CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÂM ĐỒNG TRÊN QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
2.1 Tiềm năng du lịch tỉnh Lâm Đồng
2.1.1.3 Tài nguyên du lịch nhân văn
a. Di sản văn hóa: không gian văn hóa cồng chiêng tây Nguyên bắt nguồn từ nền văn minh trống đồng nổi tiếng khoảng 3.000 năm trước. Đây là loại hình diễn tấu cồng chiêng đặc sắc dựa theo cách sắp xếp giai điệu phù hợp bối cảnh các lễ hội gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng do cộng đồng cư dân làng bản ở Tây Nguyên sáng tạo và lưu trữ.
Năm 2005, sau Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là sự kiện văn hóa lớn của người dân Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Hiện nay tại các bản dân tộc Mạ, Chu ru ở tỉnh Lâm Đồng còn khoảng 2.700 bộ cồng chiêng với những nét riêng so với cồng chiêng Tây Nguyên được coi là tài nguyên du lịch quý giá của tỉnh Lâm Đồng về mặt nhân văn, và đó cũng là tiền đề để xây dựng các sản phẩm du lịch đăc thù hấp dẫn du khách tham quan và tìm hiểu.
b. Di tích lịch sử, văn hóa và khảo cổ: Lâm Đồng là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và khảo cổ của khu vực Tây Nguyên. Những di tích khảo cổ có giá trị về mặt du lịch điển hình là:
Khu Thánh địa Bà La Môn Cát Tiên: đây là khu di tích rộng lớn trải dài hơn 15 km dọc theo bờ Bắc sông Đồng Nai thuộc hai xã Đồng Nai (nay là Đức Phổ) và xã Quảng Ngãi. Tại đây các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ dấu tích của một quần thể kiến trúc lịch sử, tôn giáo đồ sộ, đặc sắc, dấu mình dưới các gò đất cao, cây cối rậm rạp, hoặc trên đỉnh núi với nhiều vật liệu kiến trúc nhuộm mầu rêu phong do thời gian dài bị lãng quên. Các nhà khảo cổ đã xác định 7 ngọn núi có dấu tích kiến trúc tạo thành một quần thể có tính chất hoành tráng với lối kiến trúc đặc trưng của Bà La Môn giáo, các đền miếu được xây dựng không cần lớp vữa mà gạch được mài phẳng một cách tinh xảo và gắn bằng keo thực vật. Trong đền có thờ Linga và thần Siva, một đặc trưng trong kiến trúc của vương quốc Bà La Môn (Phù Nam – Chân Lạp – Chăm Pa) vào cuối thế kỷ VII.
Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, Thánh địa Bà La Môn Cát Tiên có giá trị vượt ngoài phạm vi biên giới quốc gia, ngang tầm với các di tích cùng thời như Barabudua ở Indonexia, hoặc Angkor ở Cămphuchia. Hiện nay di tích lịch sử văn hóa, nghệ thuật Thánh địa Bà La Môn Cát Tiên đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Đây thực sự là tài nguyên nhân văn có giá trị của du lịch tỉnh Lâm Đồng, nơi có thể khai thác thành điểm tham quan, nghiên cứu của nhiều đối tượng du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, do đường đi đến với Thánh địa còn khó khăn nên việc khai thác chưa tương xứng với tiềm năng của nó.
Khu mộ cổ của dân tộc Mạ: nằm trên địa phận các xã Đại Lào, Đại Làng (Bảo Lộc). Đây là những ngôi mộc của các thủ lĩnh bộ tộc Mạ trong vương quốc Mạ xưa kia đã được các nhà khảo cổ phát hiện và khai quật gần đây, với hàng triệu hiện vật quý hiếm như đồ gốm sứ, các dụng cụ lao động bằng sắt, các đồ trang sức quý bằng đồng, thủy tinh, mã não có thể cho phép hình dung ra một thời kỳ phát triển rực rỡ của vương quốc này.
Các sưu tập quý hiếm này đều là tài nguyên du lịch hấp dẫn, nếu được trung bày tại chỗ như những bảo tàng ngoài trời, có giá trị du lịch cao, hút khách đến tham quan nghiên cứu.
c. Công trình tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật: một trong những tài nguyên du lịch độc đáo của Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng là kiến trúc cảnh quan của thành phố. Thiên nhiên Đà Lạt vốn đã là một cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng khi được kết hợp với những công trình sáng tạo của con người thì nó thật sự trở nên hoàn mỹ và có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.
Bảng 2.1: Danh sách một số công trình kiến trúc tiêu biểu hấp dẫn khách tham quan khi đến du lịch tại thành phố Đà Lạt.
TT Tên tài nguyên Địa chỉ
1 Khu biệt thự Lê Lai Đường Lê Lai, phường 5, Đà Lạt
2 Chùa Linh Sơn 120 Nguyễn Văn Trổi, phường 2, Đà Lạt 3 Thiền viện Trúc Lâm Đường Yên Tử, phường 3, Đà Lạt 4 Nhà thờ Con Gà Số 15 Trần Phú, Đà Lạt
5 Chùa Linh Phong 63 Hoàng Hoa Thám, phường 10, Đà Lạt 6 Chùa Linh Phước Số 120 Tự Phước, phường 11, Đà Lạt 7 Nhà thờ Cam Ly Đường Lê Lai, phường 5, Đà Lạt 8 Chùa Thiên Vương Cổ Sát 24 Khe xanh, phường 10, Đà Lạt 9 Nhà thờ Mai Anh Đường Ngô Quyền, Đà Lạt 10 Dinh III (Dinh Bảo Đại) Số 1 Triệu Việt Vương, Đà Lạt
11 Ga xe lửa Đà Lạt Số 1 Quang Trung, phường 10, Đà Lạt (Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng) d. Lễ hội, văn hóa dân gian: ngoài các thắng cảnh thiên nhiên và các di tích lịch sử, kiến trúc, Lâm Đồng còn có một kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc gắn với tập quán sinh hoạt và lao động truyền thống của nhan dân các dân tộc ít người và có giá trị đối với sự phát triển du lịch.
Cũng như đa số các cư dân nông nghiệp khác, do sống trong điều kiện hầu như hòa nhập với tụ nhiên nên nhân dân các dân tộc ít người ở Lâm Đồng còn lưu giữ nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống phản ánh quan niệm vè thế giới tự nhiên và tín ngưỡng của họ.
Trong quan niệm của người Mạ, người K’ho, Mnông hay Churu, tự nhiên không phải là vô tri, mà là một thế giới hữu linh cũng có những tình
cảm và lối ứng xử như thế giới loài người và hai bên hoàn toàn có thể hiểu được nhau và đối thoại với nhau. Do vậy trước khi làm việc gì đó tác động đến thế giới tự nhiên người ta phải cúng theo một nguyên tắc nghiêm ngặt.
Tiêu biểu là các lễ cúng cơm mới, lễ hội đâm trâu và lễ hội cồng chiêng.
Lễ cúng cơm mới: là hình thức cầu xin thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu diễn ra trùng với tết Nguyên Đán của người Việt, là một trong những lễ hội truyền thống của người Mạ, K’ho tại phường B’Lao, thành phố Bảo Lộc. Người dân làm lễ để cầu mưa thuận gió hòa, ngăn thú rừng không cho chúng phá nương rẫy. Cúng lúa mới, com mới cũng là để con cháu biết quý hạt thóc, hạt gạo. Lễ hội kéo dài suốt đêm thâu cho đến sáng hôm sau là cơ hội để du khách có thể sinh hoạt cùng đồng bào dân tộc, tìm hiểu và nghiên cứu thêm nhiều điều mới mẻ về các dân tộc ở tỉnh Lâm Đồng
Lễ hội đâm trâu: đây cũng là một lễ hội phổ biến chung ở Tây Nguyên thường diễn ra sau mùa thu hoạch trùng vào dịp tết đầu xuân (gọi là lễ Sa Rơ Pu) để tạ ơn thần linh. Theo tập quán, mỗi năm một gia đình hiến một con trâu. Lễ nghi thường kéo dài nhiều ngày, ngày nay lễ hội được tổ chức dưới chân núi Langbiang với đối tượng suy tôn là Thần núi Langbiang là thần hộ mệnh của buôn làng. Lễ hội đâm trâu – cúng Thần núi Langbiang được người Lạch cúng tế vào dịp dời làng hay khi bị thiên tai, địch họa.
Lễ hội cồng chiêng: Cồng chiêng là thứ nhạc khí không thể thiếu được trong các dịp lễ hội của đồng bào các dân tộc ít người ở Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể thì lễ hội Cồng chiêng càng có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách tham quan, nghiên cứu.
Hiện nay, cùng với thời gian một số hình thức sinh hoạt lễ hội đã bị mất dần. Ở Lâm Đồng chỉ còn một vài nơi duy trì lễ hội cồng chiêng như Bảo Lộc, trong các bản làng dân tộc K’ho, Mạ. Các hình thức lễ hội này cần được duy trì, phát triển hoặc dựng lại trong các chương trình du lịch nhằm thu hút du khách.
Ngoài các lễ hội của các dân tộc ít người ở tỉnh Lâm Đồng, gần đây còn có một số hình thức sinh hoạt khác được tổ chức ở Đà Lạt cũng có sức hút du khách đặc biệt.
Lễ hội Đà Lạt (Hội nghệ nhân ngành thêu): hằng năm cứ vào ngày 12/6 âm lịch, tất cả các nghệ nhân, nghệ sĩ thành thêu cả nước đều đổ về Đà Lạt để tham gia ngày lễ giổ tổ của ngành thêu. Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày…
Lễ hội văn hóa Trà: tính đến nay đã được tổ chức rất thành công trong các năm 2006, 2008, 2010. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hiện có 4 nền văn hóa trà lớn nhất nhân loại là: Chanoyu (Trà đạo Nhật Bản), Kungfu (trà Trung Hoa), Trà Sen (trà Việt Nam) và Panyaro (Trà Triều Tiên - Hàn Quốc).
Trong số đó, Trà Sen Việt Nam là loại duy nhất dùng trà hương. Lễ hội văn hóa trà là một hoạt động kế thừa và nâng cao truyền thống thưởng trà của người Việt Nam, đồng thời là dịp giao lưu, xúc tiến kinh tế – văn hóa.
Festival Hoa Đà Lạt: với chủ đề “Đà Lạt thành phố ngàn hoa”, Festival hoa Đà Lạt (được tổ chức lần đầu năm 2005) với các hoạt động gồm hội chợ triển lãm hoa, hội thảo về hoa, thi cắm hoa nghệ thuật, công viên nghệ thuật với chủ đề “Tây Nguyên huyền diệu”,…Đây là một trong những hoạt động văn hóa thu hút du khách.
Nghề thủ công truyền thống: Lâm Đồng cũng là nơi có các nghề thủ công truyền thống có giá trị phục vụ du lịch cao. Tiểu biểu là nghề dệt vải thổ cẩm từ sợi bông của người Mạ ở Đa Đơng, người Lạch ở Lạc Dương, đan len ở Đà Lạt. Ngoài ra nghề rèn của người Mạ cũng rất độc đáo, chủ yếu là rèn các công cụ lao động và vũ khí để săn bắn.
Nghề làm gốm bằng tay cũng là một nghề thủ công độc đáo của các cư dân các dân tộc ít người ở Lâm Đồng. Tiêu biểu là một số làng người dân tộc Churu ở Đơn Dương như : Bkăn, Krang Gõ, Krang Chớ…
Thành phố Đà Lạt cũng là nơi tập trug nhiều nghệ nhân có nghề chạm khắc gỗ tinh xảo đặc biệt là nghề thêu (XQ), nghề trồng hoa… nên đã tạo ra hàng trăm loại sản phẩm lưu niệm có giá trị mà bất cứ ai lên Đà Lạt cũng sẽ
đều muốn mua về làm quà kỷ niệm cho một chuyến đi đến một thành phố đáng nhớ.
Bên cạnh đó, ở Lâm Đồng còn rất nhiều tài nguyên nhân văn khác, được nhiều du khách đến tham quan và tìm hiểu, nghiên cứu… Chính vì vậy, tôi đã lập thành danh sách các tài nguyên du lịch nhân văn phân theo đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng xem phụ lục 2.