Phương pháp nghiên cứu

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật thơ huy cận qua lửa thiêng (Trang 20 - 23)

Đi tìm phương pháp nghiên cứu trong rừng lý thuyết mênh mông, người viết cũng cần nói rõ: chỉ tham khảo, vận dụng vài lý thuyết nghiên cứu, nhằm

làm sáng tỏ thêm đề tài luận án, dưới góc độ nghiên cứu lịch sử văn học, hơn là đi sâu vào lý luận văn học.

Tuy nhiên, một điều hiển nhiên và khách quan cho thấy: sự vận động không ngừng của ngôn ngữ văn học, của các lý thuyết văn học trong đời sống hiện nay vẫn đang diễn biến và luôn chịu sự tương tác qua lại của xã hội. Nhà nghiên cứu Trịnh Bá Đĩnh đã nhận định trong lời giới thiệu công trình dịch Chủ nghĩa cấu trúc và văn học [28] và gần đây nhất là bài đăng báo Văn Nghệ Về khuynh hướng duy ngữ trong văn học hiện nay đều phân tích những diễn biến văn học trên bình diện lý thuyết. Trịnh Bá Đĩnh phân định: “…hiện nay xu hướng phê bình ngữ học hầu như đang chiếm ưu thế, nhất là trong khu vực phê bình học viện.” Ông mô tả tiến trình của xu hướng được mệnh danh

“chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ học”, thế nhưng, xem ra tình hình của xu hướng này ở phương Tây vào cuối thế kỷ XX đã và đang “lắng đọng”! Điều đó cho thấy quy luật vận động của tư duy văn học không bao giờ đứng yên. Ở đoạn kết bài viết, Trịnh Bá Đĩnh nhận định sâu sắc vấn đề: “văn học là một hiện tượng rất phức tạp, một hiện tượng mang tính tổng hợp văn hóa rất cao, một bộ phận không thể tách rời khỏi văn hóa thời đại. Làm nên nó không chỉ có những thành phần của riêng nó như cách tự sự, cách cấu tạo, mà còn có những thành phần khác của văn hóa như tâm lý thời đại, hệ tư tưởng, các nghệ thuật khác. Mà mỗi thời đại lại không tách rời khỏi toàn bộ truyền thống văn hóa quá khứ (trong mỗi thành tố nhỏ nhất của văn học cần nghe được tiếng vọng nhiều thế kỷ đã qua) và cả những mơ ước, dự phóng về tương lai. Văn học phải là sự tổng hợp của mỹ học của lời nói và mỹ học của cái được nói tới.

Không phải ngẫu nhiên mà văn học ngay từ khởi thủy cho đến ngày nay vẫn kiên nhẫn kể về tình dục và quyền lực, về cái thiện, cái ác đích thực và giả trang… Điều đó có nghĩa là văn học của chúng ta vẫn rất cần phải tiếp tục kể

về những điều trông thấy mà đau đớn lòng, về tình yêu, số phận con người.”

[29]

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân qua bài Góp phần tìm hiểu phương pháp cấu trúc [19] cho thấy ý nghĩa “gạn lọc”, tìm cách vận dụng ưu điểm của lý thuyết. Xuất phát từ góc độ ngôn ngữ học- lý luận văn học, ông phân tích những hạn chế của chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc (hay còn gọi giải cấu trúc). Đại thể: chủ nghĩa cấu trúc không chú trọng đến chủ thể sáng tác;

quan niệm cực đoan chỉ tập trung phân tích cái cấu trúc khép kín của văn bản tác phẩm… Nhưng đồng thời, ông cũng cho rằng “việc phân tích cấu trúc của tác phẩm văn học là hoàn toàn cần thiết và có ích. Nếu gạt bỏ những điều bất hợp lý trong phương pháp luận của chủ nghĩa cấu trúc và hậu cấu trúc thì chúng ta vẫn có thể vận dụng, phát huy được những thao tác hữu ích trong nghiên cứu văn học.”

Một mặt, tìm hiểu tình hình thực tế của hoạt động lý luận phê bình duy ngữ ở phương Tây hiện nay như thế nào là một cách tiếp cận cập nhật của người viết. Có lẽ, cũng không phải là điều ngạc nhiên khi giới nghiên cứu đã bắt gặp những quan niệm “khá phản tỉnh” của các nhà lý luận văn học nổi tiếng như Antoine Compagnon qua quyển Le Démon de la théorie- Con quỷ của lý thuyết (Lê Hồng Sâm dịch là Bản mệnh của lý thuyết), Tzvetan Todorov qua quyển La Littérature en péril (Nền văn chương đang lâm nguy).

Đó là những vấn đề “thời sự văn học” được giới nghiên cứu phương Tây quan tâm. Trường hợp tự phản biện và hoài nghi lý thuyết nghiên cứu văn học cấu trúc luận do chính mình giới thiệu và lập nên hệ thống, Todorov đã trình bày mối quan ngại về tình hình tiếp cận và nghiên cứu văn chương hiện tại ở Pháp, nhất là trong phạm vi giảng dạy văn học ở nhà trường. Sau quá trình

“trải nghiệm” và “kiểm nghiệm”, ông nhận xét lối phân tích cấu trúc mang lại sự mới mẻ cho văn học nhưng chỉ nên xem là phương tiện hơn là cứu cánh.

Todorov cho rằng nếu chỉ dùng một phương pháp thôi, chúng ta sẽ hiểu ý nghĩa của tác phẩm một cách sai lầm. Ông cũng nhấn mạnh ý nghĩa giữa tác phẩm văn học và bối cảnh luôn có mối quan hệ liên quan, đối thoại. [159]

Lược thuật sơ nét diễn biến tình hình hoạt động gần đây nhất của các lý thuyết nghiên cứu văn học ở phương Tây, người viết nhằm rút ra kinh nghiệm quý báu: không sa đà vào một lý thuyết nghiên cứu nào một cách cực đoan.

“Gạn đục, khơi trong” các lý thuyết được coi như là phương châm vận dụng nghiên cứu của luận án. Chính vì vậy, về phương pháp người viết lựa chọn phương pháp nghiên cứu hợp lý, dung hòa, tổng hợp mới, tìm hiểu các mối liên quan đến sáng tác và cuộc đời tác giả, trên cơ sở thống kê, hệ thống, so sánh và đi sâu vào phân tích văn bản tác phẩm thơ ca. Đó là việc chọn lựa một số phương pháp thích hợp như phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích theo thi pháp học, phong cách học, khảo sát, thống kê, so sánh… Về lý thuyết, luận án tham khảo, vận dụng một số ý kiến bàn luận văn chương trong di sản văn học Việt Nam; tham khảo lý luận văn học trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp; tham khảo lý thuyết tưởng tượng, hình thành thi ảnh của nhà triết học kiêm phê bình văn học Pháp, Gaston Bachelard; tham khảo các phương thức cơ bản của thi pháp học- chủ nghĩa cấu trúc của Roman Jakobson, cấu trúc văn bản nghệ thuật của IU. M.

Lotman…

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật thơ huy cận qua lửa thiêng (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)