CHƯƠNG 2 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG
2.2. Ý thức bảo tồn và phát huy tinh thần Hán học, nền học thuật cũ
Trải qua mấy ngàn năm chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, dân tộc Việt Nam đã tiếp thu nhiều phương diện tích cực và cả tiêu cực của nền Hán học. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ảnh hưởng của văn minh phương Tây cùng với chủ trương của người Pháp muốn tách rời những mối liên hệ văn hóa Việt – Hán, nên hình thành những luồng tư tưởng cực đoan, phủ nhận hoàn toàn những giá trị của nền Hán học. Mặt khác, cũng có những ý kiến cho thấy sự băn khoăn, mâu thuẫn giữa những ảnh hưởng của văn hoá Pháp trong thế đối sánh với văn hoá Trung Quốc. Trước tình hình ấy, các học giả Tri Tân đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình. Họ cho rằng khi nền Hán học suy tàn, luân lý xã hội thay đổi, kéo theo sự thay đổi của nhiều hiện tượng trong đời sống xã hội, con người. Chính vì vậy, các học giả Tri Tân cho rằng cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa, tốt đẹp của nền Hán học đồng thời loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực. Cụ thể: Nhằm tìm lại và phát huy tinh hoa của nền học thuật cũ, Tri Tân đã tìm đến phỏng vấn những bậc nho học cũng như tân học;
đăng chuỗi bài diễn thuyết về nội dung tiết tháo của người thầy, chí hướng của người học trò xưa; bảo tồn quốc hồn của dân tộc Việt…
Trong bài Bàn thêm về diễn văn của quan Thượng thư Bộ Giáo dục Phạm Quỳnh: Công cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam, Nhật Nham đã tóm lược lại nội dung bài diễn văn của Phạm Quỳnh. Ông cho rằng việc khôi phục lại quốc hồn là quan trọng, vì xét đến nguyên nhân thất bại của nước Pháp tháng 6 năm 1940 phần lớn là “vì tình trạng suy vi của xã hội, vì văn minh thái tây đã lôi cuốn cá nhân vào vòng vật chất, nhãng bổn phận đối với gia đình, xã hội” (Nhật Nham, 1941b, tr.9). Nhật Nham cho rằng trước khi tiếp xúc với phương Tây dân tộc Việt Nam còn thủ cựu về mặt chính trị, xã hội và vì thế mà không phát triển được, đặc biệt là nếu so sánh với các nước láng giềng. Đến khi tiếp xúc với văn minh phương Tây lại diễn ra sự phủ nhận cực đoan với nhiều giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Như vậy vừa phải tiếp thu những tư tưởng mới và gây dựng nên
những phong trào về chính trị xã hội thoát ly khỏi những gì xưa cũ tiêu cực, vừa phải phục hồi những giá trị tốt đẹp của mấy ngàn năm lịch sử dân tộc.
Trong bài diễn văn Phạm Quỳnh đã diễn giải về tinh thần Nho giáo. Tiếp ý Phạm Quỳnh, Nhật Nham nhận thấy yêu cầu bức thiết với việc bảo tồn và phát huy tinh thần Nho giáo lúc bấy giờ. Nhật Nam cho rằng nước Việt Nam đã có nhiều tấm gương danh nhân “trung thần, liệt nữ, hiếu tử, thuận tôn” (Nhật Nham, 1941b, tr.10), họ có tài cán, có tiết tháo làm vẻ vang cho non sông đất nước nhưng đến thời nay thì thế cuộc biến đổi, văn minh thiên về vật chất, con người coi trọng mưu mô, lợi ích hơn là tình cảm, tinh thần dân tộc bạc nhược. Chính vì vậy cần phải vun đắp, tài bồi cho đạo đức, tinh thần dân tộc. Ngoài ra, Nhật Nham còn bàn thêm về Nho giáo, cụ thể là vấn đề “tu, tề, trị, bình của Khổng phu tử” (Nhật Nham, 1941b, tr.9).
Qua bài viết, chúng ta nhận thấy học giả Nhật Nham cho rằng Nho giáo có những quy định làm ảnh hưởng đến sự phát triển cá nhân con người, tuy nhiên việc quay lưng hoàn toàn với đạo Nho là sai lầm. Vì vậy, ông giới thiệu và diễn giải tư tưởng chính của Nho giáo là giáo dục con người biết “chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” (Nhật Nham, 1941b, tr.9). Như vậy, chúng ta thấy rõ chủ trương của Tri Tân là “gạn đục khơi trong”, gìn giữ và bảo tồn phát huy những giá trị tốt đẹp của nền Hán học đồng thời kêu gọi từ bỏ những ảnh hưởng tiêu cực của nền học thuật cũ.
Ý thức bảo tồn và phát huy tinh thần Hán học còn biểu hiện qua việc tìm phỏng vấn những học giả như Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Huyên. Đó là các bài Cụ Bảng Bùi Kỷ với tinh thần Hán học (số 162) và Ông Nghè Nguyễn Văn Huyên với văn miếu Hà Nội của Phạm Mạnh Phan (số 160).
Gặp gỡ cụ bảng nhãn Bùi Kỷ, ông Phạm Mạnh Phan nêu rõ ưu tư của mình về sự học thời nay. Ông cho rằng hiện nay phần đông người Việt coi trọng bằng cấp và học hành để mưu lợi. Vì vậy ông mong cụ Bùi Kỷ cho biết cái tinh thần của nền học cũ để có thể rút ra được những điều gì có ích cho độc giả của Tri Tân.
Theo cụ Bùi Kỷ tinh thần Hán học của người Việt đã mất từ lâu và ngày nay khi Âu học tràn vào thì nó càng suy hơn “lỗi không phải ở người con mà lỗi tự người cha, không biết treo gương sáng cho con. Bây giờ dở hơn trước thì có vẻ tôi xem đa số chuộng hư danh nhiều lắm! Nhưng cái cớ chính là dở từ trước chứ không phải từ bây giờ” (Phạm Mạnh Phan, 1944a, tr.2).
Phạm Mạnh Phan cũng đặt câu hỏi cho cụ Bùi Kỷ về cái tinh thần Nho học. Ông tin rằng Nho học có một tinh thần cao quý mà nền học mới không có. Cụ Bùi Kỷ giải nghĩa chữ “nho”, đặt ra và trả lời câu hỏi “Vậy thì ai là nho?” “Vậy đức tính của nho học là gì?” Cụ gợi ý cách thức bảo tồn cái hay của nho học: “Muốn giữ lại cái hay của nho học thì cần phải gây lấy một cái công luận cho chính đáng”, “phải có một cơ quan riêng, nêu rõ cái tinh thần của Hán học, giảng giải rành mạch cái linh hồn của cái cũ, rồi khôi phục nó lại” (Phạm Mạnh Phan, 1944a, tr.23). Cụ Bùi Kỷ khẳng định: “Cần phải làm sống lại cái cũ là cái cũ thuần tuý chứ không phải cái cũ hủ bại để cho những người không xem được sách nho có thể xem xét mà tự thâu thái lấy, “cần phải phiên dịch các sách nho, lựa chọn lấy cái hay rồi gây đắp làm sao cho có một nền quốc học”,
“học chữ quốc ngữ là đủ, học thêm được chữ nho càng hay. Cái tinh thần quí ấy vẫn ở trong tâm chúng ta” (Phạm Mạnh Phan, 1944a, tr.23).
Qua bài phỏng vấn cụ Bùi Kỷ có thể thấy các học giả Tri Tân rất trân trọng lớp người cựu học, muốn giới thiệu với công chúng ý kiến của lớp người cựu học về việc duy trì những giá trị tốt đẹp của nền Hán học. Lớp người cựu học là những người trong cuộc đã trải qua, chứng kiến cả những thời điểm rực rỡ và lụi tàn của nền Hán học. Do vậy ý kiến của các nhà cựu học thường xác đáng và mang tính gợi ý quý giá cho chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hoá dân tộc.
Trong bài phỏng vấn ông nghè Nguyễn Văn Huyên, khi Phạm Mạnh Phan hỏi đến tình hình ở Văn miếu hiện tại. Ông Nguyễn Văn Huyên đã trả lời: “Nói đến Văn miếu ở Giám thật là buồn tẻ (Phạm Mạnh Phan,1944b, tr.6), “văn miếu của ta xưa làm
gì có cái quang cảnh hiu quạnh như ngày nay… Ngày xưa khu văn miếu có một tinh thần văn học. Cái tinh thần ấy ngày nay đã chết” (Phạm Mạnh Phan, 1944b, tr.18).
Phạm Mạnh Phan hỏi ý kiến Nguyễn Văn Huyên về việc bảo tồn văn miếu sao cho phù hợp. Nguyễn Văn Huyên trả lời:
“Theo ý tôi có hai cách, một là sửa sang khu văn miếu cho có vẻ mỹ quan, lẽ cố nhiên theo quan niệm Á Đông, tu bổ các nhà của văn miếu làm thành một cái thư viện cho cả nước, thu thập hết thẩy các sách bằng chữ nho, quốc ngữ và tiếng ngoại quốc nói về Á-đông và có quan hệ đến nền quốc học của ta. Cách thứ hai là làm văn miếu xưa thành một giảng đài, cho các bực cựu học và tân học đủ tín nhiệm đến đó giảng về các nền học xưa và nay, giảng về thân thế và sự nghiệp của các bậc tiên hiền thờ trong văn miếu vì tôi xét ra nhiều người không biết văn miếu là thế nào và thờ những ai” (Phạm Mạnh Phan,1944b, tr.18).
Nguyễn Văn Huyên cũng gợi ý cần phải có một tạp san ra hằng năm hoặc hàng tháng và cho xuất bản những sách để nói về nền quốc học Việt Nam. Nguyễn Văn Huyên cũng đề nghị thành lập một hội Văn miếu, hội sẽ tổ chức các giả thưởng về văn học, âm nhạc, mỹ thuật hằng năm, thưởng cho các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở đại học, cấp học bỗng cho các sinh viên nghèo. Ngoài ra còn tổ chức một ngày Văn miếu hằng năm.
Với các học giả Tri Tân bảo tồn và phát huy tinh thần Nho học không chỉ ở việc giữ gìn những tinh thần tốt đẹp trong triết lý của đạo Nho mà còn cần thực hiện những hành động thiết thực để lưu giữ nền học thuật cũ. Những ý kiến này cho đến ngày nay vẫn rất thời sự và vẫn cần được thực hiện trên tinh thần đề cao những giá trị văn hoá của nền học thuật cũ. Việc bảo tồn và phát huy tinh thần Nho học không thể tách rời với việc cần bảo vệ không gian văn hoá vật thể, tìm lại tinh thần tốt đẹp trong những triết lý của Nho giáo.
Ngoài ra, Tri Tân còn đăng bài nói chuyện tại hội Trí Tri Hà Nội Tiết tháo của các ông thày và tình thày trò hồi trước (số 62, 64) và câu chuyện nói tại hội Trí Tri Nam Định Tình trạng nền học xưa và chí hướng của người học trò xưa (số 84, 85, 87, 88, 89). Những bài diễn thuyết trên đều nhắm hướng đến ca ngợi những giá trị tốt đẹp về người thầy, người trò.
Trong bài diễn thuyết Tiết tháo của các ông thày và tình thày trò hồi trước, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng bày tỏ cảm kích trước việc các hội viên hội Truyền bá chữ Quốc ngữ bỏ công ra dạy học, chống nạn thất học, mang lại ánh sáng cho người nghèo trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện “các ngày làm việc như vậy mà lại không có lương hướng gì cả, tôi sực nhớ đến các ông đồ nho khi xưa” (Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, 1942a, tr.14).
Trong nội dung bài diễn thuyết, Nguyễn Tường Phượng nêu gương nhiều người thầy “ngày xưa là cả một cái gương sáng, học trò soi vào đấy mà bắt chước” (Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, 1942a, tr.14). Họ là bậc danh nho Chu Văn An (cuối đời Trần), vị cao sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm (đời Lê), Nguyễn Thiệp (dưới triều Tây Sơn), Nguyễn Đức Đạt, Phạm Văn Nghi (triều Nguyễn)… Sau khi kể lại những câu chuyện của người thầy, Nguyễn Tường Phượng đề cập đến những người học trò xưa, cách trò đối xử với thầy.
Kết thúc câu chuyện, Nguyễn Tường Phượng đi đến kết luận người thầy ngày trước xem việc dạy dỗ là một công viêc thiêng liêng. Người thầy luôn giữ gìn những đức tính liêm khiết, thanh cao, “chính tâm” và “tu thân. Người thầy phải là tấm gương cho học trò, cho hậu thế bắt chước, noi theo.
Không chỉ quan tâm đến vai trò của người thầy mà nhiều học trò thời xưa cũng được nêu gương. Trong loạt bài diễn thuyết của Nhật Nham Trịnh Như Tấu về Tình trạng nền học xưa và chí hướng người học trò xưa, chúng tôi thấy nhiều tấm gương về người học trò xưa được ca tụng “việc học đời xưa rất là phức tạp mà người học trò đời xưa không thể không kiên nhẫn mà đi tới đích được” (Nhật Nham Trịnh Như Tấu,
1943b, tr.23), có người học tới khi đầu bạc răng long “còn lảo đảo nơi trường ốc”,
“học trò có trí nhưng gặp cảnh nghèo nàn phải bắt đom đóm bỏ vào túi, soi ánh sáng tuyết mà học thay cho đèn dầu” “dở pho dã sử nước nhà, ta thấy bao nhiêu tấm gương nhẫn nại của tiền nhân” (Nhật Nham Trịnh Như Tấu, 1943d, tr.16).
Nhật Nham Trịnh Như Tấu nói đến những tấm gương như: Nguyễn Quốc Trình, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Tốn,… Ông cho rằng câu chuyện về những người này chỉ là “vài chuyện trong trăm nghìn các hàn sĩ xưa đã dày công học tập mà làm nên sự nghiệp danh tiếng lẫy lừng” (Nhật Nham Trịnh Như Tấu, 1943e, tr.20).
Không chỉ kể đến những tấm gương hiếu học thành tài của nước ta. Ông còn nhắc đến “những gương nhẫn nại trong học giới Trung Hoa” như: Chu Mãi Thần, Vương Sung, Âu Dương Tu, Hứa Hành, Hứa Khiêm (Nhật Nham Trịnh Như Tấu, 1943e, tr.20-21). Không chỉ riêng phương Đông mới có các danh nhân từng chịu nhiều hi sinh, vất vả để học tập thành tài mà “Tây phương cũng không thiếu những gương nhẫn nại”. Nhật Nham Trịnh Như Tấu nhắc đến những tên tuổi như: Drouot, Michelet… (Nhật Nham Trịnh Như Tấu, 1943g, tr.20).
Đề cao giá trị của việc học, các học giả Tri Tân đã thấy được tầm quan trọng của giáo dục. Việc học tập không chỉ mang lại ích lợi cho người học, mà còn là một cách thức rèn luyện về tính tình, phẩm cách, ứng xử… “Vậy nền học xưa và chí hướng học trò xưa phải chăng đã cho ta một tấm gương sáng, cho chúng ta ngày nay phải lưu tâm mà suy nghĩ” (Nhật Nham Trịnh Như Tấu, 1943g, tr.20).
Những dòng chữ viết cho thấy tấm lòng tha thiết đối với nền giáo dục Việt Nam, cả cựu học và tân học, đồng thời gửi gắm mong muốn vào thế hệ trẻ, coi trọng việc học của thế hệ trẻ như là một điều kiện để xây dựng một nền văn hoá mới với những con người mới. Sự quan tâm đến giáo dục của các học giả Tri Tân, nhấn mạnh sự cần thiết của việc học tập đối với thế hệ trẻ, chúng ta cũng có thể bắt gặp điều tương tự ở các học giả của nhóm Thanh Nghị. Có thể kể đến một số bài trên tạp chí Thanh Nghị như Một vài ý nghĩ về việc cải cách giáo dục đăng trên Thanh Nghị số 25, trang 2,3,4;
của Vũ Đình Hoè; Thanh niên với sự học đăng trên tạp chí Thanh Nghị số 14; Sự học chuyên nghiệp và kỹ thuật (số 77) của Trọng Đức…
Nho giáo trong quá trình thâm nhập vào nước ta thể hiện rõ những mặt tích cực và tiêu cực của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử xã hội. Trong bối cảnh những năm 1941- 1945, Tri Tân hướng đến bảo tồn tinh thần Nho giáo nghiêng về phương diện “ngũ thường”, đề cao truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Thực tế hiện nay, vai trò của Nho giáo đối với văn hoá ứng xử nói chung, văn hoá giáo dục học đường nói riêng vẫn được thảo luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các toạ đàm, hội thảo...
Tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng chúng ta không phủ nhận Nho giáo đã phần nào “thấm sâu vào hệ giá trị văn hoá Việt Nam, góp phần làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật ở tinh thần “lấy đạo đức, nhân nghĩa, luân lý mà gây dựng cho xã hội mình có bề trật tự” (Nguyễn Văn Hiệu và Đinh Thị Dung, 2017, tr.163).