Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ HUY CẬN THỂ HIỆN QUA VŨ TRỤ THƠ LỬA THIÊNG 2.1. Cảm hứng sáng tạo và giọng điệu thơ của Huy Cận
2.3. Ảnh hưởng của văn chương trong thơ Huy Cận
2.3.2. Ảnh hưởng thơ Đường và thơ Pháp
Ngoài ảnh hưởng thơ ca cổ điển dân tộc, ảnh hưởng và âm hưởng thơ Đường, thơ Pháp đã tạo nên nét hài hòa trong phong cách thơ Huy Cận.
Hoài Thanh- Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam nhận xét Huy Cận đã có những bài thơ có hồn thơ Đường trước khi đọc thơ Đường [128, 29]. Một chi tiết khác khá thú vị về câu chuyện nhà thơ Lưu Trọng Lư kể cho Huy Cận nghe khi bài thơ Tràng giang đăng báo Ngày Nay. Lúc đọc bài thơ, nhà văn
Ngô Tất Tố đã tấm tắc khen: “Giọng thơ Đường, thịnh Đường, mà hay hơn thơ Đường” [11, 24]. Những điều này cho thấy con đường tiếp biến hay ảnh hưởng thơ ca nước ngoài đến với các nhà thơ Việt Nam có khi là trường hợp trực tiếp, nhưng có khi chỉ là những trường hợp gián tiếp, âm hưởng qua âm hưởng. Về sức lan tỏa của thơ Đường trong văn chương Việt Nam xưa nay có thể tìm thấy qua văn chương của các nhà thơ: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến… Nhưng, theo thời gian, nhất là trong thời kỳ Nho học suy tàn, chữ quốc ngữ được truyền bá rộng rãi, âm hưởng thơ Đường bị phôi pha khá nhiều. Con đường ảnh hưởng của thơ Đường đã được phân rẽ qua nhiều hình thức: qua nguồn là những tuyệt tác như Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, truyện thơ Nôm;
qua bản dịch nghĩa, dịch thơ Đường đăng tải trên báo chí những năm đầu thế kỷ XX; qua âm hưởng của những nhà thơ “buổi giao thời” vẫn nắm vững
“pho Đường thi” và tuân thủ làm thơ theo thi luật…
Qua bài Tràng giang, một số tác giả phân tích cho rằng khi Huy Cận viết:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp Con thuyền xuôi mái nước song song
phảng phất nhạc điệu và tứ thơ Đỗ Phủ trong bài Đăng cao:
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ Bất tận trường giang cổn cổn lai.
(Mênh mông lá úa bời bời rụng Man mác sông dài cuộn cuộn mau)
Phan Cự Đệ trong phần nghiên cứu Thơ mới đã nêu có sự gặp gỡ hoặc tình cờ, hoặc hữu ý giữa Huy Cận và Lưu Trường Khanh qua khổ thơ:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dợn dợn vời con nước Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
(Huy Cận-Tràng giang) Và:
Hà châu vô lãng phục vô yên Sở khách tương tư ích điểu nhiên Hán khẩu tịch dương tà độ điểu Động Đình thu thủy viễn liên thiên
…
(Bãi sông Hà không có sóng lại không có khói Nhớ đến người khách nước Sở lại càng ngậm ngùi (Sở khách: chỉ Khuất Nguyên đời Xuân Thu) Cửa Hán khẩu về chiều, lúc xế bóng chim bay qua Hồ Động Đình nước mùa thu xa thẳm liền trời
(Lưu Trường Khanh-Tự hạ khẩu chí Anh vũ châu, vọng Nhạc dương ký Nguyễn Trung Thừa; dịch Từ Hạ khẩu đến bãi Anh vũ trông sang lầu Nhạc dương gửi Nguyễn Trung Thừa)
Hai khổ thơ trên có nhiều điểm gặp gỡ nhau nhưng một bên là tình cảm
“nhớ nhà” và một bên là “nhớ bạn”.
Có người cho rằng hai câu cuối trong bài Tràng giang âm hưởng nỗi buồn của Thôi Hiệu trong bài Hoàng hạc lâu. Nhà thơ Huy Cận giải thích:
“Bài thơ kết thúc bằng nỗi nhớ quê hương da diết. Tôi nói khác ý thơ Thôi Hiệu:
Quê hương khuất bóng hoàng hôn Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Vì lúc đó (1939) tôi buồn hơn Thôi Hiệu nhà Đường. Tôi thường nói vui rằng cảnh trên sông nước có khói sóng làm cho Thôi Hiệu buồn nhớ quê còn tôi thì không có khói sóng cũng da diết nhớ quê hương” [73, 62-65].
Riêng cảm nhận của người viết luận án trong quá trình tìm hiểu thơ Huy Cận, cho rằng âm hưởng thơ Đường có khi được tìm thấy bắt đầu là một chút
“dấu vết”, được gợi lên từ một từ trong câu thơ. Trường hợp từ “vạn lý” “núi tiếp mây” trong câu thơ bài Vạn lý tình của Huy Cận:
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây Nắng đã xế về bên xứ bạn
…
làm người đọc liên tưởng ý thơ của Vương Bột:
Tràng giang bi dĩ trệ Vạn lý niệm tương quy Huống phục cao phong vãn Sơn sơn hoàng diệp phi
(Vương Bột- Từ quy - Muốn về) (Sông dài buồn ở mãi
Đường xa vạn dặm muốn về ngay Chỉ ngại gió chiều mạnh
Lá vàng bay (qua) nhiều núi )
Hoặc, người viết cũng nhận ra một ý thơ khác trong bài Mưa:
Buồn mưa không định, chỉ ngùi ngùi Lòng êm như chiếc thuyền trên bến Nghe rét thu về hạ bớt mui…
(Huy Cận- Mưa)
Đoạn thơ khi đọc lên, người viết đã liên tưởng ý thơ của Bạch Cư Dị:
Giang vân ám du du
Giang phong lãnh tu tu Dạ vũ trích thuyền bối, Dạ lãng đả thuyền đầu
(Mây trên sông kéo một dải đen xa dằng dặc, Gió trên sông lạnh căm căm
Mưa đêm nhỏ giọt trên mui thuyền Sóng đêm dập vào mũi thuyền) Tản Đà dịch thơ:
Mây sông kéo tới đùn đùn,
Gió sông thổi lạnh ghê hồn khách sông Mưa đêm rỏ xuống mui bồng
Sóng đêm dồn vỗ long bong mũi thuyền.
(Chu trung vũ dạ- Trong thuyền đêm mưa, đăng báo Ngày Nay số 107, 24-4-1938)
Có thể âm hưởng thơ Đường, hồn Đường ảnh hưởng đến Huy Cận một cách gián tiếp so với Xuân Diệu (Xuân Diệu được bố ruột là cụ Hàn Thọ, một nhà Nho uyên thâm đã đào luyện trực tiếp cho con vốn thơ ca Việt Nam cổ, thơ Đường, từ lúc Xuân Diệu còn là cậu học sinh nhỏ ở trường Quy Nhơn).
Trong thơ Đường, sự hài hòa giữa tâm hồn con người và thiên nhiên; nỗi cô đơn của con người trước thiên nhiên phóng khoáng cao rộng, hay hoang vắng, rất gần gũi với cá tính, với hồn thơ Huy Cận. Chính những âm hưởng này đã góp phần tạo nên một trong những nét phong cách trữ tình tha thiết nhưng thật sâu lắng, hài hòa của phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận.
2.3.2.2.Ảnh hưởng thơ Pháp
Về âm hưởng thơ Pháp trong phong trào Thơ mới nói chung và thơ Huy Cận nói riêng cũng là đề tài lâu nay được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Trong chuyên đề “Khải luận về phong trào Thơ mới”, Hà Minh Đức nhận xét:
“Phong trào Thơ mới phát sinh trong hoàn cảnh thơ Việt Nam bắt đầu chịu nhiều ảnh hưởng giao lưu của thơ Pháp. Các nhà thơ mới phần lớn là những trí thức đã tìm được trong thơ Pháp những điểm tương đồng gần gũi. Thơ Pháp thế kỷ XIX với những nhà thơ tiêu biểu như Alphonse de Lamartine (1790 – 1865), Alfred de Vigny (1797 – 1843), Victor Hugo (1802 – 1885), Alfred de Musset (1810 – 1857), Théophile Gautier (1811 – 1872), Charles Baudelaire (1852 – 1867), Stéphane Mallarmé (1842 – 1898), Paul Verlaine (1844 – 1896), Athur Rimbaud (1854 – 1891)… đã ảnh hưởng đến thơ ca Việt Nam. Một thế kỷ thơ Pháp từ lãng mạn như Lamartine đến tượng trưng như Mallarmé đã thu lại và in hình bóng mười năm của phong trào thơ mới.
Nhà thơ Pháp có ảnh hưởng nhiều nhất đến các tác giả thơ mới là Baudelaire được xem là người mở đầu cho thời kỳ hiện đại của thơ Pháp với tính đa diện, nhiều màu vẻ. [32, 679-680 ]
Ảnh hưởng của Baudelaire với quan niệm thơ “Mùi hương, màu sắc và âm thanh tương hợp cùng nhau” (Les parfums, les couleurs et les sons se répondent) gần như là “mode” thời thượng sáng tác của nhiều nhà thơ trẻ theo tân học lúc bấy giờ: Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương… Ngay cả nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cũng từng thú nhận trong nhật ký của mình, rằng ông hết sức ngưỡng mộ Baudelaire.
Theo Hữu Ngọc trong Phác thảo chân dung văn học Pháp: “Ông đồ” Vũ Đình Liên, người định cộng tác với Huy Cận ra tạp chí Văn học- Triết học Tao Phùng đã bày tỏ sự yêu thích của mình dành cho Baudelaire (Vũ Đình Liên cho biết đã dịch hết thơ Baudelaire), nhà thơ đang được coi là chủ soái xu hướng thơ Tượng trưng Pháp thế kỷ XIX. [96, 281 ]
Chịu ảnh hưởng Baudelaire, Xuân Diệu không ngần ngại lấy câu “Les parfums, les couleurs et les sons se répondent” (Hương thơm, màu sắc, và âm
thanh tương ứng nhau) làm đề từ cho bài Huyền diệu. Bài thơ cũng thể hiện quan niệm này với “khúc nhạc thơm”, “khúc nhạc hường”…
Hãy tự buông cho khúc nhạc hường Dẫn vào thế giới của Du dương;
Ngừng hơi thở lại, xem trong ấy Hiển hiện hoa và phảng phất hương
Nguyệt cầm cũng là bài thơ thể hiện mối “tương giao” ấy:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ của nhóm Xuân Thu Nhã Tập cũng không tách biệt với “không khí văn học của thời đại với âm hưởng Baudelaire buổi ấy”
qua bài Màu thời gian:
Duyên trăm năm đứt đoạn Tình một thuở còn vương Hương thời gian thanh thanh Màu thời gian tím ngát
Riêng Huy Cận thể hiện sự ảnh hưởng Baudelaire rõ nét nhất qua bài Đi giữa đường thơm với cảm hứng hòa hợp hương vị, âm thanh, màu sắc. “Tất cả đều bừng dậy sắc hương trong tương hợp với thanh âm của thiên nhiên tạo vật và của tâm hồn nhà thơ”:
Người cùng tôi đi giữa đường rải nắng Trí vô tư cho da thở hương tình
Người khẽ nắm tay tôi khẽ nghiêng mình Như sắp nói, nhưng mà không-khóm trúc Vừa động lá ta nhận vào một lúc
Cả không gian hồn hậu rất thơm tho
…
Một quan điểm khác của Baudelaire chịu ảnh hưởng từ Edgar Poe về cái đẹp- cái ác, cái ghê rợn. Ông thể hiện những suy nghĩ này qua bài thơ Chán chường (Spleen). Dựa trên các bản dịch thơ, người viết suy luận có thể âm hưởng của bài Chán chường có liên quan đến Nhạc sầu và Giấc ngủ chiều.
Huy Cận dường như đã cảm nhận cái âm hưởng “ghê rợn” của E. Poe và Baudelaire, bộc lộ qua bài Nhạc sầu:
Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!
Kèn đám ma hay ấy tiếng đau thương Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ!
Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế
Và đó cũng là sự chán chường nhân thế của của nhà thơ:
Thâu qua cái ngáp dài vô hạn Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn
(Giấc ngủ chiều)
Ý thơ trong bài Giấc ngủ chiều đã gợi cho người đọc liên tưởng câu
“nuốt chửng thế giới trong một cái ngáp”, bộc lộ sự chán chường của chứng u sầu… trong bài Spleen (Chán chường) của Baudelaire.
Nhìn lại buổi đầu chuyển đổi đi từ nền giáo dục Nho học ở Việt Nam bước sang nền giáo dục tân học của Pháp, rõ ràng là một sự xáo động dữ dội về sự tiếp nhận hay phủ nhận cái mới; giữ gìn hay phá bỏ cái cũ trong nhận thức của nhiều trí thức trẻ đầu thế kỷ XX. Riêng Huy Cận, những âm hưởng của thơ Đường, thơ Pháp gần như được pha trộn hài hòa cùng với ảnh hưởng thơ ca dân tộc đã tạo nên một nét riêng độc đáo trong phong cách thơ ông.
2.4. Tiểu kết chương 2:
Xoay quanh quỹ đạo thơ ca lãng mạn giai đoạn 1930-1945, những cảm hứng từ thời đại mới, từ thơ ca mới với cái tôi- cá nhân được các nhà thơ thể hiện qua nhiều góc cạnh khác nhau của tâm hồn. Với giọng điệu sầu não, đầy tính triết lý, vũ trụ thơ Huy Cận thật quen thuộc qua những cảm hứng sáng tác từ nét chung của thời đại, của phong trào Thơ mới đến nét riêng của nhà thơ.
Nỗi sầu vũ trụ, nỗi buồn không gian vẫn là cảm hứng đầu tiên và tạo nên “bản sắc riêng” của Huy Cận kể từ khi Lửa thiêng ra mắt công chúng lần đầu.
Nhưng, tất nhiên, hồn thơ Huy Cận vẫn còn nhiều “lớp” tư duy nghệ thuật trong sáng tác thơ ca. Người viết vận dụng một số thao tác quen thuộc qua một số lý thuyết cấu trúc ngôn ngữ văn bản nghệ thuật của Lotman, như điểm nhìn nghệ thuật, không gian nghệ thuật… Ngoài ra, vận dụng cách khai thác thi ảnh từ những sự việc, sự vật, môi trường… qua các yếu tố vật chất quen thuộc, theo lý thuyết của nhà triết học Pháp, Bachelard như Đất, Nước, Lửa, Không Khí… Những thi ảnh lặp đi lặp lại này ít nhiều đều liên quan đến cuộc sống của nhà thơ. Sự cảm nhận này thể hiện qua thơ ca Huy Cận, hoặc được nhà thơ thố lộ qua hồi ký, qua lời kể chuyện của ông… Tất nhiên, những quan niệm này không khác biệt với qua niệm bao quát về phong cách của Khrápchenkô: Phong cách là khả năng thể hiện sự chiếm lĩnh cuộc sống bằng hình tượng, khả năng chinh phục bạn đọc của nhà văn, phong cách thực hiện vai trò trong sự hình thành cấu trúc bên trong của các hiện tượng văn học.
Dựa trên văn bản tập thơ Lửa thiêng, chương 2 khái quát các cảm hứng tiêu biểu tạo nên vũ trụ thơ Huy Cận. Đây cũng là những đề tài thể hiện trong Lửa thiêng, cho thấy một hồn thơ thật phong phú, mang phong cách trữ tình- triết lý sâu sắc của Huy Cận: Nước- Nỗi buồn và tình yêu; Lửa – Sự hoài niệm về sứ mệnh thắp sáng chưa tròn của một nhà thơ; Đất, sự suy tưởng về sống, chết… Song song với phần lý giải và trình bày ở chương 2, luận án vừa kế thừa, vừa tìm ra một số chi tiết ảnh hưởng, âm hưởng văn chương Việt
Nam (thơ ca cổ điển, thơ ca dân gian), thơ Đường, thơ ca phương Tây và tri thức tinh hoa văn hóa, văn chương, triết học thế giới trong thơ Huy Cận. Sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, tính chất triết lý, quan niệm nghệ thuật của phương Đông, phương Tây đan xen vào thời đại với một biên độ khá rộng. Tuy nhiên, điều ấy tùy thuộc vào sự tiếp nhận, tiếp biến ở mỗi nhà thơ có khác nhau. Người đọc thật thú vị khi tìm thấy những đặc điểm vừa giống nhau nhưng cũng thật khác nhau giữa Xuân Diệu và Huy Cận. Nếu như Xuân Diệu được hấp thụ thơ Đường trước thơ ca phương Tây và ông đã vận dụng nhiều phương thức thơ mới, tân kỳ, làm đậm đà phong cách trữ tình, nồng nhiệt, sôi nổi trong thơ ông, thì Huy Cận từ tiếp nhận sâu sắc nền giáo dục của Pháp nhưng ảnh hưởng, âm hưởng trữ tình cổ điển và triết lý thâm trầm của phương Đông, lại là nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật thơ Huy Cận.
Tóm lại, những phần mục trình bày trên đây phần nào nêu bật một số khía cạnh lớn trong tư tưởng và tư duy nghệ thuật của Huy Cận. Đó cũng là cách khẳng định rõ nét phong cách thơ vừa mang tính trữ tình tha thiết vừa thấm đượm tính triết lý thâm trầm, chững chạc của thơ Huy Cận.
Tuy nhiên, để nhận diện phong cách thơ Huy Cận một cách hoàn chỉnh trong chỉnh thể tác phẩm, hướng đến phần phân tích một số khía cạnh nổi bật qua ngôn ngữ thơ Lửa thiêng sẽ là nhiệm vụ kế tiếp của chương 3.