CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Diễn ngôn và phân tích diễn ngôn
1.2. Thể loại và phân tích thể loại
Phân tích thể loại là sự vận dụng cụ thể của phân tích diễn ngôn. Trước đây thuật ngữ thể loại chỉ được dùng để chỉ các loại diễn ngôn văn học khác nhau như thơ, trường
ca, truyện ngắn, tiểu thuyết ... Nhưng trong khoảng gần 20 năm trở lại đây thuật ngữ này đã được dùng để chỉ cả những diễn ngôn không phải văn học và phân tích thể loại là một phương tiện để nghiên cứu ảnh hưởng của văn hóa đối với ngôn ngữ.
1.2.1. Định nghĩa “Thể loại”
Thể loại (Genres) là một từ có nguồn gốc từ tiếng Latinh với nghĩa là "loài" hoặc
"loại". Thuật ngữ này chủ yếu được dùng trong lĩnh vực tu từ học, văn học, truyền thông và gần đây trong lĩnh vực ngôn ngữ học để chỉ một loại văn bản cụ thể nào đó. Việc định nghĩa thuật ngữ này không phải là điều đơn giản. Theo tu từ học thì việc nhận diện thể loại có thể dựa vào nội dung (chủ điểm) và hình thức (bao gồm cấu trúc và phong cách).
Nguyễn Thái Hòa [132, 13] đã khẳng định rằng tiêu chí phân loại của tu từ học không nhất quán, khi thì dựa vào nội dung, khi thì dựa vào hình thức cấu tạo văn bản. Còn một số các nhà lý thuyết đương đại lại có xu hướng mô tả thể loại dựa trên sự giống nhau có tính hệ gia đình ( family resemblances) (Swales,J. [89]). Theo cách hình dung này thì các văn bản cùng thể loại sẽ có nhiều đặc điểm giống nhau. Còn những nhà nghiên cứu tiếp cận thể loại theo đường hướng tâm lý ngôn ngữ học thì lại dùng khái niệm điển dạng (prototypicality). Theo đó, một số văn bản sẽ được xem là các thành viên điển hình của một thể loại.
Từ khi ngôn ngữ học chú ý đến ngôn ngữ trong quá trình hành chức, thuật ngữ thể loại trong phân tích thể loại cũng được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Swales,J. [89,46]
cho rằng tiêu chí chủ yếu nhằm biến tập hợp các sự kiện giao tiếp thành một thể loại là chúng phải cùng chung mục đích giao tiếp. Đối với Mauranen,A. [73,18] thể loại bao gồm các diễn ngôn có cùng một chức năng xã hội chính yếu. Christie,F. [13,12] lại dùng thuật ngữ thể loại để chỉ bất kỳ một hoạt động nào có mục đích văn hóa và hướng đến việc tạo ra một văn bản và chúng ta tạo ra văn bản đại diện cho một thể loại nào đó để
phục vụ các mục đích xã hội khác nhau . Bamforth,R. [2,93] cho rằng mục đích giao tiếp nào đó hỗ trợ tổ chức một thể loại chính là “một đặc trưng” để tạo ra nó, bởi vì chính mục đích chứ không phải hình thức là “tiêu chí quan trọng” để nhận diện thể loại. Bhatia,V.K.
[6,13] cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của mục đích khi ông nói mặc dù có nhiều yếu tố khác như nội dung, hình thức, độc giả dự kiến, kênh giao tiếp ảnh hưởng đến bản chất và tổ chức của thể loại nhưng nó vẫn thể hiện bản chất chủ yếu thông qua mục đích giao tiếp mà nó định thực hiện.
Thể loại, theo Martin,J.R. [67], không chỉ được xem là một loại văn bản mà nó còn được xem là một quá trình xã hội (tr. 503). Holmes,R. [57,322] định nghĩa thể loại một cách ngắn gọn là một loại văn bản có các đặc tính được quy định bởi một chức năng giao tiếp cụ thể nào đó.
Như vậy, mục đích giao tiếp và chức năng xã hội của sự kiện là nhân tố chính trong việc hình thành bản chất và tạo ra thể loại. Hay nói cách khác, thể loại đại diện cho một sự kiện hoặc một chuỗi sự kiện dẫn đến sự tạo thành một văn bản dựa trên một mục tiêu hay mục đích giao tiếp xã hội chung.
Sơ đồ 1.4: Thể loại, ngữ vực trong mối quan hệ với ngôn ngữ (Trích Eggins,S. [29,34])
THỂ LOẠI NGỮ VỰC
Trường Không khí
Cách thức
Ngoân Ngữ
Trong NPCNHT, thể loại, theo Halliday,M.A.K. [49] và các cộng sự, được hiểu như một khái niệm mô tả ngữ cảnh văn hóa của diễn ngôn và sự hiện thực hóa trong các biến thể ngữ vực: trường, cách thức và không khí. Eggins,S. [29,36] cho rằng thể loại là một trong hai cấp độ ngữ cảnh mà chúng ta có thể nhận thức được. Thể loại trừu tượng hơn, tổng quát hơn ngữ vực. Thể loại được hiện thực hóa bằng ngôn ngữ và quá trình này được thực hiện qua trung gian là quá trình hiện thực hóa ngữ vực.
1.2.2. Phân tích thể loại
Nhìn một cách tổng thể ta có thể thấy nổi bật lên trong giới nghiên cứu thể loại hai cách tiếp cận: của Swales,J. [89] và của các nhà NPCNHT như Halliday,M.A.K. [49], Halliday,M.A.K. và Hasan,R. [51], Martin,J.R. [66] ,[67], Ventola,E. [99]. Cách tiếp cận đầu tiên có chiều hướng chiết trung trong việc cảm nhận khái niệm thể loại, còn cách thứ hai dựa trên bình diện ký hiệu học xã hội của việc mô tả ngôn ngữ.
Swales,J. [89] và Bhatia,V.K. [6] nhấn mạnh mục đích giao tiếp. Họ cho rằng mục đích giao tiếp cấu thành thể loại và đem lại cấu trúc nội tại cho thể loại và nó cũng là tiêu chí chính để nhận diện một thể loại. Trong công trình Analysing Gerne: Language use in Professional settings, Bhatia cho rằng mặc dù thư xin việc và thư khuyến mãi hàng hóa là hai loại văn bản khác nhau, ít có điểm chung nhưng chúng lại cùng một thể loại. Ông giải thích điều này là do khi phân tích mục đích giao tiếp của hai loại diễn ngôn trên ta có thể thấy rằng chúng cùng một mục đích giao tiếp- nhằm giới thiệu, quảng cáo một sản phẩm hay một dịch vụ, cả hai đều thuộc văn hùng biện và có cùng một hình thức với các bước (move) như sau: nêu tiêu chuẩn, đưa ra lời đề nghị, đưa ra những khuyến khích, đề cập đến các tài liệu đính kèm, mong hồi đáp, dùng thuật gây áp lực và kết thúc bằng chiến lược lịch sự. Sự khác nhau duy nhất là ở chỗ thư khuyến mãi thường không phải do khách
hàng có nhu cầu tìm, còn thư xin việc thường là thư đáp cho một mục quảng cáo tìm người của một công ty nào đó.
Phân tích thể loại theo hướng này thường theo hệ thủ pháp như sau: Văn bản được tách ra thành các chuỗi yếu tố hình tuyến gọi là các bước. Mỗi bước thể hiện chức năng giao tiếp mà người đọc có thể cảm nhận được. Cùng cách tiếp cận này, Swales,J. [89]
cũng đã đưa ra các bước của một bài báo nghiên cứu khoa học gồm bốn bước:
Bước 1: Xác lập lĩnh vực nghiên cứu Bước 2: Tóm lược các nghiên cứu đi trước Bước 3: Chuẩn bị cho nghiên cứu hiện tại Bước 4: Giới thiệu nghiên cứu hiện tại.
Những bước này thể hiện những giai đoạn giao tiếp của diễn ngôn nhằm đáp ứng với sự mong đợi của độc giả hay khán giả. Sự phân tích tập trung vào các mô thức tổ chức tu từ và những đặc trưng ngôn ngữ cụ thể của thể loại. Tuy nhiên, Swales,J. không mô tả rõ ràng mối quan hệ giữa những thành tố của cấu trúc với sự hiện thực hóa ngôn ngữ cụ thể ở cấp độ TV- NP. Thay vào đó, các nhà phân tích theo đường hướng của ông sử dụng kiến thức trực giác của họ để nhận diện chức năng của các yếu tố diễn ngôn. Phân tích thể loại theo đường hướng của Swales,J. đã ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực ngôn ngữ chuyên ngành.
Khác với đường hướng của Swales,J., các nhà NPCNHT tiếp cận thể loại trong mối quan hệ giữa hình thức, chức năng và ngữ cảnh. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và ngữ cảnh văn hóa của nó được xem xét thông qua quá trình phân tích cách thức cấu tạo, tổ chức của văn bản nhằm đạt được mục đích giao tiếp dưới dạng tương tác của một nền văn hóa nhất định. Theo đó, phân tích thể loại là mô tả và diễn giải mối quan hệ có tính tầng bậc giữa ngôn ngữ được người tạo văn bản chọn để đạt được một mục đích xã hội và văn hóa chứ
không phải là phân tích các cấu trúc được chi phối bởi các qui định của thể loại. Và khi mô tả các tầng bậc ngôn ngữ, như đã đề cập trong 1.1.3.3., thể loại là biểu hiện của ngữ cảnh văn hóa và sẽ được hiện thực hóa thông qua ngữ cảnh tình huống được biểu hiện bởi các biến thể ngữ vực như trường, cách thức, không khí.
Mặc dù cả hai đường hướng đều chịu ảnh hưởng khá lớn tư tưởng về ngữ cảnh của Malinowski, nhưng thuật ngữ “ ngữ cảnh” của hai trường phái lại khác nhau. Ngữ cảnh trong Swales dường như chỉ liên quan đến một cộng đồng diễn ngôn( discourse community) cụ thể nào đó. Trong cộng đồng diễn ngôn này, các thành viên quy định mục tiêu giao tiếp chung và kiểm soát các loại thể loại được dùng để đạt được mục đích ấy.
Như vậy, đặc điểm ngôn ngữ bị quy định bởi thể loại. Trong NPCNHT, người sử dụng ngôn ngữ xuất phát từ mục đích giao tiếp, lựa chọn ngôn ngữ gắn liền với từng ngữ cảnh cụ thể. Đi theo quan điểm của Malinowski, đường hướng NPCNHT nhấn mạnh ý nghĩa của một sự kiện giao tiếp phải dựa trên nền tảng là ngữ cảnh văn hóa và ngữ cảnh tình huống với những biến thể ngữ vực. Các biến thể ngữ vực này thể hiện đặc điểm của các giai đoạn của diễn ngôn cụ thể nào đó biểu thị thể loại. Nói khác, mỗi giai đoạn biểu thị những mô thức yếu tố ngữ vực riêng. Ba biến thể ngữ vực này tương quan một cách hệ thống với cấu trúc của ngôn ngữ gồm ba cấp độ: ngữ nghĩa diễn ngôn, từ vựng - ngữ pháp, và ngữ âm. Ở cấp độ ngữ nghĩa, biến thể trường được hiện thực hóa trong hệ thống Chuyển tác của ngôn ngữ, biến thể không khí trong hệ thống Thức, và biến thể cách thức trong hệ thống Đề- Thuyết. Vì thế, phân tích thể loại của diễn ngôn nào đó chính là phân tích cấu trúc lược đồ của diễn ngôn ở cấp độ ngữ nghĩa và cấp độ này chứa các mô thức hiện thực hóa ngữ cảnh tình huống và ngữ cảnh văn hóa. Có thể nói rằng chức năng tạo ra thể loại.
Như vậy, bằng việc đi sâu hơn để tìm ra mối quan hệ có hệ thống giữa các cấu trúc lược đồ với việc hiện thực hóa ngôn ngữ, NPCNHT đã thể hiện một bước tiến xa hơn trong nghiên cứu thể loại so với đường hướng của Swales, J. Trong phần nghiên cứu này, chúng tôi sẽ chọn cách hiểu về thể loại của NPCNHT. Theo đó, thể loại là kết quả của một quá trình xã hội tạo ra những biến thể về trường, cách thức và không khí khác nhau.
Những văn bản có cùng một chức năng, mục đích xã hội sẽ có xu hướng tương tự nhau về các biến thể ngữ vực.
Tuy nhiên, liệu điều này có thể xảy ra với các thể loại ở hai ngôn ngữ khác nhau hay không? Trước khi có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này, chúng tôi xin chuyển sang phần cơ sở lý luận tiếp theo trong đối chiếu các ngôn ngữ.