CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN
1.2. Cơ sở thực tiễn
1.2.2. Tổng quan về tạp chí Tri Tân
1.2.2.2. Tạp chí Tri Tân
Từ tên tạp chí, Tri Tân có nghĩa rất dễ hiểu là “biết mới” (Tri Tân, 1941e, tr.2).
“Chúng tôi chọn cái tên ở câu Luận ngữ “ôn cố nhi tri tân” muốn nhắc lại cho quốc dân đồng bào những trang sử vẻ vang, những sự nghiệp anh hùng, những phát triển về văn học để kêu gọi lòng ái quốc” (Nguyễn Tường Phượng, 1945, tr.2).
Từ lời Phi lộ,
Thì giờ đã đến! Nhìn vào mặt hiện tại? Bề bộn bao việc phải làm! Chính trị?
Món chuyên môn đó đã có các nhà đương đạo.
“Ôn cũ! Biết mới” Nhằm cái đích ấy, Tri Tân riêng đi con đường Văn hoá.
Với cặp kính khảo cứu, Tri Tân lần giở từng trang lịch sử;
Bằng con mắt nhận chân và lạc quan, Tri Tân ngó rộng “chân trời” tri thức;
Ghé vai gánh gạch, xe vôi, Tri Tân đứng vào hàng ngũ công binh xây dựng lâu đài Văn hóa Nam Việt. Dầu vậy Tri Tân không bo bo nhốt tư tưởng riêng một quê hương, mạnh dạn tiến bước trên con đường “chân lý”. Là tấm lụa bạch Tri Tân chỉ viết những hàng chữ chân phương, ngay thẳng, không tự hoặc bị nhuộm một màu sắc nào.
Giờ là bao giờ, không phải là lúc nói phiếm nữa. Xin bắt tay vào việc (Tri Tân, 1941a, tr.3).
Từ bài tổng kết Hai năm qua,Tri Tân phải xứng đáng làm một cơ quan để các bạn trao đổi ý kiến trong khi làm việc gây dựng lấy một nền văn hoá chân chính cho nước nhà (Tri Tân, 1943, tr.3).
Như vậy, tôn chỉ của tạp chí thể hiện mục đích của nhóm Tri Tân trong việc xây dựng các giá trị văn hoá mới hướng về cội nguồn dân tộc, lấy bản sắc văn hóa dân tộc làm nền tảng, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá, văn minh Đông - Tây. Không những thế Tri Tân còn khẳng định con đường đi riêng của tạp chí là hướng về văn hoá. Nhưng không phải là đóng khung trong những tư tưởng khuôn mẫu, bảo thủ, mà tạp chí Tri Tân luôn sẵn sàng đón nhận những quan điểm mới, có ích. Đặc biệt, tạp chí Tri Tân nhấn mạnh đây là công việc cần thiết và phải thực hiện nhanh chóng kịp thời để xây dựng một nền văn hoá phù hợp với dân tộc Việt Nam trong bối cảnh của thời đại mới.
Cũng đưa ra tôn chỉ để định hướng hoạt động như Tri Tân, tạp chí Thanh Nghị đưa ra bốn khẩu hiệu:
- Thông hiểu sự vật và tư tưởng
- Thu nhặt tài liệu để góp vào việc giải quyết những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân tộc Việt Nam.
- Phụng sự một nền nghệ thuật chân chính (nghệ thuật nghĩa rộng: văn nghệ).
- Phổ thông mà không làm giảm giá (Vũ Đình Hòe, 2000, tr.45).
Từ nội dung tôn chỉ của hai tạp chí, chúng ta có thể nhận thấy ý thức xây dựng văn hoá dân tộc của hai nhóm trí thức đương thời. Họ cùng hướng đến việc xây dựng nền văn hoá hiện đại trên cơ sở bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hoá phương Tây.
Về tổ chức hoạt động
Toà soạn của tạp chí Tri Tân: lúc đầu đặt tại số nhà 349 phố Huế, Hà Nội (từ số 1, ngày 3/6/1941 đến số 9, ngày 1/8/1941);
Từ số 10, ngày 8/8/1941 đến số 74, ngày 1/12/1942, tạp chí chuyển về số nhà 195, phố Hàng Bông, Hà Nội;
Từ số 75, ngày 10/12/1942 đến số 99, ngày 10/6/1943, tòa soạn và nhà in chuyển về địa chỉ 70, phố Bạch Mai, Hà Nội;
Từ 6/1943 đến số cuối cùng tòa soạn, Ty trị sự, nhà in chuyển về một địa điểm là số nhà 95 - 97 phố Chanceaulme, Hà Nội (nay là Tô Hiến Thành).
Tồn tại trong khoảng 5 năm với 3 lần thay đổi vị trí toà soạn, Tri Tân đi trọn con đường văn hoá của mình với 212 số tạp chí, trên 5000 trang báo.
Tạp chí Tri Tân do ông Nguyễn Tường Phượng làm chủ nhiệm, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm làm chủ bút, Phạm Mạnh Phan làm thư ký toà soạn. Ban biên tập tạp chí Tri Tân gồm những cây bút uyên thâm về Hán Nôm, giỏi về tân học trực tiếp phụ trách, biên tập và viết bài như: Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Hoa Nam Phan Kỳ Nông… bên cạnh đó tạp chí Tri Tân còn tập hợp được một đội ngũ công tác viên đông đảo với nhiều cây bút là những nhà văn, nhà báo, học giả có tên tuổi cả ba kỳ như: Nguyễn Văn Tố, Kiều Thanh Quế, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Huy Tưởng…
Ban biên tập có nhiệm vụ, sửa soạn bài viết giao nhà in ấn hành; cổ động tuyên truyền cho số báo sắp ra; tiếp khách đến bàn luận về văn chương, học thuật; họp bàn
trao đổi ý tưởng; thư từ giao thiệp với các bạn cộng tác ở gần xa; giải đáp những câu hỏi của bạn đọc bằng thư riêng hoặc bằng thư ngỏ…
Giá báo thường được đăng trên trang bìa của tạp chí:
Đối với tạp chí Tri Tân số thường, từ số đầu tiên đến số cuối cùng tổng cộng có 8 lần tăng giá báo. Bắt đầu từ số 1, ngày 3/6/1941, giá tạp chí là 0$12 xu. Từ số 18, ngày 10/10/1941 giá tăng lên 0$15 xu. Từ số 57, ngày 29/7/1942 đến ngày 4/8/1942 giá tăng lên 0$20 xu. Từ số 98, ngày 3/6/1943 giá tạp chí tăng 0$30 xu. Từ số 128, ngày 3/2/1944 giá tăng 0$40 xu. Từ số 149, ngày 6/7/1944 giá tạp chí tăng 0$50 xu. Từ số 165, ngày 2/11/1944 giá tạp chí tăng 0$70 xu. Từ số 190, ngày 8/6/1945 giá tạp chí tăng 1đ 20 xu.
Với các số Chuyên san, Đặc san, số Xuân giá tăng mạnh, bắt đầu từ Đặc san
“Trần Hưng Đạo” (số 17, ngày 3/10/1941), với 31 trang, có giá 20 xu, đến số cuối cùng “Xuân Ất Dậu 1945”, với 48 trang, giá tạp chí tăng lên đến 3đ 50 xu.
Khi tăng giá, ban biên tập tạp chí đăng tin thông báo đến người đọc “Vì giá giấy, mực, và nhân công ngày càng cao nên bất đắc dĩ từ kỳ sau, chúng tôi phải định giá bán lẻ mỗi số lên 0$15, chứ không bán 0$12 như chúng tôi đã hi sinh trong 4 tháng qua” (Tri Tân, 1941, tr.16), “Tri Tân sẽ tăng giá lên kể từ 1er Aout 1942” (Tri Tân, 1942, tr.6)…
Việc tăng giá báo của Tri Tân phần nào cho thấy được sự biến động về tình hình kinh tế Đông Dương và Việt Nam thời kì này. Tuy nhiên, tạp chí vẫn xuất bản và được đón nhận trong suốt thời gian tồn tại, chứng tỏ Tri Tân đã dành được chỗ đứng nhất định trong đời sống văn hóa tinh thần của nhiều độc giả.
Thời kỳ tạp chí Tri Tân tồn tại cũng là một thời kỳ khó khăn trong đời sống kinh tế xã hội ở Việt Nam cùng với sự bất ổn về mặt chính trị của chế độ thực dân pháp xít. Ngoài ra, cuộc chiến tranh thế giới thứ hai cũng ảnh hưởng đến người dân Việt Nam… Nhưng tạp chí Tri Tân vẫn được duy trì và phát triển với nội dung ngày càng
phong phú và chất lượng. Điều này cho thấy không chỉ về mặt tổ chức nội dung mà việc quản lý, sắp xếp sự vụ của tạp chí Tri Tân cũng rất hiệu quả.
Cấu trúc tạp chí
Tạp chí Tri Tân xuất bản số đầu tiên vào ngày 3/6/1941, là tạp chí văn hóa ra hàng tuần, với 24 trang khổ 20x25cm. Sau 5 năm hoạt động, Tri Tân đã ra được 214 số, (gồm 212 số Tri Tân loại cũ thuộc giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945, và 02 số loại mới sau khi Việt Minh lên nắm chính quyền vào tháng Tám năm 1945, đánh số lại từ số 1, ngày 6/6/1946 đến số 2, ngày 16/6/1946).
Mỗi số thường gồm 24 trang, trang đầu làm trang bìa và trang cuối làm trang quảng cáo, 22 trang còn lại cho nội dung. Tạp chí đánh số trang cho mỗi số phía trên mỗi tờ báo và nhưng cũng đánh số trang cho mỗi năm, phía bên dưới tờ báo. Tổng cộng số trang trong 5 năm (1941-1945) được trên 5.000 trang.
Tri Tân đều đặn ra báo hàng tuần, và cũng cho ra những Đặc san, Chuyên san, những số Xuân… (xem Bảng 2, Phụ lục 2).
Về hình thức bìa tạp chí
Bìa tạp chí trình bày đơn giản, trang nhã chủ yếu là các thông tin về: Số báo, thời gian ra báo, giá báo. Tên báo “TRI TÂN” (chữ Quốc ngữ và chữ Hán) được in hoa, in lớn nhất so với kích cỡ của những từ ngữ thuộc các thông tin khác. Hình ảnh trên trang bìa không quá cầu kỳ, chủ yếu là thông tin bằng chữ.
Về chia mục các nội dung tạp chí
Theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên trong công trình “Mục lục phân tích tạp chí Tri Tân (1941-1945), chia nội dung của tạp chí ra làm 21 bộ môn: Tôn giáo, Kinh tế, Mỹ thuật, Kịch, Chính trị, Triết học, Giáo dục, Du ký, Sách báo, Địa lý, Học đường, Thời sự, Khoa học, Ngữ học, Báo chí thư viện truyện, Tiểu thuyết dài, khảo cứu dài, Phê bình giới thiệu sách, Xã hội-phong tục-phụ nữ-thanh niên, Thơ, Văn học, Lịch sử.
Theo cách Tri Tân trình bày trong các bài tổng kết Một năm qua (số 48), Hai năm qua (số 98) thì Tri Tân phân loại cấu trúc chung về mặt nội dung tạp chí gồm các lĩnh vực: Sử học, Văn học, Khoa học, Bài trừ sách nhảm - khuyến khích sách hay, Trau dồi thường thức về mặt sử ký – địa dư, Những kiến giải về từ ngữ học, Kiểm điểm những sách mới ra, Giới thiệu tư tưởng học thuật Đông Tây…
Theo từng số báo sẽ có chuyên mục nội dung: Mảnh sử liệu, Sử liệu sống, Sử học luận đàn, Tiểu thuyết lịch sử, Kịch lịch sử bằng thơ, Thời đàm, Tuỳ hứng, Hán văn trích diễm, Dịch thơ ta, Dịch thơ Tây, Truyện ngắn, Y học thường thức, Lữ ký, Du ký, Phỏng vấn, Góp vui, Thẩm mỹ, Đọc, Tạp trở, Vấn đề học, Quảng cáo, Tin vắn…
Tóm lại, nội dung các bài viết trên tạp chí Tri Tân rất phong phú, đa dạng. Nổi bật là những nội dung về khảo cứu sử liệu, văn liệu. Bên cạnh đó, phải kể đến những nội dung giới thiệu về tư tưởng học thuật Đông Tây, tin tức Quốc tế - Đông Dương…
Vài nét về những cây bút trên Tri Tân
Nguyễn Tường Phượng (1899-1874), là nhà văn chuyên nghiên cứu văn sử, tự là Kỳ Sơn, biệt hiệu Mai Lâm, bút danh Tiên Đàm. Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng, dòng dõi, hiếu học, tại làng Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm lên 10, ông bắt đầu học chữ Hán, sau đó chuyển sang học tiếng Pháp. Năm 1920 ông đỗ cao đẳng Tiểu học (Thành Chung), năm 1929 đỗ tú tài Pháp - Việt. Sau khi tốt nghiệp tú tài ông ra làm việc tại Tòa sứ Thanh Hóa, sau đó thi nhập ngạch tri huyện, được bổ dụng tri huyện Thạch Thành. Ông còn làm nghề dạy học, viết báo. Ông tham gia cách mạng và kháng chiến. Từ 1946-1950 giữ chức Phó Chủ tịch Hội văn hóa kháng chiến liên khu III. Sau năm 1950 ông về Hà Nội giảng dạy tại trường trung học Nguyễn Khuyến. Ông cùng Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Phạm Mạnh Phan lập ra tạp chí Tri Tân. Ông có công lớn với sự vận hành, tổ chức, biên tập tạp chí Tri Tân. Ngoài ra, ông đóng góp 96 bài viết trên nhiều phương diện về khảo cứu, về sưu tầm, về sáng tác truyện, kí… Tiên Đàm góp sức bảo vệ những giá trị văn hoá dân tộc thông qua bảo tồn và phát huy những tinh thần bền vững.
Hoàng Thúc Trâm (1902-1977), bút danh là Hoa Bằng, Song Côi, Sơn Tùng.
Quê nội ông ở Yên Quyết, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông. Cha ông là Cúc Hương Hoàng Thúc Hội, từng đỗ cử nhân khoa thi Hương năm Bính Ngọ. Hoa Bằng là văn sĩ đất Thăng Long, sở học uyên thâm trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt đối với nền quốc học nước nhà, ông để lại nhiều công trình nghiên cứu về văn học, sử học, giáo dục, báo chí… Trên Tri Tân, ông đóng góp 212 bài. Trước khi là chủ bút tạp chí Tri Tân, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm từng viết cho nhiều tờ báo như Trung Bắc Tân văn, Thế giới, Tân Văn, Tiểu thuyết thứ bảy… Sau Cách mạng tháng Tám, ông vẫn tiếp tục con đường học thuật, vẫn khảo cứu văn học, lịch sử và có nhiều đóng góp đối với quá trình hiện đại hoá văn hoá, văn học dân tộc.
Phạm Mạnh Phan sinh năm 1914, bút hiệu Tri Lễ, Mạnh Phan. Quê ông ở Hà Nội. Ông là người thư ký bền bỉ của toà soạn. Ông say sưa với các cuộc diễn thuyết, hội đàm, phỏng vấn, đề xuất, những cuộc trưng cầu ý kiến… mang tính thời sự. Với 72 bài viết, ông quan tâm nhiều đến việc khơi gợi ý thức tự hào về truyền thống văn hoá cho thanh niên, đặt ra những yêu cầu đối với trí thức đương thời trong công cuộc bảo tồn phát huy, xây dựng những giá trị văn hoá mới.
Nguyễn Văn Tố (1889-1947), bút hiệu Ứng Hoè. Quê ông ở Hà Đông (nay là Hà Nội), thân phụ là nhà nho yêu nước. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm mới lên 4 - 5 tuổi, tự học chữ nho tại nhà, Nguyễn Văn Tố đã đạt ở trình độ Tam tự kinh; rồi sau đó, lần lượt đạt qua các bậc “Nhất trường”, “Nhị trường” và “Tam trường”. Ông là học giả có vốn Nho học sâu rộng.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông làm Hội trưởng Hội Trí Tri, sáng lập Hội Truyền bá chữ quốc ngữ… Sau năm 1945, Ông được bầu làm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Với Tri Tân tạp chí, Nguyễn Văn Tố đóng góp 114 bài. Về số lượng, Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố không phải là người viết nhiều nhất nhưng ông có những công trình khảo cứu quy mô, dài kỳ như: Đại nam dật sự, Tài liệu đính chính những bài văn cổ, Bia văn miếu những ông nghè triều Lê,
Việt Nam văn học sử, Tra nghĩa chữ nho… Không chỉ với Tri Tân, mà “cụ Nguyễn Văn Tố là nhà trí thức Nho học và Tây học danh tiếng; được xếp trong nhóm tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn” (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn) ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Những đóng góp nổi bật trong Hội Trí Tri và Hội Truyền bá chữ quốc ngữ cùng các hoạt động báo chí, nghiên cứu của cụ đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp “khai dân trí, chấn dân khí” của nước nhà” (Văn Thị Thanh Mai, 2019).
Trong mối tương quan với tạp chí Thanh Nghị, một tạp chí có thời điểm ra đời và chủ trương tôn chỉ rất gần với tạp chí Tri Tân, chúng ta vẫn nhận ra những sự giống nhau và khác biệt cơ bản giữa hai tạp chí này.
Nội dung của cả hai tạp chí đều tập trung vào các lĩnh vực văn hoá, văn học, lịch sử, mỹ thuật… và nhiều vấn đề học thuật khác nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hoá mới. Đội ngũ của cả hai tạp chí đều là những gương mặt trí thức Hán học và Tây học tên tuổi thời bấy giờ. Ảnh hưởng của cả hai tạp chí đến đời sống tinh thần của nhiều độc giả là khá sâu sắc… Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì tạp chí Tri Tân có khuynh hướng tập trung đề cập đến những giá trị văn hoá truyền thống, còn tạp chí Thanh Nghị thì hướng đến những giá trị văn hoá mới. Nhưng những đóng góp của cả hai tạp chí không chỉ có giá trị ở thời điểm đó, mà còn có thể sử dụng để tham khảo trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống cùng với việc tiếp thu những giá trị văn hoá tinh hoa của thế giới vào việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
* Tiểu kết
Từ những cơ sở lý thuyết và thực tiễn đã nêu ở trên, người viết cố gắng xác lập một nền tảng nghiên cứu cơ bản để làm tiền đề triển khai những vấn đề nghiên cứu trong luận văn. Những cơ sở lý thuyết cung cấp những kiến thức mang tính định hướng để giới thuyết và khoanh vùng những vấn đề cần nghiên cứu. Những cơ sở thực tiễn cung cấp những tư liệu, dẫn chứng để minh hoạ, phân tích làm rõ những luận đề, luận điểm nghiên cứu.
Trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử văn hoá dân tộc, tạp chí Tri Tân đã ra đời và phát triển. Vượt qua những khó khăn Tri Tân đã đứng vững và đem đến cho độc giả những nguồn tri thức vô giá. Những đóng góp của Tri Tân không chỉ mang tính thời điểm mà còn có giá trị cho đến ngày nay. Những cây bút trên tạp chí Tri Tân tạp chí thể hiện ý thức trách nhiệm cá nhân rất cao với công cuộc hiện đại hoá nền văn hoá dân tộc. Họ đã làm việc miệt mài, công phu và nghiêm túc. Những trang viết của họ bộc lộ ý thức và trách nhiệm trong công cuộc bảo tồn phát huy và xây dựng những giá trị văn hoá mới. Những nội dung cụ thể mà tạp chí Tri Tân đã đề cập đến cùng với những giá trị học thuật của Tri Tân sẽ được chúng tôi triển khai trong hai chương tiếp theo.