CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÂM ĐỒNG TRÊN QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
2.1 Tiềm năng du lịch tỉnh Lâm Đồng
2.1.2 Cơ sở hạ tầng
2.1.2.1 Cơ sở hạ tầng kỹ thuật
Cùng với sự phát triển về kinh tế xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng như giao thông, điên, nước, giao thông liên lạc…đã được cải thiện đáng kể có tác dụng tích cực đến sự phát triển du lịch của từng địa phương trong tỉnh, góp phần tăng khả năng vận chuyển khách, khả năng tiếp cận các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt của du khách và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển du lịch trong tương lai.
a. Giao thông: sau hơn 20 năm đầu tư xây dựng và phát triển trong hoàn cảnh hoà bình, Lâm Đồng đã nỗ lực trong việc thiết lập hệ thống đường bộ có chất lượng tương đối tốt và phân bố đều khắp các vùng trong tỉnh, một mặt đảm bảo giao thông thuận lợi trong nội tỉnh, mặt khác đặt Lâm Đồng vào vị trí cầu nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Hơn nữa, với hệ thống quốc lộ chạy qua và việc nối tuyến với quốc lộ 1A, Lâm Đồng có thể dễ dàng giao lưu với các tỉnh khác trong cả nước. Hiện nay, hệ thống đường bộ của Lâm Đồng tương đối dày và phân bố khá đều khắp trong tỉnh, cho phép các phương tiện giao thông có thể đến được hầu hết các xã và đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân.
Đường bộ: hệ thống đường bộ của Lâm Đồng phân bố khá đều khắp trong tỉnh, đường ô tô đến 97% các trung tâm xã với tổng chiều dài 2.039,4 km, trong đó đường bê tông nhựa dài 586,72km (chiếm 28,8%), đường cấp phối 532,2km (chiếm 25,7%), đường đất có 929,48km (chiếm 45,5%). So sánh với năm 1993, toàn tỉnh Lâm Đồng có tổng số chiều dài đường bộ là 1744km, trong đó đường quốc lộ là 317km, đường tỉnh lộ là 390km, đường
nội đô (đường đô thị) là 119km, đường cấp huyện là 309km và đường chuyên dùng là 11km.
Đường không: Lâm Đồng có sân bay Liên Khương, cách thành phố Đà Lạt 30km, rộng 160ha thuộc cụm cảng hàng không sân bay miền Nam, đường băng dài 3.000m, rộng 34m. Năm 2005, đã mở tuyến bay trực tiếp Đà Lạt – Hà Nội và ngược lại với tần suất 3 chuyến/tuần phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, đảm bảo mở rộng thị trường khách du lịch ra khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên về quy mô, chất lượng trang thiết bị của sân bay, đường băng chưa đảm bảo được khả năng mở rộng các tuyến hàng không tới Đà Lạt, chính vì vậy đã hạn chế nhu cầu vận chuyển du lịch bằng đường hàng không ngày một tăng của du khách đến Lâm Đồng. Hiện tại sân bay Liên Khương đã được nâng cấp trở thành sân bay quốc tế để có thể tiếp nhận được các loại máy bay tầm trung như A320, A321. Như vậy khả năng đón khách du lịch từ thị trường khách quốc tế đặc biệt là các nước Asean trong tương lai gần rất thuận lợi.
Đường sắt: tuyến đường sắt Phan Rang – Đà Lạt dài 84km với 6 ga và 3 ga phụ được xây dựng từ thời Pháp, từ năm 1975 tới nay không sử dụng.
Hiện nay ngành đường sắt đã khôi phục gần 10km tuyến Đà Lạt – Trại Mát để phục vụ du lịch và chính phủ cũng đã cho phép khôi phục toàn tuyến để phục vụ du lịch trong tương lai.
Đường sông: giao thông trên sông Đồng Nai chỉ thực hiện được trên chiều dài 60km vào mùa khô chủ yếu ở khu vực Cát Tiên. Giao thông đường sông trên địa bàn Lâm Đồng chỉ phù hợp với phát triển du lịch thể thao mạo hiểm.
b. Điện lực: nguồn điện cung cấp của Lâm Đồng khá ổn định gồm nhà máy thủy điện Đa Nhim công suất 160MW, Hàm Thuận công suất 300MW, Đa Mi công suất 175MW, Suối vàng công suất 3,1MW, thủy điện Đại Ninh đang được xây dựng với công suất 300MW.
Hệ thống lưới điện Lâm Đồng phát triển đến các xã, mạng lưới điện đã cung cấp đủ điện cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các khu,
điểm du lịch trong toàn tỉnh. Tuy nhiên trong thời gian gần đây vẫn xảy ra tình trạng bị thiếu hụt nguồn điện trong mùa cao điểm nhất là mùa khô.
c. Cấp nước sạch: đến nay có 5 huyện, thành phố được cấp nước sạch từ nhà máy, cụ thể như sau:
Thành phố Đà Lạt: được cấp nước từ nhà máy nước Suối Vàng, công suất 25.000m3/ngày đêm và nhà máy Hồ Xuân Hương công suất 6.000m3/ ngày đêm với công nghệ xử lý của Đan Mạch đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của toàn thành phố nói chung và ngành kinh doanh du lịch nói riêng.
Thành phố Bảo Lộc: được cung cấp nước từ nhà máy nước Bảo Lộc công suất 6.000m3/ngày đêm.
Huyện Di Linh: được cung cấp nước từ nhà máy nước Di Linh công suất 2.500m3/ngày đêm.
Huyện Đức Trọng: được cấp nước từ nhà máy nước Đức Trọng với công suất 2.500m3/ngày đêm.
Huyện Lâm Hà: được cấp nước từ nhà máy nước Lâm Hà với công suất 6.000m3/ngày đêm nhưng mới chỉ sử dụng khoảng 3.000m3/ngày đêm.
Các huyện khác được cung cấp nước sạch bằng công trình cấp nước tự chảy và bể lọc, giếng khoan gồm: Huyện Đơn Dương, Huyện Bảo Lâm, Huyện Đạ Huoai, Huyện Đạ Tẻh, Huyện Cát Tiên, Huyện Lạc Dương.
d. Thoát nước và vệ sinh môi trường
Hệ thống thoát nước ở Đà Lạt đang trong tình trạng lạc hậu và hư hỏng, nên mặc dù là thành phố cao nguyên nhưng khi có mưa lớn hoặc thời gian mưa kéo dài, nhiều đoạn đường phố không kịp thoát nước gây ra tình trạng ngập nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đường xá và môi trường của khu vực, đây là một trong những yếu tố làm giảm vẻ đẹp và tính hấp dẫn của một thành phố du lịch có truyền thống như Đà Lạt.
Hiện nay, thành phố Đà Lạt đang đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 7.500m3/ngày đêm với công nghệ hiện đại thuộc dự án hỗ trợ của
Đan Mạch, công trình hoàn thành sẽ góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện tại của thành phố.
e. Bưu chính viễn thông
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 30 bưu cục khu vực, 10 bưu cục quận huyện, 1 bưu cục trung tâm và 41 điểm bưu điện văn hoá xã, 138/138 số xã, phường, thị trấn đã được trang bị điện thoại. Tuy là một tỉnh miền núi nhưng Lâm Đồng là một trong số các tỉnh và thành phố có ngành bưu chính - viễn thông phát triển nhất cả nước với công nghệ hiện đại và giá trị sản xuất tăng nhanh. Đó là một thuận lợi lớn đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng. Với công lao đóng góp của ngành đối với sự nghiệp cách mạng, Bưu điện tỉnh Lâm Đồng đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” ngày 8 – 11 – 2000 .
2.1.2.2 Cơ sở hạ tầng xã hội
a. Công trình văn hóa thể thao: công tác văn hóa thông tin, phát thanh truyền hình đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân và tuyên truyền phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt đến với tất cả các tỉnh bạn.
Hệ thống các thiết chế văn hóa được xây dựng gồm: trung tâm văn hóa và thông tin, bảo tàng khảo cứu địa phương, thư viện tỉnh….
Một số sân Golf, Tennis tại thành phố Đà Lạt và các khu du lịch đã được xây dựng, hình thành các tuyến du lịch thể thao dã ngoại, xe đạp hoặc xe máy xuyên Việt, leo núi, thể thao cảm giác mạnh… thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.
Hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày, thư viện đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo để phục vụ du khách.
b. Các công trình dịch vụ phục vụ y tế: tại các điểm du lịch xa thành phố, xa khu dân cư các dịch vụ y tế đều đảm bảo phục vụ khách du lịch trong những trường hợp cần thiết tạo nên sự an tâm cho du khách. Tuy nhiên với khả năng
đáp ứng của ngành y tế còn hạn chế nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách và mức độ hưởng thụ các dịch vụ y tế giữa thành thị và nông thôn còn chênh lệch, hoạt động xã hội hóa công tác y tế còn chưa được quan tâm đúng mức.
c. Các công trình dịch vụ khác: hệ thống ngân hàng tại các thành phố, huyện đều tốt, tại khác khách sạn đều có dịch vụ thu đổi ngoại tệ tại chỗ cho khách du lịch. Tại thành phố Đà Lạt đã có nhiều hệ thống thanh toán thẻ tín dụng điện tử, máy rút tiền tự động ATM.
d. Các nguồn lực khác: một trong những nguồn lực để phát triển du lịch Lâm Đồng bền vững trong tương lai là yếu tố con người với dân số khoảng 1,2 triệu người năm 2008 và hơn 1,6 triệu dự báo cho năm 2020, Lâm đồng là một trong số các tỉnh có đội ngũ khoa học mạnh của cả nước, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao , người lao động có kinh nghiệm tronh các hoạt động thương mại và du lịch ở các đô thị.
Nền kinh tế Lâm Đồng đang từng bước ổn định và đi vào phát triển thu nhập của người dân trong tỉnh ngày càng tăng lên, đó cũng là một trong những động lực để thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh phát triển.