CHƯƠNG 2: TIỀM NĂNG, THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH LÂM ĐỒNG TRÊN QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
2.3 Đánh giá chung về thực trạng phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng nhìn từ góc độ bền vững
2.3.1 Đánh giá nhanh tính bền vững của du lịch tỉnh Lâm Đồng dựa vào hệ thống chỉ tiêu phát triển du lịch bền vững
Theo phương pháp PRA (phương pháp đánh giá nhanh có sự tham gia của cộng đồng), ta thấy được tính bền vững của du lịch tỉnh Lâm Đồng được thể hiện ở bốn phương diện trong quá trình hoạt động du lịch (nhu cầu du khách, hệ kinh tế, hệ sinh thái tự nhiên, hệ xã hội nhân văn).
2.3.1.1 Về đáp ứng nhu cầu của du khách
Từ năm 2005 – 2010, tốc độ tăng trưởng trung bình năm đạt 16,65%, đây thật sự là một dấu hiệu đáng mừng đối với du lịch tỉnh Lâm Đồng
Năm 2010 đã đón hơn 3 triệu lượt khách, tăng 2 lần so với năm 2005 và đạt 100% mục tiêu Nghị quyết đề ra; trong đó 163,5 ngàn lượt khách quốc tế; thời gian lưu trú của khách là 2,4 ngày.
Theo kết quả khảo sát của Trường Cao đẳng sư phạm Đà Lạt và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng vào tháng 11 năm 2010, du khách khá hài lòng với chất lượng dịch vụ, cũng như là các sản phẩm du lịch tại thành phố hoa, họ cho biết đa số họ đều quay lại Đà Lạt – Lâm Đồng ít nhất là 2 đến 3 lần/năm. Lượng khách đến Lâm Đồng ngày một tăng lên, nếu như năm 2000 mới đạt 710 ngàn lượt khách/năm, năm 2005 đạt đến 1.560,9 ngàn lượt khách/năm, và năm 2010 con số đó đã trên 3.115 ngàn lượt khách /năm.
Việc đảm bảo chăm sóc sức khoẻ, bảo đảm an an toàn cho du khách đã được chú trọng và quan tâm chính vì vậy trong quá trình kinh doanh vận chuyển khách du lịch, hầu như chưa có vụ tai nạn nghiêm trọng đáng tiếc nào xảy ra. Tuy đã có những chú trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ, phục vụ du khách nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch các cơ sở đó cách xa nhau. Ngoài ra, một số dịch vụ thể thao mới như: sân golf, tennis,...đang được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều điều mới lạ và hấp dẫn cho du khách trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, lượng khách đến Lâm Đồng chủ yếu vẫn là du khách nội địa, còn du khách quốc tế chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số khách đến với Lâm Đồng, trong khi họ chính là đối tượng sẽ đem lại nguồn thu ngoại tệ và thu nhập cao cho du lịch tỉnh.
2.3.1.2 Đánh giá tính bền vững của du lịch lên hệ kinh tế a. Chỉ số về GDP du lịch
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng thì năm 2005 doanh thu của ngành du lịch là 1.405 tỷ đồng, đến năm 2010 doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng. Vậy là sau 5 năm doanh thu từ ngành du lịch đã tăng thêm 3.095 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình về doanh thu trong giai đoạn 2005 – 2010 là 28,88%.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỷ trọng của ngành du lịch đóng góp khá khiêm tốn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tuy nhiên tỷ trọng này ngày càng tăng, từ 4,4% vào năm 2005 đã tăng lên 5,4% vào năm 2010 Điều này khẳng định doanh thu du lịch Lâm Đồng đã tăng lên sau những năm bị ảnh hưởng của khủng hoảng về kinh tế và bạo động chính trị trên thế giới, du lịch Lâm Đồng nằm trong giai đoạn phát triển khá nhanh chóng, dần phát huy được hết tiềm năng sẵn có của mình.
Mặc dù phát triển bền vững không chỉ căn cứ vào chỉ số gia tăng GDP hay doanh thu, nhưng những chỉ số này vẫn là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để nhận biết sự phát triển của một ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Qua những chỉ số trên cho ta thấy, du lịch Lâm Đồng trong giai đoạn 2005 – 2010 đã có sự tăng trưởng và phát triển bền vững, nhưng để đảm bảo cho du lịch của tỉnh phát triển một cách bền vững trong tương lai thì chúng ta cần phải đưa ra nhiều định hướng và biên pháp cụ thể hơn nữa, nhằm tạo tiền đề phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
b. Tính trách nhiệm trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch
Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tỉnh quan tâm, hàng năm đã dành nguồn ngân sách thích đáng cho hoạt động xúc tiến;
bên cạnh đó công tác quảng bá xúc tiến theo nguồn xã hội hóa cũng có vai trò
quan trọng, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cũng đã quan tâm hơn và dành kinh phí để tuyên truyền hình ảnh, thương hiệu đến thị trường trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch trong và ngoài tỉnh với những chiến dịch xúc tiến thường xuyên đã góp phần quảng bá được hình ảnh du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng giàu tiềm năng, mở rộng được thị trường và mở ra triển vọng phát triển mới cho ngành du lịch địa phương, đẩy mạnh thông tin đối ngoại của tỉnh nhà. Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn thụ động trong việc xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch và mở rộng thị trường, việc tự quảng bá, xúc tiến du lịch khai thác khách...
Như vậy đối chiếu với các tiêu chí phát triển du lịch bền vững thì hoạt động phát triển du lịch ở đây được xem là bền vững nhìn từ góc độ kinh tế.
2.3.1.3 Đánh giá tính bền vững của du lịch lên hệ sinh thái tự nhiên
a. Quản lý và hạn chế áp lực lên môi trường tại các khu, điểm du lịch
Trong giai đoạn 2005 – 2010, đã có trên 55 dự án du lịch xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường để trình cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt; từ năm 2009 tỉnh Lâm Đồng là một trong hai địa phương trong cả nước áp dụng chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định số 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng; hiện có 14 khu, điểm tham quan thuộc 9 doanh nghiệp có khai thác kinh doanh và thu phí tham quan trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương thuộc đối tượng thực hiện thí điểm công tác chi trả phí dịch vụ môi trường rừng trên lĩnh vực du lịch với tổng số tiền chi trả trong năm 2010 là 547 triệu đồng.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài trường hợp môi trường cảnh quan tuy đã có cố gắng đầu tư nâng cấp một bước nhưng vẫn còn một số danh lam, thắng cảnh có dấu hiệu xuống cấp nên ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch địa phương, các doanh nghiệp lại chưa tích cực trong việc khắc phục hiện tượng này.
Hiện nay, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cấp và bảo vệ môi trường cảnh quan như: tổ chức lễ ra quân về bảo vệ môi trường du lịch;
triển khai chiến dịch khôi phục môi trường cảnh quan trong toàn ngành; tổ chức các khoá tập huấn về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong hệ thống các doanh nghiệp du lịch… đã tạo chuyển biến đáng kể trong nhận thức của người dân và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch địa phương phát triển theo hướng bền vững.
b. Mức độ đóng góp từ thu nhập du lịch cho nỗ lực bảo tồn, phát triển tài nguyên, bảo vệ môi trường
Việc tôn tạo, bảo tồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường hiện tại được ngành du lịch rất quan tâm và dành khá nhiều kinh phí để bảo tồn và tái tạo lại môi trường, để phát triển du lịch một cách bền vững hơn.
Một điển hình chúng ta có thể thấy, trong năm 2010 tỉnh đã dành hơn 40 tỷ đồng để nạo vét hồ Xuân Hương, nơi được mệnh danh là trái tim của thành phố hoa, một điểm đến thu hút gần như tất cả các du khách khi đến với thành phố Đà Lạt...
Như vậy xét về góc độ môi trường tự nhiên, du lịch Lâm Đồng đang phát triển trên đà bền vững. Nhưng để hạn chế các tác động xấu, ảnh hưởng đến môi trường trong tương lai, chúng ta cần đề ra những giải pháp cụ thể hơn nữa, nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững lâu dài, vì đó là sứ mạng của thành phố ngàn hoa.
2.3.1.4 Đánh giá tính bền vững của du lịch lên hệ xã hội nhân văn
a. Mức độ hài lòng của cộng đồng địa phương đối với hoạt động du lịch Hầu hết các điểm du lịch của Lâm Đồng đang được khai thác và sử dụng đều có sự ủng hộ của cộng đồng địa phương. Đây là một yếu tố phản ánh trạng thái bền vững của hoạt động du lịch ở Lâm Đồng.
Quy mô và mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch được tăng cường. Hầu hết từ lao động trực tiếp đến lao động quản lý, từ lĩnh vực nhà hàng, khách sạn đến vận chuyển, hướng dẫn đều có sự tham gia tích cực của người dân địa phương.
Mức sống của cộng đồng được nâng cao nhờ có hoạt động du lịch. Tại một số khu, điểm du lịch ở thành phố Đà Lạt, huyện Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc, họ không chỉ có thu nhập từ bán sản phẩm hoa quả, đặc sản của địa phương mà còn có nguồn thu nhập lớn từ du lịch mà cụ thể là từ loại hình du lịch tham quan kinh tế trang trại, thăm các bản làng của dân tộc thiểu số...
Phúc lợi xã hội chung của cộng đồng được nâng lên thể hiện ở việc cơ sở hạ tầng ở các khu vực phát triển du lịch được cải thiện rõ rệt.
b. Mức đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương Mặc dù vẫn chưa khai thác và đưa vào kinh doanh để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng sẵn có nhưng hiện tại du lịch Lâm Đồng cũng có những đóng góp nhất định đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Cuộc sống của người dân địa phương nơi có các điểm du lịch đang khá lên rất nhiều. Đó chính là sự đóng góp cho phát triển xã hội ở các địa phương từ nguồn thu nhập du lịch.
Tóm lại dựa vào hệ thống chỉ tiêu để đánh giá tính bền vững cho thấy, sự phát triển của du lịch tỉnh Lâm Đồng vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vẫn có tính bền vững nhưng chưa cao và chưa đồng bộ về các chỉ tiêu. Một số chỉ tiêu được đáp ứng tốt, tuy nhiên vẫn còn một số chỉ tiêu cần phải có hướng giải quyết như môi trường, vốn đầu tư cho phúc lợi xã hội...