hát giang trường lệ.

Song song với khảo cứu, giới thiệu tài liệu về hai bà Trưng, Tri Tân còn về nguồn bằng cách đến “Dâng hương miếu Hát”, “ôn lại trong trí những điển tích trong sử và sự nghiệp của hai bà Trưng như người ta đã tả trên các hoành phi, câu đối la liệt ở thượng cung và bái đường” (Hoa Bằng, 1942a, tr.14).

Ngoài ra, các học giả Tri Tân còn nêu gương những nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng qua các bài viết như: Một vị cân quắc anh hùng dưới triều Trưng vương Thánh Thiên công chúa của Nhật Nham, Hai nữ tướng của Song Cối…

Chuyên san về Đinh Tiên Hoàng có 24 trang, gồm 13 bài (xem bảng 6, Phụ lục 2). Trang bìa số tạp chí này là hình ảnh đám trẻ chăn trâu tay cầm ngọn cờ lau, trung tâm là một cậu bé được cõng trên lưng bởi cậu bé khác. Những hình ảnh trang bìa như một sự gợi nhắc về người hùng “Cờ lau mở nước Việt” , người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc.

Các bài khảo cứu tập trung vào những câu chuyện xung quanh cuộc đời, công trạng vua Đinh, quá trình dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Cũng tương tự như số chuyên san viết về Hai Bà Trưng, các học giả dùng nhiều tư liệu lịch sử, văn học, địa lý… vào các bài viết của mình. Không chỉ đề cập đến vai trò của vua Đinh Tiên Hoàng với các hoạt động sau khi thống nhất đất nước như đổi quốc hiệu, xây dựng binh chế, áp dụng các hình phạt nhằm củng cố phép nước, mà các học giả còn nói đến thái hậu Dương thị. Tạp chí cũng tổ chức hoạt động thăm viếng cố đô Hoa Lư được tường thuật trong bài viết Thăm cảnh Hoa Lư.

Trong bài Trước cảnh phân tranh ở ta hồi thế kỷ thứ mười vua Đinh Tiên Hoàng đã gặp Tần Thuỷ Hoàng ở chỗ thống nhất bờ cõi, lại giống Hán Cao Tổ ở chỗ vì nước quên nhà, Hoa Bằng nhận định “Sự nghiệp hỗn nhất nước Đại Cồ Việt ấy phải chăng cũng to bằng công Tần Thuỷ Hoàng đã thống nhất được nước Tàu đời Chiến quốc?”

(Hoa Bằng, 1942h, tr.3). Ngoài ra, Hoa Bằng nêu lại câu chuyện vì nước quên nhà của vua Đinh Tiên Hoàng khi chọn giữ giang sơn thay vì con trai. Lòng dạ sắt đá của

vua Đinh Tiên Hoàng trong hoàn cảnh này được ví như cách ứng xử của Hán Cao Tổ khi Hạng Vũ đưa tính mạng của cha Hán Cao Tổ ra uy hiếp.

Trong bài Bình luận vua Đinh bằng mấy vần thơ, Dương Bá Trạc tự hào nhắc đến vai trò của vua Đinh Tiên Hoàng đối với quốc gia dân tộc. Dương Bá Trạc nhận định Đinh Tiên Hoàng là người dựng nước Đại Cồ Việt, lập triều đình, tôn miếu, lập chế độ võ tướng, văn quan, lập kỷ cương, lễ nhạc, thái bình nghi vệ Đinh Tiên Hoàng xây dựng triều đình nước Nam trong thế đối lập với “Thiên triều”. Trên nền tảng đấy mà các triều đại sau như Lê Hoàn đuổi được quân Tống, Lý Thường Kiệt đánh được Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu, Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh.

Hoa Bằng nhìn nhận công lao của thái hậu Dương thị đối với nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, ông bào chữa cho Dương Thái hậu “người bị cáo vào tội mặc áo long cổn cho vị đại anh hùng hoàng đế đã phá tan giặc Tống, lập được chiến công liệt liệt oanh oanh” Song Cối, 1942b, tr.19). Theo Hoa Bằng, thái hậu Dương thị

“chẳng những có công với nhà Tiền Lê, mà lại công huân lớn lao đối với quốc dân trong việc đánh đuổi giặc Tống”, “với quốc dân bà là một người hoàn toàn vô tội nếu không kể là có công” (Song Cối, 1942b, tr.19).

Cũng trong chuyên san này, Tri Tân nhận định Đinh Điền là người có tài xuất chúng trong hàng tướng tá theo Đinh Bộ Lĩnh, lập nhiều công trạng và có nghĩa khí:

“Phù tá vua Đinh quan Giáp quan/ Cô trung báo nước chẳng phàn nàn/ Tiếng lừng châu Ái, cơ đồ mạnh, Hồn thác! Hoa Lư, tiết nghĩa toàn” (Nhật Nham, 1941d, 23).

Chuyên san về Trần Hưng Đạo (số 7) có 32 trang, gồm 18 bài (xem bảng 7, Phụ lục 2). Trang bìa số chuyên san này in hình ảnh lá cờ và những thanh gươm, trong các bài viết có thêm một số hình ảnh minh hoạ.

Chuyên san về Trần Hưng Đạo có kết cấu tương tự những số chuyên san viết về vĩ nhân khác, gồm những bài khảo cứu, giới thiệu, sáng tác, du ký… Nội dung của số

chuyên san khẳng định lại công đức của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và cho chúng ta thấy rõ ý nghĩa của tinh thần đoàn kết dân tộc trong công cuộc bảo vệ tông miếu, xã tắc, đánh đuổi quân giặc, gìn giữ non sông… Các bài khảo cứu có nội dung nói về Trần Hưng Đạo, gia đình, những gia tướng của ông, hội nghị Diên Hồng, binh chế nhà Trần, những trận quyết chiến của quân đội nhà Trần với quân Nguyên,…

Đời nhà Trần khi bị nạn xâm lăng của quân Mông Cổ, giữa lúc quần thần lo lắng, hoang mang đề nghị nên hàng, Trần Quốc Tuấn vẫn một mực khẳng khái: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu tôi đi đã”. Ông ca ngợi Trần Hưng Đạo “từ trước đến nay lòng kiên nhẫn của ngài là một bức thành kiên cố mà quân Nguyên không thể phá tan được” (Lê Thanh, 1941, tr.3).

Đội quân Mông Cổ ghê gớm, thiện chiến, dọc ngang Âu Á, nhưng những phen xâm lược Việt Nam đều phải gánh chịu thất bại. Đó là nhờ công lao, mưu lược của Hưng Đạo Vương cùng với tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm của quan dân nhà Trần, “Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông muôn thuở vững âu vàng” (Biệt Lam Trần Huy Bá, 1941, tr.9).

Các gia tướng của Trần Hưng Đạo được nói đến là Yết Kiêu, Dã Tượng, những tướng có “nhiều công bình giặc Nguyên đều được phong tước và liệt vào miếu công thần (Nhật Nham, 1941a, tr.15); Phạm Ngũ Lão lập nhiều chiến công “được thăng chức Điền tiền thượng tướng công” (Nhật Nham, 1941a, tr.16). Ngoài ra, các danh nhân đời Trần như Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Khánh Dư cũng được Nhật Nham khảo cứu.

Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại sự kiện Hội nghị Diên Hồng, “vua cho vời các kỳ lão trong nước đến họp ở thềm điện Diên hồng, ban cho ăn và hỏi ý kiến đối với quân giặc. Ai nấy đều nói “nên đánh” như thốt cùng một miệng” (Nguyễn Huy Tưởng, 1941, tr.26). Câu trả lời “nên đánh” hùng hồn, đanh thép là kết tinh của lòng hăng hái và ý chí chiến đấu đối với kẻ thù. Nguyễn Huy Tưởng ví von cả nước Việt đứng lên giống như một con đê chắn sóng ngoại xâm, bảo vệ núi sông, tôn miếu, ruộng nương,

nhà cửa… Nguyễn Huy Tưởng khẳng định vai trò của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Mọi tầng lớp nhân dân từ bô lão đến thiếu niên, từ vua đến tôi, nhân tài trong dân gian đều cùng nhau ra giúp sức, từ cầm vũ khí chiến đấu đến ủng hộ, tiếp tế lương thực. Cả nước cùng đồng lòng đứng lên, đánh giặc ngoại xâm không chỉ cho non sông, giống nòi mà còn vì bản thân cá nhân, gia đình.. Đặc biệt, Nguyễn Huy Tưởng nêu cao ý nghĩa của đoàn kết dân tộc trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Chính vì vậy, mặc dù nhiều khi vận nước lâm nguy, mặt dù một vài tôn thất nhà Trần phản bội, nhưng cuối cùng nhà Trần vẫn dành được thắng lợi và cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trở thành một sự kiện vẻ vang của dân tộc.

Chuyên san về Lê Thái Tổ (số 65) có 24 trang, gồm 9 bài (xem bảng 8, Phụ lục 2). Trang bìa là hình vua Lê Thái Tổ uy nghi cầm kiếm, bên dưới trích 4 câu thơ:

“Sắt đá thi gan với tháng ngày,

Gươm thần loang loáng, khí tung bay…

Sóng hồ ầm nổi khi giông tố:

Tưởng tiếng ai xưa thét gió mây!”

(Hoa Bằng)

Trong số chuyên san này, các bài khảo cứu, sáng tác tập trung chủ đề vào các trận chiến. Đó là các bài: Vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Tàu của Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố; Tuỵ Động, Chi Lăng, hai trận đại thắng của Bình Định vương! của Biệt Lam Trần Huy Bá; Trận giết Liễu Thăng của Đỗ Hoàng Lạc…

Trong bài khảo cứu Vua Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Tàu, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố lược dịch một vài đoạn sử chữ Hán, “trước là để kỷ niệm một bậc anh hùng sáng nghiệp đã lấy lại quyền tự chủ cho nước Đại Việt, sau là để tôn kính các tướng sĩ đã gia công đánh dẹp, hết lòng với nước” (Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố, 1942, tr.2).

Đó là các trận đánh: Trận Lam Sơn, Ba Lẫm, Sách Khối, Chà Lân, trận vây thành

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 65 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)