Tu từ học đối chiếu

Một phần của tài liệu Cấu trúc đề thuyết trong văn bản tin tiếng anh và tiếng việt (Trang 39 - 43)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Diễn ngôn và phân tích diễn ngôn

1.3. Tu từ học đối chiếu

Tu từ học đối chiếu đã tồn tại 40 năm từ sự ra đời của bài báo ‘Cultural thought patterns in inter-cultural education’ của Kaplan,R.B. [59]. Mục đích của ông là tìm ra giải pháp giúp cho các sinh viên quốc tế vượt qua các khó khăn khi họ thụ đắc kỹ năng viết tại các trường đại học tại Mỹ (Kaplan,R.B. [60]). Ông đã đưa ra kết luận là những người thuộc nền văn hóa nào sẽ tư duy và viết theo nếp nghĩ của nền văn hóa đó.

(Kaplan,R.B. [59]).

Có hai giai đoạn chính trong lịch sử phát triển tu từ học đối chiếu. Giai đoạn đầu từ năm 1966 đến giữa thập niên 80, và giai đoạn mới phát triển từ thập niên 1980 đến nay.

Những thành tựu trong nghiên cứu về thể loại và ngôn ngữ viết của Swales,J.[85], cùng với sự phát triển nội tại của ngành ngôn ngữ học liên quan đến một số phương pháp nghiên cứu liên ngành bởi các nhà ngôn ngữ học ứng dụng và các học giả quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu đa văn hóa đã góp phần thúc đẩy xu hướng mới trong tu từ học đối chieáu.

Connor,U. [16] đã đưa ra một định nghĩa mới cho tu từ học đối chiếu như sau: đây là một lĩnh vực nghiên cứu về quá trình thụ đắc ngôn ngữ thứ hai. Lĩnh vực này nhận diện và giải thích những khó khăn trong kỹ năng tạo lập văn bản của người học một ngôn ngữ thứ hai do bị ảnh hưởng bởi quy tắc của ngôn ngữ thứ nhất. Ông dựa trên ba nguyên tắc cơ bản sau:

Ngôn ngữ và tạo lập văn bản viết là hai hiện tượng văn hóa Mỗi ngôn ngữ có một quy ước giao tiếp riêng

Những quy ước về ngôn ngữ và giao tiếp của ngôn ngữ một (L1) sẽ cản trở quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ hai (L2).

Vì vậy đối tượng nghiên cứu của tu từ học đối chiếu là xem xét văn bản viết và quá trình tạo lập văn bản từ góc nhìn so sánh đối chiếu đa văn hóa. Kaplan,R.B. [60] cho rằng khái niệm tu từ học (Rhetoric) được hiểu là phân tích diễn ngôn và tu từ học đối chiếu là quá trình phân tích sự sắp xếp tổ chức của diễn ngôn của L2 dưới góc độ ảnh hưởng văn hóa của L1. Tuy nhiên cách hình dung này trong giai đoạn mới đã được xem xét lại và phát triển thành hai lĩnh vực: ngôn ngữ học đối chiếu văn bản (contrastive text linguistics) và giao tiếp bằng ngôn ngữ viết với tư cách là một quá trình tư duy có tính văn hóa xã hội.

Lĩnh vực thứ nhất - ngôn ngữ học đối chiếu văn bản - được xem là tiêu điểm của tu từ học đối chiếu. Nó phân tích các mô thức tu từ và tính liên kết của các ngôn ngữ khác nhau như thế nào thông qua việc so sánh tiếng Anh với một hoặc nhiều ngôn ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Thái (Hinds,J [55], [56]), tiếng Việt (Sotor A.O. [87] ; Hiền, N.T.T [44], và tiếng Ả rập (Ostler,S. [83].

Lĩnh vực thứ hai nghiên cứu quá trình tạo lập văn bản bằng hình thức viết như là một hoạt động mang tính văn hóa xã hội, đòi hỏi sự tương trợ của các phạm vi nghiên cứu khác như tư duy học, văn hóa học, triết học, tâm lý học, hoặc nhân chủng học, vì vậy nó

vẫn ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Từ lâu nay, các bài nghiên cứu khả năng tạo lập văn bản này đều khẳng định rằng tu từ và cách thể hiện tu từ của ngôn ngữ nào mang đậm nét văn hóa của ngôn ngữ đó.

Và điều này được Kaplan,R.B. [61, 21] nhấn mạnh : “ Tính lô gích thể hiện qua cách tổ chức các văn bản ở hình thức viết có tính văn hóa, điều này có nghĩa là hai người nói hai ngôn ngữ khác nhau sẽ có xu hướng tổ chức cùng một sự tình khác nhau”.

Tóm lại theo tu từ học đối chiếu, các văn bản thể loại của các tác giả thuộc các nền văn hóa khác nhau thì khác nhau.

Như vậy liệu ta có thể thấy rằng hình như có một sự mâu thuẫn của hai đường hướng Phân tích thể loại và Tu từ học đối chiếu khi nghiên cứu đối chiếu hai thể loại. Như đã kết luận ở phần 1.2.2, nếu có diễn ngôn thuộc cùng thể loại thì chúng sẽ có nhiều điểm tương đồng do đặc trưng bắt buộc của thể loại. Còn ở đây, theo Tu từ học đối chiếu thì các thể loại văn bản thuộc các nền văn hóa khác nhau thì khác nhau. Câu hỏi đặt ra là liệu có thể có một sự giải thích thỏa đáng nào cho phép hai hướng phân tích diễn ngôn này cùng tồn tại hay không? Điều này chỉ có thể làm được nếu ta chỉ ra được sự phân định giữa thể loại và tu từ. Để tạo ra được sự phân định này, chúng ta cần phải tìm ra điểm khác nhau giữa thể loại và tu từ. Vì vậy chúng tôi xin bàn luận về các quan điểm nhìn nhận khái niệm tu từ trong tu từ học đối chiếu.

Theo Young,R.E., A.L.Becker, and K.L. Pike [109,xii], tu từ chủ yếu liên quan đến quá trình sáng tạo bao gồm các sự lựa chọn của tác giả. Mô tả này có thể kết hợp với ý tưởng của Mauranen: một số sự lựa chọn của người viết sẽ bị hạn định bởi thể loại; trong số những hạn định này có một số biến thể có tính sáng tạo sẽ rơi vào phạm trù tu từ, một phạm trù chứa nhiều yếu tố văn hóa.

Purves,A.C. [84, 9] định nghĩa tu từ là sự lựa chọn các bình diện ngôn ngữ và cấu trúc của diễn ngôn- được chọn ra để tạo ảnh hưởng lên người đọc. Vì thế, tu từ là vấn đề liên quan đến sự lựa chọn sử dụng ngôn ngữ chứ không phải việc sử dụng do các cấu trúc từ vựng -ngữ pháp quyết định. Lúc này chúng ta có thể thấy rằng khái niệm tu từ có vẻ vượt ra khỏi phạm vi của từ vựng - ngữ pháp. Một yếu tố thú vị có thể thấy ở định nghĩa của Purves là nó liên quan đến việc tạo ra ảnh hưởng lên người đọc. Điều này cũng được Mauranen,A. [72,8] khẳng định thông qua việc lựa chọn tu từ, người viết nhắm đến việc tăng độ tin cậy về một định đề nào đó trong trí óc người đọc.

Trong ngôn ngữ học hệ thống, White,P.R.R. [103] cũng đề cập đến cái được gọi là

“tiềm tàng của tu từ trong văn bản”; ông cho nó là cách thức tổ chức văn bản - không chỉ để thuyết phục người đọc một cách tường minh mà còn để gây ảnh hưởng, và cuối cùng là để tự nhiên hóa (naturalize) thái độ, niềm tin,và giả định một cách gián tiếp và ẩn ý hơn.

Từ những bàn luận về tu từ này ta có thể thấy sự khác nhau giữa tu từ và thể loại liên quan đến văn bản. Thể loại liên quan đến những mô thức giống nhau của các loại văn bản có tình huống ngữ cảnh, mục đích và độc giả giống nhau, còn tu từ tập trung chủ yếu vào việc tạo ra văn bản mang tính cá nhân và ảnh hưởng mà văn bản đó mang lại.

Valero- Garces,C. [94,281] kết luận về sự khác nhau giữa thể loại và tu từ khi bà so sánh diễn ngôn khoa học như sau:

Một số các đặc trưng của diễn ngôn khoa học được cung cấp bởi thể loại văn bản, một số đặc trưng khác lại do nền văn hóa mà văn bản đó được tạo ra và cũng do phong cách riêng của người viết. Những đặc trưng đầu giúp chúng ta phân biệt một văn bản kinh tế và một cuốn tiểu thuyết, và các đặc trưng thứ hai (đặc trưng mang tính tu từ) bổ sung vào văn bản một số đặc tính của văn hóa.

Từ sự khác nhau giữa thể loại và tu từ như vậy, luận án đều có thể dựa trên hai thuyết phân tích thể loại và tu từ học đối chiếu để luận giải các đặc trưng của thể loại văn bản tin báo chí của hai ngôn ngữ Anh - Việt. Nếu những nét giống nhau được tìm thấy thì, như đã nói, đây là do những hạn định bắt buộc của thể loại, còn những điểm khác nhau là do những biến thể tu từ tùy thuộc vào từng nền văn hóa khác nhau.

Một phần của tài liệu Cấu trúc đề thuyết trong văn bản tin tiếng anh và tiếng việt (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(230 trang)