Trong văn chương Việt Nam cổ không có những khái niệm hay thuật ngữ về lý luận văn học một cách rõ ràng về phong cách. Tuy nhiên, sách bàn về thơ, “sách nói chuyện làm thơ”, dưới tên gọi “thi thoại”, đã được Nguyễn Dữ đề cập từ thế kỷ XVI qua Kim Hoa thi thoại ký, một trong những truyện hư cấu trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục. Cuộc nói chuyện thơ giả tưởng giữa ba nhà thơ đương thời Ngô Chi Lan, Phù Thúc Hoành, Thái Thuận, mang dáng dấp bàn về “phong cách các nhà thơ”, tưởng như thật hoang đường nhưng khá thực tế trong lịch sử văn học: “…Thơ của ông Chuyết Am kỳ lạ mà tiêu tao; thơ ông Vu Liêu mạnh mẽ mà khích động; thơ ông Tùng Xuyên như chàng trai xông trận, có vẻ sấn sổ; thơ ông Cúc Pha như cô gái chơi xuân, có vẻ mềm yếu. Đến như ông Đỗ ở Kim Hoa, ông Trần ở Ngọc Tái, ông Đàm ở Ông Mặc, ông Vũ ở Đường An, không phải không ngang dọc tung hoành; nhưng cầu lấy lời chín lẽ đạt, khiến cho làng phong nhã phải phục thì chỉ duy những bài đầy lời trung ái của ông Nguyễn Ức Trai, lòng lúc nào cũng chẳng quên vua, có thể chen vào môn hộ của Đỗ Thiếu Lăng được.
Còn đến giọng thơ biến hóa được khói mây, lời thơ quan hệ đến phong giáo, thì lão phu đây cũng chẳng chịu kém thua mấy”. [22, 219]
Khi viết thể lệ biên soạn Toàn Việt thi tập, Lê Quý Đôn có nhận xét sở trường riêng của mỗi tác giả như các yếu tố liên quan đến phong cách thơ:
“Văn chương của mỗi nhà đều có thể cách riêng. Nói về việc theo hầu nơi đài các thì ôn hòa, nhuần nhị và phong phú; nói về việc đóng quân, đồn thú thì lạnh lùng, hùng tráng. Miêu tả thời tiết, cảnh vật quý ở chỗ thanh cao, đẹp đẽ;
miêu tả núi rừng, ẩn dật quý ở chỗ nhàn nhã, phóng khoáng. Tỏ bày ý chí cần phải trang trọng: viếng cổ cần phải cảm khái; tặng nhau nên mềm mỏng, lưu luyến. Ý tứ lập trước, từ điệu theo sau, đem loại thơ này dùng cho các loại thơ khác mà không được, thế mới là tinh xảo, sít sao.” [141, tập 1, 87] Nguyễn Đức Đạt luận bàn về văn chương trong Nam Sơn tùng thoại cũng nêu ý tương tự: “Văn như con người của nó. Văn thâm hậu thì con người của nó trầm mà tĩnh; văn ôn nhu thì con người của nó khiêm mà hòa; văn cao khiết thì con người của nó đạm mà giản; văn hùng hồn thì con người của nó thuần túy mà đúng đắn” [141, tập 1, 276]. Hoặc, trong bài viết cuối Tập thơ Rừng Chuối, Cao Bá Quát cho rằng: “Thơ không có phẩm chất nhất định, phẩm chất của người là phẩm chất của thơ. Phẩm chất của người cao thì phẩm chất của thơ cao…” Cao Bá Quát nhận xét ý nghĩa này không khác với ý nghĩa “văn chính là người” của Buffon. Nhưng lời nhận định ở đây có dạng “định lý đảo” khi ông cho rằng “xem người thì có thể biết được thơ”. [141, tập 1, 246]
Nghiên cứu những vấn đề lý luận văn học qua nhiều thời đại, thuật ngữ phong cách được nhà lý luận văn học Phương Lựu cắt nghĩa trong Từ điển Văn học, tập 2 như sau: “Phong cách là chỗ độc đáo mang phẩm chất thẩm mỹ cao được kết tinh trong sự sáng tạo của nhà văn… Phong cách có thể biểu hiện ở cảm hứng, thể loại, ngôn ngữ nghệ thuật… Phong cách liên quan cả về tư tưởng và nghệ thuật… Phong cách bắt nguồn sâu xa từ hiện thực khách quan, bằng thực tiễn sống của nhà văn, nhà thơ…” [158]
Giải thích cặn kẽ hơn, Phương Lựu bổ sung: “… mỗi nhà văn có một nét riêng, nhưng chỉ có những cái riêng nào hay, sắc, sâu, tinh… thì mới đáng gọi là phong cách… Tất nhiên, cái hay, cái sắc, cái sâu, cái tinh trong từng phong
cách là khác nhau. Phong cách dứt khoát phải muôn màu, muôn vẻ…”[75, tập 1, 63]. Phương Lựu cũng phân tích sự khác nhau giữa phong cách và phương pháp sáng tác. Phương pháp sáng tác là hệ thống hữu cơ những nguyên tắc tư tưởng – nghệ thuật được xác định bởi một thế giới quan nhất định trong những điều kiện phản ánh cuộc sống bằng hình tượng. Khi thế giới quan thay đổi, chỉ có những nét phong cách nào không phù hợp, sẽ chuyển đổi; cái còn lại sẽ tiếp tục tồn tại. Chính vì thế, hai nhà văn khác nhau về thế giới quan và phương pháp sáng tác vẫn có thể giống nhau có mức độ ở phong cách.
Ngoài ra, qua nhiều cách lý giải của những nhà nghiên cứu văn học, nhà văn Việt Nam hiện đại, phong cách được cắt nghĩa qua những góc độ cảm nhận khác nhau như sau.
Ở góc độ nghiên cứu loại thể, Bùi Công Hùng trong Tìm hiểu nghệ thuật thơ ca [49] cũng cho rằng phong cách là kết quả của trình độ nghệ thuật cao, có dấu ấn tác động đến thời đại, người đọc, mở ra một cách viết, một cách thể hiện mới, được mọi người thừa nhận. Phần lớn các nhà văn, nhà thơ khi sáng tạo đều thể hiện cá tính sáng tạo, ra sức đi tìm cái mới, thể hiện cái không lặp lại bên cạnh cái lặp lại có tính kế thừa truyền thống. Tuy nhiên, chỉ khi nào nhà văn, nhà thơ đó đạt trình độ nghệ thuật cao trong nghệ thuật, mở ra được một cách nhìn mới, cách nghĩ mới, cách cảm thụ mới, được mọi người thừa nhận, người đó mới thực sự có phong cách, được chấp nhận là có phong cách.
Bàn luận về phong cách, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cũng nêu: “Phong cách là những nét chung, tương đối bền vững của hệ thống hình tượng, của các phương thức biểu hiện nghệ thuật, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của một nhà văn, một tác phẩm, một khuynh hướng văn học, một nền văn học nào đó”. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc, từng viết riêng một quyển sách Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, cắt nghĩa: “Phong cách là một cấu trúc hữu cơ của tất cả các kiểu lựa chọn tiêu biểu, hình thành một
cách lịch sử và chứa đựng một giá trị lịch sử, có thể cho phép ta nhận diện một thời đại, một thể loại hay một tác giả”. Nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, Đỗ Lai Thúy, chọn kiểu phân tích phân tâm học trong văn học (như kiểu Bút pháp của ham muốn) cũng nêu phong cách là cá tính chủ thể sáng tạo và sự tự do lựa chọn các phương thức ngôn ngữ để thể hiện nó trong tác phẩm. Ông nhấn mạnh đến cá tính và cho rằng cái chút riêng biệt nhỏ nhoi ấy là tất cả… Nguyễn Đăng Mạnh cũng cho rằng phong cách là một phạm trù thẩm mỹ. Nhà văn phải có tài năng thật sự, sáng tạo ra những tác phẩm có nghệ thuật cao mới được xem là nhà văn có phong cách. Nhà văn có phong cách sẽ tạo ra cho mình một thế giới nghệ thuật riêng…, có nhỡn quan về thế giới, có tư tưởng nghệ thuật (idée poétique) riêng của nhà văn… [80, tr. 8, 9]
Nói về kinh nghiệm sáng tác liên quan đến phong cách, nhà văn Nguyễn Tuân nêu: “Văn học có cái rất vui là phong cách. Cách nói, cách viết khác nhau…Mỗi người viết có một cái vision (nhỡn quan) riêng. Nó đẻ ra phong cách. Do thế mà anh thì thích tả gió, tả nắng, anh thì thích tả mây, tả mưa…
anh thì có sở trường này, sở trường nọ. Rồi cách đưa vấn đề nhiều vấn đề cũng khác nhau…” [155, 715].
Nhìn chung, từ quan niệm phong cách của phương Tây, phương Đông đến quan niệm phong cách của Việt Nam, đều cho thấy luôn có mối liên quan qua lại giữa tác giả - tác phẩm và ngược lại. Mối quan hệ qua lại và thống nhất giữa phong cách và phương pháp sáng tác, bút pháp, thi pháp… ít nhiều đều được các nhà lý luận nêu lên; trong đó, phong cách vẫn có ý nghĩa bao trùm. Nhà văn, nhà thơ thể hiện, mô tả cuộc sống, bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, của nhân vật… qua bút pháp đã chọn lựa (tả thực, tượng trưng, ước lệ…); điều đó góp phần tạo nên phong cách tác giả, phong cách tác phẩm. Bút pháp được chọn sử dụng trong quá trình sáng tác, có thể thay đổi
cho phù hợp tâm trạng tác giả hay đối tượng sáng tác nhưng phong cách vẫn không mất đi.