Do tính chất gây nhiễm qua đường ruột, và chủ yếu các tổn thương xảy ra tại đường ruột, các vắc xin hiện tại phát triển đều là vắc xin sống, giảm động lực để cho uống nhằm gây miễn dịch bảo vệ ngay tại đường ruột. Tuy nhiên, đã có những nghiên cứu về vắc xin đưa qua các đường khác ví dụ vắc xin bất hoạt dùng để tiêm, vắc xin đưa theo đường mũi [95,96]. Mục đích của các vắc xin thể loại này là nhằm giảm tối đa nguy cơ gây lồng ruột. Đồng thời vắc xin tiêm có khả năng kết hợp với các vắc xin khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bản thân vắc xin phòng bại liệt cũng đã được chuyển hướng sang vắc xin bất hoạt dùng để tiêm. Điều bất cập của vắc xin bất hoạt là trong khi khả năng gây miễn dịch toàn thân cao, khả năng
tạo miễn dịch bảo vệ tại đường ruột còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng vắc xin, độ tinh khiết, tá dược. Trong khi vắc xin bất hoạt tỏ ra có khả năng bảo vệ cao ở chuột và khỉ thí nghiệm, vắc xin bất hoạt không bảo vệ lợn thí nghiệm khỏi tiêu chảy, mặc dù tạo ra hiệu giá kháng thể cao trong máu. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh các vắc xin sống uống có khả năng có hiệu lực kém hơn ở các nước đang phát triển ở Châu Phi, Châu Á, so với các nước phát triển ở Châu Âu, Châu Mỹ, đây là một hướng đi mới cần tiếp tục được mở rộng [38,79,96].
Phương pháp sản xuất vắc xin Rota bao gồm vắc xin sống giảm độc lực, vắc xin tái tổ hợp, vắc xin bất hoạt,... Mỗi loại vắc xin có ưu điểm và nhược điểm riêng [59,125,127]. Tuy nhiên, vắc xin sống theo đường uống có nhiều ưu điểm hơn cả: Thứ nhất dễ sử dụng, thứ hai tạo đáp ứng miễn dịch tại đường tiêu hoá cao, do vậy, hiệu quả cao trong phòng bệnh ngay khi virut hoang dại xâm nhập vào cơ thể theo đường phân miệng, thứ ba quá trình tạo miễn dịch theo đường uống giống như tạo miễn dịch tự nhiên rất hiệu quả. Hạn chế của vắc xin sống này cũng như các vắc xin sống khác là virut quay lại độc lực mặc dù rất hiếm, để khắc phục nhược điểm này cần tuân thủ nghiêm ngặt qui trình cấy truyền chủng cũng như qui trình sản xuất vắc xin sau này.