Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ HUY CẬN THỂ HIỆN QUA VŨ TRỤ THƠ LỬA THIÊNG 2.1. Cảm hứng sáng tạo và giọng điệu thơ của Huy Cận
2.3. Ảnh hưởng của văn chương trong thơ Huy Cận
2.3.1. Ảnh hưởng văn chương Việt Nam
2.3.1.1 Ảnh hưởng văn chương Việt Nam cổ điển
Thực sự, nói đến sự tiếp biến, hay âm hưởng thơ ca dân tộc cổ điển, thơ ca phương Đông, thơ ca phương Tây trong Thơ mới nói chung và trong thơ Huy Cận nói riêng, khó có thể phân tích một cách tách bạch. Bởi, những hồn thơ gần như “hòa tan” vào những hồn thơ để các thi sĩ tiếp tục tìm nguồn cảm hứng sáng tạo. Những tiếp biến, tác động qua lại; có thể lý giải sự “hòa tan”
văn chương bình, dân, văn chương bác học vào thơ ca của nhiều thế hệ nhà thơ, nhà văn một cách bao quát, rộng rãi có khi là ảnh hưởng trực tiếp nhưng đôi khi chỉ ảnh hưởng gián tiếp (trường hợp này có thể gọi là âm hưởng)
Đọc thơ Huy Cận, người viết luận án bắt gặp nguồn mạch thơ ca cổ điển vẫn bộc lộ qua những cảm hứng, đề tài về thiên nhiên, thời gian, nỗi buồn, sự ly biệt…Trong bài đề tựa tập Lửa thiêng, xuất bản năm 1940, Xuân Diệu nhận xét Huy Cận: “Đời xưa có một người thi sĩ lành như suối nước ngọt, hiền như cái lá xanh; gần chàng, người ta cảm nghe một nỗi hòa vui, như đứng giữa thiên nhiên, tâm hồn thơ thới. Thi sĩ thuở xưa làm những bài thơ bao la như lòng tạo vật. Xưa kia, chàng thương mến cỏ hoa, yêu dấu ân tình…
Ấy là Huy Cận đó - nhưng một “thi sĩ thiên nhiên” như chàng thì ở thời nào chẳng được, ở thời nay cũng như ở thời xưa…”
Xuân Diệu nhận xét Huy Cận là “nhà thơ thiên nhiên” không phân biệt ở vào thời đại xưa hay nay, điều ấy cho thấy tính chất truyền thống thơ ca dân tộc thấm đượm trong hồn cốt của Lửa thiêng. Qua 50 bài thơ tuyển chọn, hình ảnh thiên nhiên hiện lên như những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp, thay đổi theo mùa; trong đó, nhà thơ viết về mùa xuân 04 bài; hạ:
03; thu: 02; đông: 02. Chỉ nhận xét riêng “cái chất” thiên nhiên trong thơ Huy Cận đã cho thấy đề tài mùa thu khá quen thuộc và có tính kết nối qua nhiều thế hệ nhà thơ. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả mùa thu: Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san; Nguyễn Khuyến mô tả sắc thu qua những bức tranh quê hương Nam Định: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (Thu vịnh), Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt (Thu điếu), Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (Thu ẩm); Tản Đà với bài Gió thu đầy cảm xúc trước sự chuyển mùa, vừa mang ý nghĩa thay đổi không gian, thời gian, vừa cho thấy những đổi thay của tình người trong xã hội:
Trận gió thu phong rụng lá vàng Lá bay hàng xóm lá bay sang Vàng bay mấy lá năm già nữa Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng…
Nằm trong mạch thơ với những cảm hứng về mùa thu, các nhà thơ như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Bích Khê… đều có “thơ mùa thu”. Cho nên, khi bài Thu rừng của Huy Cận ra đời, âm hưởng từ thơ ca cổ điển chất chứa trong “hồn cốt” của bài thơ, cũng là lẽ đương nhiên:
Bỗng dưng buồn bã không gian Mây bay lũng thấp giăng màn âm u
…
Sầu thu lên vút song song
Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu
Âm hưởng thơ ca cổ điển trong thơ Huy Cận, còn có thể được cảm nhận
“gián cách” khi nhà thơ dùng từ, nhóm từ qua một số câu thơ có liên quan thơ cổ điển.
Dừng cương nghỉ ngựa non cao, Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon
Hai câu thơ Huy Cận dễ làm người đọc liên tưởng một “khách lữ thứ”
trong thơ Bà Huyện Thanh Quan:
Đi rồi khuất ngựa sau non
Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu (Đẹp xưa) Ngã ba tà áo lặn…
Dặm trường thương cố nhân (Tiễn đưa)
“Tràng đạc”, “tịch liêu”, “dặm trường”, những từ gợi cho người ta liên tưởng đến Truyện Kiều:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường Đọc hai câu thơ của Huy Cận:
Bên nhà, sông nước chảy Bên sông, lặng bóng lầu.
(Khung tình)
Khung cảnh thơ mộng của Khung tình rất trữ tình hiện đại, thế nhưng qua hai câu thơ, người đọc vẫn liên tưởng đến không gian cổ điển sau buổi gặp gỡ của Kim Trọng và chị em Thúy Kiều:
Dưới cầu nước chảy trong veo Bên cầu tơ liễu, bóng chiều thiết tha
Mô tả sông nước, Huy Cận thường sử dụng từ “tràng giang”:
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp (Tràng giang) Thuyền người đi một tuần trăng, Sầu ta theo nước tràng giang lững lờ
(Thuyền đi)
Những câu thơ có từ “tràng giang” của thời đại đầu thế kỷ XX nhưng dường như vẫn “nối mạch” với hệ từ “tràng giang” trong Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ của thơ Bà Huyện Thanh Quan.
Câu thơ Có ai gửi ý trong xuân vũ (Xuân) của Huy Cận khiến người đọc càng đi ngược thời gian xa xưa hơn khi liên tưởng từ “xuân vũ” còn là ý thơ, tứ thơ trong thơ Nguyễn Trãi. Những từ “tấm thân xương”, “kiếp ngủ giường”, “gối ấm”, “mền”, “nệm”, “xương cọ vào xương”… trong bài Ngủ chung của Huy Cận, tưởng như “rất Tây”. Vậy mà, khi Xuân Diệu đọc lại bài Ba tiêu của Nguyễn Trãi, đã nhắc chi tiết “rất đời thường” của con người, liên quan đến bài thơ chữ Hán Lãnh noãn tịch, nghĩa là “Chiếu lạnh ấm”. Trong bài có câu: Lông mềm nệm êm, mùi thơm lọt vào xương; da nhuyễn, chiếu lạnh, hơi mát ngắm vào da thịt (bản dịch). Ý thơ được nhà thơ Xuân Diệu diễn giảng: “…ở con người có chí khí anh hùng, có tài năng kinh bang tế thế, có tâm huyết, và còn có xương, có thịt, có da, có một sự xúc cảm rất da thịt…” [90, 89]. Chi tiết này càng cho thấy thơ Huy Cận rất gần với thơ ca cổ điển Việt Nam.
Đặng Tiến trong Thơ - Thi pháp và chân dung, bài về Nguyễn Trãi với câu thơ mang tính chất mỹ học cổ điển: Nắng quáng thưa thưa bóng trúc che, được
đối chiếu ngược trở lại với hình ảnh đẹp của bóng cây, bóng hoa trong thơ Huy Cận [146, 113-115]:
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng (Đi giữa đường thơm)
Đất thêu ánh nắng hay nắng thêu trên mặt đất? Câu thơ đầy sáng tạo, hàm ý nghĩa giữa hai chủ thể đất và nắng đan vào nhau lung linh, không phân biệt đâu là chủ thể ban đầu!
Về từ “đìu hiu” trong câu thơ “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu”, Huy Cận trong một câu chuyện kể cũng cho biết ông đã học tập từ câu thơ Chinh phụ ngâm: “Non Phì gió thổi đìu hiu mấy gò” [21, 237-238]
2.3.1.1 Ảnh hưởng thơ ca dân gian
Trong Lửa thiêng, thơ Huy Cận ảnh hưởng ca dao, dân ca không nhiều so với giai đoạn ông sáng tác sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc và những năm tháng chiến tranh. Tuy nhiên, dấu vết dân ca Nghệ Tĩnh có thể tìm thấy qua thể loại thơ 4 chữ, 5 chữ (Điệu buồn, Chiều xuân, Ê chề).
Mưa rơi trên sân Mái nhà nghiêng dần
Ôi buồn trời mưa!
Nhìn trăm sao buồn Của mưa trên sân Ôi lòng buồn chưa !
Đêm sa xuống gần
…
(Điệu buồn)
Âm điệu thơ mang âm hưởng câu ca xứ Nghệ:
Anh đến giàn hoa Thì hoa đã nở
Anh đến bến đò Đò đã sang sông
Anh đến tìm em Em đã lấy chồng
…
Riêng câu thơ Sợi buồn con nhện giăng mau (Ngậm ngùi) có lẽ cũng là một trường hợp vừa phổ biến liên quan đến lối hát ví dặm Nghệ Tĩnh (dành cho thơ lục bát và thơ 8 chữ), vừa là trường hợp hiếm hoi về một bài ca dao khá quen thuộc đã được nhà thơ chọn lựa, bộc bạch, diễn tả nỗi buồn thật tinh tế:
Đêm qua ra đứng bờ ao
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ Buồn trông con nhện giăng tơ
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai…
Buồn trông chênh chếch sao mai Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ