Ý thức bảo tồn và phát huy phong tục lễ Tết cổ truyền

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 75 - 81)

CHƯƠNG 2 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

2.4. Ý thức bảo tồn và phát huy phong tục lễ Tết cổ truyền

Một chủ đề quan trọng nội dung của tạp chí Tri Tân là đề cập đến phong tục dịp lễ Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Trong qúa trình hoạt động của Tri Tân, mỗi dịp xuân về tạp chí sẽ ra một đặc san về xuân. Các bài viết về xuân rất đa dạng và phong phú (xem bảng 9, Phụ lục 2). Đó là những bài khảo cứu về tục thờ cúng tổ tiên, các bài miêu tả hoạt động ngày Tết, ẩm thực ngày Tết, giới thiệu một số tác phẩm văn chương về mùa xuân…

Chúng tôi nhận thấy tất cả các số đặc san về Xuân, Tri Tân ít dùng cụm từ “Tết Nguyên Đán” mà là “Xuân”. Trong các bài viết chủ yếu dùng từ “Tết”, các học giả Tri Tân nhấn mạnh đây là Tết cổ truyền của dân tộc Việt qua các cụm từ như “cái Tết của ta” (Nhật Nham, 1943a, tr.6), “phong tục cổ của ta” (Nguyễn Văn Tố, 1945, tr.6),… Có thể hiểu dụng ý của những học giả Tri Tân muốn khẳng định đây là Tết truyền thống của người Việt với những nét văn hoá riêng, khác biệt với Tết Trung

Hoa. Đây chính là ý thức tự tôn dân tộc, khẳng định những giá trị văn hoá bản sắc của dân tộc.

Trần Ngọc Thêm (2000) cho rằng: Đặc trưng văn hoá điển hình nhất của Tết Nguyên Đán là nếp sống cộng đồng. Từ 23 tháng Chạp người dân đi chợ Tết, người đi để sắm Tết, người thì đi chỉ để chơi Tết. Trong bài Vẻ đẹp xưa (vài ý nghĩ về phong cảnh Tết) của Nguyễn Văn Tỵ gợi lại nếp sinh hoạt ngày Tết “nhớ lại mấy năm về trước cứ đến 27, 28, 29 tháng Chạp, vài người bạn chúng tôi thường hay dạo chơi các chợ Tết: chợ Mọc, chợ Đơ, chợ Bàng và vui nhất có lẽ là những chợ về vùng xa hơn nữa, Bắc hay Thái. Một cuộc sinh hoạt tưng bừng hấp dẫn cả dân một vùng đến để gặp nhau trong phiên chợ cuối năm” (Nguyễn Văn Tỵ, 1943, tr.16). Tuy nhiên, tác giả trăn trở, theo thời gian, mọi sự đều đang thay đổi khiến con người phải tiếc nhớ những vẻ xưa. Nguyễn Văn Tỵ mong người Việt giữ được những vẻ đẹp xưa như cảnh cụ đồ nho nằm soài trên mảnh chiếu cũ thảo những nét thần, hay được dạo những phố bày hàng mã đầy màu sắc sặc sỡ trông có vẻ “quê kệch mà vẫn ưa”. Qua bài viết, tác giả muốn thể hiện sự băn khoăn khi chứng kiến những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc đang lụi tàn, đồng thời bày tỏ niềm hy vọng rằng nguồn gốc, cội rễ của dân tộc Việt cần được lưu giữ, chọn lọc để giữ lấy những vẻ đẹp xưa.

Các chủ đề như sắm Tết, chơi Tết, ngắm tranh Tết, ngẫm về cụ đồ năm xưa…

được đề cập đến trong những bài viết: Cảnh chợ tết Sài thành, Tranh tết, Nụ cười xuân câu đối Tết, Cảnh cụ đồ tết năm nay… Các bài viết không chỉ miêu tả tỉ mỉ quang cảnh sinh hoạt ngày Tết, các phong tục quán, các cảnh đời ngày Tết, mà còn hướng đến việc bảo tồn và gìn giữ vẻ đẹp Tết cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh những chủ đề trên, Tri Tân còn đặc biệt nói đến sinh hoạt ngâm thơ, làm thơ trong ngày Tết, bởi nếu không có những hoạt động này thì cái Tết của dân tộc sẽ kém vẻ thiêng liêng, đồng thời làm mất đi một nét đẹp truyền thống cuả những tao nhân mặc khách. Thông qua những vần thơ Tết, những câu chuyện Tết chúng ta thấy được tài thơ của thi nhân và

cả những phong tục, cảnh sinh hoạt ngày Tết từ lâu đời của dân tộc: thú uống rượu, chơi thuỷ tiên, đốt pháo, đánh đu, chơi tam cúc, thú chơi tổ tôm,…

Phong tục ngày Tết được Tri Tân nói đến nhiều là tục chơi hoa, hái. Các loài hoa được chọn để chưng Tết như hoa thuỷ tiên, hoa mai, cành đào, cành quất… Đặc biệt, hoa mai được ca ngợi bởi vì nó tượng trung cho tinh thần của Á Đông, vừa có vẻ trang nhã của một mỹ nữ, vừa thể hiện tính chất cao khiết của một triết nhân, vừa bộc lộ tâm tình phóng khoáng an nhàn của một dật sĩ.

Một phong tục cũng được nói đến chủ đạo trong các số Xuân là tục thờ cúng tổ tiên. Đây là một phong tục được người Việt chú trọng bậc nhất trong những ngày Tết.

Trần Ngọc Thêm (2000) cũng nhắc đến ý nghĩa của tục lệ này là nhằm để “hương hồn ông bà tổ tiên cùng về gặp mặt, các vị thần phù hộ cho gia đình đều được chăm lo cúng bái” (tr.151). Những hoạt động sắm Tết, trang trí nhà cửa, chuẩn bị hoa, bánh…

cầu kỳ đều thể hiện lòng thờ kính tổ tiên. “Mâm ngũ quả mà ta đếm được đến hàng chục quả đã tạo nên những bức tĩnh vật quí giá. Bưởi, chuối, cam, quất đặt trên một bồng sơn đỏ: tất cả các màu-sắc ấy dễ ghi vào óc trẻ, từ đây chúng không bao giờ quên tết được. Chúng vẫn vui vui, rộn rã khi tờ tranh chuột, tranh gà đã dán trên vách.

Màu sắc đã dẫn chúng đi hưởng tuổi ngây thơ vô tư lự và đã giúp chúng ghi lòng yêu mến thờ kính tổ tiên” (Nguyễn Văn Tỵ, 1943, tr.17).

Trong bài Vàng mã (số 34), Nhật Nham cho rằng: “Vì sùng bái, kỷ niệm tổ tiên, nên con cháu muốn tỏ lòng “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Nhật Nham cho rằng khi con cháu sắm đủ các đồ vàng mã đốt cho người đã khuất là thể hiện lòng hiếu kính. Làm xong công việc lễ nghĩa ấy con cháu có thể yên lòng là đã làm tròn nghĩa vụ đối với tổ tiên. Như vậy, tưởng nhớ tổ tiên là một nét đẹp trong truyền thống văn hoá dân tộc mà Tri Tân kêu gọi cần phải bảo tồn, gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Tiếp nối quan điểm đó bài Tục thờ cúng tổ tiên cho biết: “Trong ba ngày tết, nhà nào cũng cơm canh, bánh trái dâng cúng như lúc sinh thời” (Tiên Đàm, 1942a, tr.13). Tiên Đàm nêu cao ý nghĩa của tục thờ cúng tổ tiên bởi vì ngay ở thời đó cũng

có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ việc thờ cúng này. Tuy nhiên, theo ông cho rằng đó là một ý tưởng ngông cuồng và không thể thực hiện được, vì ngay ở một thời đại mà vật chất lên ngôi thì tinh thần gia tộc càng phải luôn được gìn.

Đến nay, Tết cổ truyền Việt Nam vẫn là một ngày lễ quan trọng, những phong tục ăn tết, chơi tết, thờ cúng tổ tiên… vẫn được chú trọng. Tuy có ít nhiều ý kiến về việc bỏ Tết cổ truyền nhưng hầu hết đều nhận được sự không đồng tình của số đông người dân. Quan điểm của nhiều người dân và các nhà khoa học gặp nhau ở chỗ không nên bỏ Tết cổ truyền bởi vì: “Hằng năm, mỗi dịp Tết đến cũng là dịp người Việt ý thức sâu sắc hơn nữa về Tết tađạo nhà, đó chính là nền tảng củng cố và kiến tạo bản sắc văn hóa Việt ngày càng có bề sâu tâm thức và càng có những sắc thái điển hình mang tính biểu trưng” (Nguyễn Văn Hiệu, 2021). Đồng thời, những bài khảo cứu của Tri Tân về chủ đề Tết cho đến ngày nay vẫn là những tư liệu quý giá cho những ai muốn nghiên cứu về Tết xưa.

* Tiểu kết

Do hoàn cảnh lịch sử đặc thù của thời đại, những thành viên của tạp chí Tri Tân gồm cả những trí thức cựu học và tân học tạo thành một thế hệ đan xen, giao thoa giữa những luồng tư tưởng và văn hoá Đông – Tây. Cũng chính từ tình hình thực tế của thời đại họ nhận thấy trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời tìm cách để những giá trị văn hoá truyền thống này thích ứng với thời đại mới.

Theo họ, cần có những những cơ quan ngôn luận mang tính tuyên truyền, định hướng một cách khoa học và nghiêm túc thì mới có thể thực hiện được công việc này một các tốt nhất. Tạp chí Tri Tân ra đời nhằm đáp ứng lòng mong mỏi và cũng là trách nhiệm của tầng lớp trí thức thời ấy trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống.

Sự đa dạng của chủ đề những bài viết trên tạp chí Tri Tân vừa cho thấy những cố gắng nỗ lực của những người thực hiện tạp chí, vừa cho thấy những nhu cầu cấp thiết của độc giả về kiến thức cũng như về cách nhìn hay sự định hướng trong một thời đại mà nhiều giá trị văn hoá bị đảo lộn, bị xem xét lại. Thời gian tồn tại của tạp chí Tri Tân không dài tuy nhiên giá trị của tạp chí Tri Tân không được đo bằng thời gian tồn tại mà được tính bằng nội dung và chất lượng của những bài viết.

Khác với tạp chí Thanh Nghị, một tờ tạp chí có chủ trương tương tự như tạp chí Tri Tân, mặt mạnh của tạp chí Tri Tân là tập trung vào chủ đề bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống. Điều này không chỉ nằm ở trong tôn chỉ, chủ trương ban đầu của tạp chí mà còn được thể hiện qua đội ngũ cộng tác viên. Từ đó tạp chí Tri Tân có một lượng bài viết khá phong phú và đa dạng xoay quanh chủ đề này.

Đồng thời những người thực hiện tạp chí Tri Tân còn có ý thức rất rõ trong việc thực tế hoá những bài viết mang tính học thuật thông qua những hoạt động cụ thể: ra các đặc san về các anh hùng dân tộc, đi thực tế thăm viếng những di tích lịch sử, thực hiện những cuộc phỏng vấn khảo sát điền dã…

Ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống trên tạp chí Tri Tân đã được thể hiện trong nhiều bài viết từ văn học dân gian đến văn học viết mà tiêu biểu là tác giả Nguyễn Du, từ những khía cạnh tích cực của nền Hán học đến những phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, từ những nhân vật lịch sử có công với đất nước đến tinh thần tự hào dân tộc…

Những giá trị văn hoá truyền thống trên tạp chí Tri Tân được các học giả khảo cứu công phu, nghiêm túc. Đặc biệt, trong nhiều chủ đề khảo cứu, các vấn đề khảo cứu, các nhân vật lịch sử thường được đặt trong so sánh với Trung Quốc với phương Tây nhằm thể hiện sự tự hào về các giá trị văn hoá của dân tộc.

Những giá trị văn hoá mà Tri Tân muốn bảo tồn và phát huy không chỉ có giá trị về mặt tư tưởng mà còn có giá trị về mặt học thuật. Trong thời đại ngày nay những bài khảo cứu trên tạp chí Tri Tân vẫn còn giá trị và có thể sử dụng làm tư liệu tham khảo cho việc xây dựng các giá trị văn hoá mới, phù hợp với hoàn cảnh mới của xã hội và con người Việt Nam.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 75 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)