Một tổng thể văn hóa mới ra đời

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật thơ huy cận qua lửa thiêng (Trang 48 - 57)

1.3. Những dấu ấn đổi mới đầu thế kỷ XX

1.3.1. Một tổng thể văn hóa mới ra đời

Những năm đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp không ngừng tham vọng thống trị, tiếp tục củng cố bộ máy chính quyền, dưới chiêu bài mỹ miều là

“chính sách khai hóa” của “văn minh mẫu quốc” đến các nước bị trị. Chúng ra sức đàn áp các phong trào yêu nước và tiếp tục khai thác triệt để kinh tế thuộc địa. “Sự khai hóa” và “khai thác, mở mang văn minh” kiểu Pháp áp đặt trên đất nước Việt Nam, dù có sự chống trả của những người yêu nước nhưng chỉ là những ánh đuốc nhỏ, sớm bị chúng dập tắt. Hệ lụy tiếp theo là cấu trúc xã hội của chế độ phong kiến Việt Nam bị biến đổi dữ dội.

Khoảng thời gian này, Hán học thực sự suy tàn. Nam Kỳ đã bỏ khoa thi chữ Hán vào năm 1864, Bắc Kỳ (1915), Trung Kỳ (1918, thêm khóa ân khoa 1919) và chương trình dạy chữ quốc ngữ, tiếng Pháp đã được đưa vào chương trình của học trò tiểu học. (Trong phần nghiên cứu về giáo dục Pháp- Việt đầu thế kỷ XX ở Việt Nam và nghiên cứu sự hình thành trường văn học Việt Nam ở ba thập niên đầu thế kỷ XX, Phạm Xuân Thạch có mô tả rõ chương trình, môn học, quy chế đào tạo… ở các bậc học trong giai đoạn này) [178], [179].

Trí thức Nho học hoang mang trước con đường khoa cử chông chênh, hấp hối mà tiền đồ học chữ quốc ngữ cũng xa xôi, mờ mịt! Bức tranh trường thi cũ, bức tranh xã hội buổi giao thời được nhà thơ Tú Xương mô tả với tâm trạng đầy chua chát, u uất:

Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ

Ậm ọe quan trường miệng thét loa Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến Váy lê quét đất, mụ đầm ra

Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

Chi bằng đi học làm ông Phán Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

Với cái nhìn của nhà nghiên cứu văn học nước ngoài, Nikulin nhận xét lịch sử xã hội và văn học Việt Nam giai đoạn này như sau: “…Đầu thế kỷ XX là một thời kỳ quá độ trong lịch sử văn học Việt Nam, khi sự thống trị của thực dân Pháp được củng cố, khi phong trào chống đối nó phát triển và giai cấp tư sản bản xứ đã mọc đủ lông đủ cánh. Đặc điểm của thời kỳ đó là sự xáo trộn giữa cái cũ và cái mới, là sự đấu tranh quyết liệt với hệ tư tưởng phong kiến. Tư tưởng xã hội, triết học và khoa học phương Tây đã có ảnh hưởng đối với văn học thời đó nhiều hơn là nghệ thuật của nó.” [95, 701]

Ngoài ra, trong thực tế, nghiên cứu các hệ tư tưởng và môi trường văn hóa đầu thế kỷ XX, Nguyễn Đức Đàn nhận định “sự xáo trộn giữa cái cũ và cái mới là sự đấu tranh quyết liệt với hệ tư tưởng phong kiến”. Chính “Âu hóa” đã làm cho văn học nghệ thuật nước ta, từ sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, bước sang thời kỳ phát triển mới chưa từng có trong lịch sử, làm cho ngôn ngữ văn học, các thể loại văn học nghệ thuật và báo chí phát triển khá mạnh. Lần đầu tiên nhân dân Việt Nam biết đến âm nhạc cổ điển Tây phương, kịch nói, tiểu thuyết, phim ảnh, báo chí thông tấn… [168]

Về báo chí, tiếp thu giữa cái mới và vận dụng yếu tố văn học, nghệ thuật truyền thống, lần lượt, các tờ báo từ phổ thông đến chuyên ngành văn chương đã xuất hiện: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, An Nam tạp chí, Phụ Nữ Tân Văn, Phong Hóa, Ngày Nay, Tiếng Dân…

Tìm hiểu sự phát triển văn hóa nghệ thuật qua góc nhìn kiến trúc, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng có một lời đáp rất thú vị nhưng ít được giới nghiên cứu quan tâm lý giải. Đó là sự thay đổi khá lớn của việc tái cấu trúc không gian kiến trúc đô thị các thành phố của Việt Nam đầu thế kỷ XX đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, nghệ thuật và tri thức của

người dân Việt Nam. Việc xây dựng các công trình kiến trúc như tòa nhà phủ Toàn quyền Đông Dương, nhà thờ Phát Diệm, lăng Khải Định, cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền, nhà phố, biệt thự, trường học, rạp hát v.v… chắc chắn đã làm thay đổi nhiều quan niệm sống của những người Việt Nam đương thời và có thể đã tạo “chất xúc tác” hay “phương tiện” cho các bộ môn nghệ thuật khác phát triển. Ví dụ rạp hát ra đời là cơ sở để bộ môn nghệ thuật cải lương, kịch nghệ có địa điểm biểu diễn, phát huy và sau này là bộ môn âm nhạc, điện ảnh... tiếp tục phát triển. Cũng cần nói thêm, từ chính sách khai hóa và thực dụng của Pháp, các trường đào tạo nghề thủ công mỹ nghệ, mỹ thuật lần lượt ra đời (trường thủ công mỹ nghệ Thủ Dầu Một, Biên Hòa, trường Vẽ Gia Định, và sau này đến trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương).

Vào thời điểm này, trong khi tiểu thuyết, thơ ca, hội họa, kịch nghệ sân khấu từng bước phát triển thì cải lương là loại hình nghệ thuật nổi bật, phát triển mạnh mẽ nhất và nhanh chóng chinh phục sự hâm mộ của đông đảo khán giả từ Nam ra Bắc… Nhạc mới (tân nhạc) là loại hình ra đời muộn hơn, từ sự du nhập âm nhạc phương Tây, ảnh hưởng từ những bài hát Ta điệu Tây.

Tân nhạc chính thức xuất hiện từ năm 1938, khi phong trào Âm nhạc mới do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Sài Gòn ra hô hào tại đất Bắc. Không lâu, các nhóm Tân nhạc như Myosotis của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Vũ Khánh, Trần Dư…; nhóm Tricéa của Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn…;

nhóm Phạm Đăng Hinh v.v… đã hình thành khá khí thế. Một số bài ca mới đã xuất hiện: Kiếp hoa, Đôi oanh vàng, Hoa tàn, Trên thuyền hoa, Biệt ly, Đêm thu, Con thuyền không bến… [140] Tuy ra đời muộn hơn nhưng tính chất gần gũi giữa thơ và nhạc, ít nhiều đã có sự tác động qua lại, khi trào lưu Thơ mới phát triển.

Thực ra, ảnh hưởng qua lại của thơ và nhạc đã có từ lâu trong lịch sử văn học. “Lời nhạc là dòng dõi của thơ, lời thơ là họ hàng của nhạc” [141, 270].

Người xưa phổ thơ vào nhạc cung đình, vào ca trù. Đầu thế kỷ XX, buổi đầu của nền tân nhạc Việt Nam, các nhạc sĩ vẫn thường phổ thơ cho ca khúc của mình. Dấu ấn qua lại giữa ngôn từ và ca từ xuất hiện qua nhạc Nguyễn Xuân Khoát, Dương Thiệu Tước, Dzoãn Mẫn (về sau, Phạm Duy là người phổ nhạc tương đối nhiều bài thơ của các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới, như Ngậm ngùi của Huy Cận, Cô hái mơ của Nguyễn Bính, Tiếng sáo Thiên thai của Thế Lữ…). Văn Cao sáng tác thơ, đồng thời cũng tự viết ca từ cho ca khúc như các nhạc sĩ Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn… (không hẹn mà gặp, cả ba nhạc sĩ đều có bài về Thiên thai , Thu, Giọt mưa thu. Phần nhiều ca từ trong nhạc của các nhạc sĩ và ngôn từ trong thơ của các thi sĩ dễ thể hiện giống nhau, do cảm xúc và tâm tình tương tự của những nghệ sĩ cùng thời đại).

Có thể nói trong giai đoạn mới, văn hóa Việt Nam chuyển biến sâu sắc từ sự du nhập văn minh Âu Tây vào mảnh đất đã thấm sâu nền văn hóa Nho giáo. Một “diện mạo tổng thể văn hóa mới” xuất hiện và ảnh hưởng của nó đã dần dần lan tỏa đến thế hệ trẻ Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Mặc dù vậy, những yếu tố mới xuất hiện trong xã hội Việt Nam cũng bộc lộ điểm yếu và điểm mạnh của nó. Khi đã qua rồi thời kỳ thể hiện sự

“kháng cự” của nền văn hóa truyền thống đối với văn minh Âu Tây trong buổi đầu chống Pháp, thế hệ trí thức, nghệ sĩ trẻ, một mặt tiếp nhận cái mới, và một mặt ý thức tìm hiểu, khám phá lại bản sắc văn hóa, nghệ thuật độc đáo của dân tộc. Đó cũng là buổi đầu thành công của sự vận động, khôi phục vốn văn hóa dân tộc qua tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, Trần Quang Trân, Tô Ngọc Vân; tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí… Về âm nhạc, nhạc sư Vĩnh Bảo nhận xét: “khi nghe nhạc Tây, hát nhạc Tây, bài Ta đã nhàm chán, người ta càng cảm nhận thấm thía cái chiều sâu của âm nhạc truyền thống dân tộc.

Đó là niềm tự hào tiềm tàng trong lòng con người Việt Nam. Một dân tộc mất đi nền văn hóa của mình, ví như con người có xác mà không có hồn… Với

4.000 năm văn hiến, lẽ nào người Việt lại không có một nền âm nhạc riêng của dân tộc mình.” [16] Trong những năm đầu thế kỷ đến giữa thế kỷ XX, ca trù, ca Huế, âm nhạc đờn ca tài tử miền Nam vẫn phát triển bên cạnh sự xâm nhập của nhạc Tây, chính là vậy.

Đồng thời, lúc bấy giờ, âm ba tiếng vọng thế kỷ của các phong trào duy tân xã hội ở phương Đông hay những sự kiện lịch sử, văn hóa, mô hình hiện đại hóa văn chương Trung Quốc, Nhật Bản… đang dội vang đến Việt Nam.

Sự phát triển tư tưởng, văn hóa trong bối cảnh chính trị một đất nước bị thực dân cai trị, có lẽ đã thúc đẩy trong lòng nhiều thanh niên ý muốn xuất dương tìm một hướng đi mới. Đây cũng là cơ hội của những người yêu nước, mong muốn một cuộc vận động đổi mới dựa vào cái hay, tiến bộ của “Âu hóa” cùng với việc chấn hưng văn hóa, nghệ thuật dân tộc, nâng cao dân trí thanh niên, nhằm cổ vũ những phong trào yêu nước, chống thực dân. Chính lúc này, cuộc khởi nghĩa Yên Bái của giai cấp tư sản, tiểu tư sản bị thất bại; thực dân Pháp ra sức đàn áp, khủng bố dã man! Song, rất may mắn, một tia sáng cách mạng đã được thắp lên: Đảng Cộng sản Đông Dương, đảng của giai cấp công nhân vừa ra đời, năm 1930…

Nhìn lại cuộc tiếp xúc của Việt Nam với văn hóa phương Tây đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hoàn từng phân tích tại một cuộc hội thảo quốc tế Việt Nam học năm 1998, ở Hà Nội: “…Việt Nam, cho đến lúc đó, chỉ biết có văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Quốc, cùng các tôn giáo và hệ tư tưởng như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, bắt đầu làm quen với văn hóa phương Tây. Nhưng phải đợi đến đầu thế kỷ XX, khi sự biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam, đã làm nảy sinh những nhu cầu tinh thần mới và văn hóa Pháp đã có đủ thời gian cần thiết thấm sâu vào các tầng lớp dân chúng Việt Nam thì văn hóa phương Tây mới bắt đầu có ảnh hưởng đến các lĩnh vực hoạt động của đời sống tinh thần Việt Nam...”[48] Nhận xét của ông tương đối khái quát bức

tranh văn hóa Việt Nam buổi đầu bắt đầu “bị thẩm thấu” văn hóa phương Tây. Nhưng, từ đấy đã bắt đầu báo trước một xu thế vận động đi lên theo chiều hướng khách quan của thời đại mới qua sự bùng nổ “những cuộc tranh luận tư tưởng văn nghệ” trên diễn đàn báo chí lúc bấy giờ.

Đó cũng là một trong những dấu ấn sâu đậm của văn học Việt Nam đang chuyển động sang giai đoạn mới. Trong lời nói đầu công trình biên soạn, sưu tầm những cuộc tranh luận văn nghệ thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận xét: “…song song với cuộc vận động cứu nước do các nhà yêu nước chủ trương, nhằm thức tỉnh, tập hợp đồng bào đấu tranh giành lại độc lập cho đất nước, sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa, văn nghệ dân tộc nhịp với xu thế hiện đại của thế giới, cũng được tiến hành rầm rộ.

Trên lĩnh vực văn chương nghệ thuật, bên cạnh sự nảy nở, phát triển của một số thể loại sáng tác đi dần vào quỹ đạo hiện đại hóa (Thơ mới, phóng sự- tân văn, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch nói…). Thể văn mới lý luận phê bình cũng ra đời, ngày một lớn mạnh.” [136, tr.1]

Cho nên, những cuộc bút chiến của thế kỷ XX chắc chắn sẽ tác động đến quan niệm sáng tác của thế hệ thanh niên tân học thời bấy giờ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh…

1.3.2. Thơ mới khẳng định vị trí trên thi đàn

Trào lưu Thơ mới xuất hiện vào thời điểm nền văn chương cũ thấm đẫm tính Nho học. Vì thế, tiến trình vận động đổi mới thơ ca không phải là một câu chuyện diễn ra một sớm, một chiều dễ dàng, nhanh chóng.

Nghiên cứu về tình hình văn học, nghệ thuật giai đoạn này, Thanh Lãng trong Phê bình văn học thế hệ 1932 [64] đã trình bày những đặc điểm chung, lý giải một số sự kiện nổi bật và mô tả tỉ mỉ 10 vụ án (vụ án Cũ và Mới; vụ án Phan Khôi - Trần Trọng Kim; vụ án Tản Đà - Phan Khôi; vụ án Duy tâm - Duy vật; vụ

án Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh v.v…). Trong số này, vụ án Thơ cũ - Thơ mới cũng gây được sự chú ý lớn của dư luận và cuộc tranh cãi này diễn ra theo thời gian gần 10 năm trời. Điểm qua những cuộc diễn thuyết và các bài bút chiến trên diễn đàn báo chí, tên tuổi tiêu biểu của phe bênh vực Thơ mới, gồm Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, Vũ Đình Liên, Lê Tràng Kiều …; phe bênh vực Thơ cũ: Hoàng Duy Từ, Tường Vân, Phi Vân, Tùng Lâm, Lê Cương Phụng, Thái Phỉ, Nguyễn Văn Hanh, Chất Hằng, Động Đình, Thương Sơn…

Cuối cùng, sau chặng đường dài tranh luận, bút chiến trên diễn đàn diễn thuyết và báo chí từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, “Thơ mới” đã khẳng định được vị trí mới của mình, “sự toàn thắng của Thơ mới đã rõ rệt”; Thơ mới đã giành được quyền sống”; “cái tôi” của chủ nghĩa cá nhân được bộc lộ, giải bày khá phong phú… Qua Thi nhân Việt Nam và tiểu luận Một thời đại trong thi ca, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã nhận xét 169 bài thơ của 46 nhà thơ “Thơ mới” một cách thuyết phục. Cắt nghĩa sự có mặt của Thơ mới, Hoài Thanh phân tích từ “cái gốc tích” ban đầu “từ hồi Nguyễn Trịnh phân tranh, lúc người Âu mới đến. Cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hóa phương Tây, cái mầm sau sẽ thành Thơ mới…”. (nhà phê bình Đặng Tiến khi nhắc lại bối cảnh xã hội Việt Nam giai đoạn này với sự ra đời của thế hệ thanh niên tân học, lớp trí thức Tây học… đã dẫn ý kiến này và đánh giá sự nhận định của Hoài Thanh là sắc bén). Đánh giá, giới thiệu từng gương mặt các nhà thơ Thơ mới, Hoài Thanh quan niệm: “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Và, tuy quan niệm thưởng thức, thẩm định của Hoài Thanh chưa phải đã đầy đủ và thỏa đáng hoàn toàn nhưng đây là sự tổng kết đặc sắc nhất trong thời điểm bấy giờ về Thơ mới.

Điều đáng lưu ý về Huy Cận, trong số những bài báo “đả động” vụ án Thơ cũ- Thơ mới những năm này, đã có sự góp mặt của Huy Cận (bút danh Hán Quỳ) viết trên báo Tràng An số 108, ngày 24-3-1936, với thái độ ủng hộ thơ mới một cách điềm tĩnh, thận trọng. Ông viết: “Những cuộc cãi nhau về

“Thơ cũ” và “Thơ mới” đã qua. Nay chúng ta chỉ biết có thơ. “Thơ mới” chỉ là một hình thức của Thơ để diễn tả những tính tình và cảm giác của tâm hồn người ta ở thời đại mới. “Thơ mới” đã đứng vững với tác phẩm giá trị của những thi sĩ có tài: Thế Lữ, Huy Thông, Nhược Pháp… Thơ để diễn tả những tính tình và cảm giác của tâm hồn người ta ở thời đại mới”. Quan điểm này cho đến nay vẫn đầy tính thời sự, vì theo Todorov, nhà lý luận, phê bình văn học nổi tiếng của Pháp cho rằng tác phẩm luôn nằm trong một bối cảnh và luôn đối thoại với bối cảnh.” [159]

Nhận xét của Huy Cận cũng chính là sự bộc bạch những cảm hứng sáng tác của một thế hệ nhà thơ lúc bấy giờ, trong đó có cả tiếng thơ của ông, chuẩn bị cho tập Lửa thiêng sẽ ra đời sau đấy không bao lâu.

1.4. Tiểu kết chương 1:

Tóm lại, trong chương 1, xác định phong cách thơ Huy Cận đi từ khái niệm đến chọn lựa cách lý giải hợp lý, toàn diện, luận án đã trình bày qua các đề mục: gia đình, quê hương, truyền thống văn hóa một vùng đất, nơi đào tạo, ươm mầm hồn thơ và cả mối quan hệ bạn bè trong xã hội… Thực sự, tìm hiểu phong cách thơ Huy Cận dựa vào cuộc đời với những nhân tố ảnh hưởng đến sáng tác của ông chỉ là một bộ phận. Tuy nhiên, nó chính là góc độ nghiên cứu có tính chất cơ bản về con người nhà thơ. Huy Cận đã sống và hội nhập, thẩm thấu “tổng thể văn hóa” của thời đại, của hoàn cảnh lịch sử xã hội Việt Nam đặc biệt- và chính đó là môi trường ươm mầm, thúc đẩy sự phát triển tài năng, hình thành phong cách nghệ thuật thơ của ông.

Một phần của tài liệu Phong cách nghệ thuật thơ huy cận qua lửa thiêng (Trang 48 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(219 trang)