Ý thức xây dựng xã hội mới

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 100 - 103)

CHƯƠNG 3 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA MỚI

3.2. Ý thức xây dựng xã hội mới

Thời đại mà tạp chí Tri Tân ra đời là thời đại của những biến động của lịch sử, xã hội lớn cũng là thời kỳ, bùng nổ cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, thời kỳ khủng hoảng về kinh tế. Vì vậy, ý thức xây dựng một xã hội mới tuy được tạp chí Tri Tân nêu cao chủ trương nhưng cũng vấp phải không ít khó khăn. Tri Tân cũng đã kêu gọi sự ủng hộ của các độc giả để cùng chung tay góp sức vào sự tiến bộ của nước nhà.

“Tương lai còn dài. Công việc còn ngổn ngang bề bộn. Trước tình thế khó khăn và gánh nặng nề này, Tri Tân tự biết không phải sức một cá nhân hay một đoàn thể có thể làm được đầy đủ. Chúng tôi cần phải kêu gọi tấm nhiệt thành, lòng đoàn kết và sức cộng tác của giới trí thức và các phần tử có nhiệt tâm đến cuộc tiến hoá chung của nước nhà...

…Tri Tân mong được các bạn cộng tác ngày thêm chặt chẽ, ủng hộ một cách tận tâm, để một năm, lại hai năm, rồi năm ấy sang năm khác, chúng ta cùng nhau cứ hăng hái tiến tới, cao giọng hoà ca, đi trên bước đường văn hoá thênh thang, hái được bông trái tương lai tốt tươi đẹp đẽ…” (Tri Tân, 1943, tr.3).

Xây dựng một xã hội mới, tạp chí Tri Tân chú trọng vào những yếu tố như tinh thần khoa học. Xuất phát từ tình hình chính trị, xã hội bấy giờ, trong điều kiện chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân Việt. Một mặt do trình độ kỹ nghệ còn hạn chế, không tự đáp ứng đủ các loại hàng hóa phục vụ cho đời sống thường nhật. Mặt khác, giao thông cũng không được dễ dàng như trước, nên các nguồn hàng ngoại nhập gặp khó khăn và ngày càng khan hiếm. Sự khó khăn ấy, người Việt càng ý thức được sự hạn chế, lạc hậu của nền sản xuất, kỹ nghệ. Xuất phát từ hoàn cảnh trên, Tri Tân tự đặt ra nghĩa vụ phải hô hào người Việt, đặc biệt là giới thanh niên trí thức phải chú trọng đến khoa học, đem những tri thức có được để giới thiệu, truyền bá và ứng dụng vào đời sống. Theo Tri Tân: “Triệu chứng ấy đã báo cho chúng ta mừng đón một tương lai đầy rực rỡ” Tri Tân, 1942c, tr.3).

Bên cạnh tinh thần khoa học, Tri Tân chú trọng đến việc tu dưỡng tinh thần, phản đối tình trạng coi trọng vật chất một cách cực đoan, chìm đắm vào những nỗi đau uỷ mị, sướt mướt hay sa đà vào ăn chơi truỵ lạc. Các học giả Tri Tân quan niệm trong xã hội hiện tại, người Việt Nam ít chú trọng đến việc tu dưỡng tinh thần mà chủ yếu thiên về vật chất, nhất là ở giới thanh niên thành thị. Nhiều thanh niên Việt Nam sa đà vào các phong trào ăn chơi, truỵ lạc, lăn lộn chốn thanh lâu, sòng bạc, không lưu tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với xã hội. Một số ít người vì hiếu học hoặc vì mưu sinh, bổn phận, phải dùng đến sách vở, báo chí, còn đa phần đều sao nhãng, coi thường văn chương. Hoặc nếu họ có đọc sách thì cũng không đọc những sách có ích để mở mang kiến thức, mà chỉ đọc những sách dâm thư phù phiếm. Nhiều trường hợp ăn chơi quá đà nên lâm vào cảnh tự sát, tù tội,… Tuy chính quyền đã có những lệnh

cấm, đóng cửa các sòng bài, tiệm thuốc phiện, sàn nhảy, tiêu huỷ những sách độc hại, nhưng vẫn còn rất nhiều người lầm đường lạc lối (Nhật Nham, 1941c).

Một xã hội lành mạnh theo quan điểm của Tri Tân không chỉ chú trọng rèn luyện về mặt tinh thần mà sức khoẻ thể chất cũng rất quan trọng. Có sức khoẻ mới có thể học tập, rèn luyện, góp phần vào việc xây dựng xã hội mới. Trong bài Trước tình hình xã hội hiện thời - Một việc cần khuyến khích: đọc sách, đọc báo, Nhật Nham viết “Ngoài ra, chính phủ lại mở mang nền thể dục cho thanh niên ta và khuyến khích về mặt văn chương tư tưởng. Một cơ hội cho những ai đã nhầm bước có thể trở về đường chính! Một dịp tốt cho những nhà văn chân chính nên đem tài ra viết sách, viết báo đứng đắn… (Nhật Nham,1941c, tr.2).

Một xã hội theo quan điểm của Tri Tân còn phải là một xã hội coi trọng tri thức. Người dân cần được tiếp cận với sách báo. Tri Tân vì thế đã khuyến nghị về việc nên lập những thư viện công cộng từ thành phố đến nông thôn để khuấy động tình yêu sách báo ở lớp trẻ. Bên cạnh các thư viện công cộng, phải mở nhiều phòng đọc cho các lứa tuổi, ở các cấp trường học phải có thư viện, phải làm sao biến thư viện không chỉ là nơi đọc sách báo mà còn là nơi trao đổi mọi vấn đề học thuật, xã hội. Tri Tân cũng đề ra cách thức tiêu thụ sách báo thông qua quảng cảo, làm quà tặng, cho thuê sách với giá rẻ. Các học giả Tri Tân cho rằng một quyển sách in ra dù văn chương xuất sắc đến đâu, in ấn đẹp như thế nào nhưng nếu chỉ đem trưng bày cho các khách hàng dừng chân ghé mua mà không có quảng cáo thì sẽ khó mà tiêu thụ được nhiều. Vì thế in sách là việc rất cần thiết nhưng việc tiêu thụ sách cũng rất quan trọng. Các học giả Tri Tân cũng gợi ý có thể dùng sách làm quà tặng khi xã giao thay vì mừng nhau bằng câu đối, rượu chè, thực phẩm, đồ dùng… Theo họ, sách báo là món quà cao thượng, nhã nhặn lại mang tính chất kỷ niệm sâu xa. Vậy nên cần khuyến khích mọi người dùng sách làm quà tặng. Nếu những chủ trương trên đây được thực hiện tốt thì “chúng tôi tin nghề làm sách báo ở nước ta sẽ có một tương lai rực rỡ, mà trình độ văn hóa Nam Việt cũng sẽ tăng tiến và có vẻ khả quan” (Nhật Nham, 1941c, tr.23).

Ngoài những bài khảo cứu thể hiện chủ trương về việc xây dựng một xã hội mới, tạp chí Tri Tân còn có những mục chuyên cung cấp những tin tức thời sự để mở mang dân trí, tạo điều kiện để công chúng được cập nhật thông tin về thực trạng xã hội đương thời. Đó là những tin tức về quốc tế và khu vực. Ngoài ra, còn có những bài viết liên quan đến những quốc gia trên thế giới như Nga, Madagascar, Algerie, Mã Lai,… tập trung vào tình hình xã hội để mở mang tầm mắt của công chúng.

Nếu so sánh với tạp chí Thanh Nghị, chúng ta nhận thấy Thanh Nghị chú trọng đặc biệt vào việc xây dựng một xã hội mới. Các bài viết về cải cách xã hội trên Thanh Nghị tập trung vào những vấn đề từ ở tầm mức khái quát như: Xây dựng tổ chức xã hội, xây dựng nếp sống văn minh…cho đến những vấn đề cụ thể như dạy cách thức tổ chức vệ sinh, cách chữa các bệnh truyền nhiễm như lao, đau mắt hột… Trong khi đó các bài viết của Tri Tân thường gắn liền xây dựng xã hội mới với con người mới.

Sở dĩ có sự khác biệt này là do một số tác giả trên tạp chí Thanh Nghị là những người có trình độ chuyên môn về y tế, giáo dục, luật… nên những bài viết vừa có tính khái quát ở tầm mức rộng vừa đi vào những chi tiết những vấn đề thiết thực của đời sống xã hội.

Một xã hội mới theo quan điểm của Tri Tân là một xã hội cần phát triển toàn diện giữa vật chất và tinh thần, giữa văn hoá và kinh tế. Với xuất phát điểm là một tạp chí học thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Tri Tân đã thể hiện rõ ý thức xây dựng xã hội mới theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng xã hội mới không thể tách rời với việc xây dựng những con người mới, phù hợp với xã hội ấy. Có như vậy, xã hội mới có thể tồn tại và tiếp tục phát triển.

Một phần của tài liệu Tạp chí tri tân (1941 1945) với việc bảo tồn, phát huy xây dựng giá trị văn hóa mới (Trang 100 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)