CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Diễn ngôn và phân tích diễn ngôn
1.4. Cấu trúc Đề- Thuyết
1.4.1. Những quan niệm về Đề - Thuyết
Thuật ngữ Đề- Thuyết (ĐT) được hiểu và định nghĩa theo nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, điều này không hề ảnh hưởng đến việc dùng ĐT như là một công cụ phân tích diễn ngôn, mà ngược lại nó được sử dụng rất rộng rãi trong giới nghiên cứu diễn ngôn.
Mauranen,A. [72] đã lý giải điều này là do vị thế thú vị của Đề tại giao điểm của ngữ pháp và diễn ngôn. Để lựa chọn được một cái nhìn phù hợp về ĐT, chúng tôi xin tóm lược những định nghĩa và cách hiểu khác nhau về Đề trong ngôn ngữ. Nhìn chung việc sử dụng ĐT khác nhau rơi vào bốn quan niệm khác nhau về Đề: (i) Đề là chủ đề, (ii) Đề là cấp độ thấp nhất trong tỉ lực thông báo, (iii) Đề là cái cho sẵn hoặc cái đã biết, và (iv) Đề là xuất phát điểm của thông điệp, và tất cả bốn quan niệm này hầu như bắt nguồn từ cách định nghĩa về ĐT đầu tiên của Mathesius. Ông định nghĩa Đề bằng hai khái niệm: (i). Là khởi đầu của một phát ngôn đã được biết đến hoặc ít nhất là đã rõ ràng trong một tình huống cho sẵn; (ii). Là nền tảng của phát ngôn và là điều được nói về trong phát ngôn.
“Đề là những gì được tập hợp từ những ngữ cảnh trước đó, còn Thuyết diễn đạt những gì mới, chưa được biết đến từ ngữ cảnh trước” (dẫn theo Firbas,J. [32,11]). Dựa theo cách hình dung này, các nhà ngôn ngữ học đã hoặc đi theo hướng mà Fries,P.H. [37] gọi là đường hướng kết hợp, đánh đồng Đề với cái được bàn về (aboutness), hoặc chủ đề (topic),
hay cho rằng Đề là cái cho sẵn (Given), còn Thuyết là cái mới (New). Hoặc các nhà ngôn ngữ học khác lại đi theo đường hướng phân tách, tách biệt các khái niệm với nhau.
1.4.1.1. Đề là chủ đề (Topic)
Điển hình cho cách hiểu này là Dik,S. [23], Connor, U. và R. Farmer [15], Witte,S.P. [108]. Những nhà ngôn ngữ thuộc trường phái này thích dùng thuật ngữ chủ đề hơn là Đề khi ám chỉ điều được bàn về trong phát ngôn. Đối với Dik,S. [23] chủ đề thể hiện một sự tình mà kết cấu chủ vị bàn về, còn Đề là một cái gì đó nằm ngoài khuôn khổ của kết cấu chủ vị, đứng trước một cú và tách ra bởi sự ngắt quãng trong ngữ điệu. Đối với Connor, U. và R. Farmer [15], chủ đề có thể được hiểu là ý chính hay chủ đề của câu và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào - đầu, giữa và cuối - trong câu. Trong khi đó, thuật ngữ Đề lại được Jones,L.K. [58] sử dụng để ám chỉ “ý chính”, hay “sợi trung tâm” của nhiều cấp độ diễn ngôn. Còn một số nhà ngôn ngữ khác lại sử dụng thuật ngữ Đề – Thuyết để chỉ cho cả hai thuật ngữ gốc là theme- rheme và topic- comment. Levison, S.C. [63] đã loại bỏ đi sự phân biệt giữa hai loại thuật ngữ này. Theo ông không có lý gì lại sử dụng hai cách gọi khác nhau để chỉ cùng “cái bàn về”. Danes,F. [19] cũng hiểu khái niệm Đề (Theme) là chủ đề (Topic) “chúng ta sẽ gọi các phần này là Đề -một điều gì đó mà người ta đang bàn về, và Thuyết - những gì mà người ta nói về Đề" (Danes,F. [19,134]).
Downing,A. [24] không hoàn toàn đồng ý với việc đánh đồng Đề và “cái bàn về”.
Ông đưa ra ví dụ để chứng minh là chúng hoàn toàn khác nhau: Vào lúc 8 giờ sáng nay, Tổng thống đã rời Barajas để tham dự hội nghị quốc tế tại Rome (At 8 o’clock this morning the President left from Barajas to attend the international conference to be held in Rome).
Theo ông, vào lúc 8 giờ sáng nay là Đề nhưng nó không phải là cái mà cả câu bàn về.
Và Halliday,M.A.K. [49] đã chỉ ra việc sử dụng “chủ đề” thay cho “đề” là hoàn toàn không hợp lý. Ông giải thích: “ Cái tên ‘chủ đề’ thường được dùng để chỉ một loại
Đề cụ thể nào đó…., và nó có xu hướng được sử dụng như là một thuật ngữ bao trùm cho hai khái niệm khác nhau về chức năng là Đề và Cái cho sẵn (Halliday,M.A.K. [49,38]).
Liên quan đến cách chia tách cú, Lambrecht,K. [62] cũng chia một cấu trúc thông tin thành hai phần chủ đề (topic) và tiêu điểm (focus). Tuy nhiên, chúng ta không thể xếp quan niệm của ông vào mục này vì ông đã nhấn mạnh khái niệm chủ đề của ông không phải là chủ đề diễn ngôn của Brown,G. & Yule,G. [8], nó cũng không phải là Đề của câu với tư cách là thành tố đầu tiên như trường phái Praha, mà nó là những gì câu bàn về, phần còn lại là tiêu điểm – là những gì liên quan đến chủ đề. Theo ông đây là hai thành tố chính của cấu trúc thông tin chứ không phải cấu trúc Đề – Thuyết.
1.4.1.2. Đề là Cái cho sẵn, cái Cũ
Rất nhiều nhà phân tích đã đánh đồng cấu trúc ĐT và cấu trúc Cái cho sẵn – cái mới, cũng là những khuynh hướng đi theo quan điểm của Mathesius. Halliday M.A.K.
[49] cũng đồng ý rằng nếu mọi cái đều ngang bằng nhau, thì người nói sẽ chọn Đề ngữ từ trong thành phần thông tin Cũ và đặt tiêu điểm của thông tin mới ở một nơi nào đó trong thành phần thuyết ngữ. Tuy nhiên ông phân định rõ “chúng có quan hệ với nhau” nhưng chúng không giống nhau; “ Đề ngữ là cái tôi, người nói chọn làm xuất phát điểm, còn thông tin Cũ là do bạn, người nghe đã biết hoặc có và có thể tiếp cận được.” Ông giải thích thêm Cũ – Mới hướng tới người nghe, còn ĐT hướng tới người nói. Firbas,J. [32]
cũng đồng ý cho rằng có mối quan hệ giữa Cũ- Mới và ĐT nhưng ông lại đưa ra một cách nhìn khác bằng cách đưa ra khái niệm tỉ lực thông báo (communication dynamism) 1.4.1.3. ĐT trong Tỉ lực thông báo
Đây là một quan niệm của Firbas,J. [32]. Ông đã đưa ra một cấu trúc ba cấp :Đề – chuyển tiếp- Thuyết. Theo ông, thông tin mới có nhiều tỉ lực thông báo hơn thông tin cũ và thể hiện cấp độ trong quá trình phát triển từ phần này đến phần kia. Ví dụ:
Long ago, there lived a beautiful queen
Đề chuyển tiếp Thuyết
Sự phân bổ tỉ lực giao tiếp lên các thành phần câu được quyết định bởi các nhân tố thông tin cũ, mới hay có thể phục hồi (retrievable). Vì thế, sự phát triển của thông báo không thể đơn giản là một hiện tượng tuyến tính (Firbas,J. [32,46]). Các tỉ lực giao tiếp nằm trong hai quá trình: (i) quá trình thiết lập nền tảng: tất cả những yếu tố có tính ngữ cảnh đều thiết lập nên một nền tảng để những yếu tố còn lại hoàn thành thông tin và mục tiêu giao tiếp. (ii) Quá trình tạo ra hạt nhân: tất cả các thành tố hoàn chỉnh thông tin tham gia tạo ra lõi của thông tin. Đề được tạo bởi các yếu tố tạo nền tảng, còn các yếu tố tạo lõi thông tin thì làm nên những thành phần không phải là Đề, bao gồm Chuyển tiếp và Thuyết. Nhìn chung Tỉ lực thông báo chi tiết hơn các cách phân tích khác liên quan đến cấu trúc ĐT, nhưng nó cũng gây khá nhiều tranh cãi trong giới ngôn ngữ học và điển hình cho những người đã chỉ ra hạn chế của Jan Firbas là Martin,J.R.[67] và Hawes,T.P. và S.Thomas [54]. Martin,J.R. cho rằng tỉ lực thông báo là vấn đề cấp độ, theo đó đường ranh giới giữa ĐT không cần thiết. Tuy nhiên Martin,J.R. lại khẳng định là việc tìm ra ranh giới giữa ĐT luôn có tính thực tế hơn. Và ông cũng chỉ ra khái niệm Đề của Firbas,J.
cũng rất mơ hồ khi nó cho rằng Đề là những gì câu bàn về và tạo ra xuất phát điểm của thông tin. Hawes,T.P. và S. Thomas [54] lại chỉ ra rằng khó có thể quyết định yếu tố nào là thấp nhất (Đề) và yếu tố nào là cao nhất (Thuyết) trong tỉ lực thông báo. Họ còn chứng minh rằng công trình của Firbas hạn chế ở cấp độ câu riêng lẻ.
1.4.1.4. Đề là xuất phát điểm của thông điệp
Trường phái NPCNHT mà nhân vật nổi bật là Halliday, M.A.K.đi theo “trường phái phân tách” đối với cấu trúc ĐT (Fries,P.H. [37]). Fries ủng hộ đường hướng này khi ông đưa ra hai ví dụ cụ thể để chứng minh không thể có sự đánh đồng ĐT và Cũ- Mới ở đây:
(1a). A. How did you get here so early?
B. I came with TOM today Cũ/ Đề Mới/ Thuyết
(1b) A. How did you get here so early?
B. TOM brought me
Mới/ Đề Cũ /Thuyết
Như vậy có thể thấy rõ ràng là trong ngữ cảnh (1a) Đề trùng với Cũ, nhưng trong ngữ cảnh (1b) thì Đề lại trùng với Mới.
Nói về Đề, Halliday,M.A.K. [49,37] phát biểu “ Đề là một thành phần hoạt động với tư cách là xuất phát điểm của một thông điệp”. Ông còn thận trọng khi cho rằng vị trí xuất phát điểm của cú không phải là định nghĩa về Đề mà nó chỉ là phương tiện nhận ra chức năng của Đề mà thôi. Như vậy, khái niệm này nghe có vẻ thiên về vị trí, và hầu như không có gì liên quan đến nghĩa và chức năng được đề cập đến ở đây. Tuy nhiên, Fries,P.H. [37,118] đã khẳng định rằng có những lý do rất xác đáng về ngữ pháp nội tại để cho rằng điểm khởi đầu rất đặc biệt vì một lý do nào đó. Martin,J.R. [67,151] cũng đã đưa ra một số bằng chứng để chứng minh rằng xuất phát điểm thật sự mang một ý nghĩa nào đó chứ không đơn giản là xuất hiện ở vị trí đầu tiên. Theo Halliday,M.A.K. [49,67], Đề cung cấp một môi trường cho phần còn lại của thông điệp, phần Thuyết. Davies,M.
[21] xác nhận điều này khi ông giải thích Đề khởi đầu một cuộc hành trình về nghĩa của cú, và theo ông nếu người ta chọn một điểm xuất phát khác nhau cho một cuộc hành trình, thì kết quả của các cuộc hành trình đó sẽ khác nhau. Vasconcellos,M. [97,147] nhấn mạnh chức năng của Đề là để đánh dấu mối quan hệ giữa tư duy trong óc của người nói và sự diễn đạt của nó trong diễn ngôn. Đây là một yếu tố rất quan trọng vì Đề thể hiện được sự liên kết giữa suy nghĩ và sự lặp lại liên tiếp trong diễn ngôn. Việc người nói/ viết chọn thành phần này hay thành phần khác ở vị trí Đề trong cú phụ thuộc vào suy nghĩ mà họ muốn diễn đạt và dựa trên cách họ muốn gắn kết suy nghĩ đó với các cú xung quanh.
Khi phân tích diễn ngôn và cấu trúc ĐT của nó “chúng ta có thể hiểu sâu về cấu trúc diễn ngôn và nắm được cách thức người viết truyền đạt bản chất của những gì họ quan tâm đến cho chúng ta một cách rõ ràng” (Halliday,M.A.K. [49, 67]). Halliday mô tả Đề của một cú luôn chứa một thành phần kinh nghiệm, hoặc là chu cảnh, tham thể hay quá trình. Đây là thành phần của hệ thống chuyển tác, là sự lựa chọn liên quan đến nội dung tri nhận, là sự thể hiện bằng ngôn ngữ các kinh nghiệm ngoài ngôn ngữ: gồm các hiện tượng thế giới bên ngoài, cảm giác, suy nghĩ và nhận thức (Halliday,M.A.K.
[45,199]). Vì thế Đề của cú về hình thức là thành phần đầu tiên của cú, có chức năng kết hợp quá trình diễn đạt nhận thức của người nói về thực tại và mối quan tâm của người nói trong việc chuyển tải nhận thức đó đến cho người nghe. Về tri nhận, vị thế của Đề chỉ về một thế giới kinh nghiệm, còn về giao tiếp thì có có vai trò liên kết diễn ngôn. Như vậy việc lựa chọn Đề chịu một số áp lực : áp lực về diễn ngôn bao gồm niềm hy vọng liên kết điểm khởi đầu của một cú với một yếu tố nào đó đã xuất hiện trong diễn ngôn trước đó, áp lực về kinh nghiệm bao gồm sự mong muốn thể hiện một mô hình kinh nghiệm thông qua cú. Ngoài ra, theo Berry,M. [4,19], Đề còn chịu áp lực của tính liên nhân, chỉ ra bản chất tương tác giữa các thành phần tham gia giao tiếp.
Nói một cách ngắn gọn, cấu trúc ĐT trong NPCNHT là một yếu tố thể hiện nét nghĩa văn bản của diễn ngôn, nó cùng với hai cấu trúc khác là Chuyển tác và Thức làm nên một nét nghĩa đầy đủ của một diễn ngôn. Đó chính là nét ưu việt của NPCNHT so với các đường hướng khác trong phân tích diễn ngôn (Diệp Quang Ban [118]).
1.4.2. Quan niệm về cấu trúc ĐT trong giới Việt ngữ
Ở Việt Nam, do bị ảnh hưởng bởi các trường phái nghiên cứu khác nhau trên thế giới, thuật ngữ Đề – Thuyết cũng được sử dụng với nhiều cách hiểu khác nhau. Lưu Vân Lăng [137] cho rằng Đề (subject) và Thuyết (predicate) là hai thành phần làm nên nòng
cốt câu. Đề còn được hiểu là các thành phần nằm ngoài nòng cốt câu và được gọi bằng những tên khác nhau như “khởi ngữ”, “đề” (Nguyễn Kim Thản [147], Diệp Quang Ban [112]. Kết quả là sự phân biệt giữa trạng ngữ và bổ ngữ, khởi ngữ, đề ngữ và chủ ngữ trở nên phức tạp và “dường như được xác định chủ yếu theo vị trí tuyến tính” (Hoàng Văn Vân [155]). Có lẽ đỉnh cao của việc phân tích cấu trúc ĐT của tiếng Việt là công trình nghiên cứu của Cao Xuân Hạo [125]. Theo ông “Khi nói ra một câu người ta đưa ra một cái đề, rồi nói một điều gì về cái đề đó hoặc trong khuôn khổ của cái đề đó. (Tr. 79). Như vậy thuật ngữ Đề của ông chính là Chủ đề – Thuật đề (Topic- Comment). Ông đưa ra được ranh giới phân định giữa Đề và Thuyết – tác tử “thì” và “là”. Tuy nhiên, ranh giới này đã chịu sự phê phán gay gắt của các nhà Việt ngữ như Đỗ Hữu Châu [120], Hồ Lê [140], Lưu Vân Lăng [139]. Hồ Lê [140,52-3] đã kết luận rằng những cách phân tích của Cao Xuân Hạo là quá phức tạp và nhiều chỗ tỏ ra không phù hợp. Ngoài ra , việc ông đưa ra cấu trúc ĐT không phải nhằm mục đích phân tích diễn ngôn mà chủ yếu là để đối nghịch hoàn toàn với cấu trúc chủ - vị, vốn đã tồn tại lâu đời trong phân tích câu tiếng Việt. Như vậy, cách tiếp cận của ông với cấu trúc này là hoàn toàn khác với NPCNHT.
Việc có cần thiết phải đối nghịch hoàn toàn hai cấu trúc hay không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, tại sao ta lại không thử xem hai cấu trúc tồn tại cùng lúc và bổ sung cho nhau cùng với cấu trúc thứ ba - chuyển tác như những gì NPCNHT đã thể hiện. Và thực sự, gần đây đã có nhiều công trình tiếp cận NPCNHT và dùng nó để mô tả cấu trúc ĐT trong tiếng Việt như Hoàng Văn Vân [155], Diệp Quang Ban [119], Đức, T.M.[27], Tôn Nữ Mỹ Nhật [141], Nhật, T.N.M. [77], Nguyễn Thị Thanh Hương [133]. Công trình nghiên cứu của Hoàng Văn Vân [155] mặc dù không phải là một chuyên mục dành riêng cho ĐT, nhưng ông đã khẳng định rằng tổ chức đề ngữ trong tiếng Việt nhìn chung giống
với tổ chức đề ngữ trong tiếng Anh. Có thể nói là công trình của ông khởi đầu một cách chính thức cho việc đi theo NPCNHT của Halliday để mô tả tiếng Việt. Diệp Quang Ban dường như đi theo quan điểm của Halliday [49] trong việc nhận diện ranh giới ĐT. Theo ông, phần đề là xuất phát điểm cho câu, còn phần còn lại là Thuyết. “ Phần đề giới thiệu sự có mặt của phần thuyết; phần thuyết nêu điều có quan hệ về phương diện nào đó với phần đề” (Diệp Quang Ban [119,40]). Hơn nữa, Diệp Quang Ban đã chấp nhận thuyết của NPCNHT vào trong tiếng Việt bằng những ví dụ minh chứng cho mối quan hệ qua lại của ba cấu trúc ĐT - Chuyển tác - Thức.
1.4.3. Cấu trúc ĐT trong phân tích thể loại
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm ra mối quan hệ qua lại giữa nội dung Đề, phát triển Đề và thể loại như Taylor,C. [91], Nwogu,K.N. [80], Nwogu,K.N. & T.Bloor [81], Francis,G. [35], Ghadessy,M. [42]… Ngoài ra còn một số công trình khác sẽ được đề cập chi tiết trong phần này.
Whittaker,R. [105,117] so sánh các bài báo thuộc hai chuyên ngành ngôn ngữ và kinh tế viết bằng tiếng Anh. Bà đã nhận diện những nét giống nhau ở Đề văn bản và Đề liên nhân của hai thể loại và lý giải điều này là do có sự giống nhau về mục đích và độc giả: cả hai đều trình bày dưới dạng một báo cáo công trình nghiên cứu khoa học cho đồng nghiệp. Tuy nhiên lại khác nhau ở Đề kinh nghiệm, đặc biệt ở quá trình vật chất, và lý giải là do có sự khác nhau về Trường của diễn ngôn.
Francis,G. & Kramer- Dahl [36] so sánh một báo cáo trong lĩnh vực tâm lý học thần kinh do Oviler Sacks viết và một bài báo in trong tạp chí chuyên ngành. Các tác giả đã chỉ ra rằng sự lựa chọn Đề của Sacks thể hiện sự quan tâm gần gũi với bệnh nhân, còn bài báo trong tạp chí lại chọn những loại Đề có tính xa cách, thể hiện tính khách quan. Ngoài ra Sacks sử dụng nhiều loại Đề đánh dấu hơn. Theo các tác giả thì đây là biểu hiện của