Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
3.6. Kết quả phân tích, nguyên nhân và các giải pháp nhằm tăng cường công tác
3.6.2. Các giải pháp tổng hợp nhằm tăng cường công tác QLBVR và giảm thiểu những tác động bất lợi tới TNR trong Khu BTTN Nà Hẩu
Với tình hình thực tế của công tác bảo tồn TNR tại KBTTN Nà Hẩu và điều kiện KT-XH của cộng đồng người dân vùng đệm, kết hợp với các chương trình hành động. Một số nhóm giải pháp chủ yếu nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của
CĐĐP tới TNR trong KBT và đồng thời hỗ trợ phát triển KT-XH địa phương được đề xuất như sau:
3.6.2.1. Tăng cường sự tham gia của các CĐĐP trong công tác bảo tồn, tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân
Cùng với sự tham gia vào các hoạt động bảo tồn TNR là sự gia tăng việc làm và thu nhập, đây là hai nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của CĐĐP vùng đệm.
Đáp ứng được hai nguyện vọng này, KBTTN Nà Hẩu sẽ không những giải quyết được mâu thuẫn với CĐĐP vùng đệm mà còn hoàn thành được chức năng bảo tồn TNR. Nhằm thu hút cộng đồng cùng tham gia bảo vệ TNR và ĐDSH ở KBTTN Nà Hẩu, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
(1) Hoàn chỉnh các chính sách liên quan đến hệ thống KBT:
- Lãnh đạo các xã thống nhất việc xây dựng cơ chế chía sẻ lợi ích để người dân tham gia thu hoạch một số lâm sản phụ trong KBT theo quy định. Các ý kiến đều thống nhất cho khai thác lâm sản phụ nhưng phải thắt chặt việc quản lý tránh tình trạng thất thoát TNR.
- Về tổ chức quản lý KBT, các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện cũng như UBND các xã vùng đệm đều đồng ý là Chính quyền cấp huyện nên tham gia vào Ban quản lý KBT.
(2) Chính sách đối với cộng đồng người dân vùng đệm KBT:
- Hầu hết các HGĐ đều cho rằng công tác tuyên truyền, phổ biến các chương trình của Nhà nước và cụ thể là về các vấn đề liên quan đến rừng tới người dân trong vùng là hết sức quan trọng.
- Về vấn đề quản lý rừng sau nhận khoán, đa số các hộ dân đều cho rằng nên để từng hộ quản lý riêng, một số hộ cho rằng tùy từng địa điểm và khu vực mà có thể thành lập tổ hay nhóm quản lý.
- Một vấn đề quan trọng mà các hộ dân đều cho rằng các cấp chính quyền xã, Ban quản lý KBT cần phối hợp chặt chẽ và tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm Luật bảo vệ rừng.
Kết quả phỏng vấn lãnh đạo các xã vùng đệm cho thấy:
- 100% lãnh đạo các xã cho rằng cần công nhận cộng đồng là một chủ thể có tư cách pháp nhân để nhận rừng và đất rừng quản lý và bảo vệ và cần thực hiện việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý bảo vệ.
- 100% lãnh đạo các xã vùng đệm KBT cho rằng KBT cần tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, chú ý liên kết khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng thôn bản quản lý bảo vệ rừng.
- Vấn đề tổ chức cộng đồng: Nên giao cho từng HGĐ hoặc nhóm HGĐ, phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể mà các HGĐ hoặc nhóm HGĐ sẽ có các phương án xây dựng các biện pháp quản lý bảo vệ rừng.
- Riêng vấn đề kinh phí cho quản lý bảo vệ TNR: Các cấp quản lý của địa phương từ huyện, xã và người dân nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng cho KBT đều cho rằng mức khoán hiện nay còn thấp, cần phải tăng tiền thuê khoán.
- Hiện nay, cộng đồng rất mong muốn các loại gỗ bị tịch thu từ các hoạt động khai thác trái phép sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý thì có thể bán lại với giá ưu đãi cho các hộ dân nhằm phục vụ mục đích xây dựng các công trình gia đình. Việc này sẽ thúc đẩy các hoạt động tố giác các hành vi khai thác và vận chuyển gỗ trái phép và hạn chế các tác động tiêu cực trong hoạt động thanh lý gỗ.
(3) Hoạt động của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu:
- Cần thiết phải quy hoạch lại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu theo Nghị định 117/NĐ-CP và Thông tư số 78/TT-BNN&PTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. Thành lập Ban quản lý và các bộ phận chuyên môn chuyên trách, độc lập trong công tác quản lý Khu bảo tồn [5].
- Tăng cường thêm người cho lực lượng kiểm lâm, từ đó thành lập các trạm kiểm lâm ngay tại cửa rừng và trang bị đầy đủ phương tiện, hệ thống thông tin, bộ đàm để thực hiện tốt nhiệm vụ ngăn chặn tận gốc các hiện tượng chặt phá rừng
- Thành lập và duy trì các tổ tuần tra bảo vệ rừng ngay ở các thôn, bản và hỗ trợ kinh phí xây dựng quỹ quản lý bảo vệ rừng của các thôn, bản để hỗ trợ công tác quản lý bảo vệ rừng ngay ở địa phương.
- Thu hút cộng đồng cùng tham gia quản lý bảo vệ KBT thông qua các hoạt động: Tăng cường diện tích cũng như số lượng rừng giao khoán cho người dân trong vùng; Tuyển dụng người dân địa phương tham gia làm việc trong KBT; Tổ chức mạng lưới các cộng tác viên bảo vệ rừng tại các thôn/bản
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề bảo tồn và phát triển dưới các hình thức: Tổ chức họp tại thôn bản;
Thông qua áp phích, tờ rơi; Thông qua lễ hội văn hóa như: tập tục cúng rừng để tuyên truyền về bảo vệ rừng ở xã Nà Hẩu
- Tiến hành xây dựng và áp dụng các quy ước, hương ước về quản lý bảo vệ rừng ở các thôn, bản. Các quy ước, hương ước này phải do tập thể cộng đồng thôn, bản thảo luận, cùng quyết định và cùng theo dõi giám sát.
- Các vụ việc liên quan đến các hoạt động khai thác và vận chuyển trái phép các lâm sản từ rừng cần được xử lý công khai, minh bạch. Hàng năm Hạt kiểm lâm cần có một báo cáo trước cộng đồng về các vụ việc liên quan đến diện tích rừng mà cộng đồng nhận khoán quản lý bảo vệ.
- Để người dân không có những tác động xấu đến rừng từ các hoạt động kiếm sống hàng ngày của mình thì cần có chính sách tạo sinh kế mới cho người dân để họ có thể sống dựa vào rừng như: Khai thác lâm sản ngoài gỗ, dịch vụ môi trường rừng, trồng nấm, nuôi ong, trồng rau rừng, trồng cây thuốc, sản xuất hàng hóa nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm….
3.6.2.2. Nâng cao nhận thức về ĐDSH và pháp luật bảo vệ tài nguyên môi trường cho cộng đồng vùng đệm
Để phát triển bền vững TNR, thì sự tham gia của người dân là rất quan trọng, nhưng hiện tại những hiểu biết của cộng đồng dân cư đang sinh sống trong vùng đệm về vai trò của rừng và ảnh hưởng của các hoạt động: đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, chăn thả gia súc...đến rừng và đất rừng là hết sức hạn chế. Phần lớn người dân không được cung cấp các thông tin về các chính sách của nhà nước, kiến thức về phòng chống cháy rừng, khai thác bền vững, thông tin về thị trường.
Vì vậy, để nâng cao hiểu biết của người dân về vai trò của TNR đối với sinh kế của họ, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi của các HGĐ vào rừng và đất rừng thì công tác thông tin tuyên truyền cần quan tâm đúng mức và cần có sự phối hợp của các cấp, các ngành. Các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và tùy theo đối tượng để chọn phương pháp tuyên truyền cho phù hợp và đạt hiệu quả cao như: Báo, đài, ti vi, áp phích, tờ rơi và các phương tiện tuyên truyền khác:
- Phải tổ chức các đợt tuyên truyền giáo dục cho nhân dân các thôn bản vùng đệm về vai trò, tác dụng, tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH trong khu vực KBT.
- Tổ chức các cuộc họp, hội thảo tại địa phương để các HGĐ được phổ biến luật bảo vệ rừng và các chính sách liên quan đến công tác quản lý bảo vệ TNR.
- Đưa nội dung giáo dục về quản lý, bảo vệ TNR và bảo tồn ĐDSH vào nội dung hoạt động của các đoàn thể quần chúng ở địa phương, chú trọng tới các tổ chức: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân,....
- Xác định vai trò của học sinh trong việc bảo vệ môi trường. Cần có sự phối hợp với ngành giáo dục để đưa nội dung, chương trình bảo vệ TNR vào giáo dục ở các trường học, tùy theo lứa tuổi cấp học để xuất bản những tài liệu tranh ảnh cho phù hợp, để sao cho công tác giáo dục môi trường đạt hiệu quả cao nhất.
- Tổ chức tham quan cho các HGĐ tới những mô hình tốt, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế kết hợp quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn ĐDSH. Tuyên dương khen thưởng kịp thời những gương tốt trong công tác quản lý bảo vệ TNR và ĐDSH.
3.6.2.3. Phát triển KT-XH, nâng cao thu nhập cho cộng đồng
Trong các cuộc thảo luận ở các thôn bản về nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, 100% người dân được phỏng vấn cũng như lãnh đạo các cấp chính quyền địa phương đều mong muốn có các Chương trình, dự án đầu tư phát triển KT-XH vùng đệm KBT, Trong đó các hạng mục ưu tiên cần đầu tư là:
(1) Giao khoán đất và rừng cho hộ gia đình:
Để thực hiện tốt công tác giao khoán đất và rừng này, KBTTN Nà Hẩu nên hướng dẫn cụ thể về hồ sơ giao khoán và xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm của họ
đối với đất và rừng được nhận. Thực hiện vấn đề này để tránh những tồn tại về giao khoán như hiện nay là một số chủ hộ nhận khoán nhầm tưởng đất khoán đã thuộc quyền sở hữu của họ và họ sử dụng đất khoán một cách tự do không theo hồ sơ giao khoán. Việc giao khoán đất và rừng cho người dân vùng đệm, đặc biệt là những HGĐ sống gần rừng sẽ gắn trách nhiệm trồng và bảo vệ rừng và quyền lợi của họ, các tác động bất lợi tới TNR sẽ giảm dần.
(2) Quy hoạch vùng chăn thả gia súc:
Phát triển chăn nuôi gia súc sinh sản là một hướng tốt, vừa tạo thu nhập trong HGĐ, vừa tận dụng được lực lượng lao động là trẻ em và người yếu sức lao động. Tuy nhiên, nơi chăn thả (chăn dắt) gia súc là một vấn đề nan giải đối với khu vực các xã vùng đệm. Vì vậy việc nghiên cứu quy hoạch một diện tích để chăn thả gia súc là việc làm cần thiết, vừa hạn chế tác động tiêu cực của gia súc trong diện rộng, vừa giúp người dân phát triển chăn nuôi.
(3) Quy hoạch vùng được phép khai thác cây thuốc:
Nghề thuốc nam của người Dao là một truyền thống cao quý và hiện tại đang cho thu nhập cao trong HGĐ, vì vậy cần thiết phải gìn giữ và phát triển. Để giúp người dân khai thác dược liệu mà vẫn bảo vệ được sự tồn tại của các loài, KBT nên quy hoạch một diện tích rừng tự nhiên để người dân khai thác dược liệu và xây dựng những quy định rõ ràng về kỹ thuật thu hái. Mặt khác, KBTTN Nà Hẩu nên nghiên cứu lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm đưa một số loài cây thuốc về trồng dưới tán rừng trồng, nếu thành công sẽ giảm bớt sức ép về cây thuốc trên rừng tự nhiên.
(4) Phát triển hệ thống khuyến nông, khuyến lâm tới xã/thôn:
Khó khăn trong sản xuất mà CĐĐP vùng đệm đang gặp phải là, phương thức sản xuất vẫn theo kinh nghiệm truyền thống, chưa có sự hỗ trợ nhiều của khuyến nông, khuyến lâm. Vì vậy cần thiết phải phát triển hệ thống khuyến nông lâm tới các xã/ thôn giúp nông dân hiểu biết hơn về các kỹ thuật trồng cây, cải tạo vườn tạp và phát triển chăn nuôi.
Ngoài ra, khuyến nông lâm cũng nên là người cung cấp các thông tin về thị trường, quản lý kinh tế HGĐ và là cầu nối tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân bán các
sản phẩm họ làm ra. Đây cũng là mong muốn của người dân vùng đệm KBTTN Nà Hẩu. Thực hiện được tốt công tác này, sẽ giúp người dân nâng cao thu nhập từ những hoạt động chính đáng của mình, từ đó sẽ giảm bớt các tác động bất lợi tới TNR.
(5) Hỗ trợ tín dụng:
Vốn là một trong những yếu tố quyết định tới quá trình sản xuất. Thiếu vốn là khó khăn mà đa số người dân vùng đệm KBTTN Nà Hẩu gặp phải. Mặc dù đã có các chương trình vay vốn của Nhà nước qua Ngân hàng chính sách, Hội phụ nữ, song thời hạn trả vốn ngắn, không phù hợp với nhiều loại hình sản xuất như chăn nuôi trâu, bò và trồng cây lâm nghiệp có chu kỳ sản xuất dài. Vì vậy cần có các chính sách tín dụng hỗ trợ vốn phù hợp với các loại hình sản xuất ở địa phương.
Xây dựng cơ chế cho vay vốn tín dụng với lãi xuất ưu đãi, khuyến khích vay vốn phát triển kinh tế - xã hội.
(6) Ổn định dân số:
Giữa dân số và diện tích đất canh tác có mối quan hệ khăng khít với nhau.
Dân số càng tăng thì diện tích đất canh tác bình quân trên đầu người càng giảm, gây thách thức lớn cho sự phát triển KT-XH, tạo ra vòng luẩn quẩn, dân số tăng nhanh, môi trường càng suy thoái, dân càng nghèo đi. Nhìn chung tỷ lệ tăng dân số trong các xã vùng đệm còn tương đối cao (năm 2014 là 1,55%). [32] Tỷ lệ tăng dân số cao gây áp lực cho công tác bảo vệ TNR. Nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng bộ huyện Văn Yên đã đề ra, phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên sẽ giảm xuống dưới 1,2%. [26] [27] [28]
(7) Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng:
Tăng cường hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển toàn diện KT-XH cho các xã vùng đệm:
- Những khó khăn trong sản xuất nông lâm nghiệp của các HGĐ một phần là do thiếu nước. Vì vậy, hệ thống thuỷ lợi cần được tiếp tục xây dựng ở những nơi có điều kiện và thực hiện kiên cố hoá kênh mương.
- Hệ thống đường giao thông đến thôn bản cần tiếp tục kiên cố hoá bằng bê
tông hoặc trải nhựa đảm bảo thuận tiện cho giao lưu các loại hàng hoá do hộ nông dân sản xuất ra và cung ứng các loại vật tư hàng hoá.
- Các hạng mục ưu tiên đầu tư như: Xây mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống cung cấp nước sạch, trạm điện, thuỷ điện nhỏ, trường học, trạm xá, bưu điện văn hoá, đài phát thanh, lập chợ ở các cụm dân cư.
(8) Hỗ trợ thị trường:
Hiện tại, trong khu vực các xã vùng đệm không có các cơ sở thu mua và chế biến nông sản, các sản phẩm hàng hóa sản xuất ra thường bị các thương gia ép giá, nên giá bán các sản phẩm này không ổn định, giá bán rất thấp, không kích thích được sự quan tâm và đầu tư của người dân.
Vì vậy, cùng với việc xây dựng các mô hình hiệu quả, Khu BTTN Nà Hẩu và chính quyền địa phương nên tổ chức hỗ trợ tư vấn cho người dân để đầu ra của sản phẩm được đảm bảo, người dân sẽ yên tâm đầu tư sản xuất hơn.
(9) Phát triển du lịch cộng đồng:
Thời gian qua, KBTTN Nà Hẩu đã tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhất định. Song cần coi phát triển hoạt động du lịch sinh thái ở khu vực này là một giải pháp sinh kế mới, giảm sức ép khai thác TNR. Bởi vì chỉ khi có thu nhập ổn định, TNR mới hy vọng không bị tác động, ý thức BVR của người dân mới được cải thiện.
(10) Đào tạo nghề, giải quyết việc làm:
Hiện nay, các thôn vùng cao diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, lao động dư thừa nhiều, nhiều HGĐ có nhu cầu đi làm thuê. Do vậy, việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn đặc biệt là khu vực vùng cao, người dân tộc thiểu số là một việc làm cần thiết. Giải pháp cụ thể:
- Nghiên cứu phổ cập và phát triển một số ngành nghề phi nông nghiệp cho người dân địa phương nhằm sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên tại chỗ, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân trong vùng, trong đó cần quan tâm đặc biệt tới phát triển nghề thủ công mỹ nghệ, khuyến khích người dân tham gia dịch vụ du lịch sinh thái…