CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.4 Các tiêu chí phát triển du lịch bền vững
1.4.1 Sự phát triển bền vững về kinh tế
1.4.1.1 Chỉ số về GDP du lịch tăng
Du lịch cũng như tất cả các ngành kinh tế khác đều cần được đánh giá sự phát triển thông qua sự gia tăng về doanh thu, về giá trị đóng góp cho nền kinh tế quốc dân. Với quan điểm phát triển thông thường, sự gia tăng các giá trị này của ngành kinh tế nào càng lớn thì ngành kinh tế đó càng được coi là phát triển mạnh.
Tuy nhiên, trên quan điểm phát triển bền vững thì sự gia tăng các chỉ số này chưa phải là quyết định mà còn cần xem xét nhiều yếu tố khác nữa như:
giá trị gia tăng đều qua các năm, tương lai phát triển của ngành trong nền kinh tế quốc dân, sự phát triển ngành đến xã hội, đến môi trường…
Tỷ lệ GDP du lịch trong cơ cấu GDP của cả nước được biểu thị bằng chỉ số M và được xác định thông qua công thức sau:
Trong đó: Tp = GDP du lịch
Np = Tổng GDP của cả nước Chỉ số M phản ánh tình trạng phát triển thực tế của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân. Giá trị M càng cao, ổn định và tăng theo thời gian thì ngành du lịch càng phát triển gần với mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó dấu hiệu để đánh giá mức độ bền vững của hoạt động du lịch có thể được xem xét thông qua mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành du lịch.
1.4.1.2 Các chỉ số về khách tăng
Trên quan điểm phát triển du lịch thông thường, người ta thường chỉ quan tâm đến chỉ số về lượng khách. Nhưng khi trên quan điểm phát triển du lịch bền vững thì các chỉ số về ngày lưu trú, khả năng chi tiêu, mức độ hài lòng và tỷ lệ quay lại một quốc gia, một vùng, một điểm du lịch nào đó của khách lại được quan tâm và đánh giá cao hơn.
M = Tp Np
Xét về mặt hiệu quả kinh tế so với việc đông khách nhưng thời gian lưu trú ngắn, mức chi tiêu thấp thì trường hợp ít khách mà khách có thời gian lưu trú dài hơn và mức chi tiêu cao hơn mang lại hiệu quả cao hơn.
Việc nghiên cứu số lượng khách quay trở lại một quốc gia, một vùng hoặc một khu, điểm du lịch nào đó ngoài việc cho phép đánh giá được chất lượng sản phẩm du lịch của quốc gia, vùng, khu, điểm du lịch đó còn cho phép xác định lượng khách du lịch đến đó.
Các kết quả này có một vai trò hết sức quan trọng trong việc phân tích, dự báo xu hướng phát triển luồng khách và giúp cho việc xây dựng nên các sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách. Sự hài lòng của du khách là tấm gương phản ánh chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng đội ngũ lao động bên cạnh những điều kiện thuận lợi khách quan như thời tiết, an ninh chính trị…
Như vậy có thể thấy lượng khách quay trở lại là một trong những dấu hiệu quan trọng để xác định tính bền vững trong phát triển du lịch lich nhìn từ góc độ kinh tế.
Chính vì vậy mức độ hài lòng của du khách sẽ là dấu hiệu quan trọng về trạng thái bền vững của hoạt động du lịch và là một trong các mục tiêu của phát triển du lịch bền vững.
1.4.1.3 Chất lượng nguồn nhân lực du lịch luôn được nâng cao
Trong hoạt động du lịch, chất lượng đội ngũ lao động luôn là yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển. Điều này càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh ngày càng trở nên cạnh tranh gay gắt của hoạt động du lịch. Chất lượng đội ngũ lao động là nhân tố quan trọng trong việc quyết định chất lượng sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ và kết quả cuối cùng là ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, đến sự tăng trưởng du lịch đứng từ góc độ kinh tế.
Như vậy chất lượng của đội ngũ lao động không chỉ là yếu tố thu hút du khách, nâng cao uy tín của ngành, mà còn là yếu tố quan trọng trong cạnh tranh thu hút khách, đảm bảo sự phát triển du lịch bền vững.
Chính vì vậy mức độ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được coi là một trong những dấu hiệu quan trọng để nhận biết sự phát triển bền vững của du lịch.
1.4.1.4 Tính trách nhiệm trong hoạt động tuyên truyền quảng bá du lịch
Điều này thể hiện trước hết ở sự trung thực trong việc giới thiệu các sản phẩm du lịch được chào bán. Đối với phát triển du lịch bền vững ngoài chức năng mở rộng thị trường giới thiệu sản phẩm du lịch đến du khách, hoạt động tuyên truyền quảng bá còn có trách nhiệm cung cấp thông tin, đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho du khách về thái độ ứng xử đối với cộng đồng với truyền thống văn hóa, với cảnh quan môi trường nơi du khách sẽ tới thăm quan.
Điều này sẽ giúp hạn chế được những tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới tài nguyên, môi trường thiên nhiên, tới các giá trị văn hóa bản địa, tạo ra sự gần gũi, hòa nhập giữa du khách với thiên nhiên và cộng đồng.
Kết quả sẽ đem lại cho du khách chuyến đi bổ ích và ấn tượng để lại sau chuyến đi như vậy chắc chắn sẽ thu hút khách quay lại. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển du lịch bền vững không chỉ dưới góc độ bền vững kinh tế mà còn đảm bảo cho sự bền vững về tài nguyên môi trường và xã hội.
1.4.1.5 Số lượng các khu, điểm du lịch được tôn tạo, bảo vệ
Mục tiêu của việc phát triển bền vững là hạn chế tối đa việc khai thác quá mức và lãng phí các nguồn tài nguyên, đặc biệt là các tài nguyên tự nhiên không tái tạo. Chính vì vậy số lượng các khu, điểm du lịch được đầu tư, tôn tạo, bảo vệ được coi là một trong những dấu hiệu nhận biết về sự phát triển bền vững của hoạt động du lịch. Quốc gia nào càng có nhiều các khu, điểm du lịch được đầu tư, bảo vệ, tôn tạo chứng tỏ hoạt động phát triển du lịch ở quốc gia đó càng gần với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo tổ chức du lịch thế giới WTO, nếu tỷ số này vượt quá 50 % thì hoạt động du lịch được xem là trong trạng thái bền vững.
Trong việc đầu tư, ngoài nguồn đầu tư từ nhà nước hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn đầu tư quan trọng là từ thu nhập du lịch. Nguồn đầu tư này
càng lớn chứng tỏ rằng ý thức của ngành du lịch đối với tầm quan trọng của phát triển bền vững. Chính vì vậy quy mô đầu tư (tỉ lệ tái đầu tư) từ thu nhập du lịch sẽ được xem là dấu hiệu nhận biết quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch bền vững từ góc độ bền vững của tài nguyên, môi trường.
1.4.1.6 Số lượng các khu, các điểm du lịch được quy hoạch
Việc xây dựng quy hoạch làm căn cứ cho triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển cụ thể đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch. Quy hoạch là quá trình kiểm kê, phân tích các tiềm lực tài nguyên và các điều kiện có liên quan để xác định phương án phát triển phù hợp, đảm bảo việc khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên du lịch và có được các biện pháp hạn chế tác động của hoạt động phát triển đến môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội.
Chính vì vậy số lượng các khu, điểm du lịch được quy hoạch sẽ là dấu hiệu nhận biết của quá trình phát triển du lịch bền vững từ góc độ đảm bảo sự bền vững về tài nguyên môi trường cũng như từ góc độ đảm bảo sự phát triển về kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội chung của khu vực.
1.4.1.7 Mức độ quản lý tài nguyên tại các khu, điểm du lịch
Một trong những vấn đề liên quan đến phát triển bền vững là việc tiêu thụ và sử dụng các nguồn tài nguyên, năng lượng cơ bản như nước, điện, than, củi…. Phục vụ sinh hoạt của cộng đồng địa phương và du khách. Hoạt động phát triển du lịch tất yếu sẽ dẫn tới sự gia tăng trong nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng kể trên nhưng nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng này đặc biệt cao tại các khách sạn được xếp hạng, tại các nhà hàng đặc sản.
Điều này đưa đến sự thiếu hụt các nguồn năng lượng nói trên trong khi việc tìm ra các nguồn năng lượng thay thế còn chưa được đáp ứng.
Phát triển du lịch bền vững phải đảm bảo xác định được cường độ hoạt động của các điểm du lịch sao cho không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn về môi trường, tiêu thụ năng lượng và sức chứa.