CHƯƠNG 3 TẠP CHÍ TRI TÂN VỚI VIỆC XÂY DỰNG NHỮNG GIÁ TRỊ VĂN HÓA MỚI
3.1. Ý thức xây dựng học thuật mới
3.1.1. Ý thức xây dựng nền quốc văn
Nền quốc văn Việt Nam trước đây bị chi phối bởi Hán học. Khi người Pháp đến xâm lược Việt Nam, cùng với việc mang theo những giá trị văn hoá, văn minh phương Tây, họ cũng đã có ý thức mở rộng phát triển vai trò của chữ quốc ngữ để từ đó làm nền tảng xây dựng một nền văn hoá Việt Nam với những tiêu chí phù hợp cho việc quản lí và khai thác thuộc địa. Người Pháp mở trường dạy học ở các cấp, xuất bản những tờ báo quốc ngữ, hạn chế ảnh hưởng của Nho học thông qua những nghị định, quy định trong giáo dục… Mặc dù mục đích chính của người Pháp khi tuyên truyền cho những giá trị văn hoá mới là để phục vụ cho công cuộc thực dân, nhưng tầng lớp trí thức Việt Nam nhân cơ hội này đã có những hoạt động thiết thực để xây dựng một nền quốc văn mới, tiến bộ, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân Việt.
Ngay từ khi mới ra mắt tạp chí Tri Tân đã nêu rõ chủ trương về việc sử dụng chữ quốc ngữ để xây dựng một nền quốc văn mới. Trong bài Vài cái chủ trương về quốc văn, đăng trên số 4 (trang 2), Tri Tân khẳng định: “Là một cơ quan văn hoá, Tri Tân, lẽ tất nhiên, phải chú trọng đến những vấn đề thuộc phạm vi văn hoá, nhất là văn hoá Việt Nam. Ngôn ngữ văn tự: một vấn đề quan trọng của một dân tộc! Làm cho nó ngày một có quy củ, ngày một thêm phong phú, phận sự ấy đương trút lên vai chúng ta nay! Trước cái cao minh của các bạn đọc rất thân yêu của Tri Tân, Tri Tân xin đánh bạo tỏ bày mấy cái chủ trương đối với quốc văn mong các bạn làm ơn chỉ giúp” (Tri Tân, 1941e, tr.2). Để thực hiện mục đích này, Tri Tân đưa ra sáu chủ trương cụ thể:
1. Về lối hành văn: Trừ những trường hợp đặc biệt cần phải đăng nguyên văn để tôn trọng cá tính của tác giả, Tri Tân cố gắng xây dựng một lối văn viết báo
riêng để bày tỏ tính chất của Tri Tân. Lối văn ấy phải nhiều ý ít lời, đúng ngữ pháp sáng sủa, rõ ràng, tự nhiên và bình dị…
2. Về việc dùng chữ nho: Vì muốn giữ cho văn phong có tính cách bình dị, dễ hiểu, tạp chí Tri Tân chủ trương hạn chế dùng chữ nho và chỉ sử dụng trong trường hợp không thể tránh được. Bởi lẻ, không phải người dân Việt Nam nào cũng biết chữ Hán. Tuy nhiên, Tri Tân vẫn chủ trương sử dụng chữ nho khi cần thiết để làm giàu thêm cho ngôn ngữ nước nhà, đồng thời để ai đã biết chữ nho có thêm kiến thức. Chính vì vậy nên ngay từ số đầu tiên của tạp chí, Tri Tân đã có mục “Hán văn trích diễm” và “Ít danh từ mới”. Tri Tân còn muốn chỉnh sửa những từ ngữ dịch từ tiếng Pháp hiện nay đang phổ biến nhưng lại chưa chính xác.
3. Tri Tân chủ trương không kiêng tên, không tránh phạm huý vì đã không thích hợp với thời đại. Tuy nhiên với những tiếng lâu ngày đã dùng quen khó bỏ, thì Tri Tân cũng không câu nệ nhất thiết phải sửa lại.
4. Về phương ngữ, Tri Tân chủ trương không phân biệt Bắc, Trung, Nam mà cố gắng dùng ngôn ngữ phổ thông, dễ hiểu.
5. Về chấm câu, Tri Tân sử dụng các dấu câu thận trọng để tránh những câu khó hiểu, tối nghĩa, dễ làm người đọc hiểu sai.
6. Về danh từ mới, Tri Tân giới thiệu những danh từ mới đến với độc giả, mặt khác Tri Tân đính chính, chỉnh sửa những từ ngữ người ta hay viết sai.
Thể hiện quan điểm về xây dựng nền quốc văn mới, Đào Duy Anh nhấn mạnh phải lấy tinh thần dân tộc, ngôn ngữ dân tộc làm gốc, không thể đi theo khuôn mẫu cứng nhắc của các ngôn ngữ phương Tây. Theo ông, “văn pháp của quốc văn tất nhiên phải lấy quốc văn làm gốc, chứ không thể bằng vào pháp - văn như những sách văn pháp của người ta làm ra để dạy Việt ngữ cho người Pháp. Song cũng không nên quá
câu nệ, ôm cái thành kiến cho rằng văn pháp Việt ngữ không thể phỏng theo các phạm trù của văn pháp các ngôn ngữ Tây phương” (Vệ Thạch Đào Duy Anh, 1941, tr.22).
Như vậy có thể thấy thông qua chủ trương sử dụng ngôn ngữ văn tự trong những bài viết trên tạp chí Tri Tân, các học giả không chỉ phác hoạ ra những quy chuẩn về mặt ngữ pháp, từ ngữ, cách hành văn, cách sử dụng chữ Hán, sử dụng danh từ mới, sử dụng từ ngữ dịch thuật… mà còn bày tỏ mong muốn nhận được sự cổ vũ, thảo luận của bạn đọc trong công cuộc cải cách văn hoá, nhằm xây dựng một tương lai tốt đẹp cho văn hoá Việt Nam. Hoa Bằng cũng nhận xét để xây dựng một nền quốc văn mới thì có rất nhiều việc cần phải làm, nhiều điều cần đem ra thảo luận, nhất trí, từ đó mới có thể phát triển nền quốc văn Việt (Hoa Bằng, 1941b, tr.23).
Bên cạnh việc đưa ra chủ trương, đường lối trong việc xây dựng nền quốc văn mới, các học giả Tri Tân cũng tiến hành khảo cứu, nhận định, đánh giá, bàn luận về những ưu khuyết điểm của nền quốc văn thời đó. Lê Thanh (1941) nêu khuyết điểm của một số đông người Việt Nam khi viết văn làm báo là thường dùng chữ cẩu thả, đặt câu cẩu thả. Nhiều người bắt chước lối hành văn phương Tây, không phù hợp với ngôn ngữ Việt Nam, làm mất đi tinh thần văn chương Việt Nam. Lê Thanh cũng bày tỏ mong muốn người Việt Nam ngày nay không nên quá hướng ngoại viển vông, mà chỉ nên vun đắp để giữ gìn gốc rễ dân tộc. Công việc vun đắp ấy có thể chưa có kết quả tức khắc, nhưng lâu dần sẽ đến ngày đơm hoa kết trái.
Theo Hoa Bằng (1941) những khuyết điểm của lối viết văn thời bấy giờ là không mang tinh thần, ngôn ngữ, ngữ pháp Việt Nam, mà chịu ảnh hưởng bởi lối viết văn theo kiểu phương Tây. Bên cạnh đó thái độ coi thường tiếng mẹ đẻ, coi đó là thứ chữ nôm na, không cần viết theo quy tắc gì, chỉ sử dụng tiếng Pháp trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhiều người, cũng khiến cho các học giả Tri Tân lên tiếng phản đối.
Hoa Bằng nhận xét nhiều người nghĩ rằng quốc văn viết bằng tiếng mẹ đẻ nên viết thì rất dễ, không cần phải theo phép tắc, quy định gì. Đó là một suy nghĩ sai lầm. Lại có những người tuy học rộng biết nhiều, nhưng viết văn cũng lủng củng, lôi thôi, lời cũng
không diễn đạt được ý. Nhiều người có thành kiến coi khinh quốc văn, nghĩ rằng nói thế nào thì cứ viết ra thế ấy. Đó cũng là một suy nghĩ sai lầm. Bởi vì viết bằng tiếng mẹ đẻ thì ai cũng viết được, nhưng viết cho hay thì không phải là chuyện dễ, đặc biệt là khi viết văn chương. Muốn viết hay thì phải trau dồi, rèn luyện ngòi bút, có như vậy mới có những tác phẩm được công chúng khen ngợi (Hoa Bằng, 1941b, tr. 2).
Hoa Bằng cũng chú trọng khảo cứu sự phát triển của chữ quốc ngữ và sự tác động của nó đến nền quốc văn mới, từ văn học đến báo chí, từ chữ nghĩa đến ngữ pháp. Trong bài Từ bước tiến tới của báo giới Việt Nam đến những vết biến thiên của quốc văn trên trang báo, chí, (số 20) Hoa Bằng nhận định: “Dựa vào báo chí, ta nhận thấy trong vòng hơn 30 năm nay, quốc văn đã có biến thiên nhiều lắm. Có thể chia từng thời kỳ để đánh dấu những vết biến thiên ấy” (Hoa Bằng, 1941c, tr.2).
Cũng trong bài viết trên, ông cho rằng quốc văn Việt Nam thể hiện trên báo chí đã có những thay đổi qua các thời kỳ như sau:
Thời kỳ phỏng theo ngữ pháp và thể loại văn chương Trung Quốc. Đó là thời kỳ đầu tiên của báo chí Việt Nam. Thời kỳ này tuy có một vài tác giả theo Tây học viết văn theo lối tự nhiên, giản dị, còn thì phần đông các tác giả theo cựu học vẫn chịu ảnh hưởng bởi văn chương Trung Quốc. Văn chương của họ đầy rẫy những thành ngữ và điển tích chữ Hán. Các tiểu thuyết thời kỳ này hầu hết đều dịch theo tiểu thuyết Trung Quốc rồi đăng lên các báo.
Thời kỳ sử dụng những danh từ mới bắt đầu từ năm 1907 trở đi. Sau những cuộc cổ động đổi mới, học chữ quốc ngữ, người Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi những cuốn sách xuất bản thời kỳ đó như Văn minh tân học sách, Nam quốc giai sự… nên họ đã bắt đầu làm quen với các danh từ mới. Đến khi tờ tạp chí Nam Phong ra đời, việc truyền bá những từ ngữ mới lại được tiếp tục. Đây là việc làm có ảnh hưởng sâu rộng của Nam Phong tạp chí. Những danh từ mới về triết học, khoa học, văn học… được hình thành.
Thời kỳ sử dụng ngữ pháp và mô phỏng thành ngữ của tiếng Pháp, cụ thể là trên tờ Thực Nghiệp Dân báo.
Thời kỳ cải cách văn xuôi: Tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu là tờ báo đi đầu.
Thời kỳ cải cách văn vần: Thể Thơ Mới được hình thành và phát triển. Từ đó có phong trào Thơ Mới. Phong trào Thơ Mới chịu ảnh hưởng của thơ Pháp từ cách dùng chữ, đặt câu, gieo vần. Đặc biệt đã hình thành những thể thơ tự do với những tên tuổi nổi bật thời kỳ đó. Tuy nhiên cũng phải kể đến ảnh hưởng tiêu cực thể hiện ở chỗ sử dụng những từ ngữ cầu kỳ không đúng ý nghĩa, ngôn từ sáo rỗng vu vơ… Tuy vậy nhờ vào công cuộc cải cách văn vần mà thơ ca Việt Nam đỡ bị bó buộc, có thêm những ý mới, lời đẹp…
Bài viết của Hoa Bằng đã nêu rõ quá trình phát triển của nền quốc văn mới được thể hiện cụ thể trên nội dung của báo chí trong suốt hơn 30 năm đầu của thế kỷ XX.
Đó là quá trình chuyển đổi từ mang nặng lối viết văn phương Tây, hoặc vẫn sử dụng những thành ngữ, điển tích nặng nề của chữ Hán, lối viết văn đăng đối biền ngẫu…
chuyển sang lối viết văn rõ ràng, chân phương, trong sáng. Đồng thời bài viết của Hoa Bằng cũng đề cập ít nhiều đến thể thơ mới cùng với trách nhiệm của người trí thức trong việc xây dựng một nền quốc văn mới.
Nặng lòng với việc xây dựng nền quốc văn mới, tạp chí Tri Tân cũng tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với nhiều người nổi tiếng có quan tâm đến văn học Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn về văn học: “Ý kiến vài giới trí thức đối với hai câu hỏi của Tri Tân” (số 120), Phạm Mạnh Phan đưa ra hai câu hỏi:
1. Chúng ta ngày nay phải làm cách nào để làm giàu cho kho quốc văn?
2. Ý kiến của ngài đối với sách và báo chí quốc văn hiện thời thế nào?
Những người trả lời phỏng vấn là: ông Trần V Tường (Phó Chủ sự toà báo phủ Thống sứ), Dương Quảng Hàm (giáo sư trường Trung học Bảo hộ), Mai Văn Bộ (sinh viên ban Thuốc), bà Thuỵ An (chủ bút tuần báo Đàn Bà). Những câu trả lời đều tập
trung vào những chủ đề sau: Tiếng Việt là một thứ tiếng giàu và đẹp, là tâm hồn của đất nước, rất cần được sử dụng và phát huy trong đời sống, đặc biệt cần được giới trẻ chú trọng. Muốn phát triển nền quốc văn mới cần có thêm nhiều tác phẩm văn học mới, nhằm phổ biến những tư tưởng mới cùng với lối viết văn hiện đại. Khi dịch sách phải lựa chọn những tác phẩm có giá trị về mặt tinh thần và hình thức, không chạy theo thị hiếu nhất thời của độc giả. Ban Văn học của hội Khai Trí Tiến Đức đã dịch và làm nhiều sách có giá trị, nhưng cần khuyến khích tầng lớp trí thức, đặc biệt là thế hệ trẻ lập ra một cơ quan tương tự để cùng nhau một nền quốc văn mới. Những sách khảo cứu và sách dịch cần tập trung vào các nội dung như triết học, khoa học, lịch sử, văn hoá… Bản thân độc giả cũng nên biết lựa chọn những sách có giá trị, vừa để tăng thêm tri thức, hiểu biết của mình, vừa để khuyến khích các nhà văn sáng tác. Hiện nay trình độ của độc giả ngày càng cao nên mỗi khi cầm bút nhà văn, nhà báo cần phải cân nhắc từng câu chữ.
Tri Tân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của nhà văn, nhà báo. Trong bài viết Vài cái liệt điểm của một số nhà văn ta (đăng trên Tri Tân số 54, trang 21), Hoa Bằng đã liệt kê ra những “liệt điểm” (khuyết điểm) của những người cầm bút ở thời đó:
1. Phê bình lẫn nhau để tâng bốc lẫn nhau
2. Tự khen mình bằng cách đội một tên khác hoặc bênh vực mình bằng cách kéo bạn đến “đánh hôi”
3. Trích lấy ít lời khen trong thư riêng hoặc trong bài phê bình làm bùa hộ thân 4. Nhờ người có tiếng đề tựa để nắm lấy làm “cây gậy” cho cuốn sách của mình 5. Cố ý mạt sát người khác, mong chiếm độc quyền những tiếng khen tặng 6. Không biết vạch riêng đường đi, chỉ hay ùa ạt theo mù
7. Không biết phục thiện, không trung thực với nguyên thư, với xuất xứ, với người có dính líu đến bài mình.
Từ việc nêu ra những “liệt điểm” của nhà văn, nhà báo, Hoa Bằng kêu gọi mỗi nhà văn, nhà báo phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, phải trau dồi kiến thức, có hoài bão, tư tưởng riêng, không dẫm lên vết chân của những người khác, tập trung vào công việc sáng tác để thoả mãn mong muốn của độc giả và góp phần vào việc xây dựng một nền quốc văn mới.
Không chỉ dừng ở việc khảo cứu, đánh giá, bình luận, các học giả Tri Tân còn có những bài viết đề cập cụ thể đến những cách thức để xây dựng nền quốc văn mới.
Đó là phải tránh xa thứ văn chương viển vông, không thực tế, tránh “nạn văn nhược”, tránh thứ thơ văn “thù tạc, chúc tụng”. Nên chú ý đến việc biên soạn sách khoa học, kỹ nghệ, địa lý, lịch sử… để cung cấp những tri thức, những giá trị văn hoá mới cho các độc giả. Tri Tân thừa nhận trước đây trí thức Việt Nam thường say mê từ chương, coi trọng hư văn, không chú ý đến khoa học nên sa vào nạn “văn nhược”, không thực tế. Từ đời này sang đời khác chỉ thích ngâm vịnh thù tạc, chỉ chuyên chú viết, phát hành những thứ văn chương phù phiếm, sáo rỗng. Từ đó hình thành lối viết văn viễn vông, không thiết thực. Về mặt khoa học, kỹ nghệ không đủ sức tự cung cấp những thứ vật dụng hàng ngày (Tri Tân, 1942a, tr.3).
Tri Tân có một loạt bài viết thiết thực đề cập đến những vấn đề của làng văn, làng báo, đó là những việc như kêu gọi loại trừ những tác phẩm độc hại theo quan điểm của Tri Tân. Phạm Mạnh Phan có bài viết Bài trừ những cán bút có hại trong đó ông lên án: “Trong mớ giấy đó có những gì? Tuyền những truyện kín trong các nhà săm hoặc các hộp đêm, chuyện dâm dục tanh tưởi hôi thối. Nếu không như thế, thì lại là những chuyện tình vơ vẩn của những tâm hồn ốm yếu và truỵ lạc, những mơ ước viễn vông tội lỗi ngoài vòng đạo đức của những nhà vô giáo dục. Họ lấy làm sung sướng khi dùng những câu văn bây bướm đầy vẻ trai lơ mà ca tụng những mối tình yêu tuyệt vọng của một hạng thanh niên mất trí đi yêu một người em gái con chú ruột mình hoặc say đắm vẻ yêu kiều của người chị dâu goá phụ” (Phạm Mạnh Phan, 1941, số 5, tr.3). Trước đó cũng có nhiều ý kiến trên báo chí cho rằng, có nhiều cô gái trẻ tự
tử vì tình bởi vì bị ảnh hưởng bởi những cuốn tiểu thuyết “độc hại” kiểu này. Bên cạnh đó, Phạm Mạnh Phan còn đề xuất việc cần phải vinh danh những cây bút chân chính và những tài năng trong nhiều lĩnh vực. Qua bài viết Cần khuyến khích những nhà văn có thực tài mong Chính phủ Đông Dương và triều đình Huế hằng năm đặt những giải thưởng văn chương và khoa học (số 12), tác giả nêu lên thực trạng nhiều nhà văn có thực tài nhưng đời sống khó khăn, không được nhiều công chúng biết đến, phải vất vả mưu sinh kiếm sống, hi sinh cho nghiệp văn chương mà không được đáp đền. Những người như vậy, họ rất cần được sự vinh danh, thừa nhận không chỉ từ các hội, nhóm văn đoàn mà còn cần được ghi nhận bởi Chính phủ Đông Dương và triều đình Huế. Cũng nằm trong loạt bài đề cập đến các nhà văn, nhà báo Phạm Mạnh Phan còn có bài viết Cần phải cứu sống những nhà văn nhà báo (số 84) đề cập trực tiếp đến việc chống nạn đầu cơ giấy. Vấn nạn đầu cơ giấy làm cho giá giấy tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất bản sách, báo, vì vậy cần phải tiến hành nhiều biện pháp thông qua Uỷ ban về giấy để chống nạn đầu cơ này.
Về thái độ ứng xử của nhà văn, nhà báo trên tạp chí Tri Tân, Phạm Mạnh Phan cũng có bài viết Im lặng phải chăng là vàng (số 3) đề cập đến thái độ văn minh khi tranh luận học thuật và Xoá bỏ tiếng “mày, tao” giữa hàng trí thức nước nhà (số 77) bàn về cách xưng hô giữa các trí thức Việt Nam sao cho văn minh lịch sự, bớt đi sự thô tục, suồng sã.
Bài viết của Hoa Bằng Nhà văn với nhà báo, học giả với nghệ sĩ, khác nhau thế nào? (số 53) bàn về tài năng chuyên môn của nhà văn, nhà báo, giúp độc giả hiểu được đâu là những trí thức chân chính. Ông viết “một nhà văn phải đọc nhiều suy nghĩ nhiều và viết nhiều. Có thể ở riêng một chỗ nếu không phải là cái “tháp ngà”, cũng gọi là yên lặng, êm đếm đôi chút, rồi đưa mắt ngó ngoài cửa sổ, nhà văn nhìn ngắm bóng hường, óng ánh trong làn sương sớm, đang chím chím cười. Nhờ cái nguồn cảm hứng ấy, nhà văn viết ra những bài có tính cách bỡn mây, cợt gió, tô điểm non sông.
Hoặc cao hơn, nhà văn sau khi nhận xét cuộc đời bằng cặp mắt quan sát đúng chắc và