CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÂM ĐỒNG TRÊN QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
2.1 Tiềm năng du lịch tỉnh Lâm Đồng
2.1.1.2 Tài nguyên du lịch tự nhiên
Hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được quy hoạch 1996 đánh giá khá đầy đủ, tuy nhiên cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố mới, chúng ta có thể phân thành các khu vực sau:
Trung tâm du lịch phía Bắc bao gồm thành phố Đà Lạt và các vùng phụ cận. Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên có độ cao 1.500m, khí hậu mát mẻ quanh năm, cách các đô thị lớn của vùng và khu vực không xa, giao thông thuận lợi. Đà Lạt có nhiều cảnh thiên nhiên kỳ thú nổi tiếng về hồ, về thác nước và rừng thông.
Trung tâm du lịch phía Nam gồm thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận:
Bảo Lộc nằm trên cao nguyên Bảo Lộc – Di Linh có độ cao 1.000m, khí hậu ôn hoà, có cảnh quan thiên nhiên đẹp.
Rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt: tổng diện tích là 22.320ha, gồm đất có rừng là 18.234ha, trong đó rừng tự nhiên là 13.446ha gồm rừng lá kim (thông 3 lá) có 11.042ha, rừng lá rộng thường xanh 2.196ha.
Theo kết quả điều tra, rừng phòng hộ môi trường cảnh quan thành phố Đà Lạt có nhiều loại động thực vật quý hiếm được đánh giá là một trong những tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị, thích hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng với nhiều loại hình hấp dẫn như du lịch nghĩ dưỡng chất lượng cao, tham quan thắng cảnh, vui chơi giải trí thể thao…
Hồ Xuân Hương: là hồ nước nhân tạo nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt được xây dựng vào năm 1919, được ví như là trái tim của thành phố.
Chiều rộng mặt hồ trung bình là 200m, diện tích toàn lưu vực khoảng 21km2. Xung quanh hồ có cảnh quan rừng thông và các bãi cỏ, vườn hoa. Đây là địa điểm phù hợp đi dạo bộ, hoặc xe ngựa vãn cảnh.
Hồ Xuân Hương là điểm cảnh quan nổi tiếng cả nước, đang được khai thác thành điểm vui chơi giải trí, thư giãn…cho các du khách khi đến với thành phố hoa.
Hồ Tuyền Lâm: đây là hồ nước ngọt rộng nhất Ðà Lạt, với diện tích khoảng 320ha, nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt 7km và cách thác Ðatanla 2km. Hồ nằm gần núi Phụng Hoàng, đây được xem là khu phức hợp tập trung nhiều cảnh quan đẹp và dịch vụ du lịch phong phú.
Hồ Tuyền Lâm là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ có nhiều ốc đảo nhỏ và được bao bọc bởi khu rừng thông. Trúc Lâm Thiền Viện là một thiền viện nằm ở phía Đông Nam hồ nước này. Một đập nước được xây dựng tại đây với chức năng điều tiết nước. Hiện đang có dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf và khu săn bắn bên hồ.
Hồ Đankia – Suối Vàng (Ankroet): là một điểm tham quan du lịch nổi tiếng của Đà Lạt nằm cách trung tâm Đà Lạt 12km về phía Bắc, hồ Đankia –
Suối vàng trông như một thiếu nữ vừa bước vào tuổi thanh xuân nằm phơi mình bên những đồi thông xanh biếc trập trùng. Nơi đây, năm 1893 bác sĩ A.Yersin đã từng ngây ngất trước vẽ đẹp thiên nhiên của núi non hùng vĩ trên cao nguyên Langbiang và từ đó đã khai sinh ý tưởng thiết lập một trạm nghỉ dưỡng trên cao nguyên – thành phố Đà Lạt.
Hồ Suối Vàng gồm có hai hồ Đankia và Ankoret có sức chứa khoảng 21 triệu m3 nước cung cấp nguồn nước cho hai nhà máy điện và nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt. Ngay phía dưới hồ Đankia có một thác nước đẹp gọi là thác 7 tầng, thềm thác rộng có thể chứa được hàng trăm du khách vui chơi cùng một lúc.
Đankia – Suối Vàng từ lâu đã được đánh giá là tiềm năng du lịch tự nhiên có giá trị thích hợp các loại hình du lịch gắn với hồ nước và cảnh quan rừng thông ven hồ với các sản phẩm như nghĩ dưỡng và vui chơi giải trí chất lượng cao, hội nghị hội thảo…
Hồ Than Thở: còn có tên là hồ Sương Mai nằm ở phía Bắc thành phố và cách trung tâm Đà Lạt khoảng 6km, hồ có diện tích mặt nước khoảng 9ha, nhưng nằm ở vị trí yên tĩnh, giữa rừng thông bạt ngàn từ lâu đã đi vào truyền thuyết và gắn liền với tên tuổi của thành phố cao nguyên.
Hồ Than Thở là nơi có thể khai thác khoảng không gian tĩnh mịch với mục đích thư giãn sau những thời gian làm việc căng thẳng.
Thung lũng Tình yêu: nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 5km về phía Bắc, chìm sâu bên sườn đồi với những rừng thông quanh năm xanh biếc.
Trong thung lũng có hồ Đa Thiện với diện tích mặt nước khoảng 6ha, nhiều lối mòn với hàng trăm bậc cấp, các cổng hoa với màu sắc rực rỡ và đồi Vọng Cảnh như một bức tranh thiên nhiên sinh động. Tại đây có thể khai thác những huyền thoại tình yêu lãng mạn và vẻ đẹp quyến rũ của cảnh quan để phát triển du lịch.
Thác Cam Ly: suối Cam Ly bắt nguồn từ phía Đông Bắc thành phố chảy qua hồ Than Thở đến hồ Xuân Hương sau đó đổ về thác Cam Ly. Thác Cam Ly cao 12m, cách trung tâm thành phố khoảng 3km.
Thác Cam Ly được đánh giá là điểm tài nguyên có giá trị phục vụ khách du lịch tham quan, vãn cảnh. Tuy nhiên để khai thác có hiệu quả điểm tài nguyên này chúng ta phải có giải pháp bảo vệ nguồn nước.
Thác Đatanla: nằm cách thành phố Đà Lạt khoàng 5km theo quốc lộ 20. Với độ cao khoảng 32m là thác cao nhất trong số các thác nằm quanh Đà Lạt. Thác Đatanla là tài nguyên phục vụ khách tham quan, vọng cảnh.
Thác Prenn: là một thác nước đẹp thuộc tỉnh Lâm Đồng. Thác mang một vẻ êm dịu, duyên dáng như một màn nước đổ nhè nhẹ từ độ cao 10m xuống một hồ nước nhỏ, xung quanh đầy hoa lá và một đồi thông vi vu.
Thác Prenn nằm ở chân đèo Prenn cách trung tâm Đà Lạt khoảng 10km, nằm ven quốc lộ 20. Đã từ lâu được đánh giá là điểm tham quan du lịch rất nổi tiếng ở Đà Lạt và tiếp tục được đánh giá là tài nguyên du lịch có giá trị của tỉnh.
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà: là một trong những khu bảo tồn lớn nhất nước Việt Nam có diện tích 66.067,47ha. Các đợt khảo sát trước đây đã xác định được 1,933 loài thực vật và 398 loài động vật.
Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là một mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới của Việt Nam và cũng là kiểu rừng đặc trưng cho vùng cao nguyên. Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là một trong những tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng của tỉnh Lâm Đồng, với các sản phẩm có thể khai thác như khám phá thiên nhiên, nghiên cứu đào tạo, nghĩ dưỡng, thể thao mạo hiểm…
Núi Langbiang: Langbiang hay còn có tên gọi khác là núi Bà, có độ cao tuyệt đối là 2.167m nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 12km về phía Bắc. Đây là khu núi cao còn giữ được nhiều cảnh quan đẹp. Langbiang là điểm tài nguyên du lịch sinh thái. Các loại hình có thể khai thác là du lịch nghĩ dưỡng, thể thao, vọng cảnh, vui chơi, ẩm thực…
Vườn hoa Đà Lạt: Vườn hoa Đà Lạt nằm ở số 2 Phù Đổng Thiên Vương, cạnh con đường từ hồ Xuân Hương đến trường Đại Học Đà Lạt.
Vườn hoa Đà Lạt có từ năm 1966, đến năm 1985 thì được khôi phục lại để
trồng các loại hoa mới. Ở đây có trên 300 loài hoa, trong đó có tới hàng trăm loài hoa như hồng, cúc, lay ơn, hoa lan, cẩm tú cầu, mimôda...nở quanh năm, thích hợp với loại hình tham quan, nghiên cứu.
Rừng Cát Lộc (huyện Cát Tiên): Rừng Cát Lộc thuộc vườn Quốc gia Cát Tiên rộng khoảng 35.000ha thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, là khu vực đa dạng sinh học có giá trị nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế.
Hệ động, thực vật rừng đa dạng và phong phú với nhiều loài quý hiếm, đặc hữu phục vụ nghiên cứu tìm hiểu.
Với tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng, khu rừng Cát Lộc có thể khai thác trở thành một điểm du lịch sinh thái với nhiều loại hình hấp dẫn không chỉ của du lịch Lâm Đồng mà còn là du lịch của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông còn khó khăn và rừng chưa được đầu tư quy hoạch nên khả năng phát triển du lịch còn nhiều hạn chế. Có thể xem đây là nguồn tài nguyên lớn để phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng trong tương lai.
Thác Đambri (thành phố Bảo Lộc): nằm thành phố Bảo Lộc khoảng 10km về phía Bắc, cách thành phố Đà Lạt khoảng 120km. Với độ cao khoảng 38 m, nằm giữa khung cảnh đồi núi hùng vĩ, đây là thác vào loại lớn nhất ở tỉnh Lâm Đồng và là một điểm thắng cảnh có giá trị tuộc khu vực phía Nam tỉnh.
Ngoài thác nước, ở đây còn có hồ nước cảnh quan, thảm thực vật phong phú là tiềm năng để phát triển thành điểm du lịch tham quan và sinh thái hấp dẫn, chiếm vị trí xứng đáng trong hệ thống các điểm tài nguyên du lịch quan trọng của tỉnh Lâm Đồng.
Hồ Đa Nhim và đèo Ngoạn Mục (huyện Đơn Dương): còn có tên gọi khác là hồ Đu Sang, nằm trên quốc lộ 21 từ Phan Rang lên Đà Lạt, cách thành phố Đà Lạt khoảng 40km về hướng Đông. Hồ Đa Nhim là một hồ lớn, có diện tích mặt nước rộng khoảng 1.000ha. Đèo Ngoạn Mục là một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với con đường vừa uốn lượn vừa gấp khúc…rất hấp dẫn du khách.
Hiện tại hồ Đa Nhim đang được khai thác để phục vụ thủy điện Đa Nhim. Tuy nhiên trong tương lai, hồ có thể khai thác phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng và thể thao dưới nước.
Thác Pongour (huyện Đức Trọng): Thác Pongour hay còn gọi là thác Bảy tầng là một ngọn thác tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, nằm cách Đà Lạt 50 km về hướng Nam.Thác đổ từ độ cao gần 40 m, trải rộng hơn 100 m, qua hệ thống đá bậc thang bảy tầng.
Bao quanh là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Mặc dù hệ thống đường giao thông đi đến thác còn khó khăn, nhưng thác Pongour là điểm tài nguyên có giá trị tham quan du lịch.
Thác Gougah: Thác Gougah còn có tên gọi là thác Ổ Gà (do người dân ở đây họ không gọi là thác “Gougah” mà họ gọi là thác “Ô Ga”, lúc đó đường xá ở đây hư hỏng, chưa trải nhựa, mặt đường có nhiều lỗ hỏng – thường gọi là ổ gà. Vậy nên người dân ở đây hay nói đùa là thác ổ gà, từ đó quen miệng gọi thác này là thác “Ổ Gà”), thuộc địa bàn xóm Chung, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Thác Gougah nằm sát quốc lộ 20 cách Đà Lạt chừng 37km.
Thác Gougah được tạo thành bởi dòng Đa Nhim chảy qua thị trấn Liên Nghĩa, đến địa phận xã Phú Hội gặp đứt gãy và đổ xuống độ sâu 30 m. Thác Gougah là một trong những điểm du ịch hấp dẫn đối với du khách đến tham quan và nghiên cứu.
Thác Tà Ngào (huyện Bảo Lâm): Thác Tà Ngào thuộc địa phận xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm nằm cách trung tâm thành phố Bảo Lộc khoảng 10 km về phía Nam theo quốc lộ 55. Thác nước cao khoảng 30 m trong khu rừng nguyên sinh với những thân cây cao vút, cảnh quan rất thơ mộng.
Hiện tại thác Tà Ngào đã được khai thác phục vụ du lịch và là điểm tham quan, thư giãn lý tưởng của du khách tại khu vực thành phố Bảo Lộc và phụ cận. Trong tương lai cần mở rộng quy mô để tương xứng với tiềm năng khu vực.
Suối Tiến (huyện Đạ Huoai): Suối Tiên là khu vực có cảnh quan đẹp nằm ven suối, nằm tại km 152 trên quốc lộ 20 thành phố Hồ Chí Minh – Đà Lạt. Với tổng diện tích rừng gần 600 ha, nằm trong vùng khí hậu mát mẻ, giữa vùng đồi núi có nhiều cảnh quan đẹp, thảm thực vật và động vật phong phú đa dạng tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của thiên nhiên.
Ngày nay, khu vực Suối Tiên đã được Saigon Tourist đầu tư xây dựng thành khu du lịch Madagui mang chủ đề khám phá rừng mưa nhiệt đới với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên quy mô khai thác mới chỉ đạt một phần nhỏ tiềm năng.
Suối nước nóng Đam Rông (huyện Đam Rông): nằm ở địa bàn xã Đam Rông, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt chừng 70 km về phía Tây Bắc, suối nước nóng thiên nhiên Đam Rông – một tiềm năng du lịch sinh thái và chữa bệnh hấp dẫn ở xứ sở sương mù đầy quyến rũ.
Khu vực Đam Rông được bao quanh bởi rừng cây tự nhiên lẫn nhân tạo khá đa dạng chủng loại và có một hệ thống đá bàn, đá phiến đan xen. Dòng nước nóng bắt nguồn từ dưới lòng đất phun trào với nhiệt độ trung bình khoảng 40 – 450C, nồng độ lưu huỳnh cao hơn các suối nước nóng khác ở nhiều vùng khác nên có tác dụng chữa bệnh ngoài da, thấp khớp, cao huyết áp, rối loạn tim mạch rất hiệu nghiệm.
Suối nước nóng Đam Rông là tiềm năng phát triển du lịch nghĩ dưỡng chữa bệnh.
Hồ Đại Ninh (huyện Đức Trọng): Hồ Đại Ninh nằm trên sông Da Queyon thuộc địa phận xã Ninh Gia, huyện Đức trọng, tỉnh Lâm Đồng, nằm cạnh bên cạnh quốc lộ 20. Hồ đang được xây dựng để phát triển với mục đích thủy lợi.
Tuy nhiên với diện tích mặt nước lớn, vị trí dễ tiếp cận, đây là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái hồ, một trong những loại hình du lịch còn thiếu vắng ở khu vực miền Trung tỉnh Lâm Đồng.
Ngoài những điển hình trên, tỉnh Lâm Đồng còn có nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên có giá trị như thác Phi Liêng, thác Tĩnh Tang (Đam Rông), thác
Huỳnh Chước, thác Bảo Đại – Tuyền Lâm, thác Bông Giang, thác Phụng Sơn, thác Vọng, hồ Tà Nung…(Đà Lạt), thác Queyon, thác Bảo Đại – Tà Hine, thác Liên Khương (Đức Trọng), thác Liliang, thác Bopla, thác Bobia, thác Phú Xuân (Di Linh), hồ Nam Phương, khu rừng nguyên sinh Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc), hồ Bảy Mẫu (Lộc Thắng), thác Cam Ly hạ, thác Đa Dâng, thác Đa Cho Mo (huyện Lâm Hà), hồ Đạ Tẻh, thác Trời, thác Triệu Hải (huyện Đạ Tẻh), thác 9 tầng Bù Gia Rá (huyện Cát Tiên),…
Và nhiều điểm cảnh quan khác có giá trị và có rất nhiều khả năng phục vụ du lịch trong giai đoạn lâu dài.
Danh mục các tài nguyên du lịch tự nhiên có khả năng khai thác để phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xem phụ lục 1.