Các nghiên cứu sau khi vắc xin được cấp giấy phép

Một phần của tài liệu Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin Rotavin M1 do Việt Nam sản xuất (Trang 53 - 57)

Sau khi vắc xin được cấp giấy phép lưu hành trên thị trường, cần tiếp tục giám sát các tác dụng bất lợi và mức độ bảo vệ của cộng đồng trên cộng đồng vì trên thực tế khi đưa các vắc xin vào sử dụng sẽ có nhiều loại đối tượng hơn trong các giai đoạn thử nghiệm nên hiệu lực bảo vệ của vắc xin có thể thay đổi.

Mặt khác, khi sản xuất vắc xin hàng loạt có thể có những lô vắc xin không đạt yêu cầu, không những không có tác dụng bảo vệ mà còn gây hại cho sức khoẻ cho cộng đồng. Sự kiện này đã xảy ra đối với lô vắc xin bại liệt Salk do có sự cố trong quá trình sản xuất, vắc xin đã gây liệt cho những người tiêm vắc xin này trong những năm năm mươi. Một số các vắc xin không có lỗi trong quá trình sản xuất những công thức hoặc liều dùng không phù hợp khi sử dụng trên qui mô lớn. Vắc xin bại liệt uống Sabin là một ví dụ. Lịch uống của vắc xin này trên trẻ em Mỹ lại không có hiệu lực bảo vệ khi áp dụng cho trẻ ở các nước kém phát triển hơn. Ngoài ra, hiệu giá kháng thể của ba typ huyết thanh có trong vắc xin cần phải thay đổi do nghiên cứu sau khi vắc xin được cấp giấy phép phát hiện ra vắc xin này không đem lại mức hiệu giá kháng thể đủ để bảo vệ cho những trẻ tại các nước đang phát triển. Do vậy vắc xin này đã được khuyến nghị phải tăng liều vắc xin đối với những trẻ sống ở khu vực đang phát triển.

Một trong các lý do cần phải giám sát sau khi vắc xin được cấp giấy phép vì một số tác dụng bất lợi tiềm tàng không phát hiện được trong thử nghiệm giai đoạn III nhưng được phát hiện khi sử dụng rộng rãi trong cộng đồng và trong thời dài. Vắc xin bất hoạt phòng cúm lợn trước khi được phê duyệt đã được thử nghiệm và chứng minh tính an toàn, nhưng khi sử dụng qui mô lớn hơn đã cho thấy có mối liên hệ hiếm gặp giữa hội chứng Guillain- Barré và tiêm vắc xin. Ngoài ra, một số các vấn đề có thể gặp phải khi đưa vắc xin sử dụng trên thị trường như việc bảo quản và cách tiêm/uống vắc xin không đúng có thể làm giảm hiệu lực bảo vệ của vắc xin. Tiêm/uống đồng thời với một số các vắc xin khác hoặc thuốc khác có thể làm giảm hiệu lực của vắc xin. Sử dụng vắc xin trên qui mô lớn có thể làm hiệu lực bảo vệ của vắc xin cao hơn giai đoạn III.

- Nghiên cứu đánh giá trước sau là thiết kế nghiên cứu đơn giản nhất giám sát tỷ lệ mắc bệnh hoặc các tác dụng phụ trên toàn thể cộng đồng trước và sau khi vắc xin được đưa vào thị trường. Đây là đánh giá gián tiếp ảnh hưởng của vắc xin vì thiết kế này không trực tiếp so sánh nhóm tiêm/uống vắc xin và nhóm không sử dụng vắc xin. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không so sánh với nhóm không sử dụng vắc xin nên không chắc chắn những thay đổi về tỷ lệ mắc là do vắc xin hay do thay đổi về dịch tễ học của bệnh hay do phương pháp giám sát không chặt chẽ hay do các can thiệp khác được triển khai đồng thời với vắc xin hoặc thậm chí do định nghĩa hoặc tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thay đổi.

- Nghiên cứu thuần tập có đối chứng có thể sử dụng để đánh giá trực tiếp hiệu quả sử dụng vắc xin. Các nhóm so sánh có thể được đánh giá tỷ lệ mắc bệnh và các tác dụng bất lợi thông qua giám sát dọc sau khi sử dụng vắc xin. Ưu điểm của phương pháp này là có thể cho phép phân tích đánh giá nhiều bệnh mà chỉ cần tiến hành một nghiên cứu. Hạn chế của phương pháp này là để có lực mẫu thích hợp đánh giá hiệu lực của vắc xin, cần phải có đủ số lượng ca bệnh. Do vậy, phương pháp này thích hợp với những bệnh có thể xảy ra thường xuyên hoặc xảy ra ngay sau tiêm vắc xin. Đối với các nghiên cứu sau khi các vắc xin được phê duyệt tập trung vào các tác dụng phụ hiếm gặp hoặc tiềm tàng, thiết kế thuần tập thường không được áp dụng.

- Nghiên cứu ca bệnh - chứng: Khi bệnh nghiên cứu hiếm gặp hoặc xảy ra sau khi uống vắc xin trong thời gian dài, nghiên cứu ca bệnh-chứng là phù hợp và khả thi nhất. Với thiết kế này, các nhóm hình thành không dựa trên cơ sở có tiêm/uống vắc xin hay không mà dựa trên sự xuất hiện bệnh (ca bệnh) và không xuất hiện bệnh (chứng). Ca bệnh và ca chứng không mẫu thuẫn với việc có sử dụng vắc xin hay không thông qua khai thác tiền sử.

Thiết kế nghiên cứu ca bệnh - chứng có một số ưu điểm do số ca bệnh liên kết trực tiếp với thiết kế nghiên cứu nên thiết kế này rất phù hợp với những tác dụng phụ hiếm gặp hoặc tiềm tàng trong thời gian dài sau sử dụng vắc xin. Mặt khác các nghiên cứu viên có thể chủ động quyết định chọn số lượng ca chứng trên một ca bệnh để có tỷ lệ lý tưởng nhất và có thể chủ động thiết kế lực mẫu tối đa để có thể phát hiện những mối liên hệ với việc sử dụng vắc xin hoặc có thể giảm cỡ mẫu hoặc thậm chí chủ động giảm các chi phí không cần thiết trong quá trình điều tra. Nhược điểm của thiết kế này là không cung cấp thông tin về tỷ lệ mắc bệnh giữa nhóm vắc xin và giả dược do vậy không tính toán trực tiếp hiệu lực bảo vệ của vắc xin và thiết kế này chỉ cho kết quả phân tích về một bệnh hoặc một tác dụng bất lợi do vắc xin. Một số các nghiên cứu đã ứng dụng thiết kế ca bệnh - chứng đã cho những kết quả đánh giá rất hiệu quả về hiệu lực bảo vệ của vắc xin Hib và phế cầu sau khi được cấp giấy phép.

- Các thiết kế nghiên cứu khác: Hiệu quả của vắc xin có thể đánh giá thông qua các cuộc điều tra để đánh giá tỷ lệ bao phủ của vắc xin trên đối tượng đích. Tại cuộc điều tra, các đối tượng được hỏi về ngày tiêm/uống vắc xin và ngày xuất hiện bệnh. Đặc điểm của thiết kế này là tập trung vào các nhóm đối tượng đã tiêm/uống vắc xin và nhóm không tiêm/uống vắc xin tại thời điểm điều tra và hiệu lực bảo vệ của vắc xin sẽ được tính toán trên những đối tượng được điều tra mà không tính đến những đối tượng đã tử vong hoặc chuyển chỗ ở trước thời điểm điều tra.

CHƯƠNG 2

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Đánh giá tính an toàn và tính sinh miễn dịch của vắc xin Rotavin M1 do Việt Nam sản xuất (Trang 53 - 57)